Câu chuyện âm nhạc: “Tiếng đàn bầu”

07:00 AM, Thứ tư, 09/10/2024
452

Tác giả: Hà Phong

 

Bài hát “Tiếng đàn bầu” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (thơ Lữ Giang) được đông đảo công chúng trong và ngoài nước yêu thích, mến mộ. Nhưng ít ai biết rằng, bài thơ “Tiếng đàn bầu” của nhà thơ Lữ Giang ra đời cách đây đúng 70 năm vào dịp Thủ đô được giải phóng (tháng 10-1954).

 

nguyen-dinh-phuc1.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc.

 

Sinh thời, nhà thơ Lữ Giang kể rằng: Nghe tin Thủ đô giải phóng, ông cùng mấy người bạn vội vã đạp xe từ Khu 4 về Hà Nội kịp dự ngày tiếp quản.

 

Đêm hôm đó, ông được xem văn công quân đội biểu diễn trước nhà hàng Thủy Tạ. Trong chương trình có tiết mục độc tấu đàn bầu với âm thanh réo rắt, cung trầm, cung bổng quyến rũ khiến ông xúc động.

 

Ngay đêm đó, tại nhà trọ ở phố Cầu Gỗ, Lữ Giang thức trắng đêm viết xong bài thơ “Tiếng đàn bầu”: “Đàn bầu ngày mất nước/ Dây tơ mềm não ruột/ Đàn bầu sáng thu nay/ Như bầu trời xanh mướt”.

 

18 năm sau (1972), nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc tâm đắc với ý thơ, ông đã phổ thành ca khúc với giai điệu trầm bổng, mang đậm âm hưởng dân gian truyền thống: “Tiếng đàn bầu ngày nay/ Như tiếng người chiến thắng/ Đang vang vang ca rằng/ Ta đời đời ơn Đảng/ Việt Nam ngời vinh quang... Tiếng đàn bầu Việt Nam/ Ngân tiếng vàng trong sáng/ Ôi cung thanh, cung trầm/ Rung lòng người sâu thẳm/ Việt Nam Hồ Chí Minh”.

 

Tác phẩm là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, trở nên nổi tiếng, như một “đại sứ văn hóa” Việt Nam ngân vang khắp các quốc gia trên thế giới. “Tiếng đàn bầu” đã gắn liền với ca sĩ Trọng Tấn khi anh trình bày rất thành công ca khúc này và giành Giải Nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 1999.

 

Nhà thơ Lữ Giang, tên thật là Trần Xuân Kỳ (1928 - 2005), quê ở Thanh Hóa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia tuyên truyền ở địa phương. Sau 1954, ông vừa làm báo ở Hà Nội, vừa say mê viết văn và làm thơ.

 

Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc (1919 - 2001) quê ở Thanh Oai, sinh ra và lớn lên tại nội thành Hà Nội. Trong kháng chiến ông làm công tác tuyên truyền xung phong, từng học Trường Mỹ thuật Đông Dương, tu nghiệp âm nhạc tại Bulgari.

 

Ông nổi tiếng với các ca khúc “Cô lái đò”, “Chiến sĩ Sông Lô”, “Bình ca”, “Tiếng đàn bầu”, ông còn viết khí nhạc, viết nhạc cho bộ phim đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam “Chung một dòng sông” và thành công trong hội họa. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2001) cùng nhiều phần thưởng danh giá khác.

 

 

(Nguồn: https://hanoimoi.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều