Sáng ngày 13/5, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về hoạt động của Trung tâm những tháng đầu năm 2025.

Nhạc sĩ - NSƯT Đinh Trung Cẩn. Ảnh: T.Lê
I - Các hoạt động thường xuyên:
1 - Tham gia các hoạt động đối ngoại, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức hội thảo tập huấn tại Hà Nội (vào Tháng 02/2025) nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức về xử lý dữ liệu và công nghệ thông tin trong lĩnh vực bản quyền; VCPMC đã có phần thuyết trình quan trọng về đối sánh dữ liệu kỹ thuật số, xử lý và phân phối báo cáo sử dụng kỹ thuật số, công cụ quản lý quyền của Facebook, Youtube… Vào Tháng 4/2025, VCPMC cử cán bộ tham gia khóa tập huấn do Ủy ban CISAC Châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Philippines; dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hiệp hội Bản quyền FILSCAP của Philippines.
2 - Phối hợp với Cục Bản quyền tác giả, Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hồ Chí Minh tổ chức thành công sự kiện chào mừng Ngày hội bản quyền thế giới năm 2025 (IP Day) tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ để “Cảm nhận nhịp điệu Sở hữu trí tuệ”, vào ngày 20/4/2025 - hòa chung chuỗi sự kiện Chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
3 - Công tác hội viên: Tăng cường hỗ trợ các tác giả rà soát tác phẩm đặc biệt là vấn đề bảo lưu bản quyền, lấy lại quyền cho tác giả nếu có các giao dịch hoặc nếu hợp tác đã hết thời hạn… nhằm đảm bảo quyền lợi và việc khai thác tối đa bản quyền cho tác giả, tránh bị thiệt hại hoặc bị lợi dụng. Hỗ trợ các vấn đề pháp lý về đại diện, về thừa kế, tranh chấp quyền tác giả… Thăm hỏi các nhạc sĩ lớn tuổi, đau ốm…
4 - Hoạt động cấp phép: Duy trì nguồn thu theo kế hoạch chỉ tiêu đề ra. Các đơn vị sử dụng nhạc nền đã có ý thức hơn trong việc xin phép đúng chủ thể quyền. Tuy nhiên một số đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn còn né tránh, chưa tự nguyện thỏa thuận trả tiền bản quyền. Nhiều đơn vị sử dụng tác phẩm ở lĩnh vực trực tuyến vẫn tìm cách né tránh và không hợp tác, trong đó có nhiều kênh thuộc Net BHMedia.
5 - Hoạt động pháp chế xử lý vi phạm: Tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, thúc đẩy nhanh các vụ kiện xử lý xâm phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các lĩnh vực biểu diễn, phát sóng, truyền đạt và đặc biệt trong lĩnh vực sao chép trực tuyến do có nhiều kênh Youtube xâm phạm quyền tác giả, đặc biệt là các kênh của BHMedia và thuộc Net BHMedia.
6 - Báo cáo tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn các vấn đề thực tiễn tương ứng với các vấn đề lý luận chuyên sâu liên quan đến bản quyền ở thị trường âm nhạc hiện nay, khi khoa học công nghệ đang từng ngày phát triển và có nhiều thay đổi cũng như sự dịch chuyển nhu cầu, phương thức trong thị trường âm nhạc Việt Nam và toàn cầu.
II - Bên cạnh các mặt hoạt động thường xuyên nói trên, VCPMC thông tin đến các Quý Cơ quan và đơn vị báo chí sự việc như sau:
Vừa qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam là cơ quan chủ quản của VCPMC nhận được văn bản đề ngày 18/4/2025 của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Truyền thông Bihaco (sau đây gọi tắt là Công ty Bihaco hoặc BHMedia) với nội dung cho rằng VCPMC có hành vi ngăn chặn phổ biến các tác phẩm cách mạng.
Ngoài ra, các nội dung mà Công ty Bihaco đưa ra còn được đăng tải trên một số trang báo khi chưa được kiểm chứng, chưa có ý kiến trao đổi khách quan với đơn vị có liên quan trực tiếp là VCPMC, cụ thể như:
Bài viết đăng tải tại trang VTV Online, vào Thứ ba, ngày 29/04/2025 22:42
Và trên trang báo Quân đội nhân dân, vào Thứ tư, 30/04/2025 - 18:10
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ton-trong-minh-bach-tac-quyen-am-nhac-826472
Theo yêu cầu báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VCPMC đã thực hiện báo cáo giải trình đầy đủ và nghiêm túc đến Thanh tra Bộ các vấn đề liên quan mà Công ty Bihaco đưa ra.
Đồng thời, thực hiện yêu cầu báo cáo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; sau khi xem xét nội dung trong đơn của Công ty Bihaco; VCPMC đã thực hiện hoàn tất báo cáo đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các Cơ quan quản lý nhà nước với đầy đủ các nội dung liên quan đến phản ánh mang tính một chiều, phiến diện và sai sự thật của Công ty Bihaco nhằm làm rõ sự thật, đảm bảo thông tin khách quan và rộng đường dư luận, gồm những nội dung như sau:
1 - Về việc thực hiện “quyền tự bảo vệ” theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền tác giả đối với các link video mà Công ty Bihaco nêu:
a) Căn cứ quy định pháp luật và phạm vi ủy quyền của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, VCPMC có đủ căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền cho thành viên và áp dụng biện pháp công nghệ theo đúng quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình: “Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”; “Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình”. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, các tác giả/chủ sở hữu còn có đơn yêu cầu xử lý xâm phạm nhằm đáp ứng theo cơ chế của nền tảng Youtube.
Cụ thể, các bản ghi mà Công ty Bihaco đề cập và cho rằng Bihaco hoặc các đơn vị liên quan "luôn thực hiện đúng quy định pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan" đã được VCPMC tiến hành đối soát dữ liệu. Kết quả đối soát cho thấy tất cả các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong các bản ghi này đều thuộc quyền sở hữu của các tác giả/chủ sở hữu là thành viên VCPMC, và đang nằm trong phạm vi quản lý, bảo vệ của VCPMC. Đồng thời, các bản ghi có sử dụng các tác phẩm nêu trên, được đăng tải theo đường link mà Bihaco cung cấp, đều thuộc trường hợp sử dụng tác phẩm mà không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, và chưa thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền. Đây là hành vi vi phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể gồm các tác phẩm/bản ghi sau đây:
- Đoàn vệ quốc quân (Tác giả: Phan Huỳnh Điểu);
- Sợi nhớ sợi thương (Nhạc: Phan Huỳnh Điểu - Thơ: Thúy Bắc);
- Ở hai đầu nỗi nhớ (Nhạc: Phan Huỳnh Điểu - Thơ: Hoài Thu) - đăng tải tại link Video “Nhạc Cách Mạng: Bài Ca Thống Nhất”;
- Sợi nhớ sợi thương (Nhạc: Phan Huỳnh Điểu - Thơ: Thúy Bắc) - đăng tải tại link Video “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây - Nhạc Cách Mạng”;
- Cô gái mở đường (Tác giả: Xuân Giao);
- Chào sông Mã anh hùng (Tác giả: Xuân Giao) - đăng tải tại link Video “Nhạc Cách Mạng: Giai Điệu Tổ Quốc (Hãng Phim Trẻ)”;
- Tiến bước dưới quân kỳ (Tác giả: Doãn Nho) - đăng tải tại link Video “Vì Nhân Dân Quên Mình - Nhạc Cách Mạng: Đất Nước Trọn Niềm Vui”;
- Chiếc gậy Trường Sơn” (Tác giả: Phạm Tuyên) - đăng tải tại link Video “Hành Khúc Ngày Và Đêm - Nhạc Cách Mạng (Hãng Phim Trẻ)”.
