Kính vạn hoa Rhapsody in Blue

07:00 AM, Thứ tư, 31/07/2024
523

Tác giả: Duy Quang

 

Câu chuyện về sự ra đời của Rhapsody in Blue cũng hấp dẫn như chính bản thân tác phẩm vậy.

 

Chân dung tự họa của George Gershwin. Nguồn: Smithsonian Institution.

 

Tối ngày 3/1/1924, chàng trai trẻ 25 tuổi George Gershwin đang chơi bi a với người bạn Buddy De Sylva thì anh trai anh, Ira đến, cầm theo tờ báo The New York Tribune. Trong báo có đăng thông tin về buổi hòa nhạc có cái tên rất kêu: “Một thử nghiệm trong âm nhạc hiện đại” của ban nhạc jazz Paul Whiteman, vào ngày 12/2, sẽ giới thiệu một tác phẩm âm nhạc mới lấy cảm hứng từ jazz. Chương trình có thể sẽ có sự tham dự của những tên tuổi nổi tiếng thời bấy giờ như Sergei Rachmaninov, Leopold Stokowski và Jascha Heifetz. Và điều đặc biệt nhất, bài báo ghi rõ, tác giả âm nhạc của “một bản concerto jazz mới” sẽ là George Gershwin. 

 

Gershwin rất bất ngờ trước thông tin này vì anh luôn lịch sự từ chối những lời đề nghị trước đó của Whiteman. Sáng hôm sau, anh gọi điện cho Whiteman, người được mệnh danh “Ông vua của Jazz” và được biết rằng đối thủ chính của Vincent Lopez đã lên kế hoạch về một chương trình tương tự và Whiteman một lần nữa thuyết phục Gershwin và lần này ông đã nhận lời. 

 

Là con trai của một gia đình nhập cư Nga gốc Do Thái, Gershwin đã học piano khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở Lower East Side, Manhattan. Sau khi ngừng học cấp ba để trở thành người sáng tác ca khúc cho Tin Pan Alley (nơi tập hợp những nhạc sĩ, nhà xuất bản âm nhạc ở New York, địa điểm thống trị nền âm nhạc đại chúng Mỹ vào đầu thế kỷ 20), anh tham gia buổi biểu diễn Broadway đầu tiên ở tuổi 20 và bắt đầu thăng tiến nhanh chóng với tư cách là một trong nhạc sĩ sáng tác ca khúc nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, tham vọng của anh còn vượt ra ngoài các sân khấu của Broadway; Gershwin luôn có niềm yêu thích với âm nhạc cổ điển và có niềm ao ước cháy bỏng được dấn thân vào địa hạt này.

 

Gershwin miêu tả về tác phẩm của mình “Đó là một dạng kính vạn hoa âm nhạc của nước Mỹ, nơi hội tụ rộng lớn của nước ta”.

 

Do quãng thời gian từ đó cho đến buổi biểu diễn không còn nhiều, Gershwin buộc phải bắt tay ngay vào sáng tác tác phẩm. Theo như những gì được ghi trên bản thảo, trong quãng thời gian ngắn ngủi chừng khoảng 10 ngày, Gershwin đã hoàn thành Rhapsody in Blue. Năm 1931, ông kể lại câu chuyện với người viết tiểu sử Isaac Goldberg rằng ý tưởng về Rhapsody in Blue nảy sinh trên chuyến tàu tới Boston: 

 

“Khi đó, đột nhiên trong tôi nảy ra một ý tưởng. Anh biết đấy, đã có quá nhiều lời bàn tán về hạn chế của jazz… jazz, phải có nhịp điệu nghiêm ngặt, phải bám vào điệu nhảy. Do đó, không còn cách nào khác, tôi phải chứng minh ngược lại, thậm chí nếu có thể, xóa bỏ những quan điểm sai lầm như thế này bằng một tác phẩm hoàn toàn mới. Với suy nghĩ đó, tôi bắt đầu sáng tác với một tốc độ phi thường, thậm chí nhanh đến mức chính tôi cũng không thể hình dung ra. Dĩ nhiên là trong đầu tôi không có sẵn kế hoạch nào – không có cấu trúc nào tôi biết trước đó phù hợp cho tác phẩm mới mà tôi muốn sáng tác. Anh thấy đấy, ở thời điểm bắt đầu, bản rhapsody này là một mục đích tôi cần phải đạt tới chứ không phải là một ý tưởng mà tôi tự định hình.

