Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu
Với dáng bay thanh thoát nhờ đôi cánh dài thuôn nhọn và cái đuôi điệu đà xẻ chữ V, chim én còn có những tên gọi mỹ miều: huyền điểu, thiên nữ. Nhân gian lưu truyền rằng cánh én gieo mầm cho niềm tin và hi vọng vào một khởi đầu thuận lợi, vào sự sinh trưởng, may mắn, đủ đầy, yên ấm… Điềm lành luôn xuất hiện cùng loài chim bé nhỏ nhưng bản lĩnh, sống tự do giữa bầu trời khoáng đạt mà cũng rất mực thủy chung. Các thi sĩ văn sĩ gắn chim én với mùa xuân - bình minh của tứ quý. Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gắn cánh én với tuổi thơ - bình minh của đời người.
Những cánh én chấp chới của mọi tuổi thơ Những cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ.
Trời cao bao la, nắng mới ấm áp, cỏ cây tươi xanh, bầy én rủ nhau tung cánh dệt mùa xuân bằng muôn ngàn tia nắng… Nhạc sĩ đã mở ra trước mắt trẻ thơ bức tranh thiên nhiên không chỉ phóng khoáng đường nét, rực rỡ sắc màu, mà còn đầy ắp ý thơ hồn nhạc. Lồng vào cảnh tượng thanh bình ấy là thông điệp về tình yêu thương và tính cộng đồng. Một cánh én nhỏ lạc bầy cô đơn giữa mùa đông mịt mùng… Thấp thoáng trong đó bóng dáng cô con gái út dễ tủi thân của ông đang một mình lặn lội trên hành trình đèn sách nơi tuyết rơi giá lạnh. Dường như ông muốn gửi lời nhắn nhủ đứa con luôn còn bé bỏng với ông qua hình ảnh loài chim hữu ích, cần mẫn và nghị lực, biết kết bên nhau chan chứa tình thân để cùng tung cánh bay tới nắng ấm trời xuân.
Cánh én tuổi thơ dễ vào dễ ngấm bởi vẻ đẹp dịu dàng, âu yếm; dễ hát dễ thuộc với cấu trúc vuông vắn và âm hình tiết tấu lặp lại ở từng cặp câu hát. Giai điệu từ từ đưa cảm xúc dâng lên tới đỉnh cao trào ở đầu điệp khúc "những cánh én…", rồi hạ dần xuống câu kết chan chứa điều ước cho mai sau. Sự xuất hiện dấu thăng ở các hợp âm trưởng trong mấy nhịp cuối đã pha chút sắc màu sáng hơn cho điệu tính thứ man mác buồn của toàn bài.
Một cánh én không làm nên mùa xuân, nhưng nhiều cánh én tạo nên sức mạnh cộng đồng có thể dệt thành điều diệu kỳ. Cần những cánh én như thế cho sự thăng hoa của nền âm nhạc thiếu nhi, cần nhiều nhạc sĩ ưu ái con trẻ để có thêm nhiều bài hát chở thơ chở nhạc đến cho tuổi thần tiên. Đấy là mong ước sâu xa, là nỗi niềm đau đáu ở một "nhạc sĩ của tuổi thơ", một tác giả có thâm niên hơn 70 năm viết nhạc thiếu nhi và trong nhiều năm giữ kỷ lục người sáng tác cho thiếu nhi nhiều nhất - hơn 200 bài, chiếm 1/3 gia tài âm nhạc của ông. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ có nhiều bài nhất trong danh mục bình chọn "50 bài hát thiếu nhi hay nhất".
Nỗi niềm riêng được gói trong cái chung là điều thường thấy ở nhạc sĩ Phạm Tuyên. Theo con từng bước từ tuổi nhà trẻ đến tuổi mới lớn, những ca khúc viết cho riêng con đã trở thành bài hát chung cho thiếu nhi các thế hệ nối tiếp nhau. Cánh én tuổi thơ được hát được yêu không chỉ riêng trẻ nhỏ mà cả người lớn nữa. NSND Lê Dung đã hát bài này ấn tượng đến mức nhiều năm sau vẫn còn được nhắc tới.
Không gì hiệu quả trong hình thành nhân cách và thẩm mỹ trẻ thơ bằng những câu hát đẹp tự nhiên, trong sáng, chân thành. Nhờ vậy mà sức sống bài hát thiếu nhi của Phạm Tuyên không những trải dài theo thời gian từ thế hệ ông bà đến bố mẹ rồi con cháu, mà còn lan tỏa rộng khắp. Cánh én tuổi thơ là bài mở màn cho dự án ca khúc thiếu nhi song ngữ trên các nền tảng số, góp một cánh én làm phong phú hơn đời sống ca nhạc thiếu nhi trong nước và quảng bá văn hóa Việt cho đối tượng yêu nhạc ngoài biên giới.
Một ca khúc xuân giàu hình ảnh và chất hát, một bài hát trữ tình nhẹ nhàng mà sâu sắc tính giáo dục và tính thời đại, vừa khích lệ sự hòa đồng, vừa nâng cánh cho khát vọng bay cao. Cánh én tuổi thơ (1987) ở tuổi 35 còn gợi mở những điều đáng suy ngẫm liên quan đến môi trường sống hôm nay. Giống chim chăm chỉ bắt sâu được coi là bạn của nhà nông, là đồng minh của con người trong cân bằng sinh thái đang có nguy cơ diệt chủng vì nạn săn bắt kinh doanh. Trớ trêu thay chính con người lại là kẻ gây tổn hại cho sự sinh tồn của loài én! Hình tượng "én rủ xuân về" phai dần còn vì không chỉ đô thị mà cả miền quê đều hối hả bê tông hóa. Giữa thành phố bạt ngàn nhà chọc trời ngày nay có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy đâu bóng dáng sứ giả mùa xuân. Nhiều em bé líu lo Cánh én tuổi thơ mà không hề biết con én trông ra sao để phân biệt với loài chim khác. Có lẽ nào cánh én chỉ còn trong bài hát thiếu nhi và trong ký ức người lớn như một ước vọng xa vời?
Em ước mong sao bầu trời chẳng đen bóng mây Để ngàn chim hót để đàn én bay.
Có phải bài hát đang nhắn nhủ thế hệ từng lưu giữ cánh én trong kỷ niệm tuổi thơ hãy trả lại chim én cho con cháu chúng ta, hãy giữ cho “đất lành chim đậu”, để hình ảnh đàn én tung cánh bay liệng trên trời xanh chào đón xuân về được thực sự sống mãi với trẻ thơ các thế hệ mai sau?