Tác giả: Lê Hải Đăng
“Em về tinh khôi” là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Quốc Bảo được rất nhiều ca sĩ thể hiện, như: Lam Trường, Phương Thanh, Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Tạ Quang Thắng, Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… Mỗi ca sĩ đem đến cho tác phẩm một cách thể hiện riêng làm nên sự phong phú, đa dạng. Song, trong sự đa dạng ấy có một thứ đồng dạng mà đa số ca sĩ đều giống nhau, đó là hát sai đoạn điệp khúc.
Theo nguyên tác, hai câu đầu đoạn điệp khúc như sau.
Ví dụ 1:
Qua ví dụ trên cho thấy, câu thứ nhất ứng với lời ca “Biết đâu có đôi lúc em xa vời vợi” tiếp tục được sử dụng để sản sinh ra câu thứ hai “Biết đâu có đôi lúc con tim nghẹn lời”. Hai câu này thoạt nhìn tưởng giống nhau, nhưng thực chất khác nhau về âm hình tiết tất. Âm hình tiết tấu mở đầu câu thứ nhất có 4 âm móc kép (ứng với lời ca Biết đâu có đôi lúc), sau khi áp dụng thủ pháp nhắc lại đã thay đổi tương quan trường độ ở câu thứ hai. Cụ thể là, nốt si móc kép đầu tiên của câu thứ hai đã ngân dài thêm 1/4 phách khiến cho âm hình tiết tấu trước đó chuyển thành đảo phách. Sự thay đổi này tuy rất nhỏ, nhưng đủ làm nên sự khác biệt. Khác biệt giữa thủ pháp nhắc lại nguyên dạng và nhắc lại có thay đổi. Bằng cách giãn trường độ âm đầu tiên của câu thứ nhất nhằm tạo ra câu thứ hai, tác giả đã khai thác chất liệu một cách đầy dụng ý. Nếu không để ý rất dễ đồng nhất chúng với nhau. Trên thực tế, nhiều ca sĩ đã hát hai câu này giống nhau.
Ví dụ 2:
Trên đây là âm hình tiết tấu mà đa số ca sĩ thể hiện. So với ví dụ 1, nó (ví dụ 2) đã đồng hóa hai câu (1 và 2) vốn khác nhau về âm hình tiết tấu. Mặc dù theo nguyên tác, hai câu trên khác nhau (ví dụ 1). Mặc dù, ca từ lặp ý “Biết đâu có đôi lúc”, nhưng âm nhạc đã thay đổi. Khi tương quan trường độ một nhóm âm thay đổi, chứng tỏ nó đã tham gia vào tiến trình phát triển, thậm chí tạo động lực cho sự phát triển. Sự thay đổi ấy đem đến tính chất “bất thường”, “khó lường”, “khó xác định”, một sự hoài nghi thể hiện qua câu ca “Biết đâu có đôi lúc”. Tính chất này bộc lộ nhờ sự chiếm dụng trường độ từ cuối phách 3 sang đầu phách 4 (ví dụ 1), một thủ pháp nhịp ngoại thường gặp trong âm nhạc truyền thống. Và khi âm thanh xuất hiện không đúng chu kỳ tiết phách, vô hình trung tạo nên cảm giác “bất ổn” len lỏi từ khoảng trống giữa các phách. Nếu thể hiện hai câu nhạc trên giống nhau cũng có nghĩa là đã ăn bớt 1/4 giá trị trường độ của âm đầu tiên trong câu thứ hai.
Trong tác phẩm nhạc đàn, nhạc sĩ giỏi và dở khác nhau ở năng lực khai thác chất liệu. Nhạc sĩ giỏi biết tận dụng chất liệu tối thiếu nhằm tạo nên hiệu quả tối đa, còn nhạc sĩ dở phung phí chất liệu tối đa nhằm tạo ra hiệu quả tối thiểu. Người xưa có câu: “Ma quỷ ẩn náu trong những góc khuất nhỏ”. Góc khuất của tác phẩm âm nhạc không phơi bày một cách lộ liễu mà ẩn mình khiêm tốn bên trong những chi tiết được sắp xếp kỹ lưỡng. Nhạc sĩ Quốc Bảo hẳn đã dụng tâm tạo nên sự thay đổi tinh tế qua âm hình tiết tấu! Dù sự thay đổi rất nhỏ, nhưng nhiều cái nhỏ góp lại thành cái lớn, trong đó thể hiện sự tinh tế. Ở nước ta không hiếm trường hợp ca sĩ không biết đọc bản nhạc. Nhiều người có thói quen “đọc” nhạc bằng tai, chứ không phải bằng mắt. Đọc nhạc bằng tai có nghĩa là nghe người khác hát rồi bắt chước. Có thể hình dung hiện tượng này giống như cách học vẹt ở con nít. Nếu người trước sai tất yếu kéo theo người sau, từ đó tạo nên hiệu ứng lan tỏa cái sai thông qua phương thức “nhân bản vô tính”, chứ không phải sáng tạo. Đặc biệt khi cái sai tiếp sức bởi những tên tuổi được tâng bốc, đóng gói “nhãn mác”, “bao bì” thời thượng, từ đó kiến tạo một môi trường văn hóa dễ dãi, loạn chuẩn.
Tiếp xúc tác phẩm âm nhạc thông qua văn bản vừa giúp tìm hiểu ý đồ tác giả, ý nghĩa tác phẩm, vừa thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả, tự trọng đối với bản thân, đồng thời còn bày tỏ thái độ nghiêm túc về mặt nghề nghiệp. Văn bản chính là căn cứ quan trọng để các chủ thể gặp gỡ liên kết với nhau, tránh sa vào “chủ nghĩa tự nhiên” trong cách thức thể hiện.
Vấn đề đặt ra là, trước khi thể hiện tác phẩm, ca sĩ phải dựa vào bản nhạc như một căn cứ quan trọng nhằm xác định tính chất tự trị của nó. Bản nhạc chính là cấu nối gắn kết giữa người sáng tác, biểu diễn, thưởng thức… Ngoại trừ âm nhạc dân gian với đặc trưng khuyết danh, phương thức lưu truyền bằng thói quen văn hóa (truyền khẩu), sáng tác tập thể và bảo lưu trong môi trường văn hóa dân gian. Lưu truyền trong môi trường đó, âm nhạc dân gian đã tạo nên các dị bản. Còn ở âm nhạc chuyên nghiệp vốn gắn liền tác giả với tác phẩm. Trên cơ sở đó, văn bản quy mọi thực thể liên quan vào định chế chung. Tuy không nhất thành bất biến, nhưng cũng không thể thay đổi tùy tiện, nhất là tác phẩm có nhạc và lời rõ ràng, thời đại của nó vẫn chưa lùi sâu vào dĩ vãng. Đáng chú ý là người ta có thể giống nhau ở cái đúng, chứ đến cái sai cũng giống nhau chắc chắn không đúng rồi. Dựa vào nguyên tác góp phần hạn chế cái sai, giảm thiếu những tên tuổi “nhân bản” cái sai ra vô hạn.