Tác giả: Khải Minh
1. Giữa bộn bề bao việc, người Việt vẫn thường mang trong lòng tình yêu âm nhạc. Từ tình yêu âm nhạc, nhiều người lại muốn nghe những câu chuyện xoay quanh những tình khúc mình yêu thích, nhất là được nghe sự tỏ bày từ những người sáng tác và những người hát những ca khúc này. Tập sách “Trò chuyện với 100 ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam” được tập hợp từ những bài phỏng vấn của các nhà báo đối với các nhạc sĩ, ca sĩ được đề cập.
Tập sách tập hợp 100 bài phỏng vấn của những nhà báo với các ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam, với 102 người được phỏng vấn - do Nhà Xuất bản Văn hóa Sài Gòn phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng xuất bản trước đây.
2. Mở tập sách, người đọc sẽ có những thông tin từ chính những nhạc sĩ, ca sĩ được phỏng vấn trao đổi. Việc sáng tác, hoàn cảnh ra đời của những nhạc phẩm mang đậm dấu ấn một thời, những đứa con tinh thần đầy tâm huyết của những người nhạc sĩ, những thành tựu trong sáng tác, biểu diễn ở những không gian, quy mô khác nhau, trong và ngoài nước.
Rất nhiều những nhạc sĩ nổi tiếng để lại dấu ấn trong lòng những người yêu âm nhạc bằng những nhạc phẩm đi sâu vào lòng người: Nhạc sĩ Văn Cao, Huy Du, Trần Hoàn, Phạm Tuyên, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Văn Ký, Hoàng Hiệp, Hồng Đăng, Phan Nhân, Thanh Tùng, Phạm Minh Tuấn, Trịnh Công Sơn, Phú Quang, An Thuyên, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Nguyễn Ánh 9, Trần Long Ẩn, Tôn Thất lập, Vũ Đức Sao Biển… Cùng những ca sĩ: NSND Tường Vy, NSND Thu Hiền, NSND Quý Dương, ca sĩ Cao Minh, Ánh Tuyết, Cẩm Vân… và nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng khác.
3. Ở 100 bài trả lời phỏng vấn, có 84 nhạc sĩ, 16 ca sĩ, 2 người vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ, có bài là phỏng vấn chung cả hai vợ chồng.
Nhạc sĩ Huy Du, tác giả của những nhạc phẩm: Tình em, Đường chúng ta đi, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Nổi lửa lên em… rất nổi tiếng, đã có sự trải lòng: “Truyền bá, phổ biến âm nhạc là rất quan trọng, song liều lượng như thế nào cho cân đối nhất là với các phương tiện thông tin đại chúng… Để âm nhạc phát triển đúng định hướng nhà nước phải bảo trợ, nuôi dưỡng những chương trình nghiêm chỉnh… (Nhà báo Trần Bạch Tuyết phỏng vấn).
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tác giả của rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng, trong đó có: Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… phổ thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh, đã bộc bạch: “Là nghệ sĩ làm nghệ thuật nếu không biết rung động thì không thể sáng tác được. Nhưng cái rung động đó là tình yêu, sự rung động trước một cái đẹp của thiên nhiên, của một tâm hồn đẹp, của tình người…” (Việt Hà phỏng vấn).
Trả lời các nhà báo Hoàng Nguyên Vũ và Hoàng Giang, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã nói về các giai đoạn sáng tác các nhạc phẩm về Tây Nguyên của ông: “Các tác phẩm về Tây Nguyên của tôi được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn Đắk Lắk chủ yếu khai thác trên chất liệu dân ca Ê Đê. Giai đoạn Gia Lai chủ yếu khai thác trên chất liệu dân ca M’Nông, Gia Rai, Xê Đăng. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn không còn lấy chất liệu cụ thể nào mà là sự tổng hòa tất cả mọi chất liệu. Tôi dùng ngôn ngữ Tây Nguyên với mong muốn đưa dòng chảy âm nhạc Tây Nguyên hòa cùng dòng chảy ca khúc Việt Nam…”.
