“Làng tôi” – Tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao

09:45 AM, Thứ tư, 24/04/2024
1006

Tác giả: Ánh Quyên

 

 

“Làng tôi” là một trong những tác phẩm nổi tiếng và được yêu thích nhất của nhạc sĩ Văn Cao, người để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao đã vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, ghi vào biên niên sử bằng âm thanh những tác phẩm thể loại lớn in đậm dấu ấn sáng tạo, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian”.

 

Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, ông sinh ngày 15/11/1923 ở phố Lạch Tray, Hải Phòng nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình viên chức. Cha của ông là giám đốc Nhà máy nước Hải Phòng. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

 

 lang toi - tac pham bat hu cua nhac si van cao hinh anh 1
Nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh tư liệu)

 

Văn Cao bắt đầu học nhạc ở trường dòng Sant Joseph. Sau khi học năm thứ hai bậc Thành chung (năm 1938), vì gia đình sa sút, Văn Cao phải nghỉ học khi mới 15 tuổi. Cùng giai đoạn đó, nền Tân nhạc Việt Nam ra đời. Năm 16 tuổi ông đã có sáng tác đầu tay: “Buồn tàn thu”, sau đó là các tình khúc “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Cung đàn xưa”, “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Trương Chi”.

 

Ở Hải Phòng, Văn Cao gia nhập nhóm Đồng vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý cùng với các nhạc sĩ Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận.

 

Năm 1944, ông gia nhập Việt Minh với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày tại căn gác số 171, phố Mongrant (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đặt tên cho tác phẩm là “Tiến quân ca”. “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944. Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Hồ Chủ Tịch đã chính thức phê duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Từ năm 1945 trở đi, ông viết “Bắc Sơn”, rồi các ca khúc, hành khúc: “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Chiến sĩ Việt Nam”; “Gò Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”…tiếp đó là “Làng tôi”, “Tiến về Hà Nội”, “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch” và “Trường ca Sông Lô”. Nhạc sĩ Văn Cao còn viết nhạc cho phim “Chị Dậu”, “Anh bộ đội Cụ Hồ”…Ông là tác giả của nhiều tác phẩm hội họa như: “Dân công Miền Núi”, “Chợ vùng cao”, “Lớn lên trong kháng chiến”, “Người Mông dắt ngựa”, “Người Mông uống rượu”…

 

Ca khúc “Làng tôi” nằm trong mạch những ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Văn Cao, từ “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Bến xuân”…của thời kỳ đầu tân nhạc đến “Làng tôi”, “Ngày mùa”…thời chống Pháp và sau cùng có lẽ là “Mùa xuân đầu tiên” viết năm 1976.

 

Theo lời kể của họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), mùa thu năm 1988, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định mời gia đình nhạc sĩ Văn Cao cùng ê-kíp chương trình “Đêm nhạc Văn Cao” do Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dàn dựng về biểu diễn tại thành phố Nam Định. Lần đầu nhân dân ở thành phố này được thưởng thức trọn vẹn, trực tiếp những ca khúc bất hủ của Văn Cao. Sau đêm diễn, một lãnh đạo của tỉnh đề nghị nhạc sĩ sáng tác cho quê hương Nam Định một bài hát. Nhạc sĩ cười, bảo: “Bài hát Làng tôi chính là tâm huyết của tôi viết cho quê hương đấy”.

 

Đêm ấy, về khách sạn Vị Hoàng, ông đã kể cho con trai – họa sĩ Văn Thao hoàn cảnh ra đời của “Làng tôi”: Ông viết “Làng tôi” dành tặng vợ nhân ngày cưới, vì kháng chiến chống Pháp bắt đầu sớm hơn dự định nên ông không kịp tổ chức một đám cưới trang trọng tại Hà Nội dành cho vợ, khiến ông cứ băn khoăn mãi.

Năm 2010, “Làng tôi” là 1 trong 20 bài hát được tôn vinh trong cuộc bình chọn “Bài hát hay về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

 

Trong cuốn “Văn Cao – Người đi dọc biển” của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có đoạn Văn Cao nhớ lại về hoàn cảnh ông viết bài bài hát: “Buổi chiều đi bên bờ sông của vùng Ba Thá, huyện Chương Mỹ, Hà Đông, nghe tiếng chuông nhà thờ bing boong buồn lắm. Nhịp và giai điệu bài hát “Làng tôi” chảy ra từ tối ấy”. Nhưng thật lạ, buổi chiều buồn thương ấy khi xiết qua cây vĩ cầm của lòng ông đã không làm réo lên những âm thanh thiết hay oán cừu. “Làng tôi” của Văn Cao trong những ngày chiến tranh ly tán khi ấy và cả về sau này, đã như những con sóng dặt dìu đủ để làm thương nhớ và nhen lên than hồng bền bỉ của tình yêu quê hương, xứ sở.

 

 lang toi - tac pham bat hu cua nhac si van cao hinh anh 2
Tranh minh họa: Họa sĩ Trần Nguyên

 

Cảm nhận về bài hát “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao, thính giả Tùng Anh ở quận Đống Đa, Hà Nội, trong bài viết gửi về chuyên mục “Bài hát được nhiều người yêu thích” (Chương trình Ca nhạc theo Yêu cầu thính giả của VOV) đã viết: “Văn Cao viết “Làng tôi” vào quãng đầu năm 1947, những ngày đầu của cuộc kháng chiến 9 năm chống Thực dân Pháp, đến nay đã già nửa thế kỷ. Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung/Đời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền, một dòng sông

 

Cho tới bây giờ nhiều thế hệ đã thuộc nằm lòng giai điệu này và hát với những cảm nhận có thể có phần khác nhau. Nhưng trong hồi vọng lịch sử của nó, ca khúc dường như gọn ghẽ nhất này của Văn Cao có lẽ vẫn vẹn nguyên niềm chia sẻ cái mất mát, tiêu điều của nhiều làng quê Việt một thời giặc giã binh lửa.

 

…Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà, ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn/Đường ngập bao xương máu tơi bời, đồng không nhà trống tan hoang…”

 

Có thể thấy một cái gì đó gần gũi giữa “Con kênh xanh xanh” êm mát, Ngô Huỳnh viết giữa năm 1949 đạn bom ở chiến khu Đồng Tháp Mười với “Làng tôi” của Văn Cao trên đường lui dần về chiến khu vào đầu 1947 ở Bắc Bộ. Trong cả hai trường hợp, âm nhạc đã không sao chép hoặc minh họa đời sống.

 

Từ tiếng chuông nhà thờ ảm đạm một chiều Ba Thá của Văn Cao đến một giai điệu “Làng tôi” đã đi qua thế kỷ, có thể thấy “Làng tôi” đã không còn là của riêng nhạc sĩ Văn Cao. Nghệ thuật đích thực đã có thêm một ví dụ về sự huyền diệu của nó.

 

(Nguồn: https://vov.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share