Tác giả: Phạm Lê Hoà
Cho đến nay, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là trường Đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam chuyên đào tạo các giảng viên nghệ thuật cho ngành giáo dục - đào tạo. Sau hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, từ một trường trung học, rồi được nâng cấp thành trường cao đẳng, ngày 26 tháng 5 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 117/2006/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Điều đó thể hiện sự quan tâm/sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với vai trò của giáo dục nghệ thuật trong sự nghiệp trồng người ở nước ta. Điều đó cũng có nghĩa: tập thể cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương không chỉ đứng trước một vinh dự lớn lao, mà còn phải luôn ý thức được trách nhiệm trước một sự sang trang mang ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đào tạo các thày cô giáo nghệ thuật tương lai. Và trên con đường tìm tòi một hướng đi riêng để nâng cao chất lượng công tác đào tạo và khẳng định thương hiệu của mình, chúng tôi luôn hướng tới (mà bản chất thực là "hướng về") với những giá trị vốn được coi là một từ những thành tố cấu thành bản sắc văn hóa của một dân tộc - những giá trị văn hóa âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam.
Âm nhạc dân gian truyền thống đã có từ bao đời, gần gũi và thân quen với mỗi người dân như máu thịt của mình. Dường như mỗi con nười Việt Nam từ khi ra đời đến khi nhắm mắt xuôi tay đều sống trong/mang theo suốt cuộc đời những âm điệu của âm nhạc dân gian một vùng quê nào đó. Chính lũy tre làng của tâm hồn đã giữ gìn những giá trị mang tính bản sắc của âm nhạc dân gian trong mỗi con người trước những biến động của lịch sử, của cuộc sống vốn đầy khó khăn, phức tạp, của những giá trị văn hóa khác. Nhất là đối với những người đã từng có thời kỳ sống xa Tổ quốc, họ càng bất ngờ khi cảm nhận rõ hơn dòng chảy âm nhạc dân gian luôn hiện hữu trong tâm trí giữa cuộc sống đời thường sôi động ở nơi đất khách, quê người - nơi có bao nền văn hóa cũng có truyền thống từ lâu đời của các dân tộc khác cũng đang tồn tại và phát triển. Diễn trình lịch sử nhân loại nhiều nghìn năm gần đây đã chứng minh: có không ít những con đường cho sự tồn tại và phát triển âm nhạc đối với mỗi quốc gia/mỗi dân tộc. Sứ mệnh cao cả của mỗi thế hệ/mỗi thời đại là phải tìm ra phương thức riêng, con đường riêng hữu hiệu cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống của cha ông để lại. Trong thời đại ngày nay, thời đại mà toàn cầu hóa được nhìn nhận như một tất yếu của lịch sử phát triển xã hội loài người, thời đại phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin trong xu thế hội nhập của các nền văn hoá, thì các giá trị âm nhạc dân tộc cổ truyền càng giữ vai trò quan trọng/thân thiết và không thể thiếu được trong sự phát triển của nền âm nhạc đương đại. Con đường đó đã được các nước có nền âm nhạc phát triển mạnh khẳng định trong sự phát tiển của nền âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua.
Ý thức được điều đó, trong công tác đào tạo sư phạm âm nhạc/đào tạo những giáo viên làm công tác giảng dạy âm nhạc cho hệ thống giáo dục của Việt Nam, thông qua hệ thống bài giảng, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương luôn chú trọng đến việc giáo dục cho sinh viên được làm quen, được thấy cái hay, cái đẹp - những giá trị của di sản nghệ thuật âm nhạc dân gian truyền thống. Chúng tôi cho rằng cần phải có cái nền vững chắc là âm nhạc truyền thống trước khi các thày cô giáo tương lai tìm hiểu/nghiên cứu những tri thức khác của tinh hoa nghệ thuật âm nhạc thế giới.
Trước hết, trong chương trình đào tạo chúng tôi mang đến cho sinh viên những làn điệu dân ca của nhiều vùng, miền đất nước. Dân ca là môn học bắt buộc đối với mọi sinh viên trong Chương trình đào tạo của nhà trường. Sinh viên của trường không chỉ được học các bài dân ca, mà còn được nghiên cứu/phân tích để nắm được phong cách dân gian của từng vùng, miền. Từ dân ca của đồng bào các dân tộc phía bắc Tổ quốc đến dân ca vùng châu thổ Bắc bộ, dân ca miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam .v.v.. Để làm được điều này một cách tốt nhất trong tình hình giảng viên môn học Dân ca của Khoa Sư phạm âm nhạc còn nhiều bất cập như nhiều cơ sở đào tạo khác trong nước, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã bằng các cố gắng của mình đã có kế hoạch chuẩn bị đội ngũ giảng viên làm công tác này. Đến nay chúng tôi đã có một đội ngũ giảng viên không chỉ đam mê với âm nhạc dân gian truyền thống, mà còn được tạo điều kiện để không ngừng nâng cao trình độ đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của việc truyền dạy những làn điệu âm nhạc dân gian truyền thống. Các giảng viên đã cung cấp những tri thức bước đầu để người học làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu thêm tri thức của mình về âm nhạc dân gian. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động mời nhiều nghệ sĩ/nhạc sĩ có kinh nghiệm của các đơn vị nghệ thuật khác tham gia làm cộng tác viên thỉnh giảng môn học này. Tôi cho đây là một cách làm mang lại hiệu quả cao, bởi thật khó mà một cơ sở đào tạo sư phạm âm nhạc có thể có đội ngũ giảng viên môn dân ca đáp ứng được đầy đủ những đòi hỏi giảng dạy có chất lượng cao của môn học này trước sự phong phú/đa dạng của các vùng miền dân ca theo suốt chiều dài đất nước. Mỗi giảng viên tài năng, trong khả năng hữu hạn vốn có của mỗi con người, chỉ có thể nắm vững một hoặc một vài vùng dân ca - nơi mà người giảng viên đã có nhiều gắn bó/đầu tư thời gian tìm tòi và nghiên cứu trong phần lớn cuộc đời của mình. Mà tri thức nghệ thuật âm nhạc dân gian, âm nhạc truyền thống lại quá rộng lớn và phức tạp luôn đòi hỏi nhiều công sức tìm hiểu/nghiên cứu của nhiều tập thể các nhà nghiên cứu.
Lịch sử âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua đã chứng minh sự thành công của nhiều con đường phát triển nghệ thuật âm nhạc trên cơ sở âm nhạc truyền thống. Từ thực tiễn của những kết quả đã được khẳng định trong thời gian vừa qua, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian cổ truyền của dân tộc, theo tôi, là con đường tất yếu đối với sự phát triển văn hóa âm nhạc nước ta trong thời đại của sự hội nhập với các nền văn hóa khác trên thế giới. Trong Chương trình đào tạo ngành Sư phạm âm nhạc của Khoa Sư phạm âm nhạc (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) ở các trình độ đào tạo (Cao đẳng và Đại học) đều có môn học Âm nhạc cổ truyền với thời lượng từ một đến hai tín chỉ trong một khóa học. Những kiến thức trang bị từ môn học này là cơ sở lý luận cho hành trang đi vào tìm kiếm những tri thức về âm nhạc truyền thống của cha ông. Rất nhiều sinh viên của nhà trường từ tình yêu và tri thức của những bài học đầu tiên về âm nhạc cổ truyền này đã tiếp tục học tập và nghiên cứu để trở thành những nhà nghiên cứu âm nhạc có tiếng với nhiều đóng góp đáng ghi nhận ở trong và ngoài nước. Ở đây chúng ta cũng cần nhớ rằng, nếu như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm chỉ cho ra trường một số lượng cử nhân lý luận âm nhạc rất khiêm tốn (chỉ một vài người), thì số cử nhân tốt nghiệp Đại học Sư phạm âm nhạc thường là con số lớn gấp nhiều lần (hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người). Và các giảng viên này lại làm công tác giảng dạy âm nhạc cho cho các trường phổ thông và sư phạm ngành giáo dục trải dài trên khắp cả nước, do đó tác dụng tuyên truyền/giáo dục tri thức âm nhạc truyền thống đến với đông đảo quần chúng nhân dân quả là không nhỏ, nếu như không muốn nói là rất lớn và mang tính hệ thống.
Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong việc mang tới cho các thế hệ sinh viên không chỉ những tri thức về âm nhạc cổ truyền dân tộc và quan trọng hơn đó là sự đánh thức từ các em những tình cảm hướng về cội nguồn vốn là bản chất của mỗi người dân Việt Nam. Qua thực tiễn của công tác đào tạo sinh viên sư phạm âm nhạc chúng tôi vẫn nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải làm tốt hơn nữa. Một trong những vấn đề đó là phải cho các em sinh viên tiếp cận nhiều hơn nữa với những di sản văn hóa âm nhạc dân gian truyền thống thông qua việc cho các em được đến với các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Để làm tốt điều này, trong thời gian qua, chúng tôi đã có những tiếp xúc, đặt quan hệ với các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Trung ương và Hà Nội nhằm tìm kiếm những cơ hội cho các em tham dự các chương trình biểu diễn của các nhà hát. Những buổi tiếp xúc trực tiếp với các âm điệu nghệ thuật âm nhạc truyền thống đã thực sự không chỉ làm ngỡ ngàng, làm say mê, mà còn làm cho các em sinh viên sư phạm âm nhạc yêu quí hơn di sản văn hóa âm nhạc của cha ông. Tuy nhiên, số lượng những buổi tiếp xúc này còn chưa nhiều vì khả năng ngân sách có hạn của một chương trình đào tạo. Ở Việt Nam, các chương trình biểu diễn nghệ thuật còn chưa có nhiều ưu đãi cho đối tượng là học sinh các trường nghệ thuật như nhiều nước châu Âu. Trước đây, khi còn học tập ở châu Âu tôi biết, sinh viên các trường nghệ thuật khi mua vé vào xem các chương trình nghệ thuật đều được giảm giá vé rất nhiều (thường chỉ trả 30% giá vé). Điều đó cho phép/tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều sinh viên các trường nghệ thuật được tiếp cận các chương trình nghệ thuật. Tôi nghĩ, trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần tham khảo cách làm của nhiều nước trên thế giới để có thể tạo điều kiện tốt cho người học khi tiếp cận các giá trị văn hóa dân gian truyền thống.
Phải được sống trong không gian đã sinh ra và tồn tại của một loại hình âm nhạc dân gian, sinh viên nghệ thuật mới có cơ hội để có thể cảm nhận được rõ hơn những giá trị thực sự tiềm ẩn trong môi trường sống của nó. Nghiên cứu một hiện tượng âm nhạc dân gian không chỉ là sự phân tích thuần tuý chỉ về phương diện âm thanh, mà phải nghiên cứu tổng thể trên nhiều phương diện khác nhau trong bối cảnh của một không gian văn hóa. Nếu trước đây vài chục năm đây là vấn đề còn tranh luận thì hôm nay các nhà khoa học đã khẳng định sự tồn tại đúng đắn của vấn đề.
Cải tiến chương trình đào tạo đại học sư phạm âm nhạc sao cho có thể giáo dục tốt nhất những giá trị văn hóa âm nhạc dân gian cũng là điều chúng tôi trăn trở đã lâu. Bởi thời đâij hôm nay đã có nhiều đổi khác so với nhiều năm trước đây. Cần phải trang bị cho sinh viên những tri thức thật sự cần thiết đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thực tế cuộc sống. Có thể trong chương trình không chỉ có thêm những kiến thức dân tộc nhạc học, mà còn hơn thế nữa cả những thao tác cần thiết cho người sưu tầm/nghiên cứu âm nhạc dân gian tại ngay chính nơi công tác tương lai của mình.
Từ những vấn đề trên về vai trò của di sản nghệ thuật âm nhạc truyền thống đối với công tác đào tạo chuyên ngành Sư phạm âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ường, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới cần phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và Viện Nghiên cứu Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia), cần làm cho những di sản nghệ thuật âm nhạc truyền thống vốn là tài sản vô giá của bao thế hệ cha ông đến được với một từ những đối tượng cần/khát khao/đáng được hưởng thụ là các sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Và trong tính biện chứng của vấn đề, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về sự đóng góp tích cực trong công tác phát hiện/sưu tầm/tuyên truyền các giá trị di sản nghệ thuật âm nhạc truyền thống của các sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương sau khi ra trường, khi họ sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo sẽ về công tác tại những miền đất thấm đượm hương nồng của những âm điệu dân gian truyền thống. Sự đóng góp của họ trong tương lai cho việc bảo tồn và phát huy một cách hữu hiệu những di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam là hy vọng có cơ sở để khẳng định. Cũng cần nói thêm rằng: có thể coi đây là một từ những phương thức hữu hiệu nằm trong tiến trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa nói chung, các hoạt động âm nhạc dân gian truyền thống nói riêng trong thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.