Tác phẩm giao hưởng thơ "Người về đem tới niềm vui" ra đời vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990).
Nhạc sĩ Trọng Bằng đã viết nên tác phẩm này bằng cảm xúc chân thành nhất của mình. Ông mong muốn và cảm thấy thôi thúc phải viết một tác phẩm khí nhạc về tình yêu lớn lao của nhân dân Việt Nam dành cho cụ Hồ. Là tác phẩm giao hưởng, nhưng phải dễ nghe, dễ được công chúng đón nhận, phải là giai điệu thật gần gũi Ông đã viết nên "Người về đem niềm vui tới" với những cảm hứng đến từ ca khúc "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của nhạc sĩ Văn Cao, một tác phẩm bất hủ có một sức cuốn hút mạnh mẽ với mọi tầng lớp khán giả. Bản thân tác giả Văn Cao cũng rất xúc động khi nghe tác phẩm. Nhạc sĩ Trọng Bằng chia sẻ: Nhạc sĩ Văn Cao đã động viên tôi: “Cảm ơn Bằng đã làm cho câu nhạc của mình trở thành một bức tranh đẹp đẽ đầy hình tượng và màu sắc…”
Nhạc sĩ Trọng Bằng nói về trình tự cảm xúc và sự lý giải của riêng ông về tác phẩm: Chủ đề 1 là một khúc ngợi ca, tự hào về người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với tình cảm trữ tình, tha thiết bao la, giới thiệu với khán giả chất liệu âm nhạc rất rõ ràng từ câu hát Người về đem tới ngày vui.
Chủ đề 2 là những hồi tưởng khi Bác trở về đất nước, âm nhạc rộn ràng hơn với những tiếng lá, tiếng suối reo, của núi rừng Pắc Bó, chủ đề được biến tấu với màu thứ.
Phần phát triển diễn tả sự quyết liệt, giẳng co giữa các motive trong chủ đề, đó cũng chính là những trăn trở, những khốc liệt trong cuộc chiến tranh của đất nước trong công cuộc dành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Bác, phần phát triển đưa chủ đề chính trở thành một hành khúc hoành tráng, trang nghiêm.
Trong phần Episode tôi để chủ đề chính đan xen với toàn bộ một ca khúc khác của tôi là Quê hương vang lên tiếng hát tự hào.
Đến phần Coda, tôi đưa vào đó cả nét nhạc trong một ca khúc tôi sáng tác từ năm 14 tuổi với câu hát “Hồ Chí Minh ánh dương trên trời cao” trong khi vẫn tiếp tục đan xen chủ đề chính.
Nói chung, chỉ với 5 nốt nhạc được dùng với các thủ pháp khác nhau, chủ đề vẫn luôn xuyên suốt và trở nên ấn tượng đối với khán giả.
Ngoài lễ kỷ niêm 100 năm sinh nhật Bác, tác phẩm này được vinh dự có mặt trong chương trình biểu diễn hòa nhạc của nhiều sự kiện quan trọng như Lễ kỉ niệm Quốc Khánh năm 1990, lễ kỉ nệm 15 năm thành lập nhạc viện TP HCM, 40 năm thành lâp Nhạc viện Hà nội, hội nghị ASEM ở Copenhaghen năm 2002, Festival Nhật Bản 2006…
Đây cũng là một trong những tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Bằng được nhiều nhạc trưởng trình diễn nhất, trong đó có nhạc trưởng nước ngoài như Tetsuji Honna, Yoshikazu Fukumura, Colin Metters, Graham Sutcliffe, Adrian Tan… Năm 2000, khi được biểu diễn ở làng Sen quê Bác, nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa kể rằng dân chúng đã kéo đến xem rất đông, nghe nhạc giao hưởng với một thái độ chăm chú và say sưa. Nhạc trưởng Nhật Tetsuji Honna trình diễn bản này tại Tokyo, Osaka và giới thiệu với công chúng: “Đây là tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam viết tặng vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh”, khán giả đã đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt, yêu cầu dàn nhạc chơi lại (Bis). Năm 2001, khi Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam biểu diễn tại Bangkok, các nhạc công của dàn nhạc Bangkok đã ùa lên sân khấu chúc mừng, đòi xin tổng phổ, phân phổ ngay tại chỗ…
Qua tác phẩm này, chúng ta cũng thấy rằng không phải quá khó để giao hưởng thính phòng “thuyết phục” được công chúng. Để hiểu được âm nhạc bác học thì quần chúng phải có một trình độ nhất định. Nhưng nhạc sĩ không thể đòi hỏi ở công chúng mà phải tìm cách tiếp cận bằng những thủ pháp sáng tác, cách thức phát triển những nhân tố, chất liệu âm nhạc một cách hài hòa. Nhạc sĩ cần có vốn nhất định trong kho tàng âm nhạc cổ truyền, âm nhạc dân tộc Việt Nam, thấm nhuần nó để luôn giữ được vẻ đẹp của cái hồn dân tộc cho dù có phát triển, biến đổi thế nào. Trên hết, nhạc sĩ phải là người có tâm, có trình độ và viết tác phẩm bằng cảm xúc thật sự của mình. Trình độ để đảm bảo tác phẩm được viết lên một cách chặt chẽ, cấu trúc rõ ràng, diễn tả âm nhạc mạch lạc, có logic. Cảm xúc mang lại cái hồn cho tác phẩm, và cảm xúc đó nếu như được bắt nguồn từ kho tàng âm nhạc dân gian, thấm đượm tiếng nói dân tộc thì sẽ trở nên gắn bó, gần gũi, thân thương. Có được những yếu tố đó thì có lẽ công chúng sẽ tiếp nhận tác phẩm một cách dễ dàng và tự nhiên hơn.