Tác giả: Mai Hạnh
Thật trớ trêu, là chúng ta biết tới “chất Tây Ban Nha” trong âm nhạc nhiều nhất không phải từ chính người Tây Ban Nha, mà lại là qua sáng tác của hai nhạc sĩ người Pháp: nổi tiếng nhất dĩ nhiên là vở Carmen của G.Bizet, và thứ nhì chính là bản Symphonie Espagnole của Édouard-Victoire-Antoine Lalo (1823-1892).
Bản nhạc là một tặng phẩm của nhà soạn nhạc Pháp dành cho nghệ sĩ độc tấu vỹ cầm đỉnh cao Sarasate (1844-1908). Sarasate thời bấy giờ vô cùng nổi tiếng và được cả Bruch và Saint-Saëns dành tặng concerto violin, nhưng có lẽ chỉ có Symphonie Espagnole của Lalo mới đủ sức tôn lên tài nghệ và chất Tây Ban Nha rực lửa của nghệ sĩ.
Không giống như các bản concerto thông thường khác, bản Symphonie Espagnole độc đáo ở nhiều điểm, mà độc đáo nhất là ở ngay cái tên, nếu dịch sơ sang tiếng Việt có thể gọi là Bản Giao hưởng Tây Ban Nha, là dụng ý của tác giả về một tác phẩm lớn không chỉ tôn vinh tiếng đàn riêng Sarasate, mà còn để khắc hoạ “chất Tây Ban Nha” bằng âm sắc của cả dàn nhạc giao hưởng.
Tác phẩm có năm chương:
Ngay từ chương 1 Allegro non troppo (không quá nhanh), ta đã thấy một tinh thần Tây Ban Nha cuồng nhiệt, say đắm. Tương tác giữa bè độc tấu của cây violin với cả dàn nhạc chặt chẽ, tổng thể hoà thanh và các giai điệu ẩn trong các bè dàn nhạc tạo nên cảm giác đầy căng, các nét trang trí không bóng bẩy khoa trương, mà vừa vặn, duyên dáng.
Với những ai quen thưởng thức âm nhạc theo trình tự chương hai là chương chậm trữ tình, chương ba mới là chương mang tính vũ khúc, thì chương 2 của tác phẩm - Scherzando: Allegro molto (rất nhanh) - sẽ gây chút bất ngờ, bởi ngay ở đây ta đã có nguồn năng lượng tươi mới từ điệu nhảy dân gian Tây Ban Nha seguidilla. Chất Tây Ban Nha còn hiển hiện ở nét gảy tay trên khối dây, như gợi nhắc đến tiếng búng trên đàn guitar, cây đàn đặc trưng của đất nước này.
Sau chương 2, sự xuất hiện của thuật ngữ Intermezzo giữa tác phẩm có lẽ đã gây bối rối cho ít nhiều nghệ sĩ, có lẽ người ta đã coi nó chỉ là một đoạn nhạc chen ngắn ngủi, một đoạn nhạc giải trí đóng một vai trò thế yếu trong một vở nhạc kịch dài hơi, nên hồi đầu thế kỷ 20 người ta thường bỏ qua không chơi. Nhưng thực tế, Lalo đã đánh dấu rất rõ ràng trong tổng phổ đây là chương 3, đề chỉ dẫn Allegretto non troppo (hơi nhanh, không quá mức). Nếu tôn trọng ý đồ của tác giả, ta có thể thấy tính nhẹ nhàng, vui vẻ của chương 3 này cần thiết đến thế nào khi thưởng thức cả một bản nhạc đầy ắp ý tưởng lớn lao hơn.
Quả vậy, chương 3 dễ chịu bao nhiêu, thì chương 4 lại khiến người nghe phải ngồi ngay ngắn trở dậy để tiếp nhận những ý nhạc mới được viết với không khí thận trọng, nghiêm cẩn. Violin độc tấu vang lên chậm rãi, xao xuyến trong khối ngẫm ngợi mênh mang. Người nghe có thể theo dấu tiếng đàn như theo dõi bước đi tư lự của một chủ thể chính mang đầy sức nặng tư tưởng - Andante (chậm thong thả, như bước dạo).
Nếu bạn phân biệt được màu sắc điệu tính, bạn có thể dễ dàng nhận ra cả chương 4 viết bằng điệu thứ, và kết thúc bừng sáng bởi điệu trưởng. Cách làm này của nhà soạn nhạc khiến ta có được thứ trạng thái được chuẩn bị cho chương cuối cùng Rondo: Allegro (kết cấu xoay vòng: nhanh). Cuối cùng thì, như phần nhiều cổ tích vẫn hướng con trẻ tới điều tốt đẹp, chương cuối cho ta thứ cảm xúc giải toả, lấy lại năng lượng tích cực sau chặng đường suy tư của chương trước. Nghệ sĩ độc tấu lại tha hồ trưng ra những ngón đàn phức tạp nhất, trong niềm hân hoan ngây ngất.
Nghe tác phẩm