Khúc quân ca truyền thống giản dị, trong sáng và sâu sắc

07:00 AM, Thứ năm, 12/12/2024
197

Tác giả: Phan Đông Viên

 

Ngày xưa, dọc đường từ Thạch Thất đến Chùa Hương vẫn còn lác đác những gò, đồi, núi thấp... đó là đoạn cuối của mạch núi thiêng Tản Viên (Ba Vì ngày nay). Nhân dân trong vùng còn kể những truyền thuyết từ thời Hùng Vương 2300 năm trước: Một ngày đẹp trời sau tết nguyên đán, Sơn Tinh là Đức Thánh Tản - một trong bốn vị thánh tứ bất tử của Việt Nam đi thăm các làng quê trên dọc tuyến cuối mạch núi thiêng. Ngài dừng chân tại vùng đất nay là trung tâm huyện Quốc Oai, được nhân dân đón chào vô cùng thành kính. Trước đông đảo nhân dân, Ngài nói rằng: Tản Viên Sơn Thánh - người cai quản cả vùng núi thiêng này có mong muốn nhân dân trong vùng luôn được ấm no hạnh phúc, nên nhân dịp tiết xuân đến thăm dân làng, cùng đi có 10 tùy tùng, mỗi tùy tùng giỏi 10 nghề, có thể giúp đỡ nhân dân làm những việc có ích, dần dần bỏ hẳn phương thức sống cũ là săn bắt hái lượm, trang phục chỉ có đóng khố, áo bằng lá cây, da thú...

Trước mắt muốn no phải biết canh tác, chăn nuôi. Tùy tùng sẽ dạy cho dân biết trồng 5 loại cây lương thực có hạt ăn được gọi là ngũ cốc gồm: 1. Lúa tẻ ; 2. Lúa nếp; 3. Ngô; 4. Đậu; 5.Kê, cùng 2 loại lương thực phụ là khoai, sắn và cách trồng các loại rau, củ, quả.

Chăn nuôi, thuần dưỡng lục súc (6 gia súc) để làm sức kéo trong canh tác, vận chuyển và làm thức ăn, lục súc đó là: 1. Trâu; 2. Bò; 3.Ngựa; 4. Dê; 5. Lợn; 6. Chó. Ngoài ra còn chăn nuôi gia cầm.

Muốn ấm thì phải có vải. Tùy tùng sẽ dạy dân biết trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ, dệt vải để may quần áo.

Công tích của Đức Thánh Tản là trị thủy, chống thiên tai thảm họa mà chiến thắng của Ngài trước Thủy Tinh đã chứng minh, Ngài còn sai tùy tùng dạy dân đắp đê, làm thủy lợi, dùng vật liệu sẵn có nhiều của địa phương như đá ong, đất sét, sỏi, cát, vôi... để xây những hồ, giếng chứa nước ăn, những cầu cống dân sinh...Ngài còn sai tùy tùng dạy dân làm những nghề trong lúc nông nhàn như: đan lát tranh tre nứa lá, làm những nông cụ và dụng cụ cho đời sống, dụng cụ săn bắt cá và thú rừng v.v...

Ngoài ra Ngài còn gặp gỡ các bô lão, các già làng trưởng bản yêu cầu và khuyên nhủ toàn thể trai gái đến tuổi cập kê phải lấy vợ lấy chồng để sớm sinh con đẻ cái, vừa bảo tồn nòi giống vừa để liên tục có đủ dân số là lực lượng lao động sản xuất cần thiết để cộng đồng tồn tại.

Ngài còn dạy dân phải biết nhớ ơn những người đi trước, những bậc tiền nhân, những anh hùng hào kiệt đã gây dựng và bảo vệ nên quê hương này cho người dân bây giờ được vui sống. Ngài nói rằng: một dân tộc mà quên quá khứ thì sẽ không có tương lai! trước mắt cần dựng những cái am bằng tranh tre để thờ cúng, tưởng vọng những thành hoàng làng, những vị thần cứu giúp bảo vệ dân... Ngài còn cho lấy những biến điệu, biến tấu của làn điệu hát Xoan là làn điệu cung đình trên Phong Châu - kinh đô của Hùng Vương chuyển thành những làn điệu dân ca trong vùng như hát Dô, hát Bỏ Bộ, hát Chúc, hát Ví, hát Đối, Ca trù... trong đó có những làn điệu thờ cúng, tâm linh, có những làn điệu làm cho đời sống tươi vui với lời ca trữ tình nồng thắm... Như vậy cuộc sống của nhân dân sẽ được hài hòa. Nhân dân vùng Quốc Oai đã thấm nhuần lời dậy của Đức Thánh Tản và cùng nhau thực hiện. Chỉ trong nửa tháng thăm dân, Đức Thánh Tản và 10 tùy tùng đã dậy cho dân 100 nghề, cho nên bây giờ Quốc Oai là một trong số các địa phương nhiều làng nghề nhất trong vùng.

Ngày nay Quốc Oai là huyện có bề dày văn hóa lịch sử và truyền thống, cùng với những bước trưởng thành của sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh, Quốc Oai đã trở thành một địa chỉ phát triển toàn diện điển hình của Thủ đô. Con người của vùng đất này từ xưa đến nay Văn tài cũng lắm mà tướng lĩnh cũng nhiều.

Được sống trong những làn điệu dân ca truyền thống, lại được bổ sung bằng văn hóa cồng chiêng nổi tiếng của xã Đông Xuân, 85% là người Mường, sự nghiệp văn hóa riêng của Quốc Oai ngày càng đặc sắc. Vùng đất Thánh Tản dừng chân nay là hai xã Liệp Tuyết và Ngọc Mỹ là quê hương sản sinh ra ba nhạc sĩ nổi tiếng:

1.  Nhạc sĩ Doãn Quang Khải: sinh năm 1925, tác giả khúc quân ca truyền thống của QĐND Việt Nam Vì nhân dân quên mình.

2.  Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Thường: sinh năm 1928, biên tập viên Ban Âm nhạc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam lâu năm - là một trong những người có công chọn lọc và quảng bá những tác phẩm âm nhạc cách mạng cho quân dân cả nước.

3.  Nhạc sĩ Đỗ Dũng: sinh năm 1939, là Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam - là một trong những người có công đưa những tinh hoa âm nhạc quốc tế về Việt Nam, làm phong phú đời sống âm nhạc cho nước nhà.

Nhạc sĩ Doãn Quang Khải, sinh ngày 10/8/1925 tại quê hương: thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội (thời nhà Nguyễn gọi là Phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) con cụ giáo Doãn Huy Thông (sinh năm 1896) và cụ Phan Thị Mỵ, sinh năm 1898 - làm ruộng. Sau này Doãn Quang Khải lấy bút danh là Phan Doãn (họ mẹ + họ cha).

Thuở nhỏ Doãn Quang Khải được đi học hết trung học cơ sở, tự học biết ký âm, chơi đàn mandoline, và đi học nghề đánh máy chữ. Để kiếm sống, năm 17 tuổi (1942) xin được việc làm thư ký đánh máy cho một hiệu buôn ở Hải Phòng, đến cuối năm 1944 do hiệu buôn đóng cửa nên Doãn Quang Khải mất việc. Cũng để kiếm sống, Doãn Quang Khải đăng lính khố đỏ, binh chủng thông tin liên lạc ngành vô tuyến điện. Mới học được nửa chương trình (3 tháng) thông tín viên thì ngày 9/3/1945 nổ ra cuộc Nhật đảo chính Pháp, đến 10/3/1945 Phát xít Nhật bắt cả toàn quyền Pháp và các quan chức cao cấp Pháp, tấn công các đồn binh Pháp, Pháp thua ở tất cả các căn cứ, tàn quân Pháp và lính đánh thuê lê dương phải tháo chạy lên biên giới phía Bắc. Phát xít Nhật chiếm toàn bộ Đông Dương. Tất cả các sắc lính bản xứ khố xanh, khố đỏ tự bỏ ngũ, rã ngũ trở về quê quán. Ngày 17/3/1945 Doãn Quang Khải về quê, được tuyên truyền vận động Doãn Quang Khải đã tích cực tham gia ngay các hoạt động ở quê hương, cuối tháng 3/1945 được kết nạp vào Đội thanh niên cứu quốc tham gia các hoạt động văn hóa cổ động, tuyên truyền ở địa phương. Đến Cách mạng tháng 8 thì chính thức vào bộ đội cho đến khi về hưu.

Tháng 12/1945 bắt đầu công tác tham mưu và chính trị trong Ban quân sự phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây.

Tháng 1/1947 trong biên chế Tiểu đoàn Sơn Tây chiến khu 2, học lớp chính trị rồi chiến đấu ở vùng Hà Nội.

Tháng 2/1947: tham gia đoàn quân Tây tiến

Tháng 5/1948: học bổ túc văn hóa rồi trở về Trung đoàn cũ, được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Tháng 8/1951: học bổ túc sơ cấp khóa 6 trường Lục quân rồi bổ túc lớp chính trị viên Đại đội tại trường Quân chính khu 4, trực tiếp tham gia chiến đấu ở cấp cán bộ Trung đội từ cuối 1947-1948 tại các chiến trường miền Bắc.

Năm 1953-1954: phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1969-1971: công tác ở phòng Chính trị Sư đoàn 325 chiến trường Bình Trị Thiên

Tháng 1/1972-7/1972: an dưỡng ở Hưng Yên

Tháng 8/1972-12/1983: công tác ở trường Đảng Cục Chính trị - Tổng cục Hậu Cần.

Tháng 1/1984: nghỉ hưu, cấp bậc Trung tá.

KHEN THƯỞNG:

- Được nhiều bằng khen trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Huân chương chống Pháp hạng 3.

- Huân chương chống Mỹ hạng nhất.

Quá trình công tác hầu hết làm chính trị viên (từ trung đội trở lên) và trợ lý tuyên huấn các cấp - có năng khiếu văn nghệ, từ 1947-1948 kiêm thêm Đội trưởng văn công Trung đoàn. Rồi trợ lý tuyên truyền, trưởng văn công Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên.

Sau chiến dịch biên giới 1950 thắng lợi, cùng với cách mạng Trung Quốc thắng lợi trước đó (1/10/1949) biên giới Việt Trung được khai thông, Việt Nam liên lạc với thế giới, nhận được sự viện trợ to lớn cả vật chất và tinh thần của Trung Quốc, Liên Xô và toàn phe XHCN phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Được sự giúp đỡ của Trung Quốc, Trường Lục quân tạm thời sơ tán sang Vân Nam. Đội Văn công trường Lục quân cũng được thành lập gồm những đội viên trên 17 tuổi của Đội Thiếu sinh vệ quốc quân và những học viên có năng khiếu âm nhạc của Trường Lục quân và Dàn nhạc kèn của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, hai nhạc sĩ phụ trách và chỉ đạo nghệ thuật là Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận, tham gia còn có các  nhạc sĩ Lê Yên, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn... Chương trình biểu diễn là những bài dân ca và ca khúc mới của Trung Quốc như: Ca ngợi tổ quốc, Đông phương hồng, Nghĩa dũng quân tiến hành khúc, Nhị lang sơn... Các ca khúc của Liên Xô như: Đỉnh núi Lê Nin, Tổ quốc tôi, Cây liễu, Kachiusa... cùng một số bản nhạc không lời như: Sóng Hắc long giang, Sông Đanuyp xanh, Phiên chợ Ba Tư... chủ yếu để phục vụ học viên trường Lục quân. Năm 1953 Bộ Tư lệnh Quân khu Vân Nam mời lên Côn Minh biểu diễn, được khán giả Trung Quốc hoan nghênh nhiệt liệt.

Đầu năm 1954, Đội văn công Lục quân được lệnh về nước sáp nhập với Đoàn văn công Tổng cục chính trị phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếp quản thủ đô, và cuối 1954 tham gia liên hoan văn công toàn quốc.

Thời kỳ bắt đầu vào khóa 6 trường Lục quân năm 1951, trong đời sống tinh thần của đơn vị có sáng tác thơ, ca, hò, vè, họa, nhạc, đăng thường xuyên trên các tờ bích báo (báo tường) của lớp, của trường, Doãn Quang Khải có ca khúc Vì nhân dân quên mình, vì khiêm tốn lúc đăng còn chưa đề tên thật, chỉ đề bút danh.

Các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận phụ trách Đội văn công trường Lục quân nhận xét tốt về bài Vì nhân dân quên mình, đã xin phép trường đưa bài về cho Đội văn công tập, dàn dựng thành tiết mục. Trong lễ bế giảng khóa học ngày 1/5/1951 bài Vì nhân dân quên mình được trình diễn đầy khí thế. Đến 1952 Cục Quân huấn chọn bài Vì nhân dân quên mình gửi tham dự cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật toàn quốc.

Có ba tác phẩm âm nhạc được giải cao:

Giải A. Thời cơ đến sáng tác chung của tập thể học viên trường Lục quân

Giải B. Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải.

Giải C. Bộ đội về làng. Thơ Hoàng Trung Thông, nhạc Lê Yên.

Vì nhân dân quên mình đã được Tổng cục Chính trị và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chọn làm Quân ca của Quân đội ta suốt từ 1952 đến nay. Trong tất cả các sự kiện trọng đại của quân đội, các chương trình phát thanh, truyền hình, sân khấu và điện ảnh của QĐND từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ và ngày tiếp quản Thủ đô đến nay, khúc quân ca truyền thống Vì nhân dân quên mình đã trở thành nhạc hiệu riêng của QĐND vẫn luôn vang lên hùng tráng. Với giọng đô trưởng, cấu trúc giản dị, rõ ràng mạch lạc. Lời 1 cho toàn quân, lời 2 dâng Bác Hồ - người sáng lập quân đội cũng như tình yêu của quân đội đối với Người. Vì nhân dân quên mình đã đi vào lòng người lính, người dân rồi trở thành khúc quân ca giản dị, trong sáng và sâu sắc đi cùng năm tháng đã gần 80 năm.

Sau này nhạc sĩ Doãn Quang Khải còn sáng tác tiếp năm ca khúc ở từng đơn vị công tác:

1. Đâu cũng là quê hương.

2. Mùa bội thu.

3. Tây Nguyên ơi.

4. Tiếng hát dưới trăng.

5. Về chiến trường xưa.

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Vì nhân dân quên mình

Đó là khẩu hiệu mà Đảng, Nhà nước đã định nghĩa, định danh, giao nhiệm vụ và tôn vinh đạo đức của quân đội ta, nó còn như khẨu lỆnh khi người lính đang cầm súng ra mặt trận và còn là khẨu khí của người lính: bất cứ người lính nào của quân đội ta khi đứng trước quân thù đều có thể cảnh báo: "Hãy dừng lại ! đây là một đội quân chính nghĩa !".

 

 

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share