Hình ảnh đời sống văn hóa con người Hà Giang trong âm nhạc

11:36 PM, Thứ năm, 02/11/2023
420

Tác giả: Nguyễn Đức Trịnh

1. Mở đầu

Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo, ra đời trong hoàn cảnh Đảng vẫn còn hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng (khi nước nhà còn chưa giành được độc lập). Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa và chỉ rõ: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận: Chính trị, Kinh tế, Văn hóa. Đề cương đưa ra đường lối phát triển văn hóa theo 3 nội dung, đó là: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng. Đề cương nêu rõ, nhận thức rõ văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

 

Đề cương văn hóa Việt Nam đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng: tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, làm thay đổi nhận thức xã hội, đã đem lại luồng sinh khí mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đến với Cách mạng, tin tưởng vào chủ trương cứu quốc, đã khiến nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ, các nhà hoạt động văn hóa đến với một thế giới quan và nhân sinh quan mới. Cách mạng tháng Tám năm 1945 hầu hết các văn nghệ sĩ, trí thức đã tìm thấy con đường lớn cho cuộc đời và sự nghiệp của mình là đồng hành cùng nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

 

Ngày 24 tháng 11 năm 1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra tại Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(1).

 

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai do Đảng ta chỉ đạo, đã diễn ra từ ngày 16 đến 20-7-1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp, được xem là “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”; thực sự là ánh sáng soi đường tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đồng thời triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021: Tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

 

Trong quá trình lãnh đạo các lĩnh vực xã hội, Đảng luôn dành cho văn hóa, văn nghệ những chỉ đạo từ tầm vĩ mô đến cụ thể trong từng bối cảnh, từng giai đoạn. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng đã đặt sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người ở vị trí tương xứng với các lĩnh vực quan trọng của đất nước, trong đó, lĩnh vực Văn học nghệ thuật được nhìn nhận đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người.

 

Được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang, với mục tiêu để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, những năm qua, hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh Hà Giang đã có những bước tiến bộ quan trọng, khẳng định được vai trò của văn học nghệ thuật trong đời sống văn hóa, là mục tiêu động lực phát triển bền vững đất nước, chăm lo xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo môi trường, điều kiện tổ chức cho các nghệ sĩ được trải nghiệm, bám sát thực tiễn để được rèn luyện kỹ năng, đạo đức, phong cách sáng tạo, nhằm thu hút động viên đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, sáng tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng tốt, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang, phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương.

 

2. Hình ảnh đời sống văn hóa – con người Hà Giang trong Âm nhạc

Nằm ở cực Bắc mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, Hà Giang là nơi có nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc từ truyền thống lịch sử lâu đời của hơn 20 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc mang đến cho Hà Giang một nét văn hoá độc đáo riêng, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí, Giáy, Lô Lô… Với sự đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, sự phong phú về tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch, Hà Giang hấp dẫn và lôi cuốn các du khách gần xa, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật, không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn vì những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nơi đây, đã khơi dậy niềm cảm hứng sáng tác của biết bao thi nhân, nhạc sĩ.

 

Hà Giang là vùng đất được ví như một bức tranh thủy mặc, với nhiều địa danh nổi tiếng, một điểm du lịch đáng nhớ bởi cảnh quan thiên nhiên và con người ở đây, vẻ đẹp của những cung đường quanh co uốn lượn trên sườn núi dẫn đến các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Xín Mần,… các địa danh Cột cờ Lũng Cú, Dinh thự Nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, dòng sông Nho Quế, núi đồi Quản Bạ, và đặc biệt, không gian hùng vĩ của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn với vẻ đẹp thuần khiết của hoa tam giác mạch, đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, và đặc biệt là tình cảm của những con người nồng hậu nơi đây mà nhiều bài hát đã được ra đời. Cảm hứng cho những sáng tác âm nhạc chính là bắt nguồn từ cuộc sống vô cùng phong phú, sinh động, để lại rất nhiều cảm xúc cho các nhạc sĩ, nhiều địa danh nơi đây đã đi vào ký ức của mỗi người nhạc sĩ về mảnh đất giàu đẹp và mến khách.

 

Đến Hà Giang, ta có thể thấy được những sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hóa độc đáo của người miền núi, đó là các loại khăn thêu, túi vải, áo váy với sắc màu hoa văn rực rỡ; tham dự những phiên chợ vùng cao, vui chơi, hòa tấu kèn sáo và hát giao duyên nam nữ; tham dự Lễ hội mùa xuân của dân tộc H'mông và dân tộc Dao. Dân ca được sử dụng trong những dịp lễ hội với hình thức hát xướng, hát giao duyên... có nhiều làn điệu, thể loại dân ca đặc sắc của các dân tộc, vừa có tính nghệ thuật vừa mang tính tín ngưỡng. Văn hóa Mông qua trang phục, ẩm thực và hát dân ca thấm đẫm giá trị tinh thần không thể tách rời của mỗi thực thể văn hóa đã mang đến cho người nghệ sĩ những xúc cảm và tình yêu đối với mảnh đất, con người Hà Giang giản dị, chân thực, hồn nhiên, gần gũi; không chỉ được hòa mình vào không khí lễ hội náo nhiệt, mà còn được thưởng thức những món đặc sản đặc trưng như thắng cố, rượu ngô, say trong điệu nhạc múa khèn và ngắm những cô gái Tày xinh đẹp với đôi má hồng hây hây; trải nghiệm khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc ở Hà Giang như lễ hội cầu Trăng, lễ hội Gầu Tào – cầu phúc, cầu mùa, lễ hội hoa Tam giác mạch… và không thể nào quên những nét độc đáo đặc sắc của các phiên chợ ở đây, để thưởng thức điệu múa khèn độc đáo tại các phiên chợ, đặc biệt là ở phiên chợ tình Khâu Vai… ngập tràn trong sắc văn hóa bản địa và các loại hình âm nhạc; văn hóa và âm nhạc đã tạo nên một Hà Giang không còn khoảng cách, gắn kết tâm hồn gần nhau hơn nữa.

 

Hà Giang hiện vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện qua các lễ hội truyền thống hay trong những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt hằng ngày, là cả một kho tàng các thể loại dân ca. Một trong những đặc điểm tạo nên sắc thái riêng đậm nét trong văn hoá dân tộc của người Tày, Nùng ở Hà Giang là nghệ thuật hát Then, Đàn tính thường được sử dụng trong các nghi lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... Giai điệu Then sâu lắng, có sức truyền cảm, lay động lòng người, cây đàn Tính - nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then đã gắn bó không thể tách dời trong sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, tiếng đàn Tính tha thiết ngọt ngào như âm thanh của núi rừng, vừa gần gũi bình dị, là sự giao hòa trong cuộc sống giữa con người với thiên nhiên, âm thanh mượt mà rạo rực, tạo nên hồn dân ca, dân vũ đặc sắc. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày 12/12/2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì có vẻ đẹp ngỡ ngàng khó có thể rời mắt được trải dài theo hướng từ ven suối lên đỉnh núi trùng trùng điệp điệp, xen giữa là những cánh rừng nguyên sinh và nương chè, được công nhận Di tích Danh thắng cấp quốc gia, là tư liệu sản xuất để bà con các dân tộc sản xuất ra các loại lương thực vừa có ý nghĩa lịch sử, thể hiện quá trình định cư và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của các dân tộc thiểu số, để hình thành tình yêu và ý thức trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa của các dân tộc đang sinh sống nơi đây.

 

Hà Giang có nền âm nhạc đậm chất bản sắc văn hóa cực Bắc, đại diện cho nền văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Hà Giang, là vùng đất gây thương nhớ bởi sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa. Hà Giang, vùng đất của đá và hoa, của lòng người mến khách. Nơi đây là nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao thế hệ các nhạc sĩ Việt Nam, đã cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc về Hà Giang để bày tỏ tình cảm với vùng đất này, đặc biệt là hàng trăm ca khúc viết về Hà Giang của các nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh trong suốt quá trình sáng tác, góp phần cổ vũ, động viên đồng bào Hà Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công cuộc đổi mới.

 

Tiêu biểu phải kể đến nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc - Một nhạc sĩ của núi rừng Hà Giang, chính vì thế mà đã có nhiều ca khúc viết về quê hương Hà Giang đi vào lòng người rất đặc sắc như ca khúc “Hà Giang quê hương tôi” (được sáng tác năm 1972), là tiếng lòng của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc với Hà Giang. Bài hát này là huyền thoại trong lòng người dân Hà Giang, đưa Hà Giang đến với tất cả mọi người gần xa; ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” (cũng được nhạc sĩ Thanh Phúc sáng tác năm 1956) là hình ảnh những đoàn cán bộ tuyên truyền cho cách mạng lặn lội đến tận những bản làng của đồng bào H'Mông xa xôi để vận động bà con không nghe lời kẻ xấu, không đốt rẫy làm nương, xuống núi, sống quây quần ở những bản mới định cư. Hai ca khúc của ông phản ánh về sự đổi mới của Hà Giang khi đất nước bước vào giai đoạn khôi phục và xây dựng sau chiến tranh, vươn lên cùng sự phát triển chung của cả nước, qua đó động viên tinh thần cách mạng và tinh thần đổi mới, vươn lên, được người dân tộc Mông nói riêng và người Hà Giang yêu thích. Nhạc sĩ Thanh Phúc đã sáng tác hơn 60 bài hát về Hà Giang - mảnh đất tươi đẹp, ấm tình người nơi cực Bắc Tổ quốc, tiêu biểu như những ca khúc: “Nhớ mãi quê em Hoàng Su Phì”, “Xín Mần quê em”, “Một thoáng Bắc Quang”, “Hát về Quản Bạ quê tôi”, “Hoan hô Lò Giàng Páo”… ông đã đưa vào bài hát những gì đặc trưng nhất của Hà Giang như hình ảnh núi đồi, rừng cây, nương chè, đoàn ngựa thồ hàng, những phiên chợ đầy màu sắc… có biết bao tâm tình ẩn chứa trong lời ca, âm điệu rất tự nhiên, không chỉ có thiên nhiên giàu đẹp, có nhịp sống tươi vui, lời bài hát còn mở ra tương lai tươi sáng…

Và còn nhiều những bài hát hay về Hà Giang được yêu thích như:

 

Mùa hoa tam giác mạch” của Anh hùng lao động, GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí. Âm nhạc ảnh hưởng của dân ca H’Mông, lời ca trữ tình mà làm thăng hoa những nét gần gũi và độc đáo với tiếng khèn Mông giữa bầu trời xanh, núi rừng, sắc màu của hoa tam giác mạch – biểu tượng của vùng núi đá tai mèo Hà Giang, về một loài hoa bình dị mà trân quý, làm đẹp bản làng, rừng núi, quê hương… một sắc hoa văn với âm nhạc đầy tự hào.

 

Chuyện tình Khâu Vai” âm nhạc Trọng Đài (lời thơ Nguyễn Thế Kỷ), âm nhạc đắm mình vào không gian chợ tình Khau Vai đầy màu sắc ở cao nguyên đá Hà Giang, thấm đẫm chất men say tình của những đôi trai gái người H’Mông, Dao, Giáy, Nùng…, là một bản tụng ca huyền tích về tình yêu bất diệt vượt lên những hủ tục lạc hậu, những cách biệt địa vị xã hội; khẳng định giá trị vĩnh cửu của tình yêu trong sáng, lòng chung thủy, đức hy sinh. Chợ tình ở miền đất di sản cao nguyên đá Hà Giang được khắc họa đậm chất văn hóa qua chất âm nhạc đặc biệt của nhạc sĩ Trọng Đài với những tứ thơ đầy cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ qua cảnh núi rừng trùng điệp, vách đá tai mèo, những áng mây lưu luyến đỉnh núi Khau Vai, sắc hoa đào thắm, hoa lê trắng trong tiết xuân nồng trong khung cảnh tưng bừng lễ hội hay vài nét ước lệ đám cưới người dân tộc nơi đây, đã làm nên một tác phẩm âm nhạc đậm chất văn hóa Hà Giang – vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Về Hà Giang” nhạc Hồ Trọng Tuấn (thơ Hồ Đức Phước) một bài hát ca ngợi vẻ đẹp tiềm ẩn mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất con người Hà Giang, với những ca từ đẹp, lắng đọng, trong trẻo hòa cùng tiếng sáo, âm điệu rất trữ tình du dương sâu lắng, mang đậm âm hưởng của vùng cao Đông Bắc say đắm lòng người, hiện lên hình ảnh những cảnh quan đẹp như tiên, núi non hùng vĩ, mây choàng ôm núi cảnh đẹp vô cùng tuyệt vời và tiềm năng du lịch thiên nhiên của vùng đất đẹp đằm thắm và bình yên như lời bài hát, bài hát đã gây nhiều ấn tượng với thính giả, càng nghe càng thấy yêu thương Hà Giang hơn.

 

Hà Giang quê mình”, nhạc Đoàn Thu Trà (thơ: Lại Quốc Tính), âm nhạc được sử dụng chất liệu dân ca H’Mông, nhưng không bị trùng lặp với các nhạc sĩ đã viết trước đó, tạo âm điệu riêng cho sáng tác của mình. Nội dung ca ngợi quá khứ hào hùng của ông cha, thể hiện được vẻ đẹp của Hà Giang hôm nay cùng niềm tự hào của những người con Hà Giang luôn hướng tới tương lai tươi sáng và truyền lại cho các thế hệ mai sau tiếp bước và giữ gìn, để có một Hà Giang khởi sắc từng ngày và phát triển rực rỡ về kinh tế, về văn hóa, xã hội.

 

Và gần đây là ca khúc “Hà Giang ơi” của nhạc sĩ trẻ Quách Beem (tên thật là Đoàn Đông Đức) đã trở thành ca khúc nhạc quê hương đạt được số lượt 25 triệu view trên các trang mạng xã hội cao nhất, bằng dòng nhạc quê hương, bài hát chân thực, giai điệu ngọt ngào đắm say lòng người, nhẹ nhàng sâu lắng, xúc động lòng người, chuyển tải ca từ thể hiện chất âm nhạc trữ tình mà rất sâu sắc; quảng bá bản sắc văn hóa địa phương với vẻ đẹp của cao nguyên núi đá và tình cảm nồng hậu của bà con đồng bào nơi đây. Bài hát ấn tượng cả với những người chưa từng đến Hà Giang nhưng khi nghe bài hát này, nhiều người mong có dịp được đến thăm mảnh đất nên thơ, giầu bản sắc văn hóa các dân tộc ngày càng tươi đẹp.

 

Sáng tác riêng về cao nguyên Đồng Văn đã đã có hàng chục bài hát hay như “Phiên chợ vùng cao” sáng tác Phạm Tịnh; “Tình ca cao nguyên đá” nhạc Lê An Tuyên (thơ Đoàn Sinh Hưởng); và các ca khúc nằm trong tốp 20 ca khúc hay về Hà Giang như: “Về miền cao nguyên đá”, “Anh nhớ về chợ tình Khâu Vai”, "Xuân về trên bản em”, “Chiều có em Đồng Văn”, “Một vùng biên cương”, “Trên đỉnh Mã Pì Lèng”, “Sức sống cao nguyên”, “Cao nguyên đá quê hương tôi”, “Đêm trên cao nguyên Đồng Văn”, “Ánh sáng vùng cổng trời”… của các tác giả trong và ngoài tỉnh.

 

Đặc biệt là tác giả Ngô Sỹ Ngọc (A Páo) – được mệnh danh là người thổi hồn vào đá, một nhạc sĩ, ca sĩ trẻ, Youtuber nổi danh với hơn 3.000 MV ca nhạc “A Páo” truyền tải trên kênh YouTube, anh đã miệt mài lan toả hình ảnh cao nguyên đá tới mọi người qua những bản nhạc hay, những ca từ đẹp, hình ảnh những cảnh quay núi rừng hùng vĩ, càng tô đậm thêm cho phong cảnh hữu tình những giá trị văn hóa, như các ca khúc “Về miền đá tìm em”, “Phiên chợ vùng cao”...

 

Cùng với các nhạc sĩ gạo cội của Hà Giang: Đào Thế Y, Đinh Tiến Bình, Nguyễn Trùng Thương…, nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay như: Ngô Sĩ Tùng, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Ngọc Nguyện… đã cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc hay, giá trị nghệ thuật cao, được công chúng đón nhận. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, góp phần giới thiệu, quảng bá về con người, mảnh đất Hà Giang qua âm nhạc.

 

Những năm gần đây, đội ngũ những người làm âm nhạc tỉnh Hà Giang phát triển tương đối cả về lượng và chất tạo nên sự phong phú đa dạng màu sắc âm nhạc. Các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm hay, có giá trị, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc, gần gũi với đời sống của đồng bào các dân tộc Hà Giang, các chất liệu dân ca Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô… được khai thác đưa vào các sáng tác mới rất độc đáo và hấp dẫn, bằng những giai điệu mộc mạc, ca từ gần gũi với cuộc sống các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bài hát hay về quê hương Hà Giang và được biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, tại các hội diễn, hội thi nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp từ địa phương đến trung ương, trong đó, có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan âm nhạc trong khu vực và toàn quốc. Nhiều nhạc sĩ có tác phẩm được giới thiệu trên các tạp chí văn học nghệ thuật, được phát trên sóng đài phát thanh, truyền hình của địa phương và trung ương. Các sáng tác của các nhạc sĩ đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu nhạc, qua đó, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người, mảnh đất Hà Giang qua âm nhạc rộng rãi.

 

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang là cánh tay nối dài của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là nòng cốt trong hoạt động âm nhạc tại địa phương và khu vực; tổ chức các hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp tại các sự kiện văn hóa, lễ hội của địa phương. Do có kế hoạch phương hướng đúng, khích lệ kịp thời các hội viên ra sức sáng tạo, có nhiều tác phẩm có chất lượng tốt ở cả 3 lĩnh vực ca khúc, khí nhạc và lý luận. Một số tác giả đã có những công trình nghiên cứu, sưu  tầm giới thiệu các tác phẩm âm nhạc có giá trị được một số nhà xuất bản in ấn phát hành, các bài viết lý luận phê bình âm nhạc được đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành...

 

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang được thành lập từ năm 2008, hiện có 16 hội viên thuộc các chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận và Biểu diễn. Trong những năm vừa qua, được sự chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sự quan tâm ủng hộ của Đảng bộ chính quyền tỉnh Hà Giang, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang, Chi hội luôn bám sát chủ trương đường lối phát triển Văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước, Chi hội đã đạt được nhiều thành tích trong các hoạt động âm nhạc, không ngừng phấn đấu bám sát các hoạt động văn hóa văn nghệ, phong trào nghệ thuật quần chúng tại địa phương, khu vực và trung ương.

 

Các nhạc sĩ của Chi hội tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, các trại sáng tác âm nhạc của địa phương và trung ương tại Vũng Tàu, Nha Trang, Tam Đảo, Đại Lải, Nam Định, Lạng Sơn… tham gia các cuộc vận động sáng tác về Nông thôn mới; Bộ đội Biên phòng; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… một số hội viên làm công tác giảng dạy âm nhạc tại Trường Cao đẳng sư phạm, trường phổ thông trong tỉnh, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác đào tạo âm nhạc, xây dựng các chương trình ca múa nhạc tham gia các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp của khu vực và toàn quốc…

 

Nhiều nhạc sĩ gần như suốt đời gắn bó với Hà Giang nên rất am hiểu mảnh đất này, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc về quê hương Hà Giang, được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, có giá trị về văn hóa, rất đáng ghi nhận như:

 

Nhạc sĩ Nguyễn Trùng Thương với “Cô giáo bản Mông”, “Khúc tráng ca Hoàng Su Phì”, “Xuân đã về nơi biên cương”, “Chiều đông Mèo Vạc” (thơ Vũ Ngọc Kỳ), “Tiếng sáo nài”, “Bản tình ca trên núi”, “Hát về anh”, “Thi đua là yêu nước”, “Cung đường mùa xuân” (lời: Triệu Đức Thanh), Khúc nhạc miền Tây...; Nhạc sĩ Đinh Tiến Bình với các ca khúc “Đường Thanh niên con đường huyền thoại”, “Na Hang trong mơ”, “Tình ca người Dao”, “Vấn vương cao nguyên đá”, “Xuống chợ”, “Hãy là khăn đội, hãy là thắt lưng”, “Vị Xuyên đôi bờ yêu thương”, “Mùa xuân em đi chợ tình”; “Hương sắc quê tôi”, “Tắm suối”...; Nhạc sĩ Ngô Sĩ Tùng với ca khúc “Mơ về Hà Giang”, “Qua những miền Di sản Việt Bắc”, “Hà Giang đang vươn tới tầm cao”, “Ngày hội quê em”, “Thành phố nơi biên cương” (thơ Hoàng Trung Luyến), “Tự hào con đường hạnh phúc”, “Chào thành Phố Hà Giang” và đặc biệt là chùm ca khúc “Hà Giang mãi tự hào”... Nhạc sĩ Vi Sĩ Bình với các ca khúc “Tiếng hát trên con đường hạnh phúc”, “Thêu xuân”, “Tiếng hát trên đỉnh Chiêu Lầu Thi"… Nhạc sĩ Bùi Trường Giang với ca khúc “Giọt yêu thương”, “Muôn dặm làng quê” (thơ Hạnh Lâm)… Nhạc sĩ Hoàng Thùy Dung với ca khúc “Sóng ruộng bậc thang” (thơ Hoàng Trung Luyến), “Đưa nhau về thương yêu”, “Bài ca người lính” (thơ Xuân Tư)… Nhạc sĩ Ngô Thế Vương với ca khúc “Đi trong sương sớm”, “Màu áo xanh ghi trong sắc nắng”, “Bài ca thanh niên nơi địa đầu tổ quốc”… Nhạc sĩ Nguyễn Bá Trịnh với đề tài “Sưu tầm nghiên cứu và bảo tồn phát huy văn hóa của dân ca dân tộc Pà Thẻn và sáo dọc Pà Thẻn Hà Giang”(2)…

 

Các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang được biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật, các sự kiện văn hóa chính trị tại địa phương, phục vụ lễ kỷ niệm lớn của tỉnh và khu vực; tham gia các Liên hoan Âm nhạc toàn quốc và khu vực của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tham gia các Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, Liên hoan tiếng hát “Đường 9 xanh” tại tỉnh Quảng Trị; tham gia các cuộc thi sáng tác ca khúc của tỉnh Hà Giang như “Cuộc thi về thanh niên xung phong mở đường hạnh phúc tỉnh Hà Giang”, cuộc thi “Ký, thơ, nhạc về người lính biên phòng và biên cương Tổ quốc”, cuộc thi “Xây dựng Nông thôn mới”, “Mái trường em yêu”… được công diễn, biểu diễn thành công và giành nhiều giải cao, huy chương Vàng, huy chương Bạc, Bằng khen, Giấy khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Bộ Công An, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, và của tỉnh Hà Giang như: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tây Côn Lĩnh, được bình chọn là những ca khúc hay về Hà Giang; được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hỗ trợ công bố tác phẩm mới, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… đã để lại ấn tượng, cảm xúc đặc biệt, được giới chuyên môn, công chúng ghi nhận, đi vào tiềm thức của quần chúng nhân dân.

 

Hàng năm, với sự hỗ trợ và chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Chi hội Âm nhạc địa phương, tổ chức Chương trình nghệ thuật - Đêm nhạc công bố các tác phẩm mới của các nhạc sĩ chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9 và Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9. Đêm nhạc là cơ hội để các nhạc sĩ của Hà Giang được đưa tác phẩm của mình đến với đông đảo công chúng và cũng là dịp để công chúng biết đến những nhạc sĩ đang sinh sống trên mảnh đất Hà Giang thân yêu. Để từ đó làm động lực sáng tác những tác phẩm hay hơn phục vụ công chúng yêu nhạc, góp phần gìn giữ bản sắc quê hương và bảo vệ non sông đất nước.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Trùng Thương và nhạc sĩ Đinh Tiến Bình đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang đã tổ chức đêm nhạc và giao lưu khán giả vào năm 2016; Đài Truyền hình Hà Giang đã xây dựng chương trình và phát sóng giới thiệu các nhạc sĩ tiêu biểu: Nguyễn Trùng Thương và Ngô Sĩ Tùng để quảng bá và giới thiệu các tác phẩm âm nhạc đến với công chúng và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

Với những cống hiến miệt mài nhiều năm cho ngành văn hóa, văn học nghệ thuật, nhạc sĩ Nguyễn Trùng Thương đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật cao quý của Nhà nước; nhạc sĩ Đinh Tiến Bình đã được UBND tỉnh Hà Giang trao tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang” với những cống hiến và đóng góp của nhạc sĩ trong những năm qua nhạc sĩ Đinh Tiến Bình đã vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (2010).

 

Ở lĩnh vực biểu diễn, các nhạc sĩ sáng tác nhưng cũng là nghệ sĩ biểu diễn, đã có những thành tích nhất định trong hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp đã tham gia biểu diễn, chỉ đạo nghệ thuật và dàn dựng một số chương trình đạt giải thưởng và bằng khen toàn quốc…

 

Các nhạc sĩ của Hà Giang với niềm đam mê âm nhạc, nâng cao tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp trong sáng tác để đóng góp nhiều hơn nữa các tác phẩm âm nhạc có giá trị cho Hà Giang và cho đất nước; tăng cường các hoạt động chuyên môn, tập trung sáng tác các ca khúc, tổ khúc, khí nhạc, hợp xướng mang âm hưởng quê hương; đầu tư nghiên cứu đi sâu vào khai thác các chất liệu riêng có của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà, phát triển dân ca truyền thống hơn nữa để có thêm các tác phẩm âm nhạc dân gian của đồng bào các dân tộc vùng cao; đồng thời mở các lớp tập huấn, trại sáng tác để nâng cao chất lượng các tác phẩm, khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm cho thiếu nhi; làm tốt hơn nữa công tác tập hợp, phát triển đội ngũ những người hoạt động sáng tác âm nhạc, đặc biệt là các nhạc sĩ người dân tộc thiểu số.

 

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá, trong những năm qua, các nhạc sĩ Hà Giang đã bám sát, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên các lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp, sáng tác và phong trào nghệ thuật quần chúng. Tuy chỉ có ít hội viên nhưng Chi hội đã tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm mới, có giá trị mang đậm bản sắc văn hóa, gần gũi với đời sống của đồng bào các dân tộc Hà Giang, xây dựng phong trào nghệ thuật quần chúng sâu rộng.

 

Thời gian tới, các nhạc sĩ của Hà Giang cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường các hoạt động chuyên môn, tập trung sáng tác các ca khúc, tổ khúc, khí nhạc, hợp xướng mang âm hưởng quê hương; tập trung sáng tác về âm nhạc dân gian của đồng bào các dân tộc vùng cao, mở các lớp tập huấn, trại sáng tác để nâng cao chất lượng các tác phẩm; khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm cho trẻ em; bồi dưỡng các tác giả, các nghệ sĩ trẻ có năng lực chuyên môn về âm nhạc để giới thiệu và kết nạp thêm hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

 

Văn học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc là cầu nối giữa nhân dân các dân tộc với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước, gắn với nhiệm vụ chính trị của đất nước, của mỗi địa phương, hoạt động tuyên truyền bằng âm nhạc trong tỉnh Hà Giang có thế mạnh rất lớn, còn phải kể đến Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang, nơi đây cũng có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ… thuộc hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ của Đoàn Nghệ thuật Hà Giang tham gia biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật, phục vụ bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đời sống văn hóa con người Hà Giang đến với bạn bè gần xa, qua các hoạt động biểu diễn, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh Hà Giang nói riêng và đất nước nói chung.

 

Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật, tham gia nhiều hoạt động âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các Bộ, Ngành và của tỉnh… và đã đạt nhiều thành tích lớn trong những năm gần đây như: đã xuất sắc đạt 04 Huy chương Vàng tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2021 (đợt 1) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức với Chương trình nghệ thuật “Sống trên đá, thác về với đá”, trong đó các tiết mục đoạt Huy chương Vàng: Thia pò nỉa (Vỗ mông tìm vợ); Âm vang đại ngàn và Giải Đạo diễn xuất sắc. Chương trình lấy cảm hứng từ hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ, nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của các dân tộc miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, được dàn dựng công phu, đặc sắc, là sự sáng tạo kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và văn hóa truyền thống, cuốn hút người xem về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa của người Hà Giang. Đoàn còn đạt nhiều giải thưởng, huân, huy chương tại các chương trình, tiết mục khác tại nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật từ địa phương, khu vực đến trung ương.

 

Với những thành tích cao đạt được trong thời gian qua, khẳng định được sự nỗ lực khổ luyện, không ngừng sáng tạo của tập thể Đoàn. Trên chặng đường mới, định hướng phát triển con đường nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang xứng đáng được tỉnh nâng cấp lên thành “Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Hà Giang”, để tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh các hoạt động biểu diễn văn nghệ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân, tiếp thu văn hóa hiện đại tạo nên bản sắc văn hóa nghệ thuật riêng của Đoàn.

 

Có thể nói, Hà Giang là tỉnh có thế mạnh về văn học nghệ thuật, đặc biệt là về âm nhạc, có nhiều nhạc sĩ tâm huyết đam mê sáng tác nhiều bài hát hay, nổi trội so với các địa phương khác trên cả nước, cũng vì vậy mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã quyết định chọn Hà Giang là địa điểm để tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II, vào tháng 11 năm 2023. Đây cũng là lần đầu tiên một liên hoan âm nhạc lớn được Hội tổ chức ở Hà Giang, sẽ là dịp để các nghệ sĩ, nhạc sĩ, các nhà quản lý, lý luận phê bình, đào tạo âm nhạc… hội tụ nơi đây để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, nghề nghiệp… với những cảm xúc đam mê bất tận…

 

3. Lời kết

Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Đặc biệt là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước thấm nhuần ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong thời gian 80 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

 

Hy vọng, trong thời gian tới, các nhạc sĩ Hà Giang nói riêng và các nhạc sĩ cả nước nói chung, cần tăng cường giao lưu với các tỉnh bạn, trao đổi kinh nghiệm công tác xã hội hóa hoạt động Văn học nghệ thuật, để có nhiều đóng góp hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, nghiên cứu đi sâu vào khai thác các chất liệu riêng của đồng bào các dân tộc tại địa phương để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật có giá trị, đặc biệt là khai thác và phát triển dân ca cổ truyền, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phục vụ nhiệm vụ văn hóa, chính trị địa phương và đất nước, mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ Hà Giang sẽ tiếp tục lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, sáng tác những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân, góp phần đắc lực vào sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

 

Hà Giang, tháng 10 năm 2023

(1) Báo Cứu quốc, số 416, ra ngày 25-11-1946 (2) Theo Báo cáo của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều