Tác giả: Văn Đoàn
Cơn sốt AI (trí tuệ nhân tạo) đã tăng nhiệt hơn nhiều trong hơn 1 năm qua với sự tham gia của nhiều ông lớn cũng như những startup mới mẻ. Dường như, với giới trẻ đô thị, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, truyền thông..., nếu chưa chạm đến các công cụ hỗ trợ dùng AI là mặc định bị xem như lạc hậu.
Quả thật, trong làn sóng công nghệ mới mẻ này, đứng ngoài cuộc gần như là không thể khi mà những hứa hẹn về hiệu quả sử dụng của AI là lớn vô cùng.
Tuy nhiên, dù AI mang lại sự trợ giúp cực lớn, nó cũng không thể nào thay thế được con người, nhất là ở những lĩnh vực liên quan nhiều đến cảm xúc. Chính điều đó đang tạo ra khá nhiều tranh luận trên thế giới về câu chuyện có nên sử dụng AI trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo vốn dĩ đòi hỏi năng lực thăng hoa cá nhân hay không. Điển hình là trong sáng tạo âm nhạc.
Chuyện sử dụng AI để sáng tác ca khúc thực tế đã không còn mới lạ cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới trong thời gian gần đây. Song, đại đa số các nhạc sĩ vẫn dè chừng với việc sử dụng AI để sáng tác thay mình. Sự dè dặt đó tới từ hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là tính liêm chính trong sáng tạo nghệ thuật. Thứ hai là sự thận trọng trước những hệ lụy trong tương lai mà chính các nhà phát triển các công cụ AI có thể mang lại cho người sử dụng dịch vụ của họ.
Dùng AI sáng tác thay cho mình có nghĩa là người nghệ sĩ đã không còn là nghệ sĩ nữa. Thay vì sử dụng năng lực thăng hoa cá nhân, việc ra lệnh cho công cụ AI sẽ chẳng khác gì hành vi đạo nhái. Nó sẽ khiến một nghệ sĩ đích thực trở nên tầm thường như bất kỳ một cá nhân bình thường không có chút kiến thức âm nhạc nào đang sống vô danh xung quanh họ. Lý do này là điểm tựa lớn nhất để những nghệ sĩ chân chính từ chối mượn AI sáng tác thay cho mình. Trong khi đó, đã bắt đầu có một lực lượng không nhỏ không có chút kiến thức âm nhạc nào, thậm chí “mù nhạc”, đã và đang sử dụng AI để hòng biến mình thành nhạc sĩ. Họ không hề nghĩ tới kết quả nào lâu dài hơn kết quả tức thời là “tôi ra lệnh và AI cho tôi tác phẩm”. Nếu sử dụng cái sản phẩm từ ra lệnh ấy như một trò chơi, họ sẽ không đối diện hệ lụy nào nhưng nếu phát hành các sản phẩm “máy móc” ấy ra công chúng, họ có thể sẽ đối diện những khiếu kiện trong tương lai nếu không trả lại cho đơn vị phát triển ứng dụng những thứ thuộc về họ là quyền tác giả và các lợi ích tài chính liên quan tới sản phẩm.
Các nhà phát triển ứng dụng AI thực tế đang huy động nguồn lực để hoàn thiện ứng dụng của mình bằng các đóng góp của cộng đồng và các đóng góp đó đều được trả phí. Đào tạo AI (AI training) hiện đang là một nghề với thù lao khá cao, có thể lên tới vài chục USD/giờ làm việc. Do đó, việc sử dụng kết quả của các quá trình đào tạo này để thu lợi cá nhân rồi sẽ đến lúc phải trả phí rất cao, nhất là những truy thu trong suốt thời gian sử dụng chưa bị tính phí. Vì thế, thận trọng khi dùng công cụ AI để sáng tác thay là điều không thừa.
Chỉ một ví dụ nhỏ, tuy không liên quan đến AI nhưng đủ để chúng ta hiểu hệ lụy lớn là gì. Đó là việc đã có một nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam sử dụng beat nhạc miễn phí để sáng tác ca khúc. Khi ca khúc ấy đã trở thành hit lớn và mang lại vô số lợi nhuận cho nghệ sĩ, người sáng tạo ra beat nhạc kia mới phát đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường số tiền lên tới con số vài trăm ngàn USD. Để tránh tổn hại uy tín, nghệ sĩ trẻ kia đã phải ký kết hợp đồng và bồi hoàn trong im lặng.
Đó là chuyện giữa một nghệ sĩ với một nghệ sĩ mà thôi. Hãy hình dung, nếu là vụ việc pháp lý giữa một tập đoàn, một công ty với một cá nhân thì sẽ ra sao? Bởi vậy, hãy đừng lạm dụng AI khi muốn biểu đạt những gì thuộc về tâm hồn mình.
(Nguồn: https://cand.com.vn/)