Độc đáo bộ nhạc cụ hơi của dân tộc Mông

07:00 AM, Thứ tư, 12/02/2025
321

Tác giả: Thanh Đào

 

Điệu khèn, tiếng sáo từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung. Bộ nhạc cụ độc đáo ấy, không chỉ gắn bó mật thiết với cuộc sống thường ngày, còn giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh.

 


Các nghệ nhân trình diễn thổi khèn Mông tại hoạt động giáo dục trải nghiệm của Bảo tàng tỉnh.

 

Nhạc cụ của dân tộc Mông đa dạng với các loại thuộc bộ hơi, bộ gõ. Trong đó, nổi bật là bộ hơi với các nhạc cụ nổi tiếng, như: Khèn, sáo, kèn lá, đàn môi. Mỗi nhạc cụ, trình diễn những giai điệu có âm thanh trầm bổng khác nhau, dùng trong hoàn cảnh, thể hiện ngữ điệu, tâm tình và mang ý nghĩa biểu hiện cho tâm tư, tình cảm vui buồn của người thổi.

Tiêu biểu khèn Mông, là loại nhạc cụ độc đáo từ chế tác, âm điệu, cách thổi cho đến ý nghĩa nhạc cụ mang lại. Được gọi là “thầy khèn” của cộng đồng người Mông ở huyện Vân Hồ, ông Tráng A Lứ, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ là người am hiểu về nghệ thuật thổi khèn, biết thổi khèn, múa khèn điêu luyện với hàng trăm bài dân ca, hát cúng tiễn biệt trong đám hiếu. Ông Lứ chia sẻ: Cây khèn có tới 90% công dụng, dùng để làm nhạc cụ thổi những điệu hát cúng tiễn biệt người đã khuất. “Thầy khèn” sẽ thổi những giai điệu tuần tự từ lúc phát tang, nhập quan, đưa tiễn trên đường về nơi an nghỉ cuối cùng, tiễn biệt người đã khuất về suối vàng. Ngày nay, cây khèn còn  được các nam thanh niên dùng thổi những bài ca giao duyên vào các dịp lễ hội, dịp Tết, hội diễn văn nghệ. Người thổi khèn được rèn luyện bài bản, mất nhiều thời gian, luyện cách lấy hơi, học thuộc giai điệu, rèn thể lực mới thực hiện được các động tác nhảy múa, xoay vòng khi trình diễn thổi khèn.

Khác với khèn, sáo Mông sử dụng chủ yếu cho việc thể hiện tâm tình, là tiếng gọi bạn của các chàng trai gửi tới cô gái mà mình thương nhớ. Ngày xưa, người Mông sống ở vùng rừng núi điệp trùng, để liên lạc với nhau, đồng bào đã chế tạo cây sáo với âm thanh réo rắt, khi cất lên cao vút tầng mây, tiếng sáo có thể vang vọng vào khe núi, dốc đá tạo nên sự cộng hưởng âm thanh, xé tan sương mù, vọng xa hàng cây số để người ở bên kia sườn núi có thể nghe thấy. Sau này, cây sáo ngày càng cải thiện về âm thanh, kết cấu, chế tạo thành các loại sáo đứng, sáo ngang, thổi âm thanh trầm bổng, giai điệu du dương.

 


Tiết mục biểu diễn song tấu sáo của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh.

 

Anh Tráng A Gư, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, cho biết: Sáo Mông có thể thổi được những giai điệu khác nhau, kết hợp 2-4 người để biểu diễn những bài nhạc có giai điệu sôi động, tươi vui. Tôi thường cùng một số người biết thổi sáo trong bản luyện tập, biểu diễn, phục vụ khách du lịch đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông tại A Chu homestay.

Sáo Mông là nhạc cụ có tính ứng dụng phổ biến trong nghệ thuật đương đại, được kết hợp với các loại nhạc cụ hiện đại thành các tác phẩm độc tấu sáo hoặc hòa tấu nhạc cụ dân tộc đặc sắc, thu hút người nghe. Anh Thào A Tùng, Nhà hát ca múa nhạc tỉnh, tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên nghiệp về nhạc cụ dân tộc tại Đại học Văn hóa - Nghệ thuật quân đội, chia sẻ: Sáo Mông được làm từ cây trúc già, với những cách chế tạo khác nhau, để phát ra âm thanh khác nhau. Sáo có nhiều loại, dễ dàng kết hợp cùng nhau trong những màn trình diễn hòa tấu phức tạp. Người thổi sáo có thể điều khiển âm thanh trầm bổng, cao vút, nhịp điệu nhanh chậm, nhịp nhàng theo giai điệu của từng bài nhạc hoặc trong các tác phẩm biểu diễn kết hợp nhiều loại nhạc cụ. Tiếng sáo luôn là âm sắc chủ đạo, dẫn dắt tác phẩm, tạo nét độc đáo của âm nhạc dân tộc miền núi.

 


Ông Tráng A Lứ, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ với chiếc khèn Mông.

 

Nhạc cụ hơi của đồng bào Mông cũng có sự phân chia rõ ràng về giới tính của người sử dụng. Khèn và sáo dùng cho nam giới, còn đàn môi, kèn lá được cả nam và nữ. Khác với khèn và sáo có cách chế tác tỉ mỉ, đàn môi chỉ là mảnh trúc nhỏ có gắn lá đồng tạo thành hình lưỡi gà, khi thổi lưỡi gà rung lên tạo ra âm thanh. Còn kèn lá càng đơn giản hơn, người thổi chỉ cần bứt một chiếc lá có độ dày - mỏng phù hợp theo kinh nghiệm, đưa lên môi, thổi hơi theo giai điệu kết hợp với ngón tay giữ chiếc lá cố định là thành bài nhạc chứa đựng tâm tình.

Trong cuộc sống hiện đại, những nhạc cụ hơi độc đáo của dân tộc Mông vẫn luôn có sức sống riêng, được các thế hệ truyền nhau gìn giữ. Cây khèn, cây sáo, tiếng kèn lá, đàn môi được những người nghệ sĩ yêu nghệ thuật dân gian dân tộc khai thác, là nguồn tư liệu sáng tạo vô tận, đưa vào các tác phẩm biểu diễn chuyên nghiệp. Cũng nhờ thế, âm nhạc độc đáo của đồng bào Mông vẫn luôn tồn tại, phát triển cùng thời gian, giữ vị trí quan trọng trong văn hóa tinh thần của người vùng cao Sơn La.

 

(Nguồn: https://baosonla.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều