Rằm Tháng Tám

07:00 AM, Thứ hai, 16/09/2024
588

Tác giả: Phan Đông Viên

 

Thuở hồng hoang có 10 mặt trời chiếu xuống trái đất, mặt đất nóng bốc khói, khắp nơi hạn hán cháy rừng, mùa màng thất bát đến nỗi người dân không sống nổi. Lúc bấy giờ có một tráng sĩ tên là Hậu Nghệ thấu nỗi thống khổ của nhân dân, anh bèn trèo lên đỉnh núi Côn Luân cao hơn 7000m nằm trong dãy núi Thiên Sơn ở vùng cao nguyên Thanh Tạng (Thanh Hải + Tây Tạng Trung Quốc), Hậu Nghệ giương cung bắn rụng 9 mặt trời. Với tài năng của Hậu Nghệ, nhiều thanh niên đến xin làm học trò. Cảm kích trước lòng dũng cảm và khâm phục tinh thần vì dân của Hậu Nghệ, bà Tây Vương Mẫu - một bà tiên lão thành tu luyện và cai quản vùng núi Thiên Sơn đã tặng cho vợ chồng Hậu Nghệ mỗi người một viên thuốc trường sinh bất tử, với lời dặn khi nào vợ chồng muốn lên tiên thì chỉ việc uống viên thuốc. Vì Hậu Nghệ luôn thương yêu vợ là chị Hằng Nga xinh đẹp, không bao giờ muốn xa vợ bèn đem thuốc về giao cho vợ giữ. Chị Hằng Nga liền cất 2 viên thuốc vào túi điểm trang. Sự việc đó bị tên học trò bất hảo của Hậu Nghệ là Bồng Mông biết. Trong một buổi đưa học trò lên núi luyện tập, Bồng Mông cáo ốm không đi, khi Hậu Nghệ và đoàn học trò đã lên núi tập luyện thì Bồng Mông vào nhà Hậu Nghệ ép Hằng Nga phải đưa 2 viên thuốc. Hằng Nga chống cự nhưng không đủ sức, nàng đã vội vàng nuốt 2 viên thuốc. Sau đó thân thể nhẹ bỗng và nàng từ từ bay lên, nhưng vì không muốn xa chồng hơn nên đến mặt trăng thì dừng lại.

 

Khi về nhà được gia nhân kể lại chuyện Bồng Mông đến định chiếm đoạt 2 viên thuốc và sự việc Hằng Nga đã bay lên cung trăng. Hậu Nghệ vô cùng thương tiếc và đau xót, đến tối Hậu Nghệ ra ngắm trăng để cố tìm xem có thấy vợ không thì trong ánh trăng ngời sáng Hậu Nghệ đã nhìn thấy Hằng Nga và từ đấy 2 vợ chồng chỉ có thể gặp nhau vào những ngày giữa tháng. Sự kiện này đã được nhạc sĩ Nhật Bằng viết thành ca khúc Nàng tiên trắng và nhạc sĩ Minh Kỳ viết thành ca khúc Chị Hằng.

 

 

 

 

Chú Cuội là một anh nông dân, quê làng Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ - một làng trung du Bắc bộ rợp bóng rừng cọ đồi chè, nhân dân thuần hậu và có tài hài hước, với những câu chuyện cười nội dung khoác lác chỉ để vui cười quên đi nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống và vô hại nên đã có câu tục ngữ rất đáng yêu "Văn Lang cả làng nói khoác". Chú Cuội còn xuất chúng hơn, ngoài việc chăm chỉ đồng áng, chú Cuội còn vượt cả nói khoác, đó là còn nói dối, ai cũng có thể bị chú Cuội lừa, lỡm bằng những câu chuyện dí dỏm, ngẫu nhiên đến nực cười nhưng không ai ghét Cuội. Một ông chức sắc trong làng đã gả con gái là cô Sim cho Cuội. Cô Sim đẹp người đẹp nết chỉ tội có tật hay quên. Một hôm Cuội vào núi, thấy dưới gốc cây có một cái hang nhỏ, trong đó có 3 con hổ con nằm đói lả như chết, vừa lúc đó có bóng hổ mẹ lừng lững đi về, Cuội vội vàng trèo lên cây trốn, nhìn xuống thấy hổ mẹ đi một quãng, vặt một nắm lá ngậm về nhai bón cho lũ con, lũ con lập tức tỉnh dậy khỏe mạnh như thường. Sau khi hổ mẹ dẫn đàn con đi săn mồi, Cuội trèo xuống và ra tìm cái cây mà hổ mẹ đã vặt lá, đánh cả cây về nhà trồng. Trên đường về nhà Cuội gặp một ông ăn mày chết đói giữa đường, Cuội bèn nhá mấy lá cây nhét vào mồm ông ăn mày, ông ăn mày tỉnh ngay dậy cảm ơn Cuội và nói rằng: "Đây là một giống cây đa cải tử hoàn sinh, khi trồng xong phải giữ gìn sạch sẽ kẻo cây bay lên trời !".

 

Cuội dặn vợ cẩn thận, nhưng cô Sim tính hay quên, ruột để ngoài da, nói trước quên sau. Một hôm đi làm đồng về, hai vợ chồng Cuội ngồi nghỉ dưới gốc đa, bí quá cô Sim liền vén váy tè ngay vào gốc cây đa thì gốc cây đa rung chuyển rồi từ từ long gốc bay lên. Cuội vội vàng lấy cuốc móc vào cành đa níu lại nhưng không nổi, cây đa kéo cả Cuội bay lên đến mặt trăng thì dừng lại. Cô Sim thương xót Cuội nhưng không biết làm thế nào, hàng tháng cứ đến sau ngày trăng thượng huyền và trước ngày trăng hạ huyền cô Sim lại ra ngắm trăng tìm chồng và Cuội cũng chỉ còn biết sống trong giấc mơ được trở về hạ giới với vợ và đồng hương.

 

Thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của Hằng Nga và chú Cuội, hai nhạc sĩ tiền bối Lê Thương và Phạm Duy đã sáng tác 2 ca khúc Thằng Cuội và Chú Cuội.

 

 

 

 

Đây có lẽ là 2 ca khúc hay nhất về chú Cuội từ trước đến nay, đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng của thiếu nhi 2 miền Nam Bắc.

 

Mãi sau này vào đêm rằm tháng 8 khi vua Đường Minh Hoàng của nhà Đường bên Trung Hoa (năm 713 đến năm 755) có một giấc mộng lên cung trăng gặp Dương Quý Phi - một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa, ông đã quyết định lấy ngày rằm tháng 8 là ngày tết Trung thu. Các nước xung quanh cũng theo tục lệ này.

 

Theo quyển Việt Nam phong tục của Nhà văn hóa Phan Kế Bính: trong ngày Tết Trung thu thì buổi sáng cúng gia tiên, buổi tối ăn bánh ngắm trăng, thiếu nhi thì múa sư tử và rước đèn... Phong tục này sau trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống của thiếu nhi./.

 

(Nguồn: https://bcdcnt.net/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share