Cello và chim sơn ca

07:05 AM, Thứ ba, 16/07/2024
442

Tác giả: Ngọc Anh (Dịch)

 

Cách đây một trăm năm, nghệ sĩ cello Beatrice Harrison (Anh) đã gây chấn động khi khúc song tấu của bà cùng một con chim sơn ca trong vườn nhà được phát sóng trực tiếp.

 

Bức họa “Người phụ nữ chơi đàn cello” của một họa sĩ vô danh vẽ Beatrice Harrison. Nguồn: woodmereartmuseum.org.

 

Một trăm năm trước, Beatrice Harrison, một trong những nghệ sĩ cello xuất sắc nhất thế hệ mình, ngồi trong bóng tối đang buông xuống vườn nhà ở Surrey và chơi đàn. Hầu như tối nào bà cũng làm vậy bên cái cây quấn đầy dây thường xuân trong khoảnh rừng có hoa chuông bao quanh. Nhưng tối hôm ấy bà không đơn độc. Hơn một triệu người đang lắng nghe tiếng đàn của bà. Điều thú vị ở chỗ đó không phải là một màn trình diễn độc tấu mà là một màn… song tấu. Bà đã phát hiện ra, thường khi mình chơi đàn ngoài trời thì sẽ có một con chim sơn ca ghé thăm khu vườn và hòa điệu cùng mình. Và bà chia sẻ khoảnh khắc làm nên lịch sử phát sóng với những thính giả từ khắp Khối Thịnh vượng chung. Không ai ngờ đó sẽ là một trong những chương trình phát sóng thành công nhất mọi thời đại.

 

Vậy nên vào năm 1992, khi tờ Mail on Sunday đăng một bài khẳng định toàn bộ sự việc đã bị làm giả, thì không chỉ danh tiếng của Beatrice bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà đây còn là nguồn cơn thất vọng lớn đối với tất cả những ai đã lớn lên cùng câu chuyện về các chương trình phát sóng đột phá tuyệt hay này. Chúng là các chương trình đầu tiên diễn ra bên ngoài phòng thu, là các bản ghi âm ngoài thiên nhiên đầu tiên. Chúng không chỉ đại diện cho một trong những khoảnh khắc quan trọng của lịch sử đài phát thanh mà còn là một điều gì đó thân mật, giản dị và sâu sắc đã khiến thính giả cảm động sâu sắc khi ấy và mãi về sau.

 

Mail on Sunday suy đoán rằng chẳng có con chim sơn ca nào hót trong buổi phát sóng đầu tiên năm 1924. Tờ báo khẳng định, đài BBC đã thuê Maude Gould, một nghệ sĩ huýt sáo chim chuyên nghiệp hay còn gọi là “siffleur” khi ấy đang biểu diễn dưới nghệ danh Madame Saberon. Ý kiến này đến từ một người họ hàng của Gould, người có vẻ vẫn nhớ chuyện Maude đã kể rằng mình ở trong vườn vào đêm hôm đó và tự mình giả tiếng hót chim sơn ca.

 

Những tuyên bố khác đã thổi bùng ngọn lửa tin đồn khi vào năm 2022, nhà điểu học Tim Birkhead được phỏng vấn trong chương trình thảo luận âm nhạc hằng tuần Private Passions trên kênh Radio 3, và đưa ra nghi vấn về tính xác thực của tiếng chim hót khi đã nghe nhầm phải một bản ghi âm không phải là của buổi phát sóng đầu tiên mà là một bản ghi âm của ba năm sau đó. Trở lại năm 1924, người ta không thể ghi âm buổi phát sóng mà chỉ có thể phát sóng trực tiếp, vì vậy chúng ta không bao giờ có thể nghe được tiếng chim sơn ca đầu tiên này để đánh giá tính xác thực của lời cáo buộc. BBC đã nhanh chóng xin lỗi vì đã truyền đi tin đồn vô căn cứ, nhưng thiệt hại đã xảy ra. Và vì vậy, khi sắp đến dịp kỷ niệm 100 năm sự kiện này, tôi quyết tâm tìm hiểu xem mình có thể làm gì về “vụ giả mạo” này và, nếu có thể, sẽ trả lại sự trong sạch cho thanh danh Beatrice.

