Tác giả: Ngọc Anh (dịch)
Camille Saint-Saëns là nhạc sĩ bậc thầy về mọi mặt. Nhưng là con người của hành động và ý tưởng, ông cũng muốn thể hiện niềm đam mê nghệ thuật của mình bằng ngôn từ, dù để bảo vệ hay quảng bá chúng. Một trong những đặc trưng dễ thấy nhất của Saint-Saëns ở vai trò nhà phê bình là tính thẳng thắn và sở thích bút chiến rõ rệt. Sự phong phú của các ẩn dụ chiến binh mà ông sử dụng cho thấy ông coi phê bình âm nhạc là một loại hình chiến đấu.
Camille Saint-Saëns là nhạc sĩ bậc thầy về mọi mặt. Nhưng là con người của hành động và ý tưởng, ông cũng muốn thể hiện niềm đam mê nghệ thuật của mình bằng ngôn từ, dù để bảo vệ hay quảng bá chúng. Theo một trong những người cùng thời, “Ông viết vì ông có điều gì đó muốn nói. Điều gì đó khá riêng tư mà ông rất trân trọng. Ông sẽ nói điều đó một cách trực tiếp và chính xác, với tinh thần thoải mái và sự tự nhiên bẩm sinh gợi nhắc vẻ tao nhã và phong cách A-ten trong thư từ của Voltaire.”
Trong các bài viết của mình, Saint-Saëns xuất hiện với tư cách nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn và sức mạnh năng động trong một thế giới âm nhạc tự thể hiện mình thông qua một phương tiện đang trải qua sự mở rộng lớn lao là báo chí. Sự nghiệp rực rỡ với tư cách nghệ sĩ điêu luyện và danh tiếng quốc tế đã mở cho ông cánh cửa đến các tờ báo, nơi ông dùng để truyền bá ý tưởng của mình. Nhưng tính độc lập, trí tò mò và sự thẳng thắn đã khiến ông tiếp cận nhiều đề tài đa dạng mà không lo lắng về những tranh cãi chúng có thể gây ra. Trong hơn năm mươi năm ông đã soi xét thời đại mình. Ban đầu ông chủ yếu viết phê bình âm nhạc dưới dạng bài báo và chuyên mục tin tức. Về sau ông chuyển sang các hình thức viết khác: phê bình, thư từ, trần tình, diễn văn, trả lời phỏng vấn hay phóng sự điều tra, nói về một loạt các chủ đề từ nghiêm túc nhất đến bất ngờ nhất. Khối lượng văn phẩm đồ sộ này rất dồi dào và hỗn tạp, “một thành tựu quanh co, không ổn định” bao gồm gần năm trăm bài viết được xuất bản trong hơn một trăm ấn phẩm khác nhau từ năm 1870 đến năm 1921, với một số giai đoạn có tần suất cao hơn các giai đoạn khác. Saint-Saëns đã ba mươi lăm tuổi khi viết báo lần đầu. Nếu các nhạc phẩm trữ tình của ông hãy còn chưa tìm được lượng lớn khán giả thì danh tiếng với tư cách nghệ sĩ organ và nghệ sĩ piano điêu luyện đã được khẳng định và lan rộng ra ngoài biên giới Pháp. Tại sao ông lại quay sang báo chí? Thực ra ông đã muốn viết từ lâu nhưng lại do dự, chắc chắn là vì lý do chính trị và chiến lược. Với sự khởi đầu của Đệ tam Cộng hòa cùng những giá trị mà ông tán thành đã mang đến một cơ hội mới: năm 1872, ông bắt đầu viết phê bình âm nhạc trên một trong những ấn phẩm đầu tiên được chế độ mới cấp phép, La Renaissance littéraire et artistique [Phục hưng văn chương và nghệ thuật].
Mặc dù là nhân vật hàng đầu trong thế giới âm nhạc nhưng ở mức độ nào đó Saint-Saëns cũng là người hay kích động và việc muốn viết một chuyên mục âm nhạc có vẻ đáng ngờ. Một số người suy đoán rằng vì không được Nhà hát Opéra trọng dụng nên ông trả đũa bằng cách quảng bá quan điểm của mình về âm nhạc của mình trên báo chí. Những người khác cho rằng việc có một mục báo thường kỳ sẽ cho phép ông quảng bá cho bạn bè và các biên tập viên của mình. Còn những người khác nữa băn khoăn liệu ông có quá nhạc tính và quá bè phái để có thể đánh giá các tác phẩm không hợp sở thích của mình không. “Tại sao Saint-Saëns cần viết chuyên mục hàng tuần? Chẳng phải chuyên mục thực sự của ông là buổi biểu diễn tại Nhà thờ Madeleine Chủ nhật hàng tuần với những màn ứng tác trên cây organ Cavaillé-Coll tuyệt vời hay sao?”
