Chúng ta đều biết rằng âm nhạc có sức thu hút đặc biệt với giới trẻ. Âm nhạc thường là một phần không thể thiếu trong bản sắc của họ và là gốc rễ cho các hình mẫu của họ, dù là hình mẫu tốt hay xấu (đặc biệt là “xấu” có phần nổi trội hơn). Các ngôi sao nhạc rock và các nghệ sĩ hip-hop trở thành những nhà cố vấn từ xa đang làm trầm trọng thêm những cảm xúc tiêu cực và tạo nên những truy cầu không thực tế trong cuộc sống.
Có thời kỳ mà những người nổi tiếng trong âm nhạc không phải là bởi những ồn ào huyên náo vô nghĩa hay bởi những ca từ hào nhoáng rỗng tuếch. Thực ra tiếng tăm của nhạc rock bắt nguồn từ thể loại âm nhạc tao nhã nhất: nhạc cổ điển. Tuy nhiên, nguồn cảm hứng của âm nhạc cổ điển khác xa những gì tạo động lực cho nhóm nhạc Rolling Stones, và những thành tựu của âm nhạc cổ điển cũng ở quy mô lớn hơn nhiều.
Beethoven: Thiên tài sáng tạo
Trật tự xã hội của châu Âu bắt đầu thay đổi vào thế kỷ 19. Các cuộc chiến tranh của Napoleon đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều quốc gia nhỏ và các triều đình quý tộc của họ – những người bảo trợ cho các nghệ sĩ. Khi công nghiệp hóa đẩy mạnh sự phát triển của tầng lớp trung lưu, nhiều nhạc sĩ đã bước vào thị trường để kiếm sống bằng cách giảng dạy, biểu diễn, và sáng tác theo yêu cầu.
Nhà soạn nhạc Beethoven đã tận dụng sự thay đổi này. Việc bắt đầu bị điếc đánh dấu cuộc khủng hoảng cá nhân buộc ông phải ngừng biểu diễn. Ông đã có ý định tự tử nhưng rồi quyết tâm chống lại ý định đó. Thả mình vào âm nhạc, ông đã phát triển phong cách cá nhân anh hùng thể hiện những cảm xúc của mình và khiến ông trở nên nổi tiếng đến mức bán tác phẩm của mình cho người trả giá cao nhất. Phong cách đi sâu vào nội tâm, cứng cỏi hơn trong những năm cuối đời của ông đã định nghĩa lại những gì âm nhạc có thể làm được. Khi ông qua đời, hơn 10,000 người đã tràn ra đường phố Vienna để chứng kiến lễ đưa tang ông.
Nhà soạn nhạc Beethoven đã trở thành một anh hùng văn hóa sau khi ông qua đời. Theo bài viết của các nhà nghiên cứu âm nhạc J. Peter Burkholder, Donald Jay Grout, và Claude V. Palisca trong cuốn “A History of Western Music” (Lịch Sử của Âm Nhạc Phương Tây, Nhà xuất bản W.W. Norton & Company, tái bản lần thứ 7 năm 2006): “Câu chuyện về cuộc đời của ông [Beethoven] đã giúp định hình quan điểm Lãng mạn của người nghệ sĩ sáng tạo sống tách biệt với xã hội, người đã nhẫn chịu một cách dũng cảm để mang đến cho nhân loại cái nhìn thoáng qua về [cảnh giới] của thần thông qua nghệ thuật.”
Bậc thầy Paganini
Một xu hướng khác của thời kỳ này là các nhạc sĩ bắt đầu tập trung vào một nhạc cụ hoặc một thể loại âm nhạc. Các thần đồng đã mài dũa kỹ năng của họ đến trình độ chưa từng có và khiến khán giả kinh ngạc với kỹ thuật xuất sắc của họ.
Một trong số những người nổi bật nhất trong những bậc thầy này là Niccolò Paganini, thường được nhắc đến là nghệ sĩ vĩ cầm vĩ đại nhất mọi thời đại. Kỹ năng phong phú của ông, cùng lòng khát khao thể hiện điều đó lớn đến nỗi trong buổi biểu diễn nổi tiếng nhất của mình, ông đã làm đứt dây đàn đầu tiên, sau đó là dây thứ hai và ngay sau đó là dây thứ ba. Với chỉ một dây đàn còn lại, ông đã hoàn thành phần biểu diễn vô cùng hoàn mỹ với màn vỗ tay vang như sấm. Điều này không phải là ngẫu nhiên: Ông đã sáng tác một số bản nhạc để có thể chơi được chỉ với một dây đàn và miết những dây còn lại để chúng bị đứt trong khi biểu diễn.
Paganini phải chịu đựng rất nhiều bệnh tật trong suốt cuộc đời ông. Ông có thể đã mắc hội chứng Marfan hoặc Ehlers-Danlos. Các chứng rối loạn này ảnh hưởng tới khả năng tạo ra mô liên kết của cơ thể và khiến ông có thân hình gầy trơ xương. Thêm vào đó, có ý kiến cho rằng ông còn bị lao và giang mai. Để điều trị bệnh giang mai, ông đã được cho uống thủy ngân, khiến ông bị rụng hết răng.
Cũng như nhà soạn nhạc Beethoven, nghệ sĩ Paganini đã vượt qua cơn khủng hoảng sức khỏe của mình bằng nghệ thuật. Theo lời mẹ ông, một thiên thần đã đến và nói với bà lúc bà mang thai ông rằng con trai bà đã được định sẵn là sẽ trở nên vĩ đại — nhưng kèm với một cái giá đắt. Hội chứng ảnh hưởng các mô liên kết này cũng giúp cho ông có những ngón tay ông dài và linh hoạt. Khi cậu bé ốm yếu này lớn lên, cậu đã dành toàn bộ thời gian rảnh để chơi thành thạo đàn vĩ cầm cho đến khi cậu có thể chơi 12 nốt trong một giây. Kỹ năng biểu diễn và sự tận tâm với nghề đã đặt ra tiêu chuẩn cho những nghệ sĩ vĩ cầm hậu bối của ông.
Liszt: Ngôi sao nhạc rock
Nhà soạn nhạc Franz Liszt là hình ảnh thu nhỏ của những ngôi sao âm nhạc đời đầu. Ông thần tượng Beethoven, người mà sau khi nghe Liszt chơi nhạc khi Liszt còn nhỏ, được cho là đã hôn lên trán cậu bé này và nói rằng cậu bé sẽ mang đến “niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người.” Liszt cũng được nghệ sĩ Paganini truyền cảm hứng như vậy và ông đã tìm cách để trở thành nghệ sĩ dương cầm bậc thầy. Ông bắt đầu biểu diễn độc tấu trong các khán phòng lớn khắp châu Âu ở tuổi 11, xoay cây đàn dương cầm sang một bên trên sân khấu và mở nắp để tăng hiệu quả trình diễn.
Các buổi hòa nhạc của ông đã trở thành huyền thoại. Nhà thơ Heinrich Heine đã miêu tả ông chơi một bản viết lại cho dương cầm: “Chúng tôi thấy những tia chớp vụt qua mặt ông ấy, môi ông run run lên như thể giông tố lướt qua, và những lọn tóc dài của ông như đang nhỏ những giọt nước của cơn mưa rào mà ông đang miêu tả.”
Những màn trình diễn này đã gây ra hội chứng mà nhà thơ Heine gọi là “Lisztomania” (“Chứng cuồng Liszt”). Có người đã ngất xỉu. Khán giả sẽ lao lên sân khấu, xé đôi găng tay nhung và những chiếc khăn tay lụa của nghệ sĩ Liszt để làm kỷ niệm. Phụ nữ thì cho những lọn tóc, bã cà phê, và thậm chí một đầu mẩu cigar của ông vào các lọ nhỏ hoặc những mặt dây chuyền để đeo.
Theo như nhà thơ Heine, một bác sĩ đã giải thích hiện tượng này bằng “từ tính, điện tích, điện năng” của những người đẫm mồ hôi lẫn mùi nước hoa chen chúc nhau dưới ánh đèn sáp. Dù nguyên nhân chính xác là gì đi nữa, ảnh hưởng là có thật: Lizst là ngôi sao nhạc rock đầu tiên.
Tự do
Vậy đâu là sự khác biệt giữa những biểu cảm đầy tâm trạng của nhà soạn nhạc Beethoven và những lời hát [có giai điệu] mang tính rối loạn lưỡng cực của một ban nhạc emo punk? Hay màn trình diễn kịch tính của nghệ sĩ Liszt so với những tiết mục vũ đạo đầy nhục dục của một ngôi sao nhạc pop?
Chỉ đơn giản thế này: đằng sau những nhân vật xuất chúng đó là sự thật; đằng sau những đau khổ là vẻ đẹp. Các phần trình diễn của các nghệ sĩ Paganini và Liszt đã thể hiện trình độ bậc thầy mà không một ai trên đời này sánh kịp. Họ đều sáng tác những bản nhạc mới, có tính thách thức về kỹ thuật và định hình các truyền thống biểu diễn, chẳng hạn như yêu cầu những người chơi nhạc phải thuộc lòng các bản nhạc thay vì dựa vào tờ giấy có ghi nhạc và lời.
24 Khúc tùy hứng cho Độc tấu Vĩ cầm (Paganini’s 24 Caprices) của Paganini đã đẩy đàn vĩ cầm tới giới hạn của nhạc cụ này bằng các hiệu ứng và hòa âm gảy dây (pizzicato), cũng như các phương pháp bấm ngón và điều chỉnh dây của ông. Bản Sonata cung B (si) thứ dành cho Dương cầm của Liszt đã tái tạo các bản sonata bằng cách loại bỏ các quãng nghỉ giữa các phần, sắp xếp lại các giai điệu, và thử nghiệm với các âm sắc. Bản hợp xướng mà Beethoven đã đưa vào phần cao trào trong Bản giao hưởng số 9 của ông được xây dựng dựa trên truyền thống để tạo ra một điều mới lạ.
Cũng trong loạt bài “Musical Feuilletons” (Truyện ngắn về âm nhạc) thảo luận về nhà soạn nhạc Liszt, nhà thơ Heine đặt câu hỏi: “Cảnh giới cao nhất trong nghệ thuật là gì? Đó cũng là biểu hiện cao cả nhất trong những biểu hiện khác của cuộc sống: tinh thần tự do tự tại.” Nhà thơ Heine quan sát và cho rằng điều này “tạo ra cho chúng ta hơi thở kỳ diệu của sự vĩnh cửu,” và nâng người nghe nhạc lên cùng cảnh giới về tinh thần với nhà soạn nhạc.
Tuy nhiên, nhà thơ Heine phân biệt rõ giữa tự do về “tinh thần” và tự do về “vật chất,” cảnh báo những nghệ sĩ đánh mất chính mình trong vật chất vì “thường bị giới hạn và trói buộc về tinh thần.” Những nhạc sĩ sẵn sàng viết về bất cứ thứ gì sẽ đứng đầu bảng xếp hạng [âm nhạc] trong giây lát rồi dần mờ nhạt và chìm vào sự lãng quên mãi mãi.
Khi vẽ ra mối liên hệ giữa tự do và vĩnh cửu, nhà thơ Heine minh họa nghịch lý của tự do: để trở nên có ý nghĩa, tự do phải chạm tới một điều gì đó cụ thể. Các tên tuổi như Beethoven, Paganini, và Liszt đều kết hợp những sáng tạo mới của họ với sự tôn trọng dành cho quá khứ, và khi làm vậy họ đã tạo được điều gì đó trường tồn với thời gian.
(Nguồn: https://www.epochtimesviet.com/)