 

Maude Gould là một nhân vật nhiều màu sắc, bạn đời của một điệp viên người Đức tên là Frederick Schroeder, người tự xưng là Adolphus Gould người Anh và đã lấy được một số tài liệu quan trọng liên quan đến việc chế tạo tàu chiến Dreadnought mà Maude mang lén trở lại Đức. Một phụ nữ như vậy, người mà trong những năm sau này dường như đã khoe khoang với họ hàng rằng mình đã bí mật thế chỗ con chim sơn ca. Nguyên nhân để bà đưa ra tuyên bố như vậy là một điều bí ẩn. Bà không lạ gì với việc biến báo sự thật, và có thể việc đó xuất phát từ một phần mở rộng của sự khoe khoang. Có lẽ bà có thể bắt chước tiếng chim sơn ca đủ tốt để người ta tưởng nhầm là chim thật. Tại sao không mường tượng ra việc bà có mặt trong khoảnh khắc văn hóa nổi tiếng này?

 

Một trong những bí mật được giữ kín nhất của âm nhạc Anh là một thiết chế hấp dẫn, Bảo tàng Lịch sử Âm nhạc. Trong những bộ sưu tập của bảo tàng nằm sâu trong một căn hầm gần Dorking, Surrey, các tài liệu về Beatrice Harrison được lưu giữ cùng những bức ảnh và bài báo liên quan đến sự nghiệp của bà. Tôi tìm thấy một bản đánh máy lời kể của chính Beatrice về cái đêm ấy, trong đó bà đưa ra rất nhiều chi tiết về buổi phát sóng đến mức khó có thể tưởng tượng rằng tất cả đều là giả mạo. Bà nhớ lại việc ý tưởng này đã nảy sinh như thế nào khi một con chim sơn ca làm bà ngạc nhiên khi hòa điệu cùng bà trong buổi tập đàn ngoài trời: “Tôi bắt đầu chơi, rất uể oải, tất cả những giai điệu mà tôi yêu thích nhất và ứng tác dựa trên chúng. Tôi bắt đầu khúc Chant Hindou của Rimsky Korskov… Đột nhiên một nốt nhạc rực rỡ vang lên cùng những nốt nhạc từ đàn cello. Sau đó tôi chạy nốt lên xuống trên đàn, lên hết cỡ rồi xuống trở lại: con chim cứ cách những quãng ba mà hót theo tiếng đàn tôi!… Tôi nghĩ nó thích Chant Hindou hơn cả vì nó hòa điệu với khúc nhạc này một cách hoàn hảo. Tôi sẽ không bao giờ quên giọng hót của nó đêm đó, hay những tiếng láy rền của nó, hay cách nó hót theo đàn cello với vẻ rất hạnh phúc.”

 

Đó là một trải nghiệm quá kỳ diệu để giữ cho riêng mình. Bà liên lạc với John Reith, Tổng Giám đốc của BBC. Beatrice tin rằng đây là cơ hội để sử dụng phương tiện phát thanh mới mẻ và phần lớn vẫn chưa được khám phá để đưa ra thông điệp về hy vọng và sự an ủi khi nhiều người, chỉ bảy năm sau khi Thế chiến Thứ nhất kết thúc, vẫn đang đau buồn sâu sắc.

 

Lord Reith có phần bị thuyết phục. Trước đây chưa có chương trình phát sóng nào diễn ra bên ngoài các phòng thu của BBC và công nghệ để thực hiện một công việc mạo hiểm như vậy hầu như chưa phát triển. Tuy nhiên, Beatrice không phải là người bị nhụt chí và chiếc micro tiên tiến nhất của BBC, chiếc Magnetophone Marconi-Sykes, đã được đưa tới khu vườn đẹp như tranh của bà, cùng một nhóm kỹ sư và một đống “trang thiết bị” như bà diễn tả.

 

Beatrice nhớ lại, vào tối ngày 19/5, dây dợ đã được mắc quanh khu vườn để kết nối với máy điện thoại của bà. Lúc 9h45 tối, bà nhón chân ra ngoài vườn, ngồi xuống bên gốc cây và chờ đợi. Ám hiệu của bà là ánh sáng từ điếu thuốc của một kỹ sư. Khi anh ta đốt thuốc, bà bắt đầu chơi đàn. Và chơi đàn. Chẳng có gì xảy ra. Các kỹ sư núp trong bụi cây nín thở. Beatrice chơi Elgar và Rimsky Korskov.

