Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi – Con Rồng của âm nhạc dân tộc

09:21 PM, Thứ năm, 15/02/2024
268

Tác giả: Phạm Việt Long

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, tuổi Rồng, là một nhạc trưởng, nghệ sĩ nhân dân, phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc trưởng xuất sắc nhất của nền âm nhạc Việt Nam, với nhiều đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc dân tộc.

 

Phạm Ngọc Khôi sinh năm 1964, là năm Rồng trong lịch âm. Theo quan niệm dân gian, người sinh năm Rồng thường có tính cách cương nghị, tự tin, dũng cảm, quyết đoán, cũng có tài năng sáng đạo và năng lực lãnh đạo. Những phẩm chất này đã thể hiện rõ nét trong sự nghiệp âm nhạc của Phạm Ngọc Khôi. Ai đã tiếp xúc với ông đều có cảm nhận về một năng lượng tràn đầy, một sự vô tư trong cống hiến mà ông luôn luôn thể hiện qua các việc làm đầy ý nghĩa. Ông đã dàn dựng, chỉ huy hầu hết những tác phẩm khí nhạc cho dàn nhạc dân tộc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để trình diễn trong các sự kiện lớn của đất nước. Những tác phẩm âm nhạc của thế giới và của Việt Nam cũng được ông dàn dựng, chỉ huy trong những sự kiện âm nhạc lớn hoặc những sự kiện đối ngoại. Ấy vậy mà ông cũng vô tư ngồi đệm đàn cho học sinh Trung cấp âm nhạc, học sinh của những thày dạy thanh nhạc bạn ông, như nghệ sĩ Nhân dân Đức Long, trong các cuộc thi học kỳ hoặc tốt nghiệp. Ông cũng không nề hà bôn ba các tỉnh từ miền Nam tới miền núi phía Bắc để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong các cuộc hội diễn, liên hoan âm nhạc hoặc phát triển Hội… theo trách nhiệm của một Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

 

Phạm Ngọc Khôi bắt đầu học piano khi mới 5 tuổi và vào học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) lúc 7 tuổi. Ông tốt nghiệp Đại học chuyên ngành piano và chuyên ngành chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội. Từ năm 1983, ông tham gia biên soạn, phối khí và dàn dựng, chỉ huy trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp lớn của quốc gia như học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các Đài Phát thanh và Truyền hình, và là cộng tác viên thường xuyên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, trung tâm băng đĩa DIHAVINA và nhiều đơn vị nghệ thuật khác. Ông còn là thành viên sáng lập Ban nhạc Hoa Sữa, tham gia xây dựng nhiều chương trình biểu diễn có hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Ông còn sáng tác ca khúc, khí nhạc và nhạc cho các bộ phim truyền hình, phim truyện, âm nhạc cho sân khấu. Ca khúc “Hát mãi Trường Sa ơi!” của ông được ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung trình diễn có sức lan tỏa rộng và còn được ca sĩ này chọn làm một trong các ca khúc trình diễn khi bảo vệ học vị Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhạc phim ông viết, có bộ phim truyền hình 4 tập “Nhật ký chiến trường” dựa trên tác phẩm “Bê trọc” của nhà văn Phạm Việt Long, có chất lượng cao, cộng hưởng với nội dung phim, gây ấn tượng sâu sắc với khán giả. (Nhạc hay đến nỗi có người làm phim đã lấy toàn bộ để sử dụng cho bộ phim khác mà không xin phép Phạm Ngọc Khôi).

 

Đối với Phạm Ngọc Khôi, âm nhạc dân tộc là một niềm đam mê và một trách nhiệm. Ông luôn học hỏi, kế thừa và phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc, đồng thời sáng tạo những tác phẩm mới mang đậm bản sắc Việt Nam. Một trong những tác phẩm khí nhạc dân tộc nổi tiếng của ông là “Đất nước thái hòa”, được chọn giới thiệu tại lễ khai mạc Festival Huế năm 2021. Tác phẩm này được ông viết trong tâm thế nhìn lại cả nước vừa đi qua đại dịch với nhiều mất mát, đau thương, và mong ước đất nước được thanh bình. Ông cũng dựa vào cảm hứng khi nghe bản đại nhạc của Huế “Lưu thủy kim tiền - Xuân phong long hổ” để thể hiện sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại.

 

Phạm Ngọc Khôi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (2001) và Nghệ sĩ nhân dân (2015) vì những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc. Ông cũng là một giảng viên học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Thạc sĩ chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc. Hiện, ông là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc Dàn nhạc dân tộc, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

 

(Nguồn: https://vanhoavaphattrien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều