Tác giả: Ngọc Tú
Đăng ngày 11/01/2023 - 20:54
Rất nhiều nghệ sĩ cùng thời với Emanuel Feuermann đã coi ông là một tài năng vĩ đại, một người có năng khiếu vô cùng đặc biệt.
Trong sự nghiệp ngắn ngủi đầy bi kịch của mình, Emanuel Feuermann đã cách mạng hóa việc chơi cello khi đạt được sự dễ dàng chưa từng thấy về kỹ thuật trên nhạc cụ, bao gồm sự thoải mái hoàn hảo ở thang âm cao nhất trong khi vẫn sử dụng một giai điệu liền mạch được duy trì sang trọng và bền vững, với một kiểu rung mới bắt đầu ở mỗi nốt. Với một số người, kiểu biểu diễn cello của Feuermann tương đương với việc coi cello như một cây đàn violin. Feuermann đã biến cây đàn cello thành một thứ đồ chơi. Ông có thể làm mọi thứ với nó. Cái chết bi thảm của ông khi chưa đến 40 tuổi đã ngăn cản ông bộc lộ toàn bộ tài năng thiên bẩm của mình. Đối với thế hệ đi sau, điều này thật tệ hại, nó đã giới hạn ông trong một số lượng các bản ghi âm ít ỏi đáng kinh ngạc. Nhưng chúng vẫn toát ra tính nghệ thuật rất độc đáo.
Yêu cello từ trong máu
Emanuel Feuermann sinh ngày 22/11/1902 (ngày thánh Cecilia, vị thánh bảo trợ cho âm nhạc) tại Kolomyja, Galicia, vùng đất thuộc đế chế Áo-Hung (nay là Kolomyia, Ukraine) trong một gia đình Do Thái có cả bố và mẹ đều là nhạc sĩ. Emanuel đã lớn lên với tiếng đàn violin vang bên tai. Anh trai cậu, Sigmund được coi là một thần đồng violin, từng đi lưu diễn khắp châu Âu. Cha cậu bé, ông Maier, người chơi được cả violin và cello đã mua cho Emanuel – có tên gọi lúc nhỏ là Munio – một cây đàn violin và định dạy cậu chơi đàn. Tuy nhiên, cậu bé chỉ khăng khăng cầm đàn theo chiều thẳng đứng, vì vậy cha cậu đành phải tạo ra một cái chốt ở phần cuối đàn để có thể biến nó thành một cây cello nhỏ bé.
Để tiếp tục sự nghiệp cho Sigmund, cả gia đình để chuyển đến Vienna vào năm 1908, để Sigmund có thể học với Otakar Ševčík, một nghệ sĩ violin người Czech rất nổi tiếng thời đó. Ông Maier được nhận vào làm việc tại Tonkünstler Orchestra. Emanuel chưa được học nhạc một cách nghiêm túc, ông Maier có dạy cậu một số bài học cello đầu tiên. Thậm chí cậu còn “bám đuôi” anh trai Sigmund, học một số buổi violin với Ševčík. Tuy nhiên, khi lên 8 tuổi, Emanuel đã theo học cello một cách bài bản với Friedrich Buxbaum, bè trưởng bè cello của Vienna Philharmonic và sau đó là Anton Walter tại University of Music and Performing Arts, Vienna. Nhưng sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời Emanuel diễn ra vào năm 1912, khi Pablo Casals có buổi biểu diễn đầu tiên tại Vienna. Emanuel đã bị cây đàn cello chinh phục hoàn toàn. Cậu bé đòi mẹ mình kiếm cho được bản nhạc các tác phẩm Casals đã chơi trong buổi hòa nhạc đó và bắt đầu luyện tập không ngừng nghỉ. Tháng 2/1914, khi chưa đầy 12 tuổi, Emanuel đã có buổi biểu diễn đầu tiên trong sự nghiệp khi cậu chơi Cello concerto số 2 của Joseph Haydn tại Musikverein với Felix Weingartner chỉ huy Vienna Philharmonic. Sau đó, hai anh em nhà Feuermann đã đi biểu diễn cùng nhau nhiều lần với “Double” concerto của Johannes Brahms.