 

Trong lúc cả bọn đợi con chim, đủ kiểu rủi ro đã xảy ra. Lũ ruồi bị mắc kẹt trong micro. Lũ thỏ gặm dây cáp và con lừa tên Gerry của Harrison xổng chuồng và kêu be be. Beatrice chơi đàn suốt bốn mươi lăm phút, trong khi BBC hy vọng mong manh rằng những nhiễu loạn và sự hiện diện của họ không làm con chim sợ hãi. Rồi khi Beatrice bắt đầu chơi giai điệu dân gian Londonderry Air, con chim sơn ca cuối cùng cũng tham gia. Thật vô cùng nhẹ nhõm. Beatrice viết: “Tôi không nghĩ là nó từng hót hay hơn thế.”

 

Sáng hôm sau, ở bên ngoài nhà bà có rất nhiều xe ô tô chở người hâm mộ. Thư từ đổ về hàng bao tải để gửi tới “người phụ nữ cùng bầy chim sơn ca”. Tôi tìm thấy nhiều bài trên các tờ báo mô tả chi tiết chuyện khi rốt cuộc con chim sơn ca bắt đầu cất tiếng hót thì có không ít hơn sáu con khác cùng tham gia. Một đoạn trích mà Beatrice giữ lại từ tờ Daily Express, có nhan đề hấp dẫn là Trills and Thrills, được viết “bởi một phóng viên đặc biệt có mặt ở đó”, kể với chúng ta rằng “chờ đợi chim sơn ca cũng hồi hộp như một buổi gọi hồn. Bốn mươi lăm phút trôi qua mà tưởng như cả một đêm chờ đợi, rồi đột nhiên, trên những nốt nhạc của cello vang lên tiếng hót của bầy chim sơn ca. Thoạt tiên người ta có thể nghe tiếng một con, sau đó những con khác cùng tham gia vào một bản hợp xướng tuyệt vời.”

 

Có thể thực sự đã có sáu người phụ nữ trong bụi rậm chăng? Không thể nào. Việc tìm tòi trong kho lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử Âm nhạc cũng đã khiến tôi khám phá ra các tài liệu của BBC trong kho lưu trữ và tôi không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có sự tham gia của Gould.

 

Phát sóng chương trình hòa tấu cello và chim sơn ca đã trở thành việc cố định hàng năm trong lịch của BBC và sự kiện trực tiếp này được lặp lại trong 12 năm tiếp theo, và vào năm 1927, HMV đã phát hành bản thu âm màn song tấu. Nó đã nắm bắt được một cái gì đó thuần khiết, vui tươi, không bị ô nhiễm bởi công nghiệp hóa hay chiến tranh. Và không phải ngẫu nhiên mà chim sơn ca lại có giọng hót thuyết phục mạnh mẽ đến vậy với con người. Là loài chim mang tính biểu tượng nhất, kể từ khi huyền thoại về Philomel gắn liền với khả năng phục hồi và việc tìm thấy tiếng nói qua đau khổ và luôn mê hoặc các thi sĩ – Ode to a Nightingale (Tụng ca chim sơn ca) của Keats chỉ là một ví dụ. Một thế kỷ trước, số lượng chim sơn ca viếng thăm Vương quốc Anh nhiều hơn 90% so với hiện nay, nhưng ngay cả vậy, rất ít người sống ở thành phố có đặc ân được nghe tiếng một trong những con chim bí ẩn và nhút nhát này chọn cách tuôn ra khúc hát của mình từ nơi ẩn náu trong bụi cây rậm rạp. Có loài chim nào tuyệt vời hơn để ghép đôi cùng đàn cello, loại nhạc cụ u sầu và có hồn nhất?

 

Beatrice Harrison sẽ mãi mãi được gắn liền với các chương trình phát sóng tiếng chim sơn ca và với sự giúp đỡ của bà, BBC đã kiến lập đài phát thanh thành một phần quan trọng của văn hóa, khi mở ra cánh cửa cho các chương trình phát sóng ngoài trời, các chương trình về thiên nhiên, kịch nhập vai – một thế giới của những khả thể. Người duy nhất không bị ấn tượng lắm là ông làm vườn của Beatrice, người thích việc bà chơi đàn, “nhưng chỉ bởi việc đó thu hút những con chim chết tiệt, và chúng nó ăn trái cây khá tợn!”□

 

Nguồn: https://www.theguardian.com/music/article/2024/may/22/the-nightingale-beatrice-harrison-radio-bbc-cello-duet 

 

* Kate Kennedy là tác giả bộ phim tài liệu The Cello and the Nightingale và tác giả cuốn sách “Cello: A Journey Through Silence to Sound”.

 

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều