Nhạc trưởng Bruno Walter: Không bao giờ là quá khứ

02:53 PM, Thứ hai, 24/04/2023
447

Tác giả: Ngọc Tú

Đăng ngày 03/01/2023 - 18:24

 

Trong hơn năm thập kỷ đầu của thế kỷ 20, Bruno Walter là một trong những nhạc trưởng tài năng, nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn bậc nhất, đã góp phần định hình nền âm nhạc cổ điển tại châu Âu và Mỹ.

Là một người kiên định, Walter tin vào sức mạnh tuyệt đối của âm nhạc và hiểu được âm nhạc có thể làm được những gì. Đạt đến đỉnh cao trong các tác phẩm của Beethoven, Schubert và Bruckner, ông đã tạo ra những gì tốt đẹp nhất đối với âm nhạc Đức-Áo thế kỷ 19. Điều Walter quan tâm là sự biểu đạt cảm xúc mãnh liệt hơn là sự chính xác đơn thuần về mặt kỹ thuật đồng thời luôn duy trì sự nhấn mạnh vào chất trữ tình của âm nhạc mà ông đang diễn giải. Phong thái làm việc cùng dàn nhạc của Walter luôn nhẹ nhàng nhưng không thỏa hiệp và đầy sức thuyết phục. Là người bạn thân của Mahler, Walter cũng trở thành một trong những nhạc trưởng hiếm hoi chỉ huy thành công các tác phẩm của nhà soạn nhạc trong thời của mình.

 

Khúc ngoặt từ Hans von Bülow

Bruno Walter sinh ngày 15/9/1876 gần quảng trường Alexanderplatz, Berlin trong một gia đình Do Thái trung lưu với tên khai sinh là Bruno Schlesinger. Cậu được gia đình cho học piano với Heinrich Ehrlich và violin với Emile Sauret khi lên 8 tuổi ở Nhạc viện Stern, trường nhạc hàng đầu Berlin thời bấy giờ. Chỉ một năm sau Bruno đã có lần biểu diễn đầu tiên trước công chúng với Impromptu giọng La giáng thứ của Schubert và Rondo capriccioso của Mendelssohn tại Berliner Singakademie. Tháng 2/1889, khi chưa đầy 13 tuổi, cậu xuất hiện cùng Berlin Philharmonic trong bản piano concerto số 2 của Ignaz Moscheles. Sự tán thưởng của khán giả đã khuyến khích cậu rất nhiều. Bên cạnh đó, Bruno còn theo học sáng tác với Robert Radecke. Cậu cũng đã sáng tác được một số tác phẩm nhưng chỉ gắn bó với công việc này tới năm 1910. Sau khi qua đời, Walter để lại hai bản giao hưởng, một số bản hợp xướng, một tứ tấu đàn dây, một violin sonata, piano quintet, piano trio và một số tác phẩm khác nữa.

 

Năm 1889, một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Bruno. Cậu chứng kiến nhạc trưởng Hans von Bülow chỉ huy Berlin Philharmonic và đêm diễn tác động mạnh đến nỗi “đã quyết định đến tương lai của tôi. Bây giờ tôi biết mình muốn làm gì. Không một hoạt động âm nhạc nào khác ngoài công việc của một nhạc trưởng có thể khiến tôi bận tâm nữa, không một thứ âm nhạc nào khiến tôi thực sự hạnh phúc như âm nhạc giao hưởng… ngày hôm nay tôi nhận ra tôi được sinh ra để làm gì. Tôi quyết định trở thành nhạc trưởng”, như ông nhớ lại trong cuốn tự truyện Chủ đề và các biến tấu của mình, được xuất bản vào năm 1946. Cậu lao vào học nghiên cứu tổng phổ, đối âm với Radecke, chuyển soạn các sáng tác dành cho dàn nhạc của những nhà soạn nhạc nổi tiếng sang piano cũng như tích cực tham dự các buổi học thanh nhạc. Trong bối cảnh Berlin thời bấy giờ, Bruno được tiếp xúc rất nhiều với âm nhạc của Wagner, cậu nhớ lại: “Tôi biết tất cả các tác phẩm của Wagner, ngoại trừ Rienzi và Parsifal”. Hai năm sau, cậu đến Bayreuth để nghe các vở opera của nhà Wagner tại nhà hát được xây dựng để dành riêng cho các tác phẩm của ông.

 

Sau khi Radeke rời khỏi nhạc viện Stern, người thay thế ông là Arno Kleffel, vốn từng là nhạc trưởng chính tại Cologne Opera. Kleffel rất quý cậu học trò trẻ và hai người đã thảo luận với nhau rất nhiều về tương lai của Schlesinger. Kleffel tin tưởng rằng tuổi trẻ không phải là thứ có thể ngăn cản việc Schlesinger trở thành nhạc trưởng và ủng hộ anh. Ông đã cung cấp những bằng chứng cho thấy sự tin tưởng của ông vào khả năng của Schlesinger bằng cách viết một bức thư rất chi tiết, giới thiệu anh cho ban giám đốc Cologne Opera. Điều khó tin và khó hy vọng đã xảy ra. Ban giám đốc đã đồng ý tiếp nhận Schlesinger và ký hợp đồng một năm với anh, bắt đầu từ 1/9/1893 với mức lương 100 mark/1 tháng. Tháng 2/1894, chàng trai chưa đầy 18 tuổi đã có buổi ra mắt đầu tiên của mình trên cương vị nhạc trưởng khi chỉ huy vở opera Der Waffenschmied của Albert Lortzing.

 

Buổi biểu diễn đã được đón nhận, Otto Neitzel nhà phê bình âm nhạc của tờ báo địa phương Kolnische Zeitung đã có bài viết ca ngợi tài năng của vị nhạc trưởng trẻ tuổi. Tuy nhiên, dù đã được chỉ huy chính thức trong một vở opera nhưng công việc chủ yếu của anh tại nhà hát vẫn là tập luyện cho các ca sĩ hay chơi piano và organ nếu như tác phẩm đòi hỏi. Mặc dù không chiếm được cảm tình từ phía ban lãnh đạo và giám đốc sân khấu của nhà hát nhưng các ca sĩ, những người làm việc trực tiếp với Schlesinger đã ủng hộ và những lời ngợi khen đã bay tới Hamburg State Opera và nhà hát này đã mời anh tới đảm nhiệm vị trí chỉ huy hợp xướng.

Các nhạc trưởng xuất sắc, từ trái sang phải: Bruno Walter, Arturo Toscanini, Erich Kleiber, Otto Klemperer và Wilhelm Furtwängler.

Học hỏi từ Mahler

Chính tại Hamburg, Schlesinger đã có cơ hội gặp gỡ và làm việc cùng với Mahler, người đang đảm nhiệm cương vị nhạc trưởng chính tại đây – một sự kiện có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển nghệ thuật và toàn bộ cuộc đời anh. Họ hợp tác cùng nhau trong hai năm. Năm 1896, chính Mahler đã giới thiệu Schlesinger tới Theodor Löwe, giám đốc của nhà hát Breslau State Opera để đảm nhận cương vị giám đốc âm nhạc. Löwe đồng ý nhận Schlesinger tuy nhiên ông đã yêu cầu chàng trai đổi lại họ của mình vì Schlesinger có nghĩa là người Silesia, xuất hiện quá nhiều tại đó. Và vì vậy, anh đã đổi thành Walter và giữ mãi nghệ danh này trong suốt phần đời còn lại của mình. Ban đầu Walter cho biết mình thấy “việc phải thay đổi tên thật khủng khiếp”. Sự việc đổi tên này được thực hiện vào mùa hè thứ hai Walter ở cùng với Mahler. Nhà soạn nhạc đã rủ anh tới nhà mình ở Steinbach, bên bờ hồ Attersee, vùng Thượng Áo. Năm 1911, khi nhập quốc tịch Áo, cái tên này đã chính thức trở thành hợp pháp.

 

Những năm sau đó, Walter không gắn bó với một nơi nào quá lâu. Năm 1897, ông là nhạc trưởng tại nhà hát opera thành phố ở Pressburg (nay là Bratislava, thủ đô Slovakia). Năm 1898, ông là nhạc trưởng chính của Nhà hát Opera Riga, Latvia (lúc đó thuộc Đế quốc Nga). Năm 1899, Walter được bổ nhiệm làm giám đốc âm nhạc của Nhà hát Opera Temeswar (nay là Timișoara, Romania). Năm 1900, ông trở về quê nhà Berlin làm giám đốc âm nhạc của Berlin State Opera, thay thế cho Franz Schalk. Những đồng nghiệp của ông tại đây gồm có Richard Strauss và Karl Muck. Ông đã chỉ huy ra mắt tại nhà hát vở opera Der arme Heinrich của Hans Pfitzner và hai người đã trở thành những người bạn thân thiết.

 

Năm 1901, Mahler, lúc đó là giám đốc âm nhạc của Vienna State Opera (lúc đó có tên gọi Vienna Court Opera), mời Walter làm trợ lý. Walter đã ngay lập tức nhận lời và có buổi ra mắt cùng nhà hát với Aida của Verdi. Năm 1907, ông được Vienna Philharmonic lựa chọn để trình diễn trong chương trình hòa nhạc Nicolai của dàn nhạc. Năm 1910, Walter là một trong những trợ lý của Mahler trong việc dàn dựng công diễn lần đầu bản giao hưởng số 8 của nhà soạn nhạc tại Munich. Công việc của Walter là tuyển chọn và làm việc cùng tám ca sĩ lĩnh xướng. Một trợ lý khác của Mahler chính là Otto Klemperer, người sau này cũng trở thành một nhạc trưởng lừng lẫy. Thời kỳ này, Walter đã gặt hái được danh tiếng trên trường quốc tế khi có những chuyến lưu diễn tại Prague, London và Rome, trong đó buổi biểu diễn Tristan und Isolde (Wagner) tại Covent Garden được tán thưởng nhiệt liệt. Walter là người có mặt bên giường bệnh khi Mahler qua đời vào ngày 18/5/1911 tại Vienna. Thực hiện nguyện vọng của người thầy, người anh thân thiết. Walter là nhạc trưởng trong buổi công diễn lần đầu tiên Bài ca trái đất của Mahler tại Munich vào ngày 20/11/1911 và bản giao hưởng số 9 vào ngày 26/6/1912 trong liên hoan âm nhạc Vienna cùng Vienna Philharmonic.

 

Sau khi trở thành công dân Áo vào năm 1911, Walter rời Vienna vào năm 1913 để đến xứ Bavaria làm tổng giám đốc âm nhạc của Bavarian State Opera, Munich. Trong giai đoạn này, liên hoan âm nhạc Bayreuth bị đóng cửa (1914-1923) và Munich trở thành trung tâm âm nhạc của Wagner. Walter là người góp công lớn trong việc biểu diễn các vở opera của nhà soạn nhạc này. Năm 1918 ông đảm nhận thêm cương vị giám đốc opera tại Nhà hát quốc gia Munich. Tháng 1/1914, Walter thực hiện chương trình hòa nhạc đầu tiên của mình tại Moscow. Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra nhưng các hoạt động âm nhạc của ông không vì thế mà gián đoạn. Ông tích cực giới thiệu những tác phẩm mới như các vở opera Violanta và Der Ring des Polykrates của Erich Wolfgang Korngold, Palestrina của Pfitzner hay Die Vögel của Walter Braunfels. Cũng trong thời kỳ ở Munich, Walter gặp gỡ và trở thành bạn thân của tiểu thuyết gia Thomas Mann và Hồng y giáo chủ Eugenio Pacelli (người sau này trở thành giáo hoàng Pius XII).

 

Năm 1922, kết thúc nhiệm kỳ của mình tại Munich (người thay thế ông là Hans Knappertsbusch), Walter lên đường tới Mỹ và có buổi biểu diễn đầu tiên tại đây vào ngày 15/2/1923 khi ông chỉ huy New York Symphony Orchestra tại Carnegie Hall. Chương trình gồm có overture Leonore số 2 của Beethoven, giao hưởng số 35 của Mozart và giao hưởng số 1 của Brahms. Sau đó ông tiếp tục thực hiện các chương trình hoà nhạc tại Detroit, Minnesota và Boston. Tuy nhiên, Walter chỉ dừng chân tại Mỹ trong một khoảng thời gian ngắn và đã quay trở lại châu Âu. Tại đây, ông xuất hiện lần đầu cùng Leipzig Gewandhaus Orchestra và Concertgebouw Orchestra. Từ năm 1925-1929, Walter trở thành giám đốc âm nhạc của Deutsche Oper Berlin. Ông ra mắt nhà hát La Scala vào năm 1926 và là nhạc trưởng chính các vở opera Đức tại Covent Garden từ 1924-1929. Từ năm 1929 đến tháng 3/1933, Walter là giám đốc âm nhạc của Leipzig Gewandhaus Orchestra. Công việc này bị gián đoạn khi Hitler lên nắm quyền tại Đức.

 

Thành công và bi kịch

Ngay từ cuối những năm 1920, Hitler với cương vị nhà lãnh đạo Đảng Đức quốc xã đã lên án gay gắt vì sự hiện diện của những nhạc trưởng Do Thái tại Deutsche Oper Berlin và chĩa mũi dùi về phía Walter, nhấn mạnh vào cái họ Schlesinger của ông. Khi Hitler chính thức nắm quyền vào tháng 1/1933, Walter đang biểu diễn ở New York và đã có kế hoạch biểu diễn cùng Leipzig Gewandhaus Orchestra vào tháng ba. Các chương trình đã bị hủy bỏ mặc dù ban lãnh đạo dàn nhạc đã có ý định chống lại quyết định này. Ông cũng bị cấm chỉ huy trong buổi hòa nhạc dự định với Berlin Philharmonic vào ngày 20/3. Richard Strauss là nhạc trưởng thay thế, ông đã tuyên bố “sẵn sàng thực hiện thay cho một đồng nghiệp bị cưỡng bức”. Các chương trình khác tại Frankfurt cũng bị dừng lại. Walter hiểu rằng mình sẽ không còn được hoạt động âm nhạc tại Đức và ông đã rời đi, chỉ quay lại quê hương sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

 

Ông và gia đình định cư tại Vienna và nơi đây trở thành trung tâm hoạt động chính của Walter trong những năm sau đó. Walter thường xuyên biểu diễn cùng Vienna Philharmonic và thực hiện nhiều bản ghi âm cùng dàn nhạc. Ông cũng tham gia chỉ huy tại liên hoan âm nhạc Salzburg. Năm 1936, Walter trở thành giám đốc nghệ thuật của Vienna State Opera và ngồi vào văn phòng từng thuộc về chính Mahler trước đây. Walter đã dũng cảm mời giọng contralto da màu Marian Anderson hát trong Alto Rhapsody của Brahms vào ngày 17/6/1936. Ông đã nhận được lời đe dọa bị giết chết nhưng vẫn dũng cảm thực hiện chương trình.

 

Từ năm 1934-1939, ông cũng đảm nhiệm cương vị nhạc trưởng thứ nhất (eerste dirigent) của Concertgebouw Orchestra. Ngoài ra, ông cũng gắn bó chặt chẽ với New York Philharmonic. Tháng 3/1838, Áo được sáp nhập vào Đức, Walter đang ở Pháp và ông đã được mời ở lại và đề nghị nhập quốc tịch. Con gái ông lớn Lotte bị giữ lại ở Vienna nhưng sau đó, ông đã thuyết phục để cô được thả. Cũng với sức ảnh hưởng của mình, Walter đã tìm được nơi định cư an toàn cho anh trai và chị gái của mình trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, một câu chuyện buồn đã xảy ra với Walter. Một cô con gái khác của ông Gretel đã bị chính chồng mình, Robert Neppach sát hại tại Berlin vào ngày 21/8/1939, người sau đó đã tự sát. Nguyên nhân gây ra cái chết là do chồng cô ghen tuông khi Gretel ngoại tình với giọng bass nổi tiếng Ezio Pinza. Vợ của Walter rơi vào trầm cảm vĩnh viễn và qua đời vào năm 1945 còn Walter thì không bao giờ tha thứ cho mình khi chính ông là người mời Pinza hát trong Don Giovanni tại liên hoan Salzburg.

 

Ngày 1/11/1939, Walter quay trở lại nước Mỹ và quyết định định cư ở đây. Ông sống tại Beverly Hills, California, nơi có nhiều người bạn xa xứ như ông, trong đó có Thomas Mann. Trong những năm tháng ở Mỹ, Walter đã làm việc với nhiều dàn nhạc nổi tiếng tại đây như Chicago Symphony Orchestra, Los Angeles Philharmonic, NBC Symphony Orchestra hay Philadelphia Orchestra. Ngày 14/2/1941, Walter lần đầu chỉ huy tại Metropolitan Opera trong vở opera Fidelio của Beethoven. Đây cũng là một địa điểm quen thuộc của ông, Walter đã chỉ huy tại đây trong hơn 80 đêm diễn. Sau khi John Barbirolli từ nhiệm cương vị giám đốc âm nhạc vào năm 1941, New York Philharmonic đã liên hệ với Bruno Walter, mời ông thay thế nhưng đã bị từ chối với lý do tuổi của ông đã cao (67 tuổi). Tuy nhiên, sau khi Artur Rodziński chia tay dàn nhạc vào tháng 2/1947, một lần nữa, New York Philharmonic đã mời ông và lần này Walter đã nhận lời nhưng chức danh được giảm xuống thành “cố vấn âm nhạc” và ông cũng chỉ đảm nhận đến năm 1949.

 

Nổi bật với những tác phẩm âm nhạc của trường phái Đức-Áo trải dài từ Haydn, Mozart đến Beethoven, Schubert, Brahms và Bruckner, Walter ghi dấu ấn với việc tái hiện các tác phẩm như thể chúng đang được trình diễn lần đầu tiên và luôn tạo ra cảm giác phấn khích của sự khám phá mới mẻ. Yehudi Menuhin, người khi còn là một cậu bé thần đồng từng cộng tác cùng Walter, đã nhận xét: “Ông luôn cố gắng kiếm tìm khoảnh khắc đầu tiên của sự hạnh phúc tột cùng… khi bạn lắng nghe hoặc gặp gỡ hoặc tìm kiếm một thứ gì đó bạn chưa từng thấy trước đây và điều đó bộc lộ sự hấp dẫn… và ông ấy luôn cố gắng tìm kiếm điều kỳ diệu đó mỗi khi ông ấy tạo ra âm nhạc”.

 

Cùng với Arturo Toscanini, Walter  có lẽ là những nhạc trưởng được ngưỡng mộ nhất thế giới vào thời điểm đó. Nếu Toscanini được biết đến với những diễn giải chính xác, và thường chơi ở nhịp độ nhanh thì phong cách của Walter đa dạng hơn và lãng mạn hơn. Walter là nhạc trưởng hiếm hoi trong thời đại của mình gắn bó với âm nhạc của Mahler, người mà ông vô cùng kính trọng. Năm 1946, ông nhập quốc tịch Mỹ.

 

Sau khi chiến tranh kết thúc, ông nhiều lần quay trở lại châu Âu, thực hiện nhiều buổi hòa nhạc tại các liên hoan Edinburgh, Salzburg cũng như tại Vienna và Munich. Tháng 9/1950, sau hơn bảy năm kể từ buổi hòa nhạc bị hủy bỏ vào tháng 3/1933, lần đầu tiên ông quay trở lại Berlin trong một buổi biểu diễn cùng Berlin Philharmonic với các tác phẩm của Beethoven, Mozart, Richard Strauss và Brahms. Walter cũng quay trở lại ngôi trường cũ, giảng dạy cho các sinh viên theo đúng nguyện vọng của họ. Căn bệnh tim xuất hiện vào năm 1957 khiến ông giảm dần cường độ làm việc của mình. Trong những năm cuối đời, ông thực hiện nhiều bản thu âm cùng Columbia Symphony Orchestra, dàn nhạc gồm những nhạc công tài ba do hãng thu âm Columbia thành lập. Buổi biểu diễn cuối cùng của ông diễn ra vào ngày 4/12/1960 với sự tham gia của nghệ sĩ piano Van Cliburn. Bản thu âm cuối cùng của Walter là các overture của Mozart, do thực hiện cùng Columbia Symphony Orchestra vào cuối tháng 3/1961. Walter qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 17/21962 tại nhà riêng ở Beverly Hills, thọ 85 tuổi. Thi hài ông được đưa về chôn cất tại nghĩa trang Gentilino ở Canton Ticino, Thụy Sĩ.

 

———

Giai đoạn quyết định nhất đối với sự nghiệp của Walter là khoảng thời gian làm việc cùng với Mahler nhưng cách làm việc của Walter với dàn nhạc rất khác với của Mahler. Mahler từng nổi tiếng với việc để đạt được mục đích của mình, ông đã tỏ ra rất khắc nghiệt với dàn nhạc và có rất nhiều câu chuyện về những nhạc công bị sỉ nhục, bỏ chạy khỏi các buổi tập trong nước mắt. Phong cách của Walter lại nhẹ nhàng, hài hước nhưng rất thuyết phục. Ông thường dành công sức và thời gian để nói chuyện với các nhạc công nhằm họ hiểu rõ hơn về những ý tưởng âm nhạc của mình, luôn gọi nhạc công bằng họ, đằng trước thêm kính ngữ Mister (ông) hoặc Miss (cô). Khi nhạc công không thực hiện đúng ý muốn của mình, Walter luôn nói nhẹ nhàng: “Bạn của tôi, tôi chưa thực sự hài lòng. Hãy làm lại một lần nữa”. Leonard Bernstein, người từng là trợ lý cho Walter nhận xét về ông: “Ông ấy rất tốt bụng, dịu dàng và quyết đoán trong cùng một thời điểm. Tôi không thể tin được có một nhạc trưởng lại có thể kết hợp được các phẩm chất của sự ấm áp, hòa nhã và uy quyền tuyệt đối đến mức độ như vậy”.

 

Georg Solti thường chỉ trích Walter là đôi khi nói quá nhiều về tính triết lý tổng thể của tác phẩm mà bỏ qua những chi tiết cụ thể. Nhưng Walter hiểu rõ hành động cho và nhận; trao cho dàn nhạc các sắc thái của từng tác phẩm và nhận được từ mỗi nhạc công sự cống hiến tốt nhất của họ. Nguồn năng lượng trôi chảy một cách tự do này đã làm cho các buổi biểu diễn của ông trở thành một trải nghiệm tinh tế cho khán giả.

 

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều