Âm nhạc không khoảng cách
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng là người sáng lập ban nhạc Bridge, giải thích: "Ban nhạc của chúng tôi mang tên Bridge (Cây cầu) với ý nghĩa dùng âm nhạc để kết nối, dùng âm nhạc để quảng bá những giá trị tốt đẹp và chia sẻ giá trị văn hóa của các dân tộc khác nhau. Chúng tôi mong muốn rằng khi các dân tộc hiểu biết về nhau hơn thì sẽ cùng nhau kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn".
Bridge sẽ cùng nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc tham gia biểu diễn tại BridgeFest 2024 - lễ hội được tổ chức thường niên từ năm 2018 với mong muốn cùng âm nhạc thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bao trùm và cơ hội bình đẳng cho mọi người tại Việt Nam. Sau khi chu du Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, năm nay BridgeFest sẽ trở lại Hà Nội (từ 15 giờ - 22 giờ ngày 2.11, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), tiếp tục là cầu nối giữa các thế hệ và nền văn hóa, quy tụ dàn nghệ sĩ đa sắc màu. Từ các ban nhạc huyền thoại đến những tài năng mới nổi, từ Việt Nam đến quốc tế, lễ hội sẽ tôn vinh sức mạnh của âm nhạc, thu hẹp khoảng cách và truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực trong xã hội.
Cùng ban nhạc Bức Tường lần thứ 3 tham gia BridgeFest, nghệ sĩ Trần Tuấn Hùng nhận ra rằng âm nhạc có thể làm được những điều lớn lao. “Trên sân khấu BridgeFest, chúng tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng đặc biệt - đây là nơi mà chúng tôi cùng nhau lan tỏa các giá trị về bình đẳng và hòa nhập, nơi âm nhạc trở thành nhịp cầu kết nối mọi người từ mọi tầng lớp, vượt qua mọi khoảng cách về hoàn cảnh, giới tính và xuất thân".
Nghệ sĩ Trần Tuấn Hùng kể lại thời kỳ mới thành lập và cái tên Bức Tường (The Wall). Bức Tường ấy không phải là sự ngăn cách (như nhiều người từng nghĩ) mà là để xây nên những không gian, công trình, nơi mọi người có thể dựa vào, trú ẩn khi gặp vấn đề nào đó ở bên ngoài. Đồng thời, Bức Tường cũng là sự gắn kết của những viên gạch - các thành viên của nhóm và ngày càng vững chắc hơn. “Đó là mong muốn của chúng tôi. Như trong bài hát đầu tiên của Bức Tường (We are The Wall band - PV) có thông điệp quan trọng nhất là chúng ta hãy cùng nhau làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn”.
Theo nghệ sĩ Trần Tuấn Hùng, Bức Tường cảm thấy BridgeFest là nơi họ thuộc về. “Thông qua các buổi biểu diễn tại BridgeFest, chúng tôi không cảm thấy có khoảng cách nào cả giữa những người tổ chức với nghệ sĩ và đặc biệt là với khán giả thuộc nhiều thế hệ, kể cả khán giả trẻ, họ vẫn nghe âm nhạc của Bức Tường. Tôi hy vọng rằng với sự tham gia của rất nhiều tổ chức, thông điệp của BridgeFest sẽ ngày càng lan tỏa rộng rãi”.
Hành trình lan tỏa những điều tốt đẹp
Nhận lời tham gia BridgeFest 2024 với Hợp xướng Gió Xanh tại thời điểm này có gấp gáp khi họ vừa hoàn thành chương trình hòa nhạc thường niên và “chưa hồi sức”. Tuy nhiên, sau khi nghe chia sẻ về ý nghĩa và thông điệp của BridgeFest, chỉ huy - người sáng lập Hợp xướng Gió Xanh Nguyễn Hải Yến muốn được hát nhiều hơn 1 bài như đã đăng ký. “Thông điệp của BridgeFest quả thực thật ý nghĩa và trùng khớp với những điều Gió Xanh đang làm. Gió Xanh không có ai học nhạc, trừ tôi và người đệm đàn piano, nhưng không thể tìm được tập thể nghệ sĩ chuyên nghiệp nào mà tôi từng tham gia niềm say mê, hứng khởi với âm nhạc như thế”.
Gần 200 thành viên từ 6 - 86 tuổi của Gió Xanh tự tìm đến nhau, tự trả tiền thuê phòng tập hàng tuần để được hát bài họ thích, được là chính họ. Và không chỉ chia sẻ niềm say mê âm nhạc, họ còn chia sẻ khao khát được cống hiến nhiều điều gì đó cho cuộc sống. “Người ta có câu không thể ghét một người đứng hát cùng mình, cũng không thể ghét người đến nghe mình hát, mà sẽ yêu người đấy. Và cứ thế, chúng tôi yêu nhau, muốn làm nhiều điều tốt hơn cho nhau. Rất nhiều thành viên, thậm chí cả những người còn rất trẻ, các con đang đi học, đều muốn được làm điều gì tốt đẹp hơn trong một cộng đồng, một xã hội mà ai cũng đang làm những điều tốt đẹp. Những sự kiện như BridgeFest là cơ hội nhắc lại thông điệp ý nghĩa đó, niềm cảm hứng đó, để nó không bị trôi đi”, Nguyễn Hải Yến chia sẻ.
Tại BridgeFest 2024, Gió Xanh sẽ trình diễn “Heal the world”, bài hát của Michael Jackson kêu gọi mọi người chung sức xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn "cho bạn, cho tôi và cho cả nhân loại". Nguyễn Hải Yến cho rằng, hát một bài hát trên sân khấu chỉ khoảng 3 phút, nhưng từ hôm nay đến khi ngày biểu diễn, ít nhất gần 200 thành viên Gió Xanh và người thân của họ sẽ được truyền đến thông điệp của chương trình. Họ sẽ được sống trong cảm giác được đóng góp, được phát triển, được làm điều gì đó cho xã hội, thông qua tiếng hát của mình.
Đây cũng là điều các nhà tổ chức nhấn mạnh, kết quả của BridgeFest không chỉ là những gì nhìn thấy vào ngày 2.11, mà là cả tiến trình các tổ chức/nghệ sĩ làm việc với nhau, chọn thông điệp muốn chia sẻ với công chúng. Điều này, theo bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý chương trình cấp cao, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam - đơn vị đồng tổ chức BridgeFest suốt 6 năm qua, ý nghĩa hơn nhiều. Bởi qua đó những người tham gia học được cách chia sẻ, cùng nhau làm điều mà họ thấy quan trọng và cần thiết, để ai cũng được công nhận, tôn vinh và tỏa sáng; công chúng được truyền cảm hứng về sự đa dạng và những vẻ đẹp trong cuộc sống, như tình yêu thương, sự gắn kết và sống hài hòa với môi trường.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia đồng tổ chức BridgeFest từ năm 2020, cùng với các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp xã hội từ khắp Việt Nam. “Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực và giá trị mà BridgeFest mang đến cho cộng đồng trong nhiều năm qua. Đó là lý do chúng tôi luôn có mặt tại đây để góp một phần mình cho những ý tưởng nhân văn, cao đẹp, vì một tương lai công bằng và tốt đẹp hơn cho mọi người”, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Nhất Hoàng khẳng định.