Tác giả: Ðắc Linh
Đăng ngày 17/01/2023 - 19:31
Mo Mường là loại hình di sản chứa đựng những tinh hoa văn hóa đặc sắc trong đời sống người Mường. Trên hành trình đưa Mo Mường đến danh hiệu di sản thế giới, việc nhìn nhận, đánh giá Mo Mường trong mối quan hệ nội tại với nền văn hóa dân tộc Mường và trong mối quan hệ so sánh với những loại hình văn hóa tương tự trên thế giới là vô cùng cần thiết để khẳng định rõ ràng hơn những giá trị độc đáo của Mo Mường.
Hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình phối hợp Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cùng các đơn vị liên quan tổ chức tại Hòa Bình; góp phần bổ sung đầy đủ, dày dặn hơn những thông tin khoa học về Mo Mường, đồng thời mang đến cơ hội để cộng đồng nắm giữ di sản được trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO công nhận Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Mo Mường là loại hình tín ngưỡng dân gian được tạo nên bởi ba thành tố chính: Môi trường diễn xướng, lời Mo và nghệ nhân Mo. Theo TS Ðỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và TS Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh Thanh Hóa: Nói đến Mo Mường là nói đến những nghi lễ dân gian có tính thiêng được sử dụng trong tang lễ hay nghi lễ cầu cho mọi điều tốt lành của người Mường. Mo gắn liền với vòng đời của con người, từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông Mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Tuổi trưởng thành, khi đau yếu, Mo làm vía giải hạn, trừ tà ma.
Vai trò của ông Mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an… Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường Trời, ông Mo đóng vai trò là cầu nối tiễn hồn người chết sang thế giới bên kia.
Bàn về những giá trị đặc biệt của Mo Mường, Nhà nghiên cứu, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Nợi cho rằng: Giá trị đầu tiên nổi bật là tính sử thi gắn liền những nội dung liên quan lịch sử dân tộc và nhân loại, từ chuyện đẻ đất, đẻ nước, đẻ người, lúc còn ăn lông ở lỗ đến khi tìm ra lửa, tơ tằm, lúa gạo, làm nhà, có gia đình, biết chế tạo công cụ đồng làm nồi xanh, xây cung điện…
Bên cạnh đó là giá trị về tâm linh, phong tục. Người Mường quan niệm chết không phải là hết. Sang cõi Mường Ma tối tăm ban đầu còn lạ lẫm, linh hồn cần ông Mo dẫn dắt chỉ bảo mới biết ăn uống, nhận biết anh em họ hàng, nhận ruộng nương, nhà cửa, thuộc đường đi lối về phù hộ độ trì cho con cháu. Qua ông Mo, người mất dặn con cháu phải biết sống nhân đạo, thương yêu, quý trọng mọi người; anh chị em trong nhà luôn phải biết nhường nhịn, cảm thông, tha thứ…
Ngoài ra, Mo Mường còn dạy con người về giá trị của lao động sáng tạo và hàm chứa nhiều giá trị khác về tư tưởng triết học, nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ thể hiện…
Nhằm tìm kiếm những cứ liệu so sánh quan trọng để khẳng định sự đa dạng văn hóa cũng như những đặc trưng riêng vốn có của Mo Mường, tại hội thảo, nhiều học giả, chuyên gia nghiên cứu quốc tế đã cung cấp thông tin về các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với Mo Mường ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan…
Theo GS, TS Kim Hyong Keun, Viện Nghiên cứu Thông tin Di sản phi vật thể, Ðại học Jeonbuk, Hàn Quốc: Nhiều nghi lễ về cái chết vẫn còn tồn tại trên thế giới và chúng có nhiều điểm chung về chức năng xã hội, mặc dù cách thể hiện của các nghi lễ có khác nhau. Nghi thức tang ma ở Hàn Quốc và Mo Mường ở Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên hiện nay, di sản văn hóa phi vật thể được quốc gia hoặc tỉnh công nhận ở Hàn Quốc chỉ tồn tại dưới dạng “đại diện” và không thật sự được thực hành rộng rãi. Vì vậy, Mo Mường còn lưu giữ được truyền thống là điều đáng quý, cần phải được gìn giữ.
GS, TS Wolfgang Mastnak, Ðại học Âm nhạc và Sân khấu Munich, Ðức cho rằng: “Từ góc độ đa văn hóa, nghi lễ Mo Mường phù hợp với nhiều tiêu chí của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể như tương thích với quyền con người và sự tôn trọng văn hóa lẫn nhau, được chính chủ thể cộng đồng coi đó là một phần thiết yếu trong đời sống văn hóa của họ; là một di sản có sự đan xen gắn bó chặt chẽ giữa ý thức về bản sắc và trí nhớ của cộng đồng, bám rễ vào cộng đồng và tiếp tục được trao truyền, tái tạo. Về mặt này, Mo Mường cũng phản ánh sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới và minh chứng cho sự sáng tạo của con người”.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, với những quy định mới và làn sóng du nhập văn hóa, Mo Mường đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính tổng thể để bảo tồn, phát huy. ThS Bùi Kim Phúc (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình) cho biết: Từ những năm 1960 đến nay, tang lễ của người Mường chỉ còn thực hiện trong 48 giờ. Với thực tế đó, các nghệ nhân và toàn thể dân Mường đã giản lược đến 50% số nghi lễ, phần Mo kể chuyện chỉ còn lại hai câu chuyện có thời lượng ngắn, chủ yếu là: Ðẻ đất, đẻ trứng điếng và đẻ Tá Cần. Vì thế, theo ThS Bùi Kim Phúc, cần có chính sách đặc thù để phục hồi giá trị Mo Mường, khuyến khích nghệ nhân truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ học nghề, học các bài Mo; quảng bá bằng nhiều hình thức để phổ biến rộng rãi các giá trị của Mo Mường.
ThS Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình và TS Nguyễn Thị Thanh Vân (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: Cần phải có sự tham gia đồng bộ, tích cực từ các bên liên quan: chính quyền địa phương, các nhà quản lý văn hóa, cộng đồng sở hữu di sản, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân liên quan trong bảo tồn, phát huy giá trị Mo Mường trong cộng đồng người Mường.
Cần làm ngay việc nghiên cứu, điều tra, thống kê và đánh giá thực trạng di sản Mo Mường ở các địa phương để có giải pháp quan tâm, đầu tư đúng hướng. Chỉ khi có sự tham gia bảo vệ của cộng đồng thì di sản mới sống đúng nghĩa, nên phải tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng - chủ nhân sáng tạo, cũng là người đang hưởng lợi từ di sản Mo Mường hiểu về vai trò, ý nghĩa của Mo Mường trong đời sống cộng đồng cũng như vai trò chủ thể của họ trong các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản Mo Mường.
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách động viên kịp thời các thầy Mo uy tín trong cộng đồng thông qua phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để các thầy có thêm động lực, tâm huyết gìn giữ vốn cổ của dân tộc và truyền lại đời sau. Bên cạnh đó, giải pháp cấp thiết là cần tư liệu hóa di sản Mo Mường; xây dựng mạng lưới Mo Mường trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh hoạt động giao lưu, bảo tồn và quảng bá di sản…
Từ kinh nghiệm của mình, GS, TS Kim Hyong Keun khuyến nghị, để ghi danh Mo Mường vào danh sách di sản của UNESCO, cần tăng khả năng hiển thị của di sản, tức tăng mức độ nổi tiếng của một nền văn hóa đối với người dân bản địa và người nước ngoài. Ðể làm được như vậy, Mo Mường cần được dịch sang tiếng Anh. Ðiều này cũng giúp tăng hiệu quả quảng bá về loại hình di sản này nhiều nhất có thể trước khi đăng ký hồ sơ.
(Nguồn: https://nhandan.vn/)