 

Gershwin miêu tả về tác phẩm của mình “Đó là một dạng kính vạn hoa âm nhạc của nước Mỹ, nơi hội tụ rộng lớn của nước ta”.

 

… Tôi cảm thấy những giai điệu đó đang ở trên tàu, với nhịp điệu của thép, của tiếng kêu lách cách, thường rất kích thích nhà soạn nhạc… Tôi thường xuyên nghe thấy âm nhạc giữa những tiếng ồn. Và rồi, bỗng nhiên tôi cảm thấy bản nhạc, tôi thấy những nốt nhạc hiển thị như trên trang giấy – một bản rhapsody hoàn chỉnh, từ đầu đến cuối. Tôi cảm giác là không chủ đề nào trong tác phẩm này mới đối với tôi bởi trong tâm trí tôi đã có sẵn những chất liệu chủ đề và nỗ lực của tôi là cố gắng hình thành bố cục một cách tổng thể. Tôi thấy nó như một kính vạn hoa của nước Mỹ, một sự tan chảy đồng nhất rộng lớn của chúng ta, một giấc mơ Mỹ đồng nhất, về nỗi buồn của chúng ta, một sự điên cuồng của đô thị. 

 

Điều đáng nói là chủ đề ở giữa tác phẩm chợt đến với tôi, sau khi tôi trở về Gotham và ghé thăm một người bạn. Ở đó, tôi đã làm huyên náo các phím piano mà không hề nghĩ đến bản Rhapsody in blue. Đột nhiên, tôi thấy mình đang chơi một chủ đề mà chắc hẳn đã ám ảnh tôi từ rất lâu và đang tìm kiếm “lối thoát” khỏi những dòng suy nghĩ chồng chất trong đầu. Khi những giọt âm nhạc chảy ra khỏi ngón tay, tôi biết mình đã tìm thấy một chủ đề quan trọng cho tác phẩm mới… Một tuần sau khi trở về từ Boston, tôi đã hoàn thành Rhapsody in Blue”.

 

Tổng phổ gốc của tác phẩm được Gershwin hoàn thành với phiên bản dành cho hai piano (có ghi chú thêm về một số nhạc cụ khác có thể có). Mặc dù Gershwin thú nhận kiến thức về lý thuyết âm nhạc của mình lúc đó chỉ phù hợp với một con tem 3 xu, khiến ông không thể sáng tác cho một dàn nhạc hoàn chỉnh, nhưng Rhapsody in Blue đã trở thành một tác phẩm mang tính biểu tượng và là bước ngoặt trong lịch sử âm nhạc. Ông đã chuyển sáng tác của mình cho Ferde Grofé, người chuyên phối khí cho phần biểu diễn của Whiteman và Grofé đã hoàn thành công việc của mình vào ngày 4/2, chỉ tám ngày trước buổi công diễn. Ban đầu Gershwin định đặt tên tác phẩm là American Rhapsody (rhapsody là thuật ngữ để chỉ tác phẩm có hình thức tự do, một khám phá âm nhạc có nhiều tâm trạng tương phản), nhưng anh trai Ira đã đề nghị đổi tên thành Rhapsody in Blue sau khi tham dự một triển lãm nghệ thuật của James McNeill Whistler và được chiêm ngưỡng những bức tranh có tên gọi đầy màu sắc như Nocturne in Black and Gold: The Falling Rocket (Dạ khúc trong màu đen và vàng: Tên lửa rơi) và Arrangement in Grey and Black (Sự hòa trộn của xám và đen). Từ blue chắc chắn gợi lên “The Blues” và đó là nhạc jazz. Chắc chắn âm hưởng jazz thời kỳ đầu là thứ ta nghe thấy trước tiên ở tác phẩm này, khi sự ngẫu hứng, đảo phách của những nghệ sĩ da đen như Louis Armstrong đã tiến tới New York từ New Orleans. Cùng với đó là sự ảnh hưởng trực tiếp từ James P. Johnson hay Willie “The Lion” Smith, những bậc thầy của piano jazz đang tỏa sáng tại Harlem.

 

Bất chấp những lời phê bình, ngày nay, Rhapsody in Blue vẫn là tác phẩm âm nhạc nổi tiếng nhất của Gershwin, dễ tiếp cận và đáng yêu ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, một kho báu không thể thay thế được của thời đại jazz, chiếc cầu nối giữa nhạc cổ điển và jazz và là một biểu tượng của văn hóa Mỹ.

 

Buổi biểu diễn ra mắt tác phẩm diễn ra vào một chiều tuyết rơi ngày 12/2/1924 tại Aeolian Hall, New York. Phòng hòa nhạc đông nghẹt người. Whiteman nhớ lại: “Trời có tuyết, những người đàn ông và phụ nữ tranh giành nhau để vào cửa, xô đẩy và hành hạ nhau như đôi khi họ vẫn làm trong một trận đấu bóng chày, một cuộc tranh giành giải thưởng hoặc trong tàu điện ngầm”. Trong số khán giả không có Rachmaninov và Heifetz nhưng có sự xuất hiện của Igor Stravinsky, Fritz Kreisler và nhạc trưởng Walter Damrosch. Tiếng glissando trên clarinet nổi tiếng mở đầu tác phẩm là một sự tình cờ. Clarinet của ban nhạc Whiteman, Ross Gorman, trong một buổi tập đã ngẫu hứng những ô nhịp đầu tiên, kéo dài các ghi chú của Gershwin. Nhà soạn nhạc cũng có mặt, tỏ ra vô cùng thích thú và yêu cầu Gorman biểu diễn theo đúng như vậy. Phần mở đầu này giải phóng một loạt các ý tưởng âm nhạc đầy màu sắc, kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Các nhịp điệu đảo lộn nhịp nhàng và những sắc thái sặc sỡ sau đó đã nhường chỗ cho một giai điệu ấm áp, rộng rãi trên piano. Âm nhạc mang màu sắc jazz không thể bàn cãi với chất liệu chính được lấy từ những bài hát của người da đen. 

 

Dàn nhạc biểu diễn buổi ra mắt gồm 23 thành viên với Gershwin chơi piano. Ông đã ngẫu hứng một số đoạn trên sân khấu, phần piano này không được viết ra nên không còn thông tin chính xác những gì đã được biểu diễn. Tác phẩm đã được hoan nghênh một cách ngoạn mục, Olin Downes, nhà phê bình âm nhạc đã viết trên New York Times: “Một chàng trai gầy gò và da sẫm màu ngượng ngùng bước lên sân khấu – George Gershwin. Anh ấy sẽ chơi phần piano trong buổi ra mắt lần đầu trước công chúng của Rhapsody dành cho piano và dàn nhạc. Khán giả đã bị khuấy động, nhiều người tỏ ra phấn khích với cảm giác vừa tìm được một tài năng mới… Nhiều tràng pháo tay ầm ĩ đã dành cho tác phẩm của Gershwin”. Tác phẩm đã thành tiết mục “đinh” của ban nhạc Paul Whiteman. Họ đã biểu diễn liên tục trong các chuyến lưu diễn, kể cả tại Anh vào những năm 1925 và 1926 cùng với đó là hàng trăm nghìn bản thu âm và tổng phổ tác phẩm đã được bán ra khiến Rhapsody in Blue trở nên vô cùng nổi tiếng.

 


Mặc dù được khán giả đón nhận nhưng đương thời các nhà phê bình tỏ ra không hứng thú với tác phẩm, trong đó những chỉ trích nhiều nhất tập trung vào vấn đề bản nhạc không có cấu trúc, được viết ra theo một hình thức lộn xộn. Rhapsody in Blue khiến những người da đen cảm thấy khó chịu từ chính nhạc jazz, thứ khiến tác phẩm trở nên độc đáo: họ lên án rằng Gershwin đã đánh cắp âm nhạc của họ. Năm 1929, bộ phim ngắn 15 phút St. Louis Blues, lấy theo tên một bài hát của nhạc sĩ W. C. Handy, công chiếu với dàn diễn viên toàn người da đen. Trong đó, hai nhân vật chính là Jimmy, một tên cờ gian bạc lận và Bessie, người tình của hắn. Ở cảnh cuối cùng, Jimmy và Bessie hóa giải sự bất hòa trước đó bằng cách ôm nhau nhảy. Lúc này, Jimmy nhẹ nhàng thò tay móc lấy tiền ở trong túi của Bessie và đẩy cô vào quầy bar. Sau đó, hắn cúi đầu, ngả mũ khoe khoang đón nhận sự tán thưởng của công chúng trên tiếng clarinet glissando mở đầu Rhapsody in Blue. Không khó để nhận ra ẩn ý ở đây, Gershwin đã đánh cắp nhạc jazz của cộng đồng da đen như Jimmy móc túi Bessie. Trước đó, năm 1927, một phản ứng âm nhạc khác đã nổi lên khi người bạn của Gershwin, nghệ sĩ piano jazz James P. Johnson hoàn thành tác phẩm Yamekraw. Nhà xuất bản Perry Bradford, trong lời quảng cáo đã nói kháy: “Đó không phải Rhapsody in Blue mà là Rhapsody in Black and White (Bản Rhapsody của những nốt đen trên giấy trắng)”. Bradford muốn cho mọi người thấy rằng, đây mới là cách chính xác mà một nghệ sĩ da đen tiếp cận âm nhạc jazz.

 

 

Gershwin miêu tả về tác phẩm của mình: “Đó là một dạng kính vạn hoa âm nhạc của nước Mỹ, nơi hội tụ rộng lớn của nước ta”. Nhà soạn nhạc đã dùng từ “melting pot”, có nghĩa đen là “nồi nung chảy”, một thuật ngữ có tính chất ẩn dụ để miêu tả một xã hội hỗn tạp đang dần trở nên đồng nhất hơn, nơi mà những yếu tố khác biệt được “nung chảy với nhau” để tạo nên sự hòa hợp. Trên thực tế, đó cũng chính là mong muốn của Whiteman, người đã đặt hàng Gershwin sáng tác một tác phẩm jazz concerto, một thử nghiệm mới mẻ trong âm nhạc. Cuốn sách Learning Jazz: Jazz Education, History, and Public Pedagogy (Học nhạc Jazz: Giáo dục nhạc Jazz, Lịch sử và Sư phạm đại chúng) của tác giả Ken Prouty đã nhận xét về Whiteman qua Rhapsody in Blue: “Whiteman dự định chỉ ra, với sự hỗ trợ của dàn nhạc và các cộng sự của mình, những bước tiến to lớn đã đạt được trong âm nhạc đại chúng từ thời của nhạc Jazz không nhịp điệu… cho đến thứ âm nhạc thực sự du dương ngày nay”. Nói cách khác, Whiteman muốn biến nhạc jazz phổ biến của thời đại đó thành nhạc cổ điển, và khi làm như vậy, ông sẽ làm nổi bật vẻ đẹp vốn có của con quái vật, khiến người da trắng dễ dàng tiếp nhận hơn. Những nhà chỉ trích còn nâng quan điểm rằng âm nhạc trí thức của người da trắng, được coi là phức tạp nhất. Và thứ âm nhạc trí thức này có thể nâng cao âm nhạc trí tuệ thấp bằng cách vay mượn – hay nói đúng hơn là chiếm đoạt – các yếu tố âm nhạc như nhịp điệu và hòa âm. Hợp nhất lại nó sẽ ở mức giữa và sẽ không bao giờ đạt đến đỉnh cao theo cách riêng của mình.

 

Bất chấp những lời phê bình, ngày nay, Rhapsody in Blue vẫn là tác phẩm âm nhạc nổi tiếng nhất của Gershwin, dễ tiếp cận và đáng yêu ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, một kho báu không thể thay thế được của thời đại jazz, chiếc cầu nối giữa nhạc cổ điển và jazz và là một biểu tượng của văn hóa Mỹ. Đó không phải là một sáng tác tĩnh tại nào đó bị mắc kẹt trong quá khứ; đúng hơn, đó là một bản nhạc không ngừng phát triển và ý nghĩa của nó đã thay đổi theo thời gian. Ngoài phòng hòa nhạc, Rhapsody in Blue còn xuất hiện trong các bộ phim mang tính biểu tượng như “Manhattan” của Woody Allen và “Fantasia 2000” của Disney. Tác phẩm cũng còn được biểu diễn trong lễ khai mạc Thế vận hội Los Angeles 1984 và nếu từng bay trên United Airlines, bạn sẽ nghe thấy nó phát trong các video về an toàn trước các chuyến bay. 

 

Kể từ khi Gershwin qua đời đột ngột ở tuổi 38 vào năm 1937, sáng tác nổi tiếng nhất của ông không còn được nghe ở dạng nguyên bản khiến người nghe xúc động tại buổi ra mắt bởi vì Gershwin đã không viết ra phần piano độc tấu của tác phẩm. Ngay cả trong suốt cuộc đời của nhà soạn nhạc, các bản thu âm luôn cắt giảm tác phẩm một cách đáng kể để độ dài của nó vừa với hai mặt của một đĩa nhạc. Ngay từ năm 1926, Grofé đã phối khí lại tác phẩm cho một dàn nhạc sân khấu tiêu chuẩn hơn, nhưng phiên bản năm 1942 của Grofé mới là định dạng phổ biến nhất. 

 

Đương thời, Gershwin giải thích ý tưởng của mình về Rhapsody in Blue: “Tôi đã cố gắng thể hiện phong cách sống của chúng tôi, nhịp độ của cuộc sống hiện đại với tốc độ, sự hỗn loạn và năng lượng của nó”. Những phẩm chất đó vẫn còn rõ ràng trong tác phẩm mang tính biểu tượng này cho đến tận hôm nay.□

 

——————-

Thời gian sáng tác: Năm 1924 cho piano và dàn nhạc jazz (Ferde Grofé thực hiện việc phối khí cho dàn nhạc). Grofé còn thực hiện hai bản phối khí khác vào năm 1926 và 1942, trong đó phiên bản năm 1942 dành cho piano và dàn nhạc cổ điển ngày nay thường được biểu diễn thường xuyên nhất.

 

Công diễn lần đầu: Phiên bản gốc được trình diễn vào ngày 12/2/1924 tại Aeolian Hall, New York.

 

Độ dài: Khoảng 15-17 phút.

 

Thành phần dàn nhạc:

 

– Phiên bản năm 1924: Piano độc tấu, oboe, clarinet (kiêm E flat clarinet và bass clarinet), alto saxophone (kiêm soprano saxophone 2), tenor saxophone (kiêm soprano saxophone 1), baritone saxophone, 2 horn, 2 trumpet, 2 trombone, tuba, timpani, bell, cymbals, snare drum, triangle, gong, piano (kiêm celesta), guitar (kiêm banjo), violin và double bass.

 

– Phiên bản năm 1942: Piano độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, bass clarinet, alto saxophone, tenor saxophone, 3 horn, 3 trumpet, 3 trombone, tuba, timpani, bass drum, cymbals, gong, glockenspiel, snare drum, celesta, triangle, banjo và dàn dây.

 

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share
Bài viết liên quan
Xem thêm
Toru Takemitsu (1930-1996)

Nhạc sĩ

24/04/2023

Wagner có gì không ổn?

Nhạc sĩ

24/04/2023

Thầy Đỗ Nhuận của tôi

Nhạc sĩ

24/04/2023

Xem nhiều