Tất cả các bản ghi tác phẩm nói trên mà VCPMC áp dụng biện pháp công nghệ để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền trên nền tảng YouTube đều có đầy đủ cơ sở pháp lý và có căn cứ theo Đơn kiến nghị để xử lý xâm phạm của các tác giả, đại diện hoặc chủ sở hữu quyền tác giả: Phạm Tuyên, Doãn Nho, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Giao…
b) Đối với các bản ghi tác phẩm nêu trên, VCPMC tiến hành xử lý xâm phạm bằng biện pháp công nghệ (block link) ở một số link bản ghi có hành vi xâm phạm quyền tác giả thuộc Kênh “Nhạc Cách Mạng Tiền Chiến”- ID Link: UCidaRs8J-YDeNWYq5IFr0iw của BHMedia (Công ty Bihaco).
Tuy nhiên, ngoại trừ một số trường hợp bản ghi có yếu tố xâm phạm bản quyền nêu trên, thì những tác phẩm âm nhạc của các tác giả thành viên VCPMC như Doãn Nho, Phạm Tuyên, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Giao… vẫn đang hiện diện và lưu hành bình thường trên môi trường trực tuyến ở các bản ghi khác trên rất nhiều kênh với hàng trăm link video khác nhau vì lý do: các link, kênh này không xâm phạm quyền tác giả
Bên cạnh đó, hiện nay hàng nghìn các tác phẩm âm nhạc trong đó có các tác phẩm thuộc kho tàng các ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ Việt Nam vẫn đang được nhiều tổ chức, cá nhân – những đơn vị có ý thức tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ - sử dụng và tạo ra hàng triệu bản ghi âm, ghi hình trên các nền tảng số, đặc biệt là trên nền tảng YouTube; điều này đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền và giáo dục lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, lòng biết ơn và ý chí phấn đấu, đặc biệt là cho thế hệ trẻ Việt Nam; qua đó thành quả lao động sáng tạo của các tác giả, nhạc sĩ lại càng được tôn vinh và ghi nhận, đồng thời được bảo vệ tương xứng theo chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Vậy tại sao VCPMC chỉ xử lý và ngăn chặn đối với các bản ghi âm, ghi hình do các kênh YouTube thuộc hệ thống CMS của Công ty Bihaco/BHMedia quản lý, đó là bởi các kênh này có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nhạc sĩ, các tác giả, người sáng tạo ra tác phẩm, bởi VCPMC cần phải thực hiện nhiệm vụ được các thành viên giao phó nhằm bảo vệ quyền và ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ.
Vậy mà, không những không ý thức được về hành vi xâm phạm quyền mà mình đã gây ra suốt một thời gian dài, Công ty Bihaco còn gửi văn bản đồng loạt đến các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo đài (trong đó có VTV để VTVNews đăng tin) với rất nhiều những phát ngôn sai sự thật và biến tướng như: phản đối hành vi vi phạm pháp luật của VCPMC, VCPMC thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam cố ý ngăn chặn phổ biến các tác phẩm âm nhạc cách mạng, VCPMC cố ý ngăn chặn, block, xóa bỏ các nội dung âm nhạc cách mạng trên nền tảng số; VCPMC gây thiệt hại đến lợi ích của các tác giả, gia đình tác giả và lợi ích của công chúng …; VCPMC nhận thấy, đây hoàn toàn là những phát ngôn tùy tiện, thiển cận, thể hiện sự thiếu tôn trọng và thiếu hiểu biết pháp luật, không khách quan và không có căn cứ nhằm cố ý dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực và chia rẽ, gây nhiễu loạn thông tin và dư luận xã hội, có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do ngôn luận nhằm xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân, có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật do hành vi vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
c) Về thông tin mà Công ty Bihaco cho rằng: “bản ghi các tác phẩm … do Trung tâm Hãng phim trẻ cấp quyền độc quyền phổ biến cho BHMedia”:
Theo VCPMC nhận thấy, thông tin mà Công ty Bihaco đưa ra như trên (nếu đúng) thì chỉ giải quyết về vấn đề bản ghi (video/audio) thuộc phạm vi giao dịch giữa Công ty Bihaco và Trung Tâm Hãng Phim Trẻ; thông tin hay phát ngôn này không có giá trị để chứng minh về bản quyền tác phẩm âm nhạc hay nghĩa vụ về bản quyền âm nhạc đã được thực hiện bởi Công ty Bihaco hoặc Trung Tâm Hãng Phim Trẻ hay chưa. VCPMC cho rằng cách Công ty Bihaco nêu thông tin mập mờ như vậy là có mục đích, nhằm đánh tráo khái niệm, gây ngộ nhận trong dư luận về vấn đề bản quyền và nhập nhèm trong việc xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ về bản quyền.
Ngoài ra, hiện nay, theo dữ liệu của VCPMC thì cả hai đơn vị là Công ty Bihaco và Trung Tâm Hãng Phim Trẻ đều không có hợp đồng với VCPMC để xin phép, trả tiền sử dụng các tác phẩm nêu trên theo hình thức “phát hành vật lý” (băng đĩa) hoặc hình thức “phát hành trực tuyến” (trên môi trường mạng). Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng, sao chép tác phẩm mà không được sự cho phép và không trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Như vậy, những nội dung, thông tin phân tích ở trên đã cho thấy một sự việc rõ ràng hơn, đó là việc xác định được ở đây có hành vi xâm phạm quyền tác giả tại các link bản ghi mà Công ty Bihaco đề cập thuộc kênh “Nhạc Cách Mạng Tiền Chiến” - ID Link: UCidaRs8J-YDeNWYq5IFr0iw của BHMedia. Đồng thời, lẽ ra trong quá trình kinh doanh, khai thác các tác phẩm để “kiếm tiền” trên nền tảng mạng xã hội thì Công ty Bihaco phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, phải tôn trọng quyền tinh thần của tác giả, phải sòng phẳng, hài hòa về mặt kinh tế và quyền tài sản của các tác giả đã được pháp luật bảo hộ; nhưng ngược lại, Công ty Bihaco lại phản đối với những phát ngôn thiếu trách nhiệm của một doanh nghiệp kinh doanh khai thác nội dung âm nhạc, có dấu hiệu vi phạm chuẩn mực và đạo đức xã hội, dùng thủ đoạn đưa thông tin giả dối, độc hại và gian lận rất dễ gây ngộ nhận cho dư luận nhằm che đậy hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên VCPMC. Đây là một hiện tượng đáng lên án vì nó thể hiện sự xuống cấp trong đạo đức kinh doanh của một số bộ phận trong xã hội, đi ngược với sự tiến bộ xã hội, cản trở sự phát triển của văn hóa và công cuộc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà Đảng và Nhà nước đang hết sức quan tâm, chú trọng.

Nhạc sĩ Doãn Nho. Ảnh: T.Lê
2 – Các vấn đề liên quan đến hoạt động của Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (VCPMC) và hành vi của doanh nghiệp Bihaco:
Thứ nhất, về tư cách pháp lý và hoạt động của VCPMC:
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ, được thành lập theo Quyết định số 19/2002/QĐ-NS ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, do Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) nhất trí để Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập.
Căn cứ Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều lệ do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phê duyệt, VCPMC thực hiện các hoạt động sau đây theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả: (i) Thực hiện việc quản lý quyền tác giả; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền; (ii) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên. Thông qua các Hợp đồng uỷ quyền với các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, VCPMC được ủy quyền để quản lý, thực hiện việc đàm phán cấp phép, thu, phân chia tiền bản quyền từ việc cho phép khai thác, sử dụng quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc; đồng thời, VCPMC được ủy quyền để thực hiện bảo vệ quyền tác giả bằng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự và biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, về các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến hành vi khai thác và sử dụng tác phẩm của Công ty Bihaco:
- Quy định về “quyền tài sản” thuộc độc quyền của tác giả: Theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc được độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản sau: quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền sao chép tác phẩm, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền phân phối, quyền phát sóng, truyền đạt tác phẩm đến công chúng; trong đó, “quyền sao chép” được quy định là việc sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
- Nghĩa vụ của người sử dụng: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ thể thực hiện hành vi sao chép tác phẩm để định hình và/hoặc tạo ra các bản ghi âm, ghi hình/video để đăng tải, phát hành trên các nền tảng trực tuyến nhằm mục đích khai thác thương mại có nghĩa vụ phải xin phép sử dụng và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả căn cứ theo ủy quyền của tác giả và các hình thức sử dụng quyền sao chép mà đơn vị sử dụng thực hiện để tiến hành thỏa thuận, đàm phán, cấp phép và thu tiền bản quyền đối với việc sử dụng này.
Về mặt nghĩa vụ, các nền tảng chỉ chịu trách nhiệm thanh toán tiền cho các chủ sở hữu quyền theo thỏa thuận mà không bao gồm nghĩa vụ về quyền tác giả cho các đơn vị là chủ kênh, người đăng tải tác phẩm. Khi đăng tải và khai thác nội dung có bản quyền để kiếm tiền trên YouTube thì cá nhân/doanh nghiệp là người đăng tải hay chủ kênh lại chính là đối tượng phải tự thực hiện nghĩa vụ của mình, đều phải tự xin phép và trả tiền bản quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty Bihaco cũng là một trong các đối tượng như vậy. Trong trường hợp Công ty Bihaco là chủ kênh, có sử dụng các tác phẩm thuộc quyền quản lý của VCPMC nhưng không thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả theo quy định thì sẽ dẫn đến việc Công ty Bihaco có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ ba, VCPMC có đầy đủ cơ sở pháp lý khi thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên:
Như nội dung ở mục thứ nhất, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của VCPMC, căn cứ các quy định của pháp luật, căn cứ ủy quyền của các chủ sở hữu quyền tác giả, VCPMC khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý khi thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền cho thành viên. Đối với các trường hợp áp dụng biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền, VCPMC căn cứ theo phạm vi ủy quyền của Tác giả và văn bản kiến nghị của Tác giả, đáp ứng yêu cầu cơ bản theo cơ chế Youtube và Youtube chấp nhận để xử lý bằng việc “gỡ”/tạm dừng phát tác phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho chủ sở hữu quyền.
VCPMC căn cứ đầy đủ các văn bản/đơn kiến nghị yêu cầu xử lý trên môi trường số/nền tảng/Youtube của các Tác giả, Chủ sở hữu quyền tác giả - cho những trường hợp mà Công ty Bihaco nêu trong văn bản ngày 18/4/2025. Như vậy, những phản ánh mà Công ty này cho rằng VCPMC ngăn chặn phổ biến tác phẩm là suy luận hoàn toàn tùy tiện, bịa đặt, cho thấy đây là một trong những đơn vị khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc một cách thiếu ý thức tôn trọng pháp luật cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thứ tư, thực trạng vi phạm nghiêm trọng của Công ty Bihaco do hành vi xâm phạm quyền tác giả với quy mô và số lượng lớn:
Trong suốt nhiều năm qua, trong khi nhiều đơn vị khai thác, sử dụng tác phẩm để kinh doanh trực tuyến, kiếm tiền trên các nền tảng trực tuyến… đã hiểu rõ và thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu thì Công ty Bihaco luôn chống đối và cố tình trì hoãn để không phải thanh toán tiền sử dụng quyền sao chép đối với các tác âm nhạc thuộc thành viên VCPMC khi tạo ra các video âm nhạc và đăng tải, phát hành trên hệ thống kênh Youtube nhằm mục đích thương mại. VCPMC nhiều lần trao đổi, thuyết phục thực hiện, cảnh báo hành vi xâm phạm… nhưng phía Công ty Bihaco không có thiện chí. Do đó, biện pháp công nghệ chỉ là một trong những biện pháp cuối cùng mà thời gian qua VCPMC buộc phải thực hiện vì Công ty này thể hiện sự chống đối và bất hợp tác đến tận cùng, thậm chí dùng nhiều cách thức hoặc thủ đoạn gian lận để cản trở VCPMC trong công việc bảo vệ bản quyền cho thành viên. Hành vi xâm phạm của Công ty Bihaco diễn ra liên tục với một số lượng tác phẩm lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tác giả thành viên VCPMC- tạm tính số tiền vi phạm có thể lên tới hàng tỷ đồng. Căn cứ các quy định pháp luật, VCPMC đã và đang lần lượt khởi kiện từng trường hợp xâm phạm bản quyền này ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
* Đính kèm: Danh sách một số kênh của BHMedia hoặc thuộc Net BHMedia có hành vi xâm phạm quyền tác giả - một số kênh VCPMC đã khởi kiện
Hành vi xâm phạm nghiêm trọng và phản cảm như thế nhưng Công ty Bihaco vẫn chống đối đến cùng. Nếu như Công ty Bihaco tỏ ra rằng bản thân mình đang có công phổ biến các tác phẩm cách mạng, vậy thì tại sao Công ty Bihaco lại tước đoạt quyền và lợi ích xứng đáng của các tác giả, các nhạc sĩ đã cống hiến và sáng tạo ra những tác phẩm cách mạng ấy? Chỉ vì lợi nhuận của bản thân mình, Công ty Bihaco đã chà đạp lên quyền lợi hợp pháp của các tác giả, coi thường quyền thụ hưởng của công chúng, bên cạnh đó còn xúc phạm đến uy tín của một tổ chức đại diện cho các tác giả là VCPMC, hơn thế nữa còn tạo ra một hình ảnh xấu, một tiền lệ xấu làm ảnh hưởng đến quá trình nỗ lực thực thi nghiêm túc về bản quyền của các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội, ảnh hưởng đến người sáng tạo, xem thường pháp luật, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công cuộc hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Ngoài ra, mới đây vào ngày 29/4/2025, VCPMC có nhận được văn bản số 184/CV-BH MEDIA do Công ty Bihaco gửi đến với nội dung là “phản đối hành vi ngăn chặn phổ biến các tác phẩm cách mạng của Trung tâm VCPMC”. Đối với văn bản này, VCPMC đã gửi văn bản phản hồi số 136/TTBVQTGANVN ngày 08/5/2025 đến doanh nghiệp này với nội dung chính: (i) Những phản ánh của Công ty Bihaco là không có căn cứ, có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật; (ii) Yêu cầu Công ty Bihaco trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, khắc phục vi phạm.
Do đó, từ những nội dung báo cáo và phân tích nêu trên, VCPMC nhận thấy:
* Toàn bộ nội dung phản ánh của Công ty Bihaco là hoàn toàn không có cơ sở, sai sự thật, cố ý làm sai lệch sự việc nhằm xúc phạm VCPMC và gây khó khăn cho hoạt động của VCPMC, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhạc sĩ, tác giả. Hành vi của Công ty Bihaco có dấu hiệu vu khống và xâm phạm danh dự, uy tín của VCPMC khi gửi thông tin sai sự thật đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây thiệt hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của VCPMC; VCPMC có quyền yêu cầu Công ty Bihaco phải xin lỗi công khai và cải chính thông tin trên các Báo.
* Công ty Bihaco có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác có liên quan.
* Công ty Bihaco có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự, có thể có dấu hiệu phá hoại nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trong thời gian cả nước đang tập trung hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2025).
Với trách nhiệm của một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, trách nhiệm với các tác giả thành viên, VCPMC sẽ tiếp tục và cương quyết yêu cầu Công ty Bihaco phải thực hiện nghĩa vụ như mọi doanh nghiệp hay người sử dụng khác là phải xin phép sử dụng và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với việc kinh doanh khai thác nội dung âm nhạc trên nền tảng trực tuyến; đồng thời tiếp tục gửi các cảnh báo pháp lý đến Công ty Bihaco nhằm tiến hành áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền bao gồm khởi kiện dân sự, yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Bihaco, tùy theo hành vi và mức độ thiệt hại mà doanh nghiệp này gây ra.
VCPMC báo cáo và thông tin những nội dung trên đến các Cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị truyền thông, báo chí để đảm bảo tính khách quan trong sự việc này. VCPMC rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp sức của các Quý Cơ quan trong hoạt động bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật Việt Nam và đảm bảo thực thi các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nhạc sĩ - NSƯT Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC cho biết, quý I/2025 đơn vị thu được 85 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc. Số tác giả đăng ký gửi tác phẩm cho VCPMC hiện tại là 6.720 người, tăng gần 400 tác giả chỉ trong vòng vài tháng.