Trao giải cuộc vận động sáng tác Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên”

11:09 AM, Thứ tư, 22/05/2024
502

Tác giả: Thanh Nhã

 

Tối 19 tháng 5 năm 2024, tại Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Điện Biên, tiếp sóng trên các truyền hình khác; phát lại trên VTV, Livestream trên các nền tảng số website, fanpage, TikTok hoinhacsivietnam, MUCA.

 

Tới dự có: PGS,TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Vừ A Bằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; đồng chí Nguyễn Minh Phú – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên; đồng chí Trần Thị Hiền – Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Văn phòng UBND tỉnh, các ban, ngành cùng đông đảo công chúng yêu nhạc Điện Biên, các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.

 

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; NSND Nguyễn Quang Vinh – Ủy viên Ban Chấp hành; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Ủy viên Ban Thường vụ, các nhạc sĩ, tác giả đạt giải thưởng…

 

Cuộc vận động Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên”, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

 

Cuộc vận động được phát động từ ngày 13/3/2024, đến ngày 24/4/2024, Ban tổ chức đã nhận được 196 tác phẩm của 179 tác giả, nhạc sĩ chuyên và không chuyên từ 47 tỉnh, thành trong cả nước gửi tham dự.

 

Đây là cuộc vận động sáng tác âm nhạc với nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hoạt động bên lề được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên nền tảng số thuộc hệ sinh thái số của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Từ ngày 30/3/2024 đến ngày 4/5/2024, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức 6 chương trình Livestream “Bài ca Điện Biên” tại Studio trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Chương trình lần đầu tiên được triển khai trên mạng xã hội với sự bảo trợ truyền thông của TikTok LIVE Việt Nam và được phát sóng định kỳ vào 20 giờ tối thứ 7 hàng tuần trên kênh TikTok chính của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

 

Được sự bảo trợ của TikTok LIVE Việt Nam và truyền thông mỗi tuần đã thực hiện một số để giới thiệu cho anh em nhạc sĩ nói chung và cả nước. Các chương trình đã giới thiệu những bài hát được khắc họa về Điện Biên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mãi là trang sử vàng soi sáng nền âm nhạc cách mạng Việt Nam; và cả những ca khúc mới được sáng tác về hình ảnh một Điện Biên – Tây Bắc đổi mới hôm nay… những thành tựu kinh tế, quốc phòng an ninh, văn hóa xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và tỉnh Điện Biên trong âm vang Chiến thắng Điện Biên Phủ suốt 70 năm qua.

 

Hội đồng giám khảo gồm các nhạc sĩ giàu kinh nghiệm sáng tác: nhạc sĩ Đức Trịnh; NSND Trọng Đài, NSND Nguyễn Quang Vinh, nhạc sĩ Trần Nhật Dương, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, đã làm việc nghiêm túc kỹ lưỡng qua các vòng sơ khảo, chung khảo chấm bằng hình thức độc lập cho điểm từng tác phẩm từ ngày 2 đến 4/5/2014, để chọn được 17 tác phẩm xuất sắc vào vòng giải chung kết và được đăng tải trên nền tảng TikTok từ ngày 4/5 đến ngày 15/5/2024, để các thính giả trên cả nước và nước ngoài bình chọn.

 

Một số tác phẩm được đông đảo thính giả đánh giá cao, bình chọn nhiều nhất như “Điện Biên Tây Bắc vang mãi khúc quân ca” của Trần Anh Dũng (Hà Nội); “Điện Biên Thiên anh hùng ca” của Sỹ Thắng (Hà Nam); “Ánh sáng Điện Biên” của Đặng Hoàng Long (Hà Nội); “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Văn Thành (Hà Nội); “Hát về anh người chiến sĩ năm xưa” của Tường Vi (Hải Phòng); “Bản hùng ca Điện Biên” của Vũ Đức Tân (Quân đội); “Ký ức Điện Biên” của Kấn Tùng Lâm (Phú Thọ)…

 

Kết quả, Hội đồng thẩm định đã chọn được 2 giải Nhì; 5 giải Ba; 10 giải Khuyến khích; 4 giải chuyên đề, để Ban tổ chức tôn vinh trong đêm Gala trao giải tại thành phố Điện Biên Phủ, trong dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2024).

 

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhận xét:

 

“Cuộc vận động sáng tác Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” là một sự cố gắng nỗ lực của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong một thời gian ngắn nhưng đã nhận được sự đáp lại bằng lòng nhiệt tình, sự cống hiến của các nhạc sĩ. 196 tác phẩm được gửi đến trong thời gian hơn một tháng và hầu hết đã được thu âm. Các nhạc sĩ thể hiện tấm lòng của mình đối với sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bằng âm nhạc, đây là một món quà vô giá. 21 tác phẩm đạt giải thưởng không nói lên tất cả sự thành công đó. Ban tổ chúc đã chọn ra 70 tác phẩm để in Tuyển tập 70 bài ca Điện Biên để tặng tỉnh Điện Biên và giới thiệu tới công chúng. Những thành quả của Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” thật đáng trân trọng, hôm nay xin được dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 134 năm ngày sinh của Người và cũng là món quà ý nghĩa kính tặng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hy vọng từ kết quả cuộc vận động này, các ca khúc mới sẽ được lan tỏa rộng rãi và trở thành những “Bài ca Điện Biên” sống mãi trong lòng công chúng”.

 

 

Đồng chí Vừ A Bằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định: “Cuộc thi sáng tác các cá khúc về Điện Biên là sự kiện văn hóa chính trị sâu sắc nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và qua các tác phẩm đó nhằm giới thiệu tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử văn hóa của đồng bào các dân tộc ta, đồng thời khẳng định được vai trò tầm vóc, ý nghĩa giá trị lịch sử to lớn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời khơi dậy bồi dưỡng vun đắp thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc góp phần củng cố niềm tin và tình cảm sâu sắc cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

 

Với sự chu đáo phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn từ trung ương đến địa phương có thể khẳng định Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” đã thành công tốt đẹp, cùng với Lễ tổng kết trao giải thưởng Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” đầy ý nghĩa; các tác phẩm đạt giải sáng tác về Điện Biên, sẽ được các văn nghệ sĩ lan tỏa tới đông đảo nhân dân và du khách, đặc biệt giúp cho đồng bào được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc mang lại nội dung tuyên truyền giáo dục sâu sắc tới các thế hệ và nhân dân cả nước, cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta với tinh thần độc lập dân tộc, ý chí tự chủ tự cường của dân tộc ta, tích cực góp phần công sức trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

 

 

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã có những nhận xét, đánh giá về các tác phẩm đạt giải của cuộc thi, đặc biệt có cả các giải chuyên đề, có tác phẩm mang âm hưởng chiến thắng Điện Biên, đi cùng năm tháng của các nhạc sĩ cha, ông đi trước cách đây 70 năm, tiêu biểu là Bài “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Các nhạc sĩ trẻ thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống âm nhạc dân tộc, nối tiếp được mạch nguồn dòng chảy của nền âm nhạc cách mạng mà chính các chiến sĩ – nhạc sĩ của chúng ta 70 năm về trước đã sáng tác ngay trên mặt trận Điện Biên Phủ; nội dung tác phẩm có nhịp đập mạch nguồn và có sự yêu mến trân trọng đối với truyền thống lịch sử âm nhạc. Cuộc thi đã tìm được những tác phẩm sáng tác về Điện Biên Phủ tốt nhất, là một bông hoa trong vườn hoa để dâng lên kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây không những là một sáng kiến mới mà cuộc thi còn phát hiện được nhiều tài năng ngôn ngữ âm nhạc mới.

 

Nhạc sĩ cho biết: “Rất vinh dự là người con của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, hôm nay được chứng kiến một trong những tác phẩm được trao Giải thưởng mang tên “Đỗ Nhuận”; với sự quan tâm và chỉ đạo chính xác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, trong 10 năm đổi mới của thành phố Điện Biên Phủ đã có một con đường mang tên “Đỗ Nhuận” để truyền thống luôn luôn gắn liền với hiện tại; có một Điện Biên luôn cất cánh về kinh tế, chính trị, văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật…”.

 

Ban tổ chức đã trao 21 giải thưởng và 02 Bằng khen:

 

 

* 02 Giải Nhì

 

  1. Bản hùng ca Điện Biên, sáng tác: Vũ Đức Tân (Quân đội)
  2. Về miền ký ức vàng son, sáng tác: Vũ Huyền Ngọc (Hà Nội)

     

 

* 05 giải Ba:

 

  1. Hợp xướng “Rạng rỡ Điện Biên”, sáng tác: Quang Thanh Giang (Cần Thơ).
  2. Tôi yêu Điện Biên, sáng tác: Hồng Sơn (TP Hồ Chí Minh).
  3. Điện Biên đợi anh, sáng tác: Xuân Nhật (Quảng Ninh).
  4. Ký ức Điện Biên, sáng tác: Kấn Tùng Lâm (Phú Thọ).
  5. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, thơ: Tố Hữu, nhạc: Văn Thành (Hà Nội).

     

 

* 10 giải Khuyến khích:

 

  1. Mùa xuân Điện Biên, thơ: Triệu Phong, nhạc: Ngọc Khuê (Quân đội).
  2. Đại tướng, Nguyễn Văn Hiên (TP Hồ Chí Minh).
  3. Điện Biên thiên anh hùng ca, Sỹ Thắng (Hà Nam).
  4. Hát về anh người chiến sĩ năm xưa, Tường Vi (Hải Phòng).
  5. Ánh sáng Điện Biên, Đặng Hoàng Long (Hà Nội).
  6. Xuân về với Điện Biên, Thu Hường (Lâm Đồng).
  7. Hào khí Điện Biên, Huy Thông (Điện Biên).
  8. Tự khúc hòa bình Điện Biên chào tương lai, Trần Khắc Tiệp (Công an nhân dân).
  9. Điện Biên Tây Bắc vang mãi khúc quân ca, Trần Anh Dũng (Quân khu 2)
  10. Điện Biên mối tình đầu tiên, Nguyễn Lê Tâm (Hà Nội).

 

 

* 04 giải Chuyên đề

 

  1. Giải thưởng mangtên Đỗ Nhuận dành cho tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng Chiến thắng Điện Biên: Ca khúc “Âm vang Điện Biên”, nhạc: Giáng Son (Hà Nội), thơ: Phạm Hồng Điệp (Hải Phòng).
  2. Giải thưởngcho tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc: ca khúc “Về Điện Biên đi em”, sáng tác: Tô Văn (Lai Châu).
  3. Giải thưởngcho tác phẩm xuất sắc về Điện Biên ngày mới: ca khúc “Điện Biên Phủ bản hùng ca còn mãi”, thơ: Đoàn Hoài Trung, nhạc: Quỳnh Hợp (TP. Hồ Chí Mnh).
  4. Giải thưởngcho tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: ca khúc “Điện Biên Tây Bắc vang mãi khúc quân ca”, sáng tác: Trần Anh Dũng(Quân khu II).

 

* 02 Bằng khen dành cho tác giả tham gia cuộc vận động tích cực nhất nhất:

 

  1. Nhạc sĩ Trương Quang Lục, 91 tuổi (Thành phố Hồ Chí Minh).
  2. Nhạc sĩ Nguyễn Quý Hải, 92 tuổi (Hà Nội).

 

* Một số tiết mục xuất sắc được dàn dựng, biểu diễn:

 

Chỉ đạo nghệ thuật – Tổng đạo diễn: Thiếu tướng, Nhạc sĩ Đức Trịnh; kịch bản: Đinh Công Thuận – Linh Nga; biên tập: Trần Nhật Dương; Giám đốc âm nhạc: nhạc sĩ Đức Tân; biểu diễn: Dàn nhạc semi classic MUCA Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Đoàn nghệ thuật tỉnh Điện Biên, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Điện Biên và các nghệ sĩ nổi tiếng.

 

Điện Biên mối tình đầu tiên, nhạc và lời: Nguyễn Lê Tâm, biểu diễn: Tốp ca nam Nhóm “Army Star” Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Tốp nữ và múa, Đoàn Nghệ thuật và Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Điện Biên.

 

Ánh sáng Điện Biên, nhạc và lời: Đặng Hoàng Long, biểu diễn: Mạnh Cường – Hà Thơm (Nhà hát ca múa nhạc Sơn La)

 

Tôi yêu Điện Biên, nhạc và lời: Hồng Sơn, biểu diễn: NSƯT Liên Hương – Trung Kiên cùng tốp nam nữ, biên đạo: Anh Vương

 

Mùa xuân Điện Biên, thơ: Triệu Phong, nhạc: Ngọc Khuê, biểu diễn: Trần Liễu (Trung tâm Điện ảnh Điện Biên)

 

Ký ức Điện Biên, nhạc và lời: Kấn Tùng Lâm, biểu diễn: Nhóm “Army Star” Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội

 

Điện Biên Thiên anh hùng ca, nhạc và lời: Sỹ Thắng, biểu diễn: Dương Đức – Thu Hương và Tốp nữ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên

 

Xuân về với Điện Biên, nhạc và lời: Thu Hường, biểu diễn: Hà Linh và tốp múa, biên đạo: Anh Vương

 

Âm vang Điện Biên, thơ: Phạm Hồng Điệp, nhạc: Giáng Son, biểu diễn: Viết Danh cùng tốp ca nam nữ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên

 

Về miền ký ức vàng son, nhạc và lời: Huyền Ngọc, biểu diễn: Minh Thuý

 

Bản hùng ca Điện Biên, nhạc và lời: Đức Tân, biểu diễn: Trung Kiên, Dương Đức, Mạnh Hoạch cùng tốp ca và múa Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên. Biên đạo: Anh Vương
Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều