Tác giả: Thanh Nhã
Sáng 8 tháng 1 năm 2025, tại Hà Nội, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết hoạt động năm 2024, tri ân tới các nhạc sĩ, các tác giả thành viên đã luôn gắn bó chia sẻ đồng hành cùng Trung tâm.
Tới dự có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc Hội; ông Phùng Mạnh Cường – Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Vụ Văn hóa văn nghệ, Vụ Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Cục bản quyền tác giả; Bộ Nội vụ; đại diện cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc tại Việt Nam…
Về phía Trung tâm có nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; ông Hoàng Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc, kiêm Phó Giám đốc chi nhánh phía Nam; và đông đảo các thế hệ nhạc sĩ là tác giả thành viên của Trung tâm.
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; NSND Nguyễn Quang Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, và đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ khu vực Hà Nội.
Năm 2024, đánh dấu bước chuyển mình vững chắc của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam không chỉ ở chỉ số tăng trưởng được liên minh các tổ chức quốc tế bảo vệ bản quyền tác giả và quyền nhà soạn nhạc thế giới SISAC công nhận mà còn cho thấy được sự phát triển lớn mạnh của Trung tâm ở việc đảm bảo cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất với 2 trụ sở mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho cán bộ công nhân viên, đầu tư thêm thiết bị hiện đại cùng 9 phần mềm tương tác với các máy móc tối tân, đáp ứng tiêu chuẩn của SISAC và các thành viên quốc tế hướng tới, trong đó có Việt Nam để đảm bảo cho các hoạt động của Trung tâm, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, 729 tác giả ủy quyền quản lý khai thác cho Trung tâm trong năm 2024, nâng tổng số tác giả thành viên lên 6.511 tác giả.
Trung tâm có những dấu ấn với các hoạt động gắn kết với các nhạc sĩ, các tác giả, các Hội Âm nhạc và các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật trên cả nước, bằng tất cả tâm huyết và quyết tâm cho sự nghiệp bản quyền, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của tác giả thành viên theo quy định của Pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế để Trung tâm có được kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2024, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà Trung tâm đã thu được là gần 400 tỷ đồng, tăng 14,2 % so với năm 2023.
PGS.TS.nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu, vui mừng: “Khâm phục sức lao động tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo cán bộ, anh chị em của cả tập thể Trung tâm. Trải qua 22 năm từ khi thành lập đến nay có sức ảnh hưởng lớn và lan tỏa rộng rãi, bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ, nhà thơ, tác giả. Trung tâm là tổ chức duy nhất của nước ta trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và ngày càng phát triển. Đội ngũ kỹ thuật của Trung tâm đã được trang bị những kiến thức về IT, ngoại ngữ để đối nội và đối ngoại, mở rộng quan hệ quốc tế để tồn tại và phát phát triển mang tầm quốc gia, quốc tế; là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi số và đi trước từ nhiều năm nay, chuyển đổi số để bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và số hóa toàn bộ di sản âm nhạc Việt Nam để giữ được những giá trị trường tồn của nền âm nhạc dân tộc và nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng nền âm nhạc Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh, ngày càng có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Trong thời đại bùng nổ về cách mạng công nghệ, hướng đi trong thời gian tới sẽ bước vào một thời kỳ mới cũng như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định toàn dân tộc bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên văn minh, hướng tới những giá trị xã hội công bằng, văn minh và hạnh phúc, đất nước phồn vinh”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc Hội, đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm trong năm 2024 cũng như những năm trước đó trong việc bảo vệ bản quyền tác giả, và cho rằng: “Bản quyền là trái tim của công nghiệp văn hóa, ở nhiều nước công nghiệp bản quyền là công nghiệp văn hóa và tập trung cho phát triển công nghiệp văn hóa bắt đầu từ việc tập trung cho bảo vệ bản quyền. Trong 4 yếu tố quan trọng của công nghiệp văn hóa thì tài năng sáng tạo, khai thác nguồn lực văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh thì yếu tố đầu tiên là tài năng sáng tạo của các nghệ sĩ”. Ông cho rằng “Tôn trọng bản quyền là tôn trọng công sức sáng tạo của nghệ sĩ; nghệ sĩ cần phải sống tốt từ tài năng của mình, từ đó nghệ thuật mới có thể phát triển và đó cũng là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn phát triển một nền nghệ thuật chuyên nghiệp; các chính sách, lợi ích phải lấy người nghệ sĩ làm trung tâm. Hiện nay, chúng ta đang có một lo ngại rất lớn là việc xâm lăng văn hóa, khi mà công chúng đặc biệt là giới trẻ say mê với ca khúc nước ngoài, phim nước ngoài, các sản phẩm nước ngoài, vì vậy chúng ta cần xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam không chỉ là tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà đó là nền nghệ thuật của người Việt Nam. Vì vậy Đảng và Nhà nước ta luôn mong muốn có một đội ngũ các văn nghệ sĩ xả thân về nền nghệ thuật nước nhà, để từ đó chúng ta tạo dựng nên bản lĩnh cho nền nghệ thuật của đất nước.
Hy vọng Trung tâm là một điển hình tốt, là một đơn vị để truyền cảm hứng để chúng ta bảo vệ bản quyền, bảo vệ nghệ sĩ, không chỉ là lĩnh vực âm nhạc, mà cần mở rộng hơn nữa cho các lĩnh vực khác khi mà mình đã là một lá cờ đầu, sẽ truyền cảm hứng, tạo điều kiện, truyền đạt kinh nghiệm cho các lĩnh vực bản quyền khác nhau để trên cơ sở đó hình thành nên một hệ sinh thái bảo vệ bản quyền cho cả nước, từ hệ sinh thái này chúng ta hoàn thiện đưa vào luật pháp, hình thành nên nhận thức đúng đắn đầy đủ của xã hội nhiều hơn về mặt bản quyền nói chung, tạo điều kiện cho mọi lĩnh vực văn học nghệ thuật, mọi lĩnh vực tri thức của chúng ta đều được tôn trọng”.
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phát biểu đã nhận định: “Trung tâm đã tạo nên ngôi nhà chung cho các nhạc sĩ gửi gắm những tác phẩm của mình, có nhiều tác giả chưa là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Từ những ngày đầu thành lập cho đến những năm gần đây bước tiến của Trung tâm ngày vững mạnh. Chúng ta hãy tin tưởng ở Trung tâm góp phần để các nhạc sĩ sống rất tốt bằng bản quyền tác giả, bằng thu nhập từ tiền bản quyền, thậm chí có những nhạc sĩ được nhận tiền bản quyền từ nước ngoài, và thân nhân của nhiều nhạc sĩ…”.
Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu, ghi nhận:
“Trong năm 2024, đã vượt qua nhiều thách thức Trung tâm đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và phấn đấu đạt được những kết quả nổi bật, giữ vững được vị thế là tổ chức đi đầu đại diện quyền tập thể quyền tác giả liên quan tại Việt Nam.
Ghi nhận một số kết quả nổi bật của Trung tâm, công tác cấp phép, thu tiền bản quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc, số tiền bản quyền thu được ngày càng tăng và đặc biệt trong năm 2024 với những con số ấn tượng tăng hơn 14%, đặc biệt là nguồn thu từ các websites âm nhạc. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong các hoạt động từ quản lý, cho đến cấp phép sử dụng và cho đến công việc thống kê, phân phối tiền bản quyền thu được cho các tác giả, để đẩy mạnh những hoạt động công khai minh bạch cho Trung tâm.
Đánh giá cao việc tiếp tục phát triển hội viên của Trung tâm, một điểm mạnh và trong công tác đối ngoại đã tích cực chủ động việc giao lưu trao đổi kinh nghiệm cũng như hợp tác song phương với các tổ chức đại diện các tổ chức quyền tác giả ở nước ngoài và là một trong những thành viên mà CISAC đánh giá là rất tích cực trong công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và hỗ trợ các nước khác trong khu vực.
Trung tâm cũng luôn sát cánh cùng các cơ quan quản lý để đóng góp ý kiến trong việc hoàn thiện pháp luật khi văn bản được ban hành, đã có sự tích cực chủ động trong việc triển khai các quy định tới các đối tượng cũng như việc thực thi trách nhiệm trong việc xây dựng biểu mức thanh toán tiền bản quyền đệ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt”.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm, phấn khởi phát biểu: “Bức tranh năm 2024 của Trung tâm có nhiều dấu ấn khởi sắc, cự tăng trưởng của Trung tâm được CISAC đánh giá là đứng số 1 trên thế giới. Tác giả ủy quyền đã tăng hơn 700 thành viên trong năm qua, có nhiều tác giả ở nước ngoài. Trước nhất, đó là sự uy tín, minh mạch, giải quyết toán bài toán kinh tế, bảo đảm cho tác giả về giải ngân; về doanh thu ngày càng tăng nhanh và đã thực hiện các kỳ phân phối, chi trả cho các tác giả đúng kỳ hạn. Trung tâm đã đi đúng chiến lược, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật số, media… do sự phát triển của công nghệ cũng như sự thay đổi của thị trường âm nhạc, thị hiếu công chúng, nên nguồn thu từ nhóm quyền này chiếm tỷ trọng cao.
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhạc sĩ đã gắn bó với Trung tâm rất có giá trị trong chiến lược sắp tới của Trung tâm. Định hướng trong thời gian tới cho Trung tâm là mở rộng công tác đối ngoại, hỗ trợ các nước trong khu vực như Lào và Campuchia, tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới về lĩnh vực đào tạo công nghệ, đặc biệt là công nghệ IA”.
Tập thể Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam nhận Bằng khen cho tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2024
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam nhận Bằng khen cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2024
Trong năm qua, Trung tâm đã có chương trình trợ cấp, thăm hỏi, động viên các nhạc sĩ có hoàn cảnh khó khăn
Phát huy những thành tích đạt được trong năm 2024, Trung tâm đã đề ra kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025:
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, công tác quản lý nội bộ của Trung tâm theo các quy định mới.
Tập trung cho hoạt động cấp phép sử dụng âm nhạc, duy trì và tăng nguồn thu nhập từ tiền bản quyền cho tác giả thành viên.
Tăng cường đối soát, xử lý dữ liệu để phân phối, chi trả tiền bản quyền đến các tác giả, chủ sở hữu.
Tích cực hơn nữa trong việc rà soát, khảo sát thị trường sử dụng âm nhạc, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên.
Chú trọng công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp và kiến nghị của các tác giả thành viên.