Mối quan hệ của Saint-Saëns với báo chí có phần bất thường. Lúc khởi đầu ông chưa bao giờ mơ có được một sự nghiệp phê bình âm nhạc khả dĩ. Ông sống nhờ tài năng với tư cách nghệ sĩ biểu diễn và nhà soạn nhạc, thứ mang lại nguồn thu nhập chính cho ông. Mặc dù được trả nhuận bút nhưng ông chưa bao giờ phụ thuộc tài chính vào báo chí. Điều này giải thích sự tự do trong giọng điệu và việc ông hay di chuyển giữa các tờ báo mình đăng bài. Ngoài ra, với tư cách tác giả và nhạc sĩ, Saint-Saëns hiểu rõ báo chí từ bên trong. Là một nhạc sĩ sớm trưởng thành, từ lâu ông đã biết rằng phê bình là một công cụ quyền lực có thể tạo dựng hoặc phá hủy sự nghiệp. Từ chỗ bị phán xét, ông đã trở thành người phán xét khi bắt đầu viết báo mà không hề biết đến những trở ngại sẽ hiện ra trước mắt: “Không gì khó hơn nói về âm nhạc. Việc đó đã đủ khó đối với các nhạc sĩ nhưng gần như là không thể đối với những người khác: ngay cả những bộ óc mạnh mẽ nhất, tinh tế nhất cũng lạc lối.” Một trong những đặc trưng dễ thấy nhất của Saint-Saëns ở vai trò nhà phê bình là tính thẳng thắn và sở thích bút chiến rõ rệt. Sự phong phú của các ẩn dụ chiến binh mà ông sử dụng cho thấy ông coi phê bình âm nhạc là một loại hình chiến đấu. Ông biết mình sẽ cần phải đả thông và thuyết phục, và chính điều này đã thúc đẩy ông như ông chỉ ra vào năm 1879 khi bắt đầu viết cho tờ Le Voltaire:
“Tôi không phải là không do dự khi quyết định bắt đầu viết phê bình. Nếu tôi tham chiến, chính là vì đối với tôi đó dường như, xin miễn thứ cho ảo tưởng, là việc tôi phải làm. Sự tiến bộ không thể tự mình có được, và xin hỏi bạn rằng chúng ta sẽ ở đâu nếu không có ai đẩy bánh xe? Chúng ta sẽ mắc kẹt trong một lối mòn suốt nhiều thế kỷ qua. Vì vậy, tôi mạo hiểm tiến lên, tự gánh chịu rủi ro và hiểm họa. Nếu vì được tấm gương của tôi khích lệ mà những người khác tham gia cùng tôi trên con đường này thì những nỗ lực của tôi sẽ được đền đáp, mục tiêu của tôi sẽ đạt được.”
Saint-Saëns viết để được xuất bản và tiếp cận được số lượng độc giả lớn nhất có thể. Là nhà sư phạm và người cải đạo, ông muốn đảm bảo rằng ý tưởng của mình sẽ được lan rộng. Đây là lý do tại sao ông ưa báo chí đại chúng hơn báo chí chuyên ngành, thứ hướng đến đối tượng công chúng hạn chế hơn. Ông dành sự hợp tác lâu dài nhất cho các tờ nhật báo lớn: L’Estafette, tờ báo Cộng hòa Le Voltaire, sau đó là La France và L’Echo de Paris. Điều này không ngăn cản ông thỉnh thoảng viết cho các tạp chí nổi tiếng như La Nouvelle Revue, La Revue de Paris, Le Monde Musical… Để mang lại sự lâu dài cho các bài viết của mình, ông đã thu thập một số chúng vào các hợp tuyển: Harmonie et mélodie [Hòa âm và giai điệu], École buissonnière [Trường phái bụi], Portraits et souvenir [Chân dung và kỷ niệm] và Au Courant de la vie [Theo dòng đời]… Nhưng hàng trăm bài khác mà ông viết đã bị lãng quên do chúng chỉ được đăng một lần trên báo.
Đọc những văn bản này, ta bị quyến rũ bởi phong cách của người viết – sự súc tích, rõ ràng và cách ông diễn đạt. Như Adolphe Boschot chỉ ra: “Tầm nhìn của ông rất rõ ràng. Tâm trí ông giàu học thức và cân bằng đến mức ông có thể phân tích và làm rõ chủ đề của mình. Trong trí nhớ của ông, những hình ảnh, những ý tưởng và phán đoán được đưa ra bằng những ngôn từ chính xác; ông biết cách gán đúng nhãn cho chúng. Đó là lý do tại sao ông viết rất hay. Sự rành mạch trong văn phong, sự quyến rũ và tự nhiên trong cách ông dùng từ gợi nhắc sự sắc sảo khúc chiết của Voltaire văn sĩ.”
Trong hoạt động báo chí, Saint-Saëns đã đạt được kỳ tích khó khăn trong việc bảo vệ sự độc lập của mình. Đây cũng là điều khiến các văn bản của ông rất giá trị: chúng phản ánh rất chân thực quan điểm của chính ông và không bị những mối quan tâm bên ngoài áp đặt. Sự phán xét của ông rất khách quan và ông có thể nhìn nhận một cách không nhân nhượng tác phẩm của những người bạn thân nhất như Charles Lecocq hay Augusta Holmès, cũng dễ dàng như ông có thể ca ngợi thành tích của các đối thủ như Jules Massenet hay Richard Strauss.
Tính dễ xúc động và hay gây gổ của ông thường bị chỉ trích. Những người cùng thời khiếp sợ ông và tranh cãi luôn là việc khó tránh khỏi. Alfred Bruneau nói rằng ông có khí chất của một chiến binh, và rằng “ngay khi bị một đề tài thu hút, ông sẽ chộp lấy cây bút luận chiến của mình và sử dụng nó một cách cay nghiệt, hung hăng, can đảm, vung nó như một thanh kiếm đáng sợ và không khoan nhượng.” Jean Bonnerot, thư ký cuối cùng của ông, cũng lưu ý về các bài viết của ông rằng “ông yêu tự do say đắm: sự thẳng thắn đáng tin cậy trong các phán xét của ông là dấu hiệu cho thấy sự độc lập của ông. Ông không bận tâm che giấu điều mình nghĩ và nói một cách ngắn gọn điều mình muốn nói mà không lãng phí thời gian bằng những câu từ vòng vo. Đôi khi ông cũng nhầm lẫn nhưng ông không bao giờ nói dối. Cho đến đêm cuối cùng của cuộc đời, ông đã lao vào chiến đấu với gương mặt không che chắn một cách can đảm mà không nghĩ rằng trò đùa khủng khiếp của mình có thể quay lại làm tổn thương mình.” Vị thế đặc biệt của ông với tư cách nhạc sĩ kiêm văn sĩ đôi khi khó duy trì. Trong văn phẩm cũng như nhạc phẩm của ông, kẻ thù của ông đã cố gắng miêu tả ông là người theo chủ nghĩa chiết trung và cơ hội, hay dao động và thay đổi, chủ yếu dựa trên chủ nghĩa dân tộc và những lời chỉ trích Wagner kịch liệt của ông. Saint-Saëns đã nhiệt tình bảo vệ Wagner khi mới bắt đầu, nhưng về sau đã chỉ trích dữ dội chủ nghĩa Wagner và sự lan rộng của nó khi nó bắt đầu chiếm quá nhiều chỗ trên sân khấu Pháp và các nhà soạn nhạc trẻ người Pháp gặp khó khăn trong việc cho trình diễn tác phẩm của họ. Ông cũng đã cố gắng khiến những người đồng hương biết đến âm nhạc từ bên kia sông Rhine – các tác phẩm của Schumann, Mendelssohn, Liszt và trường phái Nga. Nhưng thái độ cởi mở này đã bị suy yếu dần bởi sự cứng nhắc trong lập trường dân tộc chủ nghĩa của ông trong Thế chiến thứ nhất. Quả thực, ông là một trong những người đầu tiên kêu gọi cấm âm nhạc Đức trên lãnh thổ Pháp, hy sinh một số nhà soạn nhạc yêu thích trên bàn thờ ái quốc khi biện minh cho quan điểm của mình như sau: “Âm nhạc của Beethoven thật siêu phàm, âm nhạc của Schumann thật thú vị, và đây chính xác là lý do tại sao ta không cần thêm chúng nữa. Làm sao ta có thể không thấy rằng khi thưởng thức thứ âm nhạc này, ta bị cuốn vào ý tưởng rằng có tồn tại một nước Đức đáng yêu, tốt bụng, dễ chịu, đầy tính nghệ thuật.” Quan điểm của ông chắc chắn sẽ bị chỉ trích nặng nề và gây tranh luận sôi nổi trên báo chí.
