Tác giả: Minh Anh
Thu gần 345 tỷ đồng trong năm 2023, VCPMC thêm một lần nữa khẳng định hướng đi đúng đắn và ngày càng xác lập thêm những thành tựu mới trên bản đồ Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sáng 26/01/2023, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - Chi nhánh phía Nam tổ chức Tổng kết hoạt động để nhìn lại bức tranh toàn cảnh VCPMC năm 2023. Đây cũng là buổi gặp mặt thân mật - tri ân đối với sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đối tác và đặc biệt là các tác giả thành viên đã đồng hành cùng VCPMC.
Phát biểu tại Hội nghị, NSƯT. Nhạc sĩ Trần Vương Thạch, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thay mặt Ban Chấp hành Hội biểu dương những nỗ lực mà VCPMC đạt được, và khẳng định: “Chúng tôi thấy được niềm vui trên gương mặt của các nhạc sĩ trong những lần gặp mặt của VCPMC - điều đó cho thấy sự ủng hộ rất lớn từ phía các nhạc sĩ, tác giả thành viên đã tin tưởng ủy thác các tác phẩm của mình để VCPMC bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những sáng tạo của họ. Phải khẳng định rằng, khi chưa có Trung tâm, cuộc sống của nhiều nhạc sĩ khá bấp bênh. Chính nhờ sự hình thành và phát triển của Trung tâm là giải pháp tối ưu mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm. Điều đó cho thấy giá trị cốt lõi thực sự mà Trung tâm đã làm được để thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc”.
21 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) nỗ lực không ngừng xây dựng thương hiệu, tạo được uy tín và vị thế về Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc trên trường quốc tế. Là nơi gửi gắm niềm tin, trao gửi và chia sẻ quyền lợi của hàng triệu tác giả thành viên trong nước và quốc tế".
Tại Hội nghị, ý kiến của các nhạc sĩ đều khẳng định tin tưởng vào đường lối và định hướng phát triển của Trung tâm trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 - kỷ nguyên số hoá ở lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả. Nhạc sĩ Phan Long cho biết: “Tôi cũng như những nhạc sĩ - thành viên của VCPMC đều rất phấn khởi và hạnh phúc khi tác phẩm của mình được đón nhận, được bảo vệ cả quyền lợi về vật chất lẫn tinh thần, điều đó quý giá vô cùng. Chưa kể, những nhạc sĩ tiền bối mặc dù đã qua đời nhưng gia đình họ, con cháu của họ vẫn được hưởng tác quyền tới 50 năm thì đó là một điều vô cùng hạnh phúc. Có được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả chúng ta không thể không nhớ tới cố nhạc sĩ Phó Đức Phương, một trong những người có công gây dựng và nay nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn và tập thể VCPMC đã nỗ lực phát triển, mở rộng và lan tỏa khắp trong nước quốc tế để VCPMC ngày một lớn mạnh thì công sức bỏ ra không ít và chúng tôi - những nhạc sĩ, tác giả thành viên luôn ghi nhận và chúng mừng những thành tựu mà VCPMC đã đạt được”.
Để có được kết quả trên, VCPMC đã luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự chung sức đồng lòng của gần 5.800 nhạc sĩ thành viên, đặc biệt là việc mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác song phương với các tổ chức Tập thể quyền của nhiều quốc gia trên thế giới qua đó học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận khoa học công nghệ, tham gia vào nhiều khóa học nhằm hoàn thiện và chuẩn hóa các hoạt động của VCPMC, xứng tầm là Tổ chức Đại diện Tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam - thành viên CISAC.
NSND Thế Hiển chia sẻ cảm xúc tại Hội nghị: "Thấy được thành tựu mà VCPMC dạt được thật đáng tự hào. Niềm tự hào ấy còn lan tỏa đến các nhạc sĩ, tác giả thành viên, những người đã gửi gắm đứa con tinh thần của mình cho VCPMC. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, 21 năm qua VCPMC đã khẳng định bước đi vững chắc, đồng hành cùng tác giả và làm nên những điều tuyệt vời góp phần giúp cho các tác giả có thêm nhiều thành tựu trong sáng tạo”.
Thay mặt thế hệ trẻ, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “VCPMC đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhạc sĩ rất lớn trong việc quản lý nguồn tài sản là các tác phẩm của mình. Bởi theo Chung nghĩ đó không đơn thuần chỉ là những bài hát, là những tác phẩm mà nó là tài sản có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần mà các tác giả có thể để lại cho con cháu của họ, trong suốt 50 năm sau khi chúng ta qua đời. Bản thân Chung thấy may mắn khi mình là một nhạc sĩ được một nơi đáng tin cậy là VCPMC đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong nhiều năm qua”.
Năm 2023, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc VCPMC thu được (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là khoảng: 344 tỷ 121 triệu đồng(Ba trăm bốn mươi bốn tỷ, một trăm hai mươi một triệu đồng); nguồn thu tại Việt Nam (chưa tính nguồn thu từ CMOs quốc tế) tăng khoảng 29% so với năm 2022; vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, Ban Tổng Giám đốc vẫn còn nhiều trăn trở bởi vấn nạn xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra phức tạp, nhất là trong lĩnh vực biểu diễn. Tổng Giám đốc VCPMC - NSƯT. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết: “Bằng biện pháp dân sự hoặc hành chính, VCPMC đã đưa ra Tòa án và cơ quan nhà nước để giải quyết 34 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng. Song mới chỉ có 20 vụ việc được giải quyết. Lĩnh vực phát thanh, truyền hình cũng còn có những đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nghĩa theo luật sở hữu trí tuệ. Theo kế hoạch, VCPMC đang có những thay đổi về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Đồng thời, theo kế hoạch và yêu cầu của CISAC, VCPMC sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị CISAC toàn cầu tại Việt Nam vào cuối năm 2025”.
Tổng Giám đốc VCPMC tặng quà cho các nhạc sĩ có hoàn cảnh và sức khỏe không tốt nhân dịp năm mới
Với phương châm: “SÁNG TẠO DỔI DÀO - LỢI ÍCH ĐẢM BẢO” - VCPMC ngày càng khẳng định sứ mệnh cao cả của mình trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Thêm một mùa xuân mới sẽ mở ra một chặng đường mới thênh thang hơn để âm nhạc Việt Nam nói riêng, Sở hữu trí tuệ Việt Nam nói chung, cất cất cánh sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, được quyền đại diện để quản lý và bảo vệ lợi ích của trên 5 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, với các cam kết song phương và cơ chế phối hợp giữa VCPMC và các tổ chức quốc tế, quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
(Nguồn : https://www.vcpmc.org/)