VCPMC kiên quyết ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả

04:36 AM, Thứ sáu, 16/05/2025
382

Tác giả: Team Pháp lý VCPMC 

 

Về vấn đề quyền tác giả quyền liên quan bị xâm phạm, đang được báo chí và các nhạc sĩ quan tâm. Bộ phận Pháp chế của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) xin cung cấp một số thông tin nhằm rộng đường dư luận và cũng để khẳng định: VCPMC kiên quyết ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả bằng mọi biện pháp.

 

 

Công ty Bihaco hiểu chưa đúng về hành vi sao chép

Bài báo đăng ngày 14/5/2025: Vụ ‘ngăn chặn phổ biến ca khúc cách mạng’: BHMedia lên tiếng | Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh

Liên quan đến việc sử dụng tác phẩm âm nhạc trên Youtube, đối với các ý kiến và cách hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ của Công ty Bihaco, để có cách nhìn nhận và giải quyết một cách thấu đáo, minh bạch, khách quan, có căn cứ, VCPMC hỗ trợ thông tin thêm đến Bihaco về vấn đề bản quyền tác phẩm trên nền tảng Youtube cùng với các vấn đề pháp lý cơ bản cũng như những hành động pháp lý của VCPMC như sau:

1. Cách hiểu của Bihaco chưa đúng khi cho rằng YouTube đã trực tiếp trả tiền tác quyền cho VCPMC từ hệ thống (nên Bihaco được miễn trừ?)

Nội dung trên link báo: BHMedia khẳng định họ có bằng chứng cho thấy VCPMC đã gắn quyền 100% với ca khúc Đoàn vệ quốc quân, bao gồm cả quyền biểu diễn (PR - Performance Right) và quyền sao chép (MR - Mechanical Right). Theo BHMedia, điều này đồng nghĩa với việc YouTube đã trực tiếp trả tiền tác quyền cho VCPMC từ hệ thống.

1.1 Việc gắn và hiển thị quyền PR và MR ở giao diện quản lý CMS của YouTube là cơ chế bình thường, minh bạch của YouTube mà ai nắm CMS do YouTube phân quyền đều có thể nhìn thấy hiển thị này, Do đó, hoàn toàn không hợp lý khi Bihaco cho rằng đó là “bằng chứng” để biện minh cho một vấn đề khác không có liên quan.

Ở nền tảng YouTube, các thuật ngữ quốc tế về quyền tác giả được sử dụng như: PR (performing right) là quyền biểu diễn/quyền truyền đạt, MR (mechanical right) là quyền sao chép cơ khí – các thuật ngữ này đều tương thích với quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nền tảng YouTube (chủ sở hữu là Công ty Google) đã tạo cơ chế phân chia tự động (theo tỷ lệ %) cho các loại quyền PR, MR tương ứng với việc sử dụng của nền tảng nhằm thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm được truyền đạt trên nền tảng YouTube, hay nói cụ thể hơn, để được cấp phép sử dụng quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng nhằm truyền đạt tác phẩm, lưu trữ nội dung tác phẩm trên nền tảng. Khoản tiền sử dụng quyền tác giả mà YouTube phân chia ở đây không bao gồm quyền Sync (synchronization) để sao chép đồng bộ hóa, vì quyền này do người đăng tải và sản xuất nội dung âm nhạc có nghĩa vụ phải thực hiện bởi họ chính là đối tượng kinh doanh, khai thác nội dung âm nhạc, được hưởng lợi từ Youtube, kiếm tiền từ Youtube.

Hiểu về quyền sao chép tác phẩm trên nền tảng YouTube: Theo quy định của pháp luật, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền sao chép tác phẩm, được quyền kiểm soát việc khai thác, sử dụng tác phẩm của mình, bao gồm cả việc tạo ra các bản sao kỹ thuật số của tác phẩm. Việc các tổ chức, cá nhân sử dụng quyền sao chép tác phẩm để định hình và/hoặc tạo ra bản ghi âm, ghi hình (video) hay bản sao kỹ thuật số của tác phẩm nhằm mục đích thương mại, thay vì sao chép vật lý như trước đây, được xem là hành vi sử dụng quyền sao chép tác phẩm (sao chép để đồng bộ hóa). Các đơn vị sản xuất và cung cấp nội dung sử dụng quyền sao chép tác phẩm để tạo ra bản ghi âm, ghi hình nhằm đăng tải và phát hành trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội. Thông qua các nền tảng này, công chúng, người nghe nhạc có thể tiếp cận tác phẩm âm nhạc, sản phẩm âm nhạc và từ đó mang lại doanh thu, lợi nhuận cho các nền tảng; đồng thời, theo đó các đơn vị cung cấp nội dung/người đăng tải/chủ kênh cũng được hưởng lợi theo cơ chế phân chia lợi ích của nền tảng.

Hiểu về nghĩa vụ của người sử dụng: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ thể thực hiện hành vi sao chép tác phẩm để định hình và/hoặc tạo ra các bản ghi âm, ghi hình/video để đăng tải, phát hành trên các nền tảng trực tuyến nhằm mục đích khai thác thương mại có nghĩa vụ phải xin phép sử dụng và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả căn cứ theo ủy quyền của tác giả và các hình thức sử dụng quyền sao chép mà đơn vị sử dụng thực hiện để tiến hành thỏa thuận, đàm phán, cấp phép và thu tiền bản quyền đối với việc sử dụng này.

Như vậy: Căn cứ theo các quy định của pháp luật và việc xác định đúng chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả tương ứng với hành vi sử dụng, khai thác tác phẩm âm nhạc, VCPMC (đại diện cho các chủ sở hữu quyền tác giả) có quyền cấp phép quyền sao chép để đồng bộ hóa đối với các nội dung video chuyên nghiệp do các công ty, đơn vị sản xuất nội dung tạo ra và đăng tải trên YouTube cũng như trên các nền tảng số. Người đăng tải, chủ kênh (là cá nhân hoặc doanh nghiệp) có sử dụng tác phẩm âm nhạc khi kiếm tiền, kinh doanh trên YouTube thì họ trở thành đối tượng phải tự thực hiện nghĩa vụ của mình về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty Bihaco cũng là một trong các doanh nghiệp như vậy.

1.2 YouTube nhấn mạnh trách nhiệm của nhà sáng tạo trong việc tuân thủ bản quyền: Các quy tắc và chính sách bản quyền được YouTube công bố công khai đã chỉ rõ, nhà sáng tạo nội dung phải có nghĩa vụ xin phép chủ sở hữu bản quyền trước khi sử dụng tác phẩm của họ trong video đăng tải lên nền tảng này.

Cụ thể, theo thông tin từ trang hỗ trợ chính thức của YouTube (support.google.com/youtube) và trang "Cách YouTube hoạt động" (youtube.com/howyoutubeworks), nền tảng này quy định: "Nếu định đưa nội dung được bảo hộ bản quyền vào video của mình thì thông thường trước tiên, bạn cần xin chủ sở hữu bản quyền cho phép mình sử dụng nội dung đó." YouTube khẳng định họ "không thể cấp cho bạn các quyền này và cũng không thể giúp bạn tìm các bên có thể cấp cho bạn các quyền này," đồng thời yêu cầu người dùng phải "tự mình tìm hiểu và xử lý quy trình này hoặc nhờ luật sư trợ giúp."

Chính sách này cũng được tái khẳng định: "Trước khi tải video lên YouTube, bạn phải đảm bảo bạn có quyền sử dụng mọi thành phần trong video đó," bao gồm cả âm nhạc, đoạn video, hình ảnh và các yếu tố khác. Quy trình được khuyến nghị là liên hệ trực tiếp với chủ sở hữu bản quyền để thương lượng giấy phép, sau đó kiểm tra kỹ lưỡng các điều khoản để đảm bảo việc sử dụng là hợp pháp và đúng giới hạn. YouTube cũng cung cấp một thư viện nhạc và hiệu ứng âm thanh miễn phí, tuy nhiên, việc sử dụng chúng phải tuân theo các điều khoản cụ thể được nêu rõ.

Nguyên tắc cốt lõi được YouTube đặt ra là: "Nhà sáng tạo chỉ được đăng tải những video mà mình sản xuất hoặc có quyền sử dụng." Điều này đồng nghĩa với việc họ không được phép đăng tải video không do mình sản xuất hoặc sử dụng trái phép nội dung có bản quyền của người khác khi chưa có sự cho phép cần thiết.

Như vậy: Trường hợp của Công ty Bihaco/BHMedia đang được xem là không tuân thủ quyền tác giả do không thực hiện việc xin phép các chủ sở hữu quyền tác giả đối với các các kênh của BHMedia và các kênh thuộc Net BHMedia trước khi sao chép tác phẩm để tạo ra bản sao/bản ghi âm, ghi hình và đăng tải các bản ghi đó lên YouTube. Cần làm rõ rằng, việc YouTube thực hiện quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng (sau khi nội dung đã được đăng tải) là một nghĩa vụ khác biệt so với nghĩa vụ của đơn vị sản xuất và đăng tải bản ghi trong việc xin phép quyền sao chép tác phẩm để tạo ra bản ghi đó. Theo quy định, Công ty Bihaco phải đảm bảo tính hợp pháp và đầy đủ quyền tác giả của các bản ghi trước khi đăng tải lên bất kỳ nền tảng nào, bao gồm cả YouTube. Ngoài ra, việc các tác phẩm có nguồn gốc từ thư viện miễn phí của YouTube phải tuân thủ điều khoản của thư viện đó. Tuy nhiên, đối với các tác phẩm có bản quyền bên ngoài, việc xin phép chủ sở hữu là yêu cầu bắt buộc mà nhà sáng tạo nội dung, như Công ty Bihaco, phải tự thực hiện. Nếu không có sự cho phép này, việc sử dụng và đăng tải các bản ghi chứa tác phẩm có bản quyền có thể bị coi là vi phạm chính sách của YouTube và pháp luật về quyền tác giả.

2. Thông tin nhầm lẫn của Bihaco khi đưa các tổ chức khác ra để so sánh:

Nội dung trên link báo: BHMedia cũng dẫn các ví dụ từ quốc tế để so sánh. Theo đơn vị này, các tổ chức quản lý bản quyền âm nhạc tại Bắc Mỹ và châu Âu như: ICE, Songtrust, ASCAP, BMI, MLC, Harry Fox… không áp dụng cách làm tương tự VCPMC. “Những tổ chức như ICE, Songtrust, ASCAP, BMI, MLC, Harry Fox… sẽ không liên hệ từng chủ video cụ thể để thu thêm tiền tác quyền lần nữa như VCPMC, cũng như không đe dọa block hay takedown video như cách VCPMC đã làm. Đây là cách quản lý quyền tác giả đúng đắn, văn minh và hợp pháp” – đại diện BHMedia nói. Theo BHMedia, các tổ chức quốc tế nói trên thường chỉ sử dụng công cụ của YouTube để thu tiền bản quyền, không yêu cầu trả phí riêng hay gia hạn ngoài hệ thống, từ đó khuyến khích người làm nội dung sử dụng nhạc, giúp tác phẩm lan tỏa và tạo giá trị cho chủ sở hữu.

Cần đối chiếu và xác thực lại một số thông tin mà Công ty Bihaco đưa ra, nhằm tránh cách tiếp cận sai lệch, nhầm lẫn.

Bởi trên thực tế, các tổ chức như ASCAP, BMI (là hai tổ chức bản quyền của Mỹ) mà Bihaco nói tới thì họ không quản lý quyền Sync liên quan đến sao chép tác phẩm.

Còn MLC là 1 tổ chức phi chính phủ của Mỹ được lập ra để thu tiền quyền MR (quyền sao chép cơ khí) từ một số nền tảng, từ đó chủ sở hữu quyền MR tiến hành claim tiền về. MLC cũng hoàn toàn không có quyền quản lý và không cấp phép quyền Sync, họ được thành lập theo luật định và không đi cấp quyền như các chủ sở hữu quyền thông thường.

Điều này cho thấy, Công ty Bihaco đã đưa ra những thông tin hết sức sai lệch và nhầm lẫn khi đưa các tổ chức khác ra để so sánh. Việc này gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận, bạn đọc nếu họ thiếu sự chọn lọc trong quá trình tiếp cận những thông tin thiếu chính thống và thiếu chính xác như vậy.

3. Về biểu hiện và hành vi đầy mâu thuẫn của Bihaco, “nói một đằng làm một nẻo":

Nội dung trên link báo: Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng VCPMC vẫn tiếp tục yêu cầu các đơn vị sản xuất nội dung như BHMedia trả thêm tiền bản quyền, thậm chí thu phí theo năm và yêu cầu gia hạn nếu muốn giữ video trên nền tảng. BHMedia gọi hành vi này là "không minh bạch" và mang tính "tận thu". Đại diện đơn vị cho biết: “VCPMC còn lạm dụng hệ thống quản lý nội dung này để block (chặn), takedown (gỡ bỏ) video, gây áp lực khiến các bên sử dụng phải đóng thêm tiền tác quyền". Dựa trên những lý do trên, BHMedia đã gửi đến Bộ VH-TT&DL, Cục Bản quyền tác giả, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an và nhiều cơ quan báo chí cho rằng VCPMC đã có hành vi cản trở việc phổ biến các tác phẩm âm nhạc cách mạng trên nền tảng số, gây thiệt hại về tinh thần và lợi ích cộng đồng.

Từ những diễn biến trên, có thể thấy rõ một sự mâu thuẫn đáng lưu ý trong cách hành xử của BHMedia. Trong khi đơn vị này lớn tiếng cáo buộc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) có hành vi "vi phạm pháp luật", "lạm quyền" khi thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả đối với các ca khúc, thì trên thực tế, chính BHMedia cũng đã và đang áp dụng những biện pháp tương tự đối với các kênh, cá nhân sử dụng những bản ghi, tác phẩm mà họ tuyên bố rằng họ nắm giữ bản quyền.

Không ít trường hợp ghi nhận BHMedia đã tiến hành "đánh gậy" bản quyền và đưa ra yêu cầu các bên phải chi trả những khoản phí không hề nhỏ để được gỡ bỏ cảnh báo vi phạm – một hành động mà chính họ lại đang kịch liệt lên án khi VCPMC thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sĩ.

Việc BHMedia “nói một đằng làm một nẻo" như vậy – đặt ra một dấu hỏi lớn về tính khách quan, tính trung thực và sự thiện chí. Những cáo buộc mà BHMedia nhắm vào VCPMC, khi soi chiếu với chính hành động của họ, rất có thể mang dấu hiệu của hành vi vu khống, cố tình dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực, nhằm mục đích làm xấu đi hình ảnh và uy tín của VCPMC trong bối cảnh các tranh chấp và hiểu lầm hay nhầm lẫn về bản quyền âm nhạc đang diễn ra phức tạp, chưa tiệm cận đúng mức cần thiết với chuẩn mực quốc tế. Điều này không chỉ gây tổn hại cho một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, cho các tác giả - giới sáng tạo, mà còn gây nhiễu loạn thông tin trong dư luận và xã hội, hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong mắt quốc tế cũng như cản trở sự tiến bộ, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phát triển con người, phát triển văn hóa.

4. Một số hành động pháp lý của VCPMC:

a- Kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, xứng đáng của các chủ sở hữu quyền tác giả là thành viên VCPMC. Thúc đẩy hơn nữa việc xử lý xâm phạm, khởi kiện các vụ việc xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết và yêu cầu bồi thường thiệt hại; kiến nghị đến cơ quan nhà nước để xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định.

b- Khởi kiện yêu cầu Công ty Bihaco cải chính thông tin, công khai xin lỗi VCPMC vì đã đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm VCPMC.

c- Tiếp tục bảo vệ cho các tác giả, gia đình tác giả có dấu hiệu bị rơi vào tình trạng yếu thế, thiệt thòi, thiếu được tôn trọng… trong một số giao dịch với Bihaco.

Thông điệp của VCPMC:

* VCPMC đã nghiêm túc thực hiện báo cáo và giải trình theo yêu cầu đầy đủ, cụ thể, chuẩn xác đến cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước là Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan. Với nhiệm vụ được Nhà nước giao phó, với trách nhiệm của một CMO trong việc bảo vệ quyền lợi của các thành viên, VCPMC sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu đến các cơ quan các nội dung, kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu trong lĩnh vực quyền tác giả.

* Đồng thời, VCPMC rất mong không chỉ Công ty Bihaco mà còn nhiều tổ chức/cá nhân khác hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác nội dung âm nhạc/nội dung chuyên nghiệp có sử dụng tác phẩm âm nhạc cần chuyên nghiệp hơn, tìm hiểu kỹ hơn các quy định pháp luật và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định. VCPMC luôn cởi mở, thiện chí và đồng hành cùng các đơn vị sử dụng vì mục tiêu chung là tạo môi trường thụ hưởng âm nhạc sạch về bản quyền. 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều