Âm nhạc Phan Huỳnh Điểu sống mãi với cuộc đời

07:00 AM, Thứ hai, 11/11/2024
282

Tác giả: Hoàng Sơn

 

Đó là nhận xét của nhà phê bình, lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, tại tọa đàm "Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu" do Hội Âm nhạc VN phối hợp UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hôm 8.11, nhân 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ (11.11.1924).

 

BẬC THẦY PHỔ THƠ

 

Điểm lại sự nghiệp của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, PGS-TS - nhạc sĩ Thế Bảo đánh giá ông là nhạc sĩ tài hoa, bậc thầy phổ thơ thành các ca khúc hay mà chúng ta từng được thưởng thức. Tháng 8.1971, ông đã phổ Bóng cây Kơ-nia, Măng Thị Hội hát thành công rực rỡ. Cũng năm 1971, ông phổ Bài thơ tình yêu của Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) thành ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao rất hay, và sau đó là phổ Ngày và đêm của Bùi Công Minh thành một hành khúc trữ tình.

 

Âm nhạc Phan Huỳnh Điểu sống mãi với cuộc đời- Ảnh 1.

Ca sĩ trẻ trình diễn những ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại buổi tọa đàm

ẢNH: HOÀNG SƠN

 

Năm 1973, Phan Huỳnh Điểu phổ Nhớ của Nông Quốc Chấn, đặc biệt Sợi nhớ sợi thương của Thúy Bắc. Năm 1978, ông phổ thành công bài thơ Anh ở đầu sông em cuối sông của Hoài Vũ, năm 1983 phổ Ở hai đầu nỗi nhớ Trần Hoài Thu. Đặc biệt, không thể nào không nhắc đến Thuyền và biển và Thư tình mùa thu của Xuân Quỳnh, mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng có lần tâm sự ông ở số nhà 96 phố Huế (Hà Nội) cùng nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Ông rất mừng là Xuân Quỳnh đã được nghe mình phổ 2 bài thơ này.

 

Nhạc sĩ Thế Bảo phân tích bản thân Phan Huỳnh Điểu sáng tác lời hát rất hay (như ca khúc Những ánh sao đêm), nhưng ông luôn hiểu rằng đọc thơ thì tứ thơ sẽ cho ông những tứ nhạc và ông chỉ chọn những bài thơ có tính ca từ, những bài thơ lời dễ hiểu, gợi cảm. Những bài thơ bí hiểm, triết lý sâu xa, nhiều tầng ngữ nghĩa thì ông bỏ qua. Phan Huỳnh Điểu cũng luôn vận dụng dân ca. Bóng cây Kơ-nia mang âm hưởng Tây nguyên, Sợi nhớ sợi thương âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh, Thuyền và biểnThư tình cuối mùa thu mang ít nhiều dân ca miền Bắc…

 

"Phan Huỳnh Điểu luôn mô phỏng và nhắc lại trong phổ thơ. Âm nhạc nhắc lại để nhớ và đổi mới, để quên rồi lại nhắc lại. Khi thơ không nhắc lại thì Phan Huỳnh Điểu sẽ tự nhắc lại… Hôm nay, chúng ta học tập nghệ thuật phổ thơ của Phan Huỳnh Điểu, từ đó hiểu được giá trị của những ca khúc phổ thơ đi cùng năm tháng", nhạc sĩ Thế Bảo nói.

 

"Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ"

 

Tại buổi tọa đàm, ngoài những tham luận làm rõ "sự nghiệp sáng tác vĩ đại và đồ sộ" của Phan Huỳnh Điểu (lời nhạc sĩ Đình Thậm), các nhạc sĩ, gia quyến của ông cũng có những chia sẻ xúc động. Nhạc sĩ Văn Thu Bích đánh giá, được mệnh danh là "con chim vàng của nền âm nhạc VN", suốt hơn nửa thế kỷ qua Phan Huỳnh Điểu đã ghi khắc trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng bởi rất nhiều ca khúc nổi tiếng. "Trong suốt cuộc đời, số lượng hàng trăm ca khúc của ông từ những bài hát cách mạng đến những khúc tình ca đều mang nét đặc trưng rất riêng mà thế hệ sau vẫn còn lưu giữ", bà Bích nói.

 

Âm nhạc Phan Huỳnh Điểu sống mãi với cuộc đời- Ảnh 2.

Nhạc sĩ Phan Hồng Hà, con trai cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, có những chia sẻ xúc động tại tọa đàm

 

Nhạc sĩ Phan Hồng Minh khi nhắc đến những kỷ niệm về người bố của mình đã bật khóc. Ông Minh cho biết, là một người nhã nhặn, không thích gay gắt ngay cả với những người hát sai lời ca khúc của mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu luôn mong muốn những ca sĩ khi hát nhạc của ông cần chính xác cả lời lẫn nhạc và "nên đọc bài thơ trước khi hát". Ông Minh kể trước lúc qua đời vào tháng 6.2015, bố ông đã trao cho ông một đề nghị: Viết một bản nhạc có giai điệu của Đoàn vệ quốc quân mang âm hưởng trầm hùng, chậm rãi như một lời ông tiễn biệt cuộc đời mang chất riêng.

 

"Ba muốn như thế nhưng tôi không dám viết. Tôi linh cảm là khi tôi viết thì ông sẽ "đi" nên tôi nấn ná. Nhưng sức người có hạn, rồi ba tôi cũng "đi"… Tôi nhận ra ước nguyện của ông chưa thành hiện thực. Sau đó, tôi có làm nhưng thực ra đó là niềm ân hận. Tối 9.11, chúng tôi sẽ hát bài Cuộc đời vẫn đẹp sao nhưng tôi sẽ đưa những nét đặc trưng bài Đoàn vệ quốc quân vào. Đó như là một lời tiễn của con trai đúng với mong mỏi của ba", ông Minh xúc động. Nhạc sĩ Phan Hồng Hà (con trai cố nhạc sĩ) cũng nghẹn giọng: "Tôi như thấy ba tôi đang ở đâu đó chứng kiến những gì chúng ta làm. Chúng tôi nhớ ba, nhớ mẹ như ở hai đầu nỗi nhớ vậy. Tôi mong mọi người luôn nhớ đến ba tôi, nhớ đến những ca khúc của ông".

 

Bà Nguyễn Thị Minh Châu, tiếp lời: "Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ vui vì biết rằng con cháu, công chúng vẫn luôn nhớ ông. Tình yêu của ông sẽ mãi ở lại. Bài hát của ông sẽ thay ông sống mãi với cuộc đời này và sẽ khích lệ chúng ta sống tốt hơn, yêu đời, yêu người hơn. Sự nghiệp của ông cũng sẽ khích lệ các nhạc sĩ nối tiếp con đường âm nhạc mà thế hệ của ông đã gây dựng nên".

 

Đà Nẵng đặt tên đường Phan Huỳnh Điểu

 

Hôm nay (9.11), nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức lễ đặt tên đường Phan Huỳnh Điểu tại P.Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn). Tối cùng ngày diễn ra chương trình nghệ thuật Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại.

 

Chiều 8.11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng khai mạc triển lãm với chủ đề Phan Huỳnh Điểu - Cánh chim bay về, giới thiệu 15 tác phẩm hội họa, 8 ký họa, 1 tác phẩm điêu khắc và 53 tác phẩm ảnh về cuộc đời ông.

 

(Nguồn: https://thanhnien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều