Chopin: Sonata piano số 3

09:31 AM, Thứ ba, 21/05/2024
446

Tác giả: Cobeo (nhaccodien.info) tổng hợp

 

 

Thông tin chung

 

Tác giả: Frédéric Chopin.
 

Tác phẩm: Sonata piano số 3 giọng Si thứ, Op. 58
 

Thời gian sáng tác: Năm 1844.
 

Công diễn lần đầu: Tháng 1/1866 tại Warsaw dưới sự trình diễn của nghệ sĩ piano người Ba Lan Aleksander Zarzycki.
 

Độ dài: Khoảng 33 phút.
 

Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng bá tước Émilie de Perthuis.
 

Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Allegro maestoso (Si thứ – Si trưởng)
Chương II – Scherzo: Molto vivace (Mi giáng trưởng – Si trưởng – Mi giáng trưởng)
Chương III – Largo (Si trưởng – Mi trưởng – Si trưởng)
Chương IV – Finale: Presto non tanto (Si thứ – Si trưởng)

 

 

Hoàn cảnh