Tác giả: Lê Hải Đăng
Theo luật Sở hữu trí tuệ, Quyền tác giả bao gồm: quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong quyền nhân thân có quyền: “Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm”. Như vậy, tác giả đứng tên tác phẩm của mình là một quyền được pháp luật bảo hộ. Quyền này hình thành trên cơ sở pháp lý, cùng với sự định dạng của tác phẩm.
Tác phẩm âm nhạc có thể vang lên trước hoặc sau khi tác giả qua đời. Điều đó không ảnh hưởng đến tính tự trị của nó. Có thể nói, đây là một sự thật, chứ không dừng lại ở quyền được pháp luật bảo hộ. Sự thật này cần được tôn trọng như bao sự thật lịch sử khác, đồng thời gián tiếp thể hiện quyền tác giả. Ở nước ta, truyền thông có thói quen thêm yếu tố “cố” vào trước danh từ để chỉ nhạc sĩ quá cố, như: cố nhạc sĩ Văn Cao, cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước... Cách xưng hô này tuy cung cấp thêm một chỉ báo liên quan, nhưng không trực tiếp củng cố giá trị ở tác phẩm, kể cả tác giả. Như chúng ta biết, nhạc sĩ vốn không phải là một chức danh, như: Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng… mà phải thêm trợ từ “cựu” hay yếu tố “nguyên”, “cố”, như: nguyên Thủ tướng, cựu Bộ trưởng, cố Trưởng ban… Đó là những chức danh do cơ quan, tổ chức tạo ra, mang tính chất tạm thời. Khi người có chức vị hết nhiệm kỳ thì chức năng, quyền hạn liên quan cũng chấm dứt. Còn nhạc sĩ vốn là một chức nghiệp, gắn tác giả với tác phẩm. Theo đó, tên tác giả mang giá trị bất biến. Trong trường hợp muốn bày tỏ sự tôn trọng đối với tác giả có thể thêm danh từ nhạc sĩ, nhưng không nhất thiết bổ sung yếu tố “cố” nhằm khu biệt người sống với người chết. Như đã nói, hành động này không giúp gia tăng giá trị ở tác phẩm, cũng như tác giả. Ý nghĩa thực sự của tác giả nằm ở tài sản trí tuệ mà họ để lại, trong đó có tác phẩm vang lên trước hoặc sau tác giả qua đời. Quan trọng là nó không ảnh hưởng đến tính chất tự trị của tác phẩm. Nói cách khác, tác phẩm không hề thay đổi trước sự có mặt hay không của tác giả trên cõi đời. Vậy, việc thêm “cố” vào trước danh từ “nhạc sĩ” chẳng giúp tăng hay giảm giá trị nội tại của tác phẩm, thậm chí dễ gây lẫn lộn giữa chức danh và chức phận.
Trên thế giới, người ta không hề thêm yếu tố “cố” vào trước danh từ nhạc sĩ hay nhà soạn nhạc. Những tên tuổi như: Johann Sebastian Bach, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven… có thể được đội lên những “vương miện”, như: vĩ đại, thần đồng, thánh nhạc… nhằm thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ, chứ không có hiện tượng xưng hô cố nhạc sĩ Mozart hay cố nhà soạn nhạc Beethoven...
Trên đây chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng lặp đi lặp lại dễ thành phong hóa, một thói quen lầm lỳ, khó sửa. Cách xưng hô này có lẽ xuất phát từ môi trường văn hóa công sở, rồi vận dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, thông qua phương tiện truyền thông nhân rộng thành một hiện tượng lạc điệu, lạc hậu, lạc thời đại. Âm nhạc là một lĩnh vực vừa có lịch sử lâu đời, vừa có sức sống bền bỉ nhờ thuộc tính sáng tạo. Người sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc có thể là nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà soạn nhạc, nhà lý luận, nhà phê bình… nói chung là những danh xưng gắn với chức năng nghề nghiệp, thậm chí nâng lên thành sứ mệnh. Chúng tuyệt đối không phải chức danh do tổ chức ủy thác mà vươn tới giá trị bền vững, trường tồn trước thời gian.