“Một tài năng như Emanuel Feuermann chỉ xuất hiện một lần trong vòng một trăm năm” – Jascha Heifetz
Tuy nhiên, không bị sa đà vào việc biểu diễn như anh trai mình, năm 1917, Emanuel đã đến Leipzig để theo học với Julius Klengel, thầy giáo cello nổi tiếng và là nhạc công của Leipzig Gewandhaus Orchestra. Klengel rất giỏi trong việc khai thác tiềm năng trong mỗi học sinh mình đồng thời tạo dựng cho chúng phong cách riêng độc đáo. Klengel đã nhận xét về cậu học trò cưng của mình: “Trong số tất cả những người được giao cho tôi giám hộ, chưa bao giờ có một tài năng nào như vậy… chàng trai trẻ đáng yêu và nghệ sĩ thần thánh của chúng tôi”. Năm 1919, Friedrich Grützmacher, giáo sư cello tại Gürzenich Conservatory, Cologne qua đời, Klengel đã tiến cử Emanuel thay thế. Và sau một buổi thử giọng, chàng trai mới 16 tuổi đã được nhận nhưng vì tuổi Emanuel còn quá trẻ nên anh không được phong làm giáo sư. Emanuel cũng trở thành nghệ sĩ cello chính của Gürzenich Orchestra, lúc này đặt dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Hermann Abendroth và tham gia Bram Elderling Quartet. Có một khoảng thời gian ngắn, Emanuel và anh trai Sigmund biểu diễn tam tấu với nghệ sĩ piano, nhạc trưởng Bruno Walter. Tháng 12/1921, Emanuel có bản thu âm đầu tiên của mình với Cello concerto số 2 của Haydn với hãng Parlophone. Năm 1923, anh ra mắt khán giả Anh tại Aeolina Hall, London. Năm 1928, anh thực hiện bản thu âm đầu tiên trên thế giới Cello concerto của Antonín Dvořák với sự cộng tác của Michael Taube và Berlin State Opera Orchestra.
Năm 1929, Feuermann trở thành giáo sư tại Musikhochschule, Berlin. Tại đây, anh có cơ hội gặp gỡ và biểu diễn cùng với nhiều nghệ sĩ lớn như Carl Flesch, Paul Hindemith, Jascha Heifetz, William Primrose và Arthur Rubinstein. Năm 1932, Feuermann sở hữu cây đàn cello được nghệ nhân người Venice Domenico Montagnana chế tạo vào năm 1735. Ngày nay, cây đàn này được gọi là Feuermann cello. Năm 1934, chế độ Đức Quốc xã mới lên nắm quyền đã sa thải Feuermann khỏi Musikhochschule và được mô tả là “một người Do Thái không thể dung thứ”. Rời khỏi nước Đức, Feuermann đến sống tại Paris một thời gian và sau đó tới London. Tại đây, cùng với nghệ sĩ violin Szymon Goldberg và Hindemith, anh đã thu âm Serenade của Ludwig van Beethoven và String Trio số 2 của Hindemith cho hãng Columbia records. Sau đó Feuermann lên đường đi lưu diễn Nhật Bản và Mỹ, nơi anh có màn ra mắt đầy ấn tượng tại Carnegie Hall cùng New York Philharmonic dưới sự chỉ huy của Walter vào ngày 2/1/1935 trong tác phẩm quen thuộc Cello concerto số 2 của Haydn. Báo chí New York đã nhận xét: “Xét về khả năng biểu diễn cello, ông Feuermann đã là một cuộc cách mạng. Với Feuermann, không khó khăn tồn tại, ngay cả khó khăn đủ sức thách thức bất cứ bậc thầy kỹ thuật nào”. Trở về London, anh kết hôn với Eva Reifenberg và họ có cô con gái Monica.
Ngày 21/11/1935, Feuermann có buổi trình diễn ra mắt đầu tiên tác phẩm Cello concerto của Arnold Schoenberg với Thomas Beecham chỉ huy London Philharmonic. Sau đó, gia đình anh chuyển tới sinh sống tại Zurich. Anh đến Vienna biểu diễn vào tháng 3/1938, trùng vào thời điểm Anschluss, nước Áo bị sáp nhập vào Đức Quốc xã. Thật may mắn, nghệ sĩ violin Bronisław Huberman đã giúp đỡ Feuermann và gia đình trốn thoát đến Palestine, lúc này đang thuộc Anh. Từ đây, họ tới Anh và sau đó chuyển đến sinh sống tại Mỹ vào cuối năm 1938. Gia đình họ định cư tại Rye, một thành phố nhỏ ở ngoại ô New York. Trước đó, cùng với BBC Symphony Orchestra và Arturo Toscanini, một người rất ngưỡng mộ tài năng của anh, Feuermann vẫn còn kịp chinh phục khán giả London trong Don Quixote của Richard Strauss. Nhà phê bình Reid Steward đã viết trên The Strad: “Tôi không nghi ngờ gì khi nghĩ rằng Feuermann là nghệ sĩ cello vĩ đại nhất còn sống, ngoại trừ Casals. Với Feuermann, chúng ta có một nghệ sĩ điêu luyện ngoạn mục hàng đầu. Tôi có thể nói đó là Wieniawski của cây đàn cello”.
Tài năng nhưng mệnh yểu
Ngày 7/11/1938, Feuermann có màn tái xuất đầy ngoạn mục cùng New York Philharmonic, lần này dưới sự chỉ huy của John Barbirolli và vẫn là trong cello concerto số 2 của Haydn. Chính Feuermann là người khởi xướng các màn “marathon” trong biểu diễn nhạc cổ điển. Ông đã có bốn đêm diễn liên tục tại Carnegie Hall trong 13 tác phẩm dành cho cello độc tấu và dàn nhạc khác nhau. Tại Mỹ Feuermann lại có cơ hội hợp tác cùng với những người bạn cũ Heifetz và Rubinstein, một trong những bộ ba huyền thoại, thời điểm đó họ được gọi là “Bộ ba triệu đô la”. Cả Heifetz và Rubinstein đều rất khâm phục tài năng của Feuermann. Rubinstein đã nhận xét về ông: “Đối với tôi, cậu ấy đã trở thành nghệ sĩ cello vĩ đại nhất mọi thời đại, bởi vì tôi đã nghe một Casals giỏi nhất. Ông ấy có tất cả mọi thứ trên đời, nhưng ông ấy chưa bao giờ đạt đến được kỹ năng như của Feuermann”. Còn giữa Heifetz và Feuermann có một tình bạn thắm thiết. Tiếng đàn cello của Feuermann, được mệnh danh là giống với violin nhất trong toàn bộ những nghệ sĩ cello, thật sự phù hợp với Heifetz. Họ là những đối tác tuyệt vời nhất của nhau trong lĩnh vực hòa tấu thính phòng. Bản thu âm “Double concerto” của Brahms do Heifetz và Feuermann biểu diễn dưới sự chỉ huy của Eugene Ormandy và Philadelphia Orchestra được thực hiện vào năm 1939 vẫn là một trong những đĩa nhạc tuyệt vời nhất của tác phẩm này. Sau khi Feuermann qua đời, phải bảy năm sau Heifetz mới tìm được một đối tác chơi cello khác là Gregor Piatigorsky. “Bộ ba triệu đô” đã để lại một số bản thu âm quý giá trong các trio của Beethoven, Brahms và Franz Schubert cho hãng RCA Victor. Ngoài ra, Feuermann cũng hợp tác với Huberman và Alfred Schnabel.
Mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa Feuermann và Hindemith đã bị rạn nứt vào năm 1940 khi trước đó Hindemith đã đề nghị để Feurmann trình diễn ra mắt bản Cello concerto của mình nhưng rồi cuối cùng lại giao nó cho Piatigorsky chơi cùng Boston Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Serge Koussevitzky. Ngoài việc dạy những bài học tư, Feuermann cũng tham gia giảng dạy tại Nhạc viện Curtis từ năm 1941. Những học sinh của ông đều cho biết ông là một thầy giáo tuyệt vời. Bên cạnh cây đàn Montagnana, sau này Feuermann cũng sở hữu De Munck, một cây cello Stradivarius được chế tác vào năm 1730. Ngày nay cây đàn thuộc quyền sở hữu của Nippon Music Foundation. Nghệ sĩ Steven Isserlis từng có thời gian được cho mượn cây đàn này đã nhận xét: “Cây cello trong mơ… nó có tất cả mọi thứ”. Trong thời gian đầu sự nghiệp, Feuermann sử dụng dây đàn làm bằng ruột ngựa, nhưng sau khi tới Mỹ, ông chuyển sang dùng dây La bằng thép, dây Rê là ruột bọc nhôm còn dây Son và Đô bọc bằng bạc. Feuermann ưa chuộng những cây vĩ của Pháp như Voirin, Lamy và Sartory. Là một bậc thầy về rubato, Feuermann thường chọn nhịp độ nhanh nhưng không bao giờ vội vã. Cánh tay phải sử dụng vĩ của ông vô cùng nhanh nhẹn, tạo ra những đường legato tuyệt hảo và vô cùng thoải mái ở những nốt nhạc cao nhất. Ông đã từng chơi chương cuối bản violin concerto của Felix Mendelssohn trên cello trong những dịp biểu diễn cho bạn bè. Starker nhận xét về tiếng đàn của Feuermann: “Casals luôn luôn tạo ra một âm thanh cello ở bất cứ chỗ nào ông ấy chơi. Không có sự phân biệt về giọng điệu giữa soprano, baritone hay bass. Feuermann là người đầu tiên vươn tới giọng nữ cao màu sắc nhờ cây đàn violin”.
Sau buổi trình diễn cello concerto của Dvořák ở Ann Arbor cùng Philadelphia Orchestra trong ngày 19/5/1942, Feuermann đã vào bệnh viện Park East, New York để thực hiện một cuộc phẫu thuật trĩ. Tất cả mọi người đều nghĩ đó chỉ là một thủ thuật y tế thông thường nhưng không ai ngờ được rằng cuộc phẫu thuật đã dẫn đến cái chết cho Feuermann vào ngày 25/5/1942, khi ông chưa đầy 40 tuổi, một điều mà không ai giải thích được. Trong tang lễ của Feuermann, Toscanini đã khóc lớn và hét lên rằng: “Đây là một vụ giết người”. Những nghệ sĩ nổi tiếng khác đi bên quan tài gồm có Ormandy, Huberman, Schnabel, George Szell, Rudolf Serkin và Mischa Elman. Một nhóm tứ tấu đàn dây đã chơi chương chậm trong bản tứ tấu đàn dây số 10 “Harp” của Beethoven để tiễn đưa người nghệ sĩ vĩ đại.
Hiếm có một người nghệ sĩ nào lại nhận được sự tán dương và kính trọng từ phía các đồng nghiệp như Feuermann. Casals, người đã mang lại niềm cảm hứng mạnh mẽ với cây đàn cello của cậu bé Emanuel năm nào đã nhận xét về người đồng nghiệp trẻ tuổi: “Feuermann là một nghệ sĩ vĩ đại! Sự qua đời sớm của anh ấy là một tổn thất to lớn đối với âm nhạc”. Những nghệ sĩ cello thế hệ sau cũng vô cùng ngưỡng mộ di sản to lớn của ông. Yo-Yo Ma cho biết: “Ông ấy là một lý tưởng mà mọi người phấn đấu hướng đến vì sự chân thành, tính trọn vẹn và kỹ thuật điêu luyện”. Còn Janos Staker thì không ngần ngại tuyên bố: “Tôi coi ông ấy là nhân vật quan trọng nhất của nghệ thuật biểu diễn cello trong thế kỷ 20 bởi vì ông ấy đã nâng việc chơi cello lên một tầm cao mới. Nếu ông ấy sống lâu hơn, ông ấy sẽ thực sự thay thế Casals. Casals chịu trách nhiệm thiết lập cách chơi cello của thời hiện đại, còn Feuermann là người đã chỉ cho chúng ta con đường phát triển tiếp theo”.
Những bản thu âm ít ỏi còn sót lại của Feuermann đều là những nguồn tài nguyên vô giá, cần được trân trọng giữ gìn và thưởng thức. Ông đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự với cây đàn cello, việc nghe lại những di sản của Feuermann vẫn sẽ luôn khiến chúng ta phải kinh ngạc. Cái tên Emanuel Feuermann là một bằng chứng thuyết phục chúng ta về cái gọi là một thiên tài âm nhạc, vốn không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp.
(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)