Chim họa mi của núi rừng Tây Nguyên

07:25 AM, Thứ ba, 25/04/2023
406

Tác giả: Dương Trọng Thành

Đăng ngày 16/01/2023 - 22:30

 

Mảnh đất Tây Nguyên bao la hùng vĩ, con người Tây Nguyên vốn thật thà, chân chất nhưng đầy kiên cường, mạnh mẽ. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Một trong những nghệ sĩ tiêu biểu đó là Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang.

Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang sinh ngày 25 tháng 10 năm 1960 tại Làng Bua, xã IaPnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Tuổi thơ của chị cũng giống như bao người con của bản làng người dân tộc Jrai, cuộc sống thường ngày gắn liền với nương rẫy, hái, lượm, trồng trọt. Là chị cả trong gia đình, hằng ngày cô bé Rơ Chăm Phiang chăm chỉ địu em lên nương giúp mẹ làm rẫy, người cha thì tham gia giúp bộ đội địa phương chiến đấu. Vốn có năng khiếu ca hát và được sống trong không gian của những giai điệu trầm bổng của tiếng cồng, tiếng chiêng, những bài dân ca của bà con dân tộc mình nên cô bé Rơ Chăm Phiang càng có cơ hội phát triển năng khiếu ca hát.

 

Năm 1973, Quân giải phóng nhân dân miền Nam tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, trong đó Ban tổ chức có nhiều vị tướng lĩnh, như: Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng Phạm Hồng Cư… Tham gia hội diễn trong đội hình của Đoàn Nghệ thuật của huyện Đức Cơ, chị đã thể hiện thành công ca khúc “Cô gái vót chông”. Giọng hát ngọt ngào, cao vút của chị đã lọt vào “mắt xanh” của các đồng chí lãnh đạo nên sau đó chị đã được Đoàn Nghệ thuật Quân giải phóng Tây Nguyên giữ lại làm ca sĩ. Sau đó vài năm, chị được tuyển vào Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) với sự thể hiện xuất sắc hai ca khúc “Tây Nguyên nhớ Bác Hồ” và “Đường tôi đi dài theo đất nước”. Cô giáo Hồ Mộ La khi đó phải thốt lên lời khen ngợi cho giọng hát đầy triển vọng của nữ ca sĩ Tây Nguyên này và chính cô đã trực tiếp giảng dạy Rơ Chăm Phiang trong những năm tháng học tập tại trường.

 

Hồi đó đất nước còn nhiều khó khăn nên việc học tập gặp rất nhiều trở ngại. Rơ Chăm Phiang nói tiếng Kinh chưa sõi, trong khi đó nội dung học phải tập hát những ca khúc thính phòng, những ca khúc Romance, trích đoạn Aria của các vở nhạc kịch nổi tiếng bằng tiếng Nga, tiếng Đức… Nhưng với sự nỗ lực học tập vươn lên và sự chỉ bảo tâm huyết của cô giáo Hồ Mộ La, mới chỉ đến năm thứ 3 hệ trung cấp, cô học viên nhỏ bé người dân tộc Tây Nguyên đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cử sang Liên Xô tham dự cuộc thi hát thính phòng mang tên “Hoa cẩm chướng đỏ” và chị đã giành giải ba. Một vinh dự nữa dành cho chị là trong cuộc thi âm nhạc mùa thu tại Triều Tiên, chị đã thể hiện thành công ca khúc “Ca ngợi Chủ tịch Kim Nhật Thành” cùng với sự hỗ trợ của dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng gồm 200 diễn viên. Hôm đó Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng đã tới dự và rất xúc động, đánh giá cao tài năng của một thí sinh Việt Nam. Giải Nhất của cuộc thi đã trao cho chị, và tiết mục của chị đã làm cho tình hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên ngày càng thêm nồng thắm.

Trong giai đoạn từ năm 1993 đến 1996, chị được vinh dự là một trong số ít sinh viên Việt Nam giành được học bổng tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky thuộc Liên Xô cũ. Chị kể lại một kỷ niệm sâu sắc mà chị nhớ mãi khi đi học bên đó là đã có lần bắt tàu điện ngầm đi 30 cây số từ ký túc xá nhạc viện rồi đi bộ vài trăm mét dưới trời đầy tuyết trắng để đến nhà cô giáo học chỉ trong một giờ đồng hồ. Một nghị lực, sự cố gắng, tinh thần vươn lên trong học tập và lòng tự hào dân tộc đã giúp chị có được kết quả học tập tốt, được bạn bè, thầy cô nước ngoài đánh giá cao.

 

Sau khi về nước, chị tham gia giảng dạy thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và tiếp tục gặt hái nhiều giải thưởng về thanh nhạc danh giá khác, như: Giải Nhất giọng hát Hà Hội - ASEAN năm 1996, cùng năm đó chị cũng đạt giải nhất cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch do Bộ Văn hóa tổ chức và nhiều giải thưởng quan trọng khác. Nhiều học trò của chị đã trở thành những ca sĩ vững vàng tại các đoàn nghệ thuật trong và ngoài quân đội. Nhiều em đã đạt các giải thưởng lớn về ca hát, như: Huyền Trang (Giải nhất Sao Mai dòng dân gian năm 2013), Hoàng Hồng Ngọc (Giải nhất Sao Mai dòng nhạc nhẹ 2015), Vũ Thị Ngân (Top 9 Chung kết Sao Mai dòng dân gian năm 2011), Sằm Thị Hiệu (Giải Nhì Cuộc thi “Tiếng hát hữu nghị Việt – Trung” năm 2013), Giàng Hoa (Giải Nhì Cuộc thi “Tiếng hát Hữu nghị Việt – Trung” năm 2015).

 

“Quê hương của tôi giờ đây đã có bao đổi thay. Đời sống của bà con các dân tộc Tây Nguyên đã no ấm, đủ đầy hơn. Để có được sự “thay da đổi thịt” trên quê hương mình là do sự quan tâm, lãnh đạo đúng đắn của các cấp chính quyền địa phương, trong đó có sự chung tay góp sức không nhỏ của lực lượng BĐBP. Trước đây đã có nhiều con em của Tây Nguyên được về học tập tại mái trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và đều đã trở thành những nghệ sĩ thành danh, như: Y Garia, Y Nuôi, Kasim Hoàng Vũ, Phi Ưng, Siu Bla… Tôi mong muốn trong thời gian tới, nhiều tài năng trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Tây Nguyên sẽ tiếp tục được Quân đội và Nhà nước quan tâm, để có điều kiện phát huy tài năng góp sức cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật của Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung”, Nghệ sĩ Nhân Dân Rơ Chăm Phiang chia sẻ.

 

Với những đóng góp to lớn cho nghệ thuật, năm 1997 chị được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, năm 2019 nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Tháng 4­­ - 2020, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Nhà hát Đam San tổ chức đêm nhạc mang tên “Chim họa mi của núi rừng Tây Nguyên” để tôn vinh những đóng góp của Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang đối với sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhàĐêm nhạc đã diễn ra thành công, với sự tham dự của nhiều nhạc sĩ tên tuổi, như: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam); Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh (Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam); Đại tá, nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Thủy (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội)…

 

Hiện nay Đại tá, Nghệ sĩ Nhân Dân Rơ Chăm Phiang đã nghỉ hưu và đang có cuộc sống yên bình bên người chồng luôn yêu thương, trân trọng sự nghiệp của vợ. Nghỉ hưu nhưng chị không vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn của Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam… Nhiều bạn bè, đồng đội trong đó có Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương binh Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường đang có mong muốn tổ chức một đêm nhạc cho riêng cho chị tại Hà Nội - nơi đã cho chị được sống, học tập, cống hiến, phát triển như hôm nay.

 

(Nguồn: https://vanhoavaphattrien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share