Tuy nhiên khi đọc văn phẩm của Saint-Saëns, ta thấy rằng dù các ý tưởng của ông có phát triển nhưng trên thực tế chúng không thay đổi nhiều lắm. Trong hơn 50 năm viết báo, ông trung thành với các nguyên tắc đã nuôi dưỡng toàn bộ cách ông tiếp cận nghệ thuật. Tuy nhiên, sau sự lạc quan trong những năm đầu của Đệ tam Cộng hòa, ông dần nhượng bộ trước sự bi quan gắn liền với một tầng lớp trí thức tinh hoa trong thời kỳ trước Thế chiến thứ nhất. Và dù không thực sự tán thành những thử nghiệm mới đang được các nhà soạn nhạc trẻ hơn tiến hành, ông vẫn không tiếp thu nổi tinh thần mà những thử nghiệm này truyền tải. Trong thời kỳ then chốt này, khi âm nhạc hàn lâm vững chắc cùng tồn tại với âm nhạc tiên phong đang phát triển mạnh – tiếng nói của nó được nghe rõ ràng nhờ báo chí – Saint-Saëns vẫn tiếp tục đi theo hướng mà ông đã đặt ra cho mình từ rất sớm khi đi ngược lại thời thế, luôn trung thành với các nguyên tắc thẩm mỹ của riêng mình:
“Tôi đã dành cả đời để dám làm những điều mà người khác không làm bất chấp rủi ro và nguy hiểm cho chính mình. Nếu giờ đây trong âm nhạc và văn chương tôi lại có vẻ phản động, đó là vì tôi nghĩ không cần thiết lúc nào cũng phải tiến về phía trước bất chấp tất cả! Nếu không thì bạn cũng có thể thấy mình nói rằng hai với hai không phải là bốn mà là năm.”
Những suy ngẫm của Saint-Saëns về nghệ thuật của mình thường vượt xa những cân nhắc thuần túy về mặt âm nhạc. Mặc dù phần lớn các bài viết của ông liên quan đến âm nhạc nhưng ông cũng viết về nhiều chủ đề khác một cách đáng ngạc nhiên. Ông luôn quan tâm đến khoa học và niềm đam mê thiên văn học của ông được nhiều bạn bè biết đến. Vì lý do này, ông đã xuất bản một số bài báo về sự che khuất dần của các hành tinh, lực đẩy của khí quyển, sự tồn tại khách quan của không gian, thời gian và các vì sao. Tình yêu thiên nhiên và động vật của ông đã tạo nên nhiều ấn phẩm về các chủ đề như sự đui mù của loài ốc sên, trí thông minh của loài ong, mối quan hệ họ hàng giữa động vật và thực vật, cách chạy của bò đực…vv… Ông không thờ ơ với những biến chuyển của xã hội và đã công bố những suy ngẫm về bóng đá, về phục hồi dân số, về giá thuê nhà đất, về việc sử dụng quả mâm xôi dại, về thủ tục hải quan – ấy là chỉ kể ra đây vài ví dụ. Trong các bài viết khác, chẳng hạn như những bài được sưu tầm trong hai tập Problèmes et mystères [Những vấn đề và bí ẩn] và Divagations sérieuses [Những vẩn vơ nghiêm túc], ông suy ngẫm về thẩm mỹ, triết học và vị trí của khoa học và tôn giáo trong xã hội. Vẫn còn nhiều văn bản nữa trong đó ông tập hợp các phê bình về cách ngôn ngữ Pháp phát triển khi lưu ý những sai lệch về ngữ pháp và tính nhạy cảm của ngôn ngữ này đối với cách diễn đạt trong tiếng Anh. Đối với Saint-Saëns đây là một đề tài được quan tâm thường xuyên đến mức một số người đề nghị ông nên nộp đơn ứng cử vào Viện hàn lâm Pháp ngữ. Để thư giãn sau khi soạn nhạc ông cũng làm thơ cho bạn bè, một số bài thơ được ông xuất bản trong tuyển tập Rimes familières [Những vần thơ dung dị], hoặc trong các vở kịch như Botriocéphale hay La Crampe des écrivains [Chứng chuột rút ở người viết]. Những người cùng thời lưu ý rằng chủ nghĩa chiết trung và tần suất của những bài tiểu luận này khiến ông dễ bị chỉ trích. Tuy nhiên, sự nỗ lực đa lĩnh vực này cho thấy Saint-Saëns thực sự là một nhân vật của thời đại mình và thế giới xung quanh mình đến mức nào. Bonnerot đã tổng kết điều này rất tốt:
“Quan tâm đến mọi thứ, bất cứ lúc nào ông cũng có điều gì đó để nói về bất kỳ chủ đề nào. Ông là con người và không có điều gì liên quan đến con người hay công dân lại xa lạ với ông. Ông tham gia vào các cuộc tranh luận bởi ông không thể giữ im lặng, bởi ông không chịu cô lập mình trong tháp ngà bằng cách bịt tai trước những tiếng động của đường phố và của chính đời sống.”
Ngoài những bài đăng báo này, phần lớn lượng thư từ riêng tư phong phú của ông – ước tính khoảng 20.000 lá thư – vẫn chưa được khám phá. Tập thư các nhà soạn nhạc gửi Saint-Saëns được xuất bản gần đây phần nào lấp đầy khoảng trống này nhưng cũng chỉ thể hiện một phần nhỏ những trao đổi qua thư của ông. Khối lượng lớn các bài viết riêng tư, mà về chúng còn rất nhiều việc phải làm, một ngày nào đó sẽ được nghiên cứu như phần bổ sung không thể thiếu cho văn phẩm đã xuất bản của nhạc sĩ. Quả thực, một nghiên cứu về thư từ nhanh chóng cho thấy Saint-Saëns thường xuyên thực hành một hình thức tự kiểm duyệt. Ông chọn những chủ đề mà mình muốn đề cập một cách có chủ ý, tránh những chủ đề khác vì lý do thẩm mỹ, chính trị hoặc cá nhân. Những khoảng trống này là có cân nhắc – và vì vậy ta nhận thấy những thiếu sót kỳ lạ. Chẳng hạn như không lúc nào ông nhắc đến những cái tên Debussy, Ravel, Dukas, Stravinsky hay Mahler, dù ông biết tác phẩm của họ. Bắt đầu từ những năm 1890, tên của những người cùng thời ngày càng hiếm gặp trong các bài viết của ông. Vì vậy ta có thể hiểu rõ hơn quan điểm của ông về một số chủ đề nhất định thông qua thư từ ông viết.
Saint-Saëns là nhân chứng đặc biệt cho sự phát triển của các trào lưu nghệ thuật trong bảy mươi năm ông sống trong đời sống âm nhạc Pháp; thông qua bài viết của mình, ông đã chứng tỏ mình là một diễn viên hơn là một khán giả. Trong thời kỳ hỗn loạn vào cuối Đế chế thứ hai và đầu Đệ tam Cộng hòa, ông đã đóng một vai trò tiến bộ. Về sau ông phần nhiều là người điều hành, là điểm tham chiếu có tầm quan trọng mà đến ngày nay vẫn bị đánh giá thấp. Ông có ảnh hưởng không chỉ về mặt thẩm mỹ mà cả về chính trị văn hóa vào thời mình. Nói theo cách của các nhà hóa học thì hành động của ông là “hành động hiện diện”. “Mọi người đều biết rằng Saint-Saëns ‘đã ở đó’. Thông qua các cuộc bút chiến và những kiệt tác vẫn tiếp tục được trình diễn, được tranh cãi và được ngưỡng mộ của mình, ông không bao giờ để người ta quên rằng trong âm nhạc, cũng như trong mọi nghệ thuật, có một sự hoàn hảo hiển nhiên và cần thiết.” Khi thể hiện bản thân như cách ông đã làm trên báo chí, Saint-Saëns có lập trường dũng cảm và nguy hiểm, một lập trường mà ông duy trì suốt cuộc đời và vì lý do đó ông chưa bao giờ giành được sự tán thành từ bất kỳ ai – không phải từ những người lạc hậu thấy ông táo bạo, cũng không phải từ những người tiên phong thấy ông nhút nhát. Nhưng cuối cùng, nhờ mối quan hệ lâu dài với sân khấu và các nghệ sĩ cũng như sự tham gia tích cực vào đời sống âm nhạc, ông biết (có lẽ hơn ai hết) cách cảm nhận và thể hiện sự nhiệt tình cũng như nỗi thống khổ của những người cùng thời, thu thập ý kiến và tập trung tranh luận xung quanh những ý tưởng mạnh mẽ, đưa quan điểm vào phối cảnh và đóng một vai trò trung gian: mối liên kết giữa các thế hệ và người hòa giải giữa các nền văn hóa.
Marie-Gabrielle Soret
Nguồn: Sách Camille Saint-Saëns and His World do Jann Pasler chủ biên (Princeton University Press, 2021)
(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)