TIỄN THẦY GIÁO ĐI BỘ ĐỘI

07:00 AM, Thứ tư, 25/12/2024
201

Tác giả: Phạm Hồng Tuyến

 

Sau 2 năm lớp 1 & 2 học ở trường Kim Liên, tới lớp 3 tôi chuyển về học tại ngôi trường mới được xây ngay cạnh nhà - trường Khương Thượng. Từ năm đó tất cả tụi trẻ con khu lắp ghép Khương Thượng đã được học gần nhà, thậm chí nghe trống đánh mới te tua cầm cặp sách chạy sang, không  phải đi học các trường ở khu khác nữa.

Tôi học lớp 3G, chỉ có vài bạn cùng Khương Thượng, còn thì ở tập thể Đại học Y, Đại học Thuỷ lợi, có bạn tận gò Đống Đa. Năm đó, tôi được chọn đi thi học sinh giỏi toán toàn quận, rồi được chọn tiếp vào lớp bồi dưỡng học sinh giỏi toán, đặt tại trường Thịnh Hào, gần Ô Chợ Dừa. Vậy nên hàng tuần tôi có cơ hội gặp các bạn ở nhiều trường quận Đống Đa tại lớp học đặc biệt ấy. Trong ký ức của tôi vẫn còn mãi hình ảnh ngôi trường Thịnh Hào với những dãy nhà 1 tầng, mái ngói, những cây bàng lúp xúp toả bóng mát ngoài sân, tuy thỉnh thoảng  sâu róm xà xuống làm cả lũ con gái hét toáng lên, chạy loạn xạ.

Hoá ra lớp bồi dưỡng học sinh giỏi toán này là bước chuẩn bị để năm học sau có hệ thống chuyên toán đầu tiên dành cho lứa tuổi cấp 1 trong toàn thành phố Hà Nội. Và năm học 1978 - 1979 tôi chính thức trở thành học sinh chuyên toán lớp 4,  quay lại học ở trường Kim Liên. Lúc đó quận Đống Đa có 2 lớp chuyên toán: 4Z Kim Liên và 4E trường Cát Linh. Các quận khác cũng có các lớp chuyên tại Trưng Vương và Thăng Long (quận Hoàn Kiếm), Trưng Nhị (Hai Bà Trưng), Chu Văn An (Ba Đình).

Thầy giáo chủ nhiệm 4Z của chúng tôi là thầy Gia Ba, một thầy giáo rất có kinh nghiệm, lại là em rể của cô Thanh, đồng nghiệp thân thiết với mẹ tôi ở Khoa Tâm lý Giáo dục, trường Đại học sư phạm Hà Nội 1. Quen biết vậy thôi chứ ở trên lớp thầy chả tỏ ra “thiên vị” tôi chút nào, cứ thực lực học mà đánh giá. Điểm khác biệt của lớp chuyên toán cấp 1 chính là: ngoài thầy giáo chủ nhiệm dạy Toán, lớp tôi  có thêm thầy giáo dạy Văn riêng (khác biệt so với các bạn cùng khối, thường chỉ có một cô giáo/thầy giáo dạy cả Văn, cả Toán, cả các môn khác). Thầy giáo dạy Văn của chúng tôi còn khá trẻ, tên là Việt.

Học kỳ đầu lớp 4 trôi qua  êm đềm, chúng tôi vẫn ngày ngày đến lớp, giờ học thì nghiêm túc nghe giảng, giải toán, ghi chép…. Nhưng đến giờ ra chơi thì tất cả đều là những đứa trẻ hiếu động, cả nam, cả nữ. Tụi con gái chúng tôi vẫn hay chơi các trò dùng nhiều thể lực như chơi ù (vừa chạy, vừa phải có hơi để kêu ù, đứt cả giọng), rồi nhảy ngựa, đứa nọ phi lên đứa kia, nhiều lần ngã lộn tùng phèo, món nhảy song phi mới gọi là ác vì phải vượt qua sợi dây chun (do 2 bạn cầm 2 bên), thấp thì dễ nhưng khi độ cao ngang tầm đầu các bạn cầm dây thì mới thành chuyện, rất dễ ngã xảy ra tai nạn mà chả hiểu sao bọn tôi lại thích mấy trò ấy thế….

Cuộc sống khá là khó khăn những năm sau chiến tranh, tuy vậy vẫn may mắn vì được sống trong hoà bình. Ấy nhưng những tín hiệu không lành đã dần dần xuất hiện. Tin tức về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam được lan truyền, rồi cả những xung đột trên biên giới phía Bắc, gây thương vong cho các chiến sĩ biên phòng của ta. Bố tôi làm ở tờ báo “nói” nên  ông có ngay các bài hát phản ánh dòng thời sự khi đó, thí dụ “Chúng tôi là đồng đội Lê Đình Chinh”, ông sáng tác cuối năm 1978 thật thấm sâu vào lòng thính giả, khơi dậy lòng yêu nước của những người trẻ.

Sau Tết Âm lịch Kỷ Mùi chưa đầy 1 tháng, chúng tôi đã sang học kỳ 2 của lớp 4 chuyên Toán, ngày 17/2/1979 bắt đầu xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Có thể nói tin chiến tranh làm cho mọi người dân lúc ấy đều lo âu, đất nước vừa thoát khỏi 20 năm bị tàn phá chưa lâu, cuộc sống còn đầy sự chật vật, vậy mà….. Và bố tôi lại có một khúc ca vừa bi tráng, vừa hào sảng để thúc giục  toàn dân “vào trận chiến đấu mới” - CHIẾN ĐẤU VÌ ĐỘC LẬP TỰ DO. Bài hát vang lên trên làn sóng Đài TNVN đã chạm đến trái tim mỗi người dân Việt Nam, mọi người hay gọi là bài “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” (đó chỉ là câu mở đầu thôi).

Chiến sự nổ ra, tụi học sinh chúng tôi đến lớp thì bàn luận đủ thứ. Thầy Gia Ba thường kết hợp việc báo tin hôm nay quân ta tiêu diệt được bao nhiêu quân địch vào trong đề bài tập giải toán, vụ này các bạn nam hào hứng lắm, giờ học trở nên sôi nổi hơn rất nhiều. Bọn con gái thì quan tâm đến việc có phải đi sơ tán xa Hà Nội không,  lớp có bị phân chia nhiều ngả không, chúng mình không được học cùng nhau à, hic hic… Tự nhiên lại thấy buồn buồn…

Từ Lạng Sơn, biên giới phía Bắc về đến Hà Nội rất gần, nên lúc này tại Hà Nội, khắp các khu phố mọi người đều bắt đầu đào hầm trú ẩn. Ở khu Khương Thượng của tôi cũng thế, khoảnh sân dưới gác, nơi bọn trẻ con chúng tôi chạy chơi đã ngổn ngang đất vì đào hầm, công sự. Tôi vẫn nhớ cái túi cứu thương bằng vải trắng, có chữ thập màu đỏ mẹ hướng dẫn khâu, trong đó đựng bông, băng, thuốc đỏ, và phải luôn đeo bên mình nhỡ gặp sự cố. Chúng tôi đoán già, đoán non nơi mình sẽ đi sơ tán, có tin đồn là sẽ được vào khu kinh tế mới Lâm Hà tận Lâm Đồng.

Và khi chiến sự ác liệt trên toàn biên giới 6 tỉnh phía Bắc thì Lệnh tổng động viên được ban ra. Học sinh lớp 4Z lúc ấy mới vỡ lẽ là thầy giáo Việt dạy Văn cũng có tên trong danh sách đi bộ đội. Cả lớp bàn tán xôn xao, tiếc nuối vì phải chia tay thầy, nhưng đó là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cơ mà. Hôm đó đi học về, đến giờ ăn tối, tôi kể chuyện đó cho bố mẹ nghe. Bố tôi chăm chú lắng nghe chuyện của con gái, thỉnh thoảng hỏi lại vài câu. Tôi cứ nghĩ bố nghe để đấy thôi, vậy mà…. Vài hôm sau, bố đưa tôi một bản nhạc và nói:

- Đây là bài hát “Tiễn thầy giáo đi bộ đội” bố viết gửi tặng cho thầy Việt lớp con. Hôm nào liên hoan tiễn thầy lên đường thì các con hát thay lời chúc thầy lên đường mạnh giỏi nhé!

Ôi, chỉ từ một câu chuyện giản dị của con gái mà ông đã viết ngay ra được bài hát, trên bản nhạc ông ghi cẩn thận: “Viết tặng thầy Việt lớp 4Z của con gái Hồng Tuyến”. Và ông dạo piano nét giai điệu bài ca nhỏ ấy, trong trẻo, thiết tha như tấm lòng của các em học sinh, đại diện cho hậu phương rộng lớn, gửi tới tiền tuyến  miền biên giới những lời yêu thương nhất.

Nhưng…. chỉ một thời gian sau, chiến sự tạm ngừng, cuộc sống yên ả trở lại, thầy giáo Việt của tôi cũng không phải lên đường đi bộ đội nữa. Vì thế mà chúng tôi không có cơ hội để hát  khúc ca tiễn thầy. Dù vậy, bài hát đã được vang lên trên sóng Đài TNVN, bay đi khắp cả nước, và ở nhiều nơi các thầy giáo đã lên đường ra mặt trận, vậy nên bài hát thật có ý nghĩa. Hơn hết, bài ca nhỏ ấy đã trở thành kỷ niệm tuổi thơ của tôi, con gái nhạc sĩ, và của biết bao các bạn đồng trang lứa với tôi.

“Tiễn thầy giáo đi bộ đội” là 1 trong 6 ca khúc bố tôi viết trong thời chiến tranh biên giới phía Bắc, những bài hát với các sắc thái khác nhau. Nếu như “Chiến đấu vì độc lập tự do” là khúc tráng ca cùng lời kêu gọi vang động hồn thiêng sông núi, thì “Tiễn thầy giáo đi bộ đội” lại là bài ca nhỏ trong sáng, nét tươi trẻ mà tự hào của lớp măng non. Ngoài ra, còn một khúc ca rất nhiều người ấn tượng, bài hát của tuổi trẻ nơi trận chiến tuyến đầu Tổ quốc - Tiếng đàn bên bờ sông biên giới. Hẳn không một thính giả của Đài TNVN nào có thể quên dược tam ca thể hiện bài hát đó rất da diết - Ngọc Tân giọng nam cao với âm sắc không trộn lẫn vào đâu được, Tiến Thành tình cảm, Huy Hùng lắng đọng, và đoạn dạo guitare đầu bài thật “chất”, vừa sôi động, lại vừa sâu lắng. Bài hát được bố viết ở chuyến đi thực tế lên mặt trận Lào Cai, xúc động trước tinh thần chiến đấu kiên cường, mà lạc quan, yêu đời, nhưng sẵn sàng hy sinh cho đất nước của tuổi trẻ, ông đã viết nên bài hát thật day dứt lòng người.

Về chuyến đi này của bố, tôi có một kỷ niệm hơi ám ảnh: chả là khi từ Lào Cai về tới Hà Nội, bố nói có mấy đồ chiến lợi phẩm được các chú bộ đội tặng lại, trong đó có ca sắt tráng men của lính sơn cước Trung Quốc, trên ca là hình lính Tàu đội mũ quân đội Bát Nhất. Vừa nhìn thấy cái ca, tự dưng tôi thấy bủn rủn hết người, cảm giác sợ hãi khi nhìn thấy vật dụng của quân xâm lược, có gì đó giống vũ khí giết người vậy. Thế là tôi bảo mẹ vứt đi, không được dùng, tôi thấy ghê tởm khi phải nhìn thấy nó. Thấy tôi kinh hãi quá nên mẹ cũng lẳng lặng bỏ cái ca vào thùng rác.

Năm 2016 (gần 40 năm sau thời điểm chiến tranh biên giới), tôi có dịp quay trở lại Lào Cai nhờ cơ hội làm giám khảo Liên hoan truyền hình toàn quốc. Khách sạn Sapaly, đại bản doanh của Liên hoan nằm sát cửa khẩu, đứng ở cửa sổ phòng mà thấy cây cầu bắc qua dòng sông biên giới ngay trước mắt. Sông Hồng nhập với sông Nậm Thi, dòng nước đỏ phù sa hoà vào dòng xanh ngay nơi địa đầu Tổ quốc. Và rồi một giai điệu đến ngay trong đầu. Hình như… bài hát Tiếng đàn bên bờ sông biên giới được sáng tác chính ở nơi đây gần 40 năm về trước. Và .. đúng là như vậy:

Nhạc sĩ Phạm Tuyên viết Tiếng đàn bên bờ sông biên giới tại dòng sông Nậm Thi vào tháng 3 năm 1979. Bài hát ông viết tặng Đội Tự vệ Lào Cai. Khi đó, dân đi sơ tán hết, Lào Cai vắng teo, chỉ có những người trẻ sống quãng đời đẹp nhất trên chiến hào. Buổi tối nghe bộ đội chơi đàn ghi ta, nhạc sĩ xúc động viết luôn Tiếng đàn bên bờ sông biên giới, một bài hát cảm động, nhẹ nhàng, thiết tha và sâu lắng.

Dù mấy thập kỷ đã trôi qua nhưng những bài hát về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn còn mãi trong lòng người dân đất Việt. Nghĩ lại, tôi thật tự hào vì mình cũng “góp mặt” ở bài ca trong trẻo, là dấu ấn của một thế hệ trẻ con nước mình.

(Trích sách HỒI ỨC TUỔI THƠ: BÀI HÁT LỚN LÊN CÙNG CON của nhà báo Phạm Hồng Tuyến - con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên)

Bài hát thu năm 1979

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share