Tác giả: Doãn Ánh Quyên
Giống như nhiều ca khúc cách mạng, "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" không chỉ đơn thuần là tiếng giã gạo mà đã trở thành huyền thoại có sức vọng đến mai sau.
Giã gạo tết là loại lao động sản xuất cho một nhu cầu cụ thể nhưng dần dần trở thành tập quán sinh hoạt có tính chất văn hóa. Nhạc sĩ Xuân Hồng từng kể rằng, ông đã tham sinh hoạt ấy từ khi chưa cầm nổi cái chày cho đến lúc trái tim biết "rọ rạy" khi lén nhìn vào mắt bạn gái mà mình để ý. Những đêm trăng vằng vặc, tiếng chày giã gạo đã in vào hồn ông như một kỷ niệm đẹp nhất và ký ức đẹp ấy ông đã mang theo trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ. Và ý định sáng tác một bài về tiếng chày giã gạo đã nhiều lần được nhạc sĩ ghi nhạc, đặt lời nhưng nghe không thích lại cất đi…
Thế rồi khi nhạc sĩ tham gia chiến dịch Đồng Xoài với tư cách là nhạc sĩ đi thâm nhập thực tế ông đã có dịp tới với sóc Bom Bo thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé ngày nay. Sóc Bom Bo là nơi sinh sống của khoảng một trăm gia đình người dân tộc Xtieng. Tập quán của người Xtieng là giã gạo ngày nào ăn ngày ấy và giã gạo là công việc của phụ nữ. Thế là những đêm ánh đuốc lồ ô bập bùng thắp sáng, tiếng giã gạo thâu đêm đã vẽ lên bức tranh hùng tráng tuyệt vời như trong thần thoại. Ông như người đang xem phòng triển lãm sống hay đọc một chuyện cổ tích ngàn xưa.
Nhạc sĩ cho rằng, cảm hứng có khi là sự bất chợt, nhưng cái bất chợt ấy chính mình phải đi tìm lấy. Cảm hứng sáng tác dù hết sức quan trọng nhưng cũng chỉ là cái nút bấm để mở khơi dòng tuôn chảy cho một tiềm năng đã được tích tụ. Và rồi âm hưởng của những tiếng chày năm nào hòa quyện với nhịp điệu của chày hôm nay đã làm trỗi dậy trong ông nguồn cảm hứng và bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" ra đời.
Tháng 9/2001 bài "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" của nhạc sĩ Xuân Hồng là một trong những bài hát được nhiều bạn nghe gửi cảm nhận về tham gia chuyên mục "Bạn yêu nhạc bình nhạc" của Ca nhạc theo Yêu cầu thính giả.
Bạn Hoàng Thị Thu Thảo, học sinh lớp 10C PTTH Tân Kỳ, Nghệ An với cảm nhận của thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình đã viết: "Nghe bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo, trước mắt em hiện ra khung cảnh lao động nhộn nhịp, khẩn trương của các chàng trai, cô gái, của các bà mẹ sóc Bom Bo. Dưới ánh sáng bập bùng của ngọn đuốc lồ ô, tiếng chày giã gạo dồn lên từng nhịp "Cắc cum cum, cụp cum cum…". Người dân Bom Bo nghèo nhưng trong lòng họ ngầm cháy một ngọn lửa của tình yêu đất nước. Nhịp chày thậm thình, rộn rã giữa rừng đại ngàn như gửi gắm cả niềm tin của mỗi người dân vào cuộc kháng chiến".
Bạn Đinh Ngọc Thanh - chiến sĩ ở hòm thư HT3NB-6115 với ký ức còn in đậm tiếng thậm thình giã gạo nơi một làng quê Tây Bắc của mình viết: "Quê tôi ở miền Tây Bắc của đất nước. Từ nhỏ tôi đã được sống giữa những tiếng thậm thình giã gạo của các mẹ các chị, nhưng nhạc sĩ Xuân Hồng đã cho tôi nghe thấy tiếng chày của một buôn làng ở Tây Nguyên, miền Nam Tổ Quốc. Không những thế khi nghe bài hát tôi còn được trở về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hào hùng".
Cùng cảm nhận về tình nghĩa của người dân hậu phương nơi Tây Nguyên được khái quát trong "Tiếng chày trên sóc Bom Bo", bạn Lê Ngọc Huyền ở Đường 52, Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng viết: "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" hấp dẫn tôi bởi những ca từ giản dị, chân thành và bởi một giai điệu vui tươi, phấn khởi. "Bao nhiêu gạo là bấy nhiêu tình", cái tình của người hậu phương một nắng hai sương ví với hạt gạo là rất tuyệt vời, chỉ với một câu này thôi đã thấy được cả cái tình hậu phương tiền tuyến sao mà thắm thiết ân tình.
Kết thúc bài viết của mình, bạn Ngọc Huyền viết: Những năm kháng chiến, nghe "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" để thấy chỗ dựa là lòng dân, sức dân để yên tâm nơi tiền tuyến, để vũng chí chiến đấu, còn nay trong thời bình tôi nghe để thấy "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" của một thời kháng chiến.
Về bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo", lá thư của bạn Phạm Thị Tự ở Thiết Ống, Bá Thước, Thanh Hóa kể lại chuyện lần đầu tiên bạn được biết đến bài hát như thế nào. Bạn Tự viết: "Có một lần không nhớ chị em tôi đang làm gì thì nghe mẹ gọi, lên nhà mà nghe đài, đài đang phát bài "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" đấy. Tôi nghe tên bài hát lạ quá mà mẹ tôi hôm ấy cũng có gì lạ lắm… Đấy là lần đầu tiên tôi biết đến bài hát. Và từ bấy đến nay tôi đã được nghe không biết bao nhiêu lần bài hát, nhưng lần nào cũng vậy, cái cảm giác thú vị, hấp dẫn đầy lôi cuốn dường như vẫn là cảm giác của buổi ban đầu".
Cùng với những cảm nhận về hình ảnh của một sóc Bom Bo cụ thể trong bài hát, bạn Phạm Thị Tự đã có những liên tưởng riêng về bài hát này để từ đó có một kết luận cũng khá thuyết phục: Với bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" công việc giã gạo mệt nhọc, tiếng giã gạo đã hàng nghìn năm bỗng trở nên huyền diệu. Bài hát làm tan đi cái vất vả đơn điệu của công việc giã gạo, thổi hồn vào tiếng chày làm nó rộn rã, náo nức như trong đêm hội. Tôi cứ nghĩ sẽ có nhiều người thế hệ mẹ tôi khi bất chợt nghe lại một bài hát về thời của mình thế nào cũng gọi con cháu mình cùng thưởng thức và coi đó như một niềm tự hào và lớp trẻ chúng tôi luôn đón nhận lắng nghe và thầm cảm ơn những người đi trước".
(Nguồn: https://vov.vn/)