Tác giả: Phạm Việt Hùng
1.Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 những người đã từng sống ở Liên Xô và Nga thường tụ tập bên nhau để cùng kỷ niệm ngày lễ cách mạng tháng Mười. Tất nhiên, đó chỉ là một cái cớ. Cái chính là họ lại được gặp nhau, cùng thưởng thức các món ăn Nga, nhấp ngụm vodka nóng bỏng và cùng hát các bài hát tiếng Nga của một thời quá khứ tươi đẹp, thời thanh xuân mãi mãi không bao giờ quay trở lại.
Những lúc đó, giai điệu của “Tôi hỏi cây tần bì” thường được vang lên.
Lời bài hát qua bản dịch của bác Chí Tâm:
Tôi hỏi cây Tần Bì: Người yêu tôi đâu
Cây Tần Bì lắc đầu chẳng đáp.
Người yêu tôi đâu? Tôi hỏi Cây Phong
Cây Phong ném cho tôi những chiếc là Thu Vàng!
Tôi hỏi Thu vàng: Người yêu tôi đâu?
Thu trả lời tôi bằng cơn mưa tầm tã.
Tôi hỏi Cơn mưa: Người yêu tôi đâu?
Mưa rả rích khóc hoài sau cửa sổ!
Tôi hỏi Trăng: Người yêu tôi đâu?
Trăng trốn vào trong mây, không đáp
Tôi lại hỏi Mây: Người yêu tôi đâu?
Mây tan vào trời xanh man mác...!
Này bạn duy nhất của tôi ơi: Người yêu tôi đâu?
Nàng trốn nơi nào, anh có biết?
Và bạn tôi - bạn trung thành, chí thiết
Trả lời tôi: “Anh đã có người yêu,
Anh đã có người yêu, đã từng, ...
Nhưng nay là ...vợ của tôi”!
Tôi hỏi cây Tần Bì ...
Tôi hỏi cây Phong ...
Tôi hỏi mùa Thu ...!
Bài hát hay, nhưng cũng thật buồn này nguyên là một trong các bài hát có trong bộ phim "Số phận trớ trêu hay là Chúc xông hơi nhẹ nhõm"(Ирония судьбы, или С легким паром!) của đạo diễn Eldar Riazanov. Sản xuất năm 1975 và lần đầu được phát trên truyền hình Liên Xô ngày 1/1/1976, từ đó đến nay, bộ phim kỳ lạ này "đều như vắt tranh" được truyền hình Liên Xô và Nga sau này phát vào chiều tối ngày 31/12 hàng năm, trước giờ đón năm mới. Đã hơn 40 năm liền tù tì như thế, chẳng phải là một chuyện quá kỳ lạ hay sao?
Thêm một thông tin thú vị nữa: Hollywood hiện đang làm lại "Số phận trớ trêu và Chúc xông hơi nhẹ nhõm" phiên bản Mỹ, khởi quay từ mùa hè năm nay và sẽ có tựa là About Fate.
2. "Tôi hỏi cây tần bì" đã ra đời như thế nào?
Đạo diễn phim Eldar Riazanov là một người rất yêu thích thơ ca. Sau khi nghiền ngẫm kịch bản, ông tự đi sưu tầm các bài thơ mà ông nghĩ nội dung sẽ phù hợp, rồi chuyển cho nhạc sĩ Mikael Tariverdiev, yêu cầu phổ nhạc. Đó là tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Pasternak, Evtushenko, Tsvetaeva và Akhmadulina.
Trong số này, chẳng hiểu sao, lại lọt vào bài thơ của một nhà thơ khá "vô danh" là Vladimir Kirshon. Không biết từ đâu và bằng cách nào, đạo diễn Riazanov lại tìm được bài thơ này, và những vần thơ mộc mạc về sự kiếm tìm người yêu đã làm vị đạo diễn này rung động, quyết định sẽ đưa vào bộ phim.
Nói Vladimir Kirshon là "vô danh" thì cũng không chính xác lắm đâu, chỉ đúng phần nào vào thời điểm thập niên 70 thôi, khi tên tuổi của Kirshon đã rơi vào quên lãng từ lâu, chứ đầu thập niên 30, ông khá nổi trên văn đàn.
Vào đầu thập niên 30 xa xưa ấy, nhà văn, nhà viết kịch Kirshon khá nổi tiếng như là một nhà tiên phong của văn học cách mạng. Với tư cách là một trong các lãnh đạo của Hiệp hội các nhà văn vô sản Nga, ông đăng đàn phê phán mạnh mẽ các nhà văn tỏ ra thờ ơ với việc ca ngợi những thành tựu của cách mạng. Những người bị ông chỉ trích có khá nhiều, như Aleksey Tolstoy, tác giả Con đường đau khổ, Piotr đại đế...), Mikhail Prishvin, Mikhail Zoshchenko, Mikhail Bulgakov và Alexey Losev.
Cuộc đời đúng là không ai nắm được bàn tay từ sáng đến tối. Năm 1937, sau khi Dân ủy nội vụ G.Yagoda bị bắt, các văn nghệ sĩ thân cận với ông này cũng ngay lập tức bị liên lụy, trong số này có Vladimir Kirshon. Kirshon bị kết tội tham gia tổ chức phản cách mạng và bị kết án tử hình. Tháng 7/1938, tác giả của "Tôi hỏi cây tần bì" bị xử bắn ở tuổi 35. Mãi đến năm 1955, tên tuổi ông mới được phục hồi.
Sinh thời, Vladimir Kirshon không coi mình là nhà thơ. Thỉnh thoảng, ông mới sáng tác đôi bài, để lồng vào các vở kịch của mình. Bài thơ "Tôi hỏi cây tần bì" được Kirshon viết, để đưa vào vở hài kịch "Ngày sinh nhật" của ông, dưới dạng một ca khúc. Người phổ nhạc bài thơ trong vở kịch đó là Tikhon Khrenikov. Tuy nhiên, bài hát của Khrenikov khá là vui nhộn, chứ không đượm buồn như bài hát mà chúng ta đã quen thuộc ngày nay, do Mikael Tariverdiev phổ nhạc.
3.Trong bộ phim "Số phận trớ trêu hay là Chúc xông hơi nhẹ nhõm", bài hát "Tôi hỏi cây tần bì" được nhạc sĩ, ca sĩ Sergey Nikitin thể hiện. Bài hát vang lên, với tiếng đệm ghita, khi nữ nhân vật chính bước đi dưới trời Leningrad đang bời bời tuyết rơi. Những ai đã đến thành Len, có thể nhìn thấy hậu cảnh là Nhà thờ Isakievsky với mái vòm vàng trứ danh, rồi tượng đài nữ hoàng Ekaterina đệ nhị....
Sergey Nikitin đã thể hiện "Tôi hỏi cây tần bì" tuyệt hay. Xin mách thêm, ông cũng chính là tác giả và người thể hiện bài hát "Aleksandra" nổi tiếng trong phim "Moskva không tin vào những giọt nước mắt" sản xuất 5 năm sau đó (1980).
Lạc đề chút. Có một điểm chung giữa lời 2 bài hát này, đó là đều nhắc đến cây tần bì. Nếu như trong bài "Tôi hỏi cây tần bì", thì cây tần bì, cũng như cây dương, mùa thu, mặt trăng.... bị "tra tấn" bởi các câu hỏi, thì trong Aleksandra, cùng với thanh lương trà, sồi mang dáng vóc "vương giả", những cây tần bì dân dã quê kiểng kia đã vươn mình và đến mùa, thả những chùm hạt quay tròn như trong điệu van quý tộc thành Viên trên những cây cầu.
Bọn trẻ con nhà mình đặc biệt thích Aleksandr Rybak thể hiện "Tôi hỏi cây tần bì", khi anh vừa hát, vừa rơm rớm nước mắt vì xúc động khiến người đệm ghita cũng phải sững sờ. Anh biểu diễn trong đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Mikael Tariverdiev:
Diễn viên Sergey Bezrukov hát bài này cũng đầy xúc cảm:
Vài thông tin mình nhặt được trên các trang web của Nga, xin dịch và tổng hợp gửi đến những ai yêu thích bài hát "Tôi hỏi cây tần bì".
Có những bài hát khi cất lên, là đã làm lòng chúng ta chùng xuống...
Tác giả bài thơ "Tôi hỏi cây tần bi" Vladimir Kirshon
Nhạc sĩ Mikael Tariverdiev
Poster phim