Nhạc sĩ- Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc, người biểu diễn rất hay ở hầu hết các nhạc cụ dân tộc, nổi bật nhất là sáo, tiêu, đàn T’rưng, đàn Ăng K’lung, đàn đá… đã từng được cử, được mời đi biểu diễn nhiều lần ở nhiều nước trên thế giới, đã có ý kiến hết sức trân trọng về gia tài âm nhạc truyền thống do tổ tiên chúng ta để lại, trong lần trò chuyện với nhà báo Vu Ngã: “Gia tài âm nhạc dân tộc truyền thống tổ tiên để lại cho chúng ta hôm nay không phải là sự sáng tạo trong một thời điểm nhất định nào đó. Nó là kết tinh của cả một quá trình tồn tại và phát triển của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam và sự giao lưu bình thường của các dân tộc trong khu vực và thế giới… Nó là gia bảo, là kim cương, là vàng, là đá quý đấy…”.
Ở bài “Giọng hát vàng”, nhà báo Mai Nhật đã trích ý của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nói về Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vy: “Tường Vy, người có giọng hát đã làm say đắm bao nhiêu trái tim ở hậu phương cũng như ở chiến trường trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Khán, thính giả cả nước đều thương yêu, quý mến và thán phục giọng hát vàng của Tường Vy, tiếng chim họa mi hót lên lời động viên mọi người trong những ngày đạn bom, khói lửa của chiến tranh”.
Còn đối với Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền, chị đã có sự sẻ chia cùng nhà báo Cát Vũ về tấm lòng của mình khi cất lên những bài dân ca làm xao xuyến lòng người: “Trải qua rất nhiều chục năm vui buồn với nghề, tôi mới hiểu được ý nghĩa dân ca là nguồn cội. Bởi hát dân ca phải hát bằng trái tim. Chỉ bằng trái tim, người ta mới hiểu được nét duyên dáng của dân ca từng miền, hiểu được cách phát âm, sự luyến láy, dấu nặng, dấu ngã và biết cách hát như thế nào cho dễ đi vào lòng người”.
Ca sĩ Cẩm Vân, người rất nổi tiếng khi hát những ca khúc Bài ca không quên, Huyền thoại mẹ, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Đêm thành phố đầy sao, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa… đã nêu ý kiến của mình trước câu hỏi của nhà báo Trần Bạch Tuyết: “Muốn trở thành ca sĩ ngôi sao cần có những điều kiện nào?”: “Muốn trở thành một nghệ sĩ tên tuổi có sức sống trong lòng khán giả, trước hết cần có chất giọng riêng, phong cách riêng. Những gì lặp lại, vay mượn của người khác sẽ khó thuyết phục và chính mình đã tự đánh lừa mình. Thanh và sắc là hai yếu tố cần thiết của ca sĩ. Nhưng hình thức không quan trọng bằng giọng hát. Và có chất giọng hay cũng chưa đủ, bởi giọng hát đó có giữ được vẻ đẹp lâu dài hay không còn do chính phẩm cách của người hát”.
4. Đến với tập sách, người yêu âm nhạc hiểu phần nào nguồn cảm hứng sáng tác, những suy tư, trăn trở của những người nghệ sĩ về âm nhạc, về sáng tác, biểu diễn âm nhạc thời gian đã qua, cũng phần nào định hướng ở tương lai. Đam mê bền bỉ, để nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đi trọn cuộc đời mình với tiếng hát, cung đàn. Và rất nhiều người trong số họ đã để lại những ấn tượng tốt đẹp nơi người hâm mộ bởi tài năng, sự sáng tạo, sự khổ luyện, sự đầu tư nhiều mặt của những người nghệ sĩ ấy cho âm nhạc nước nhà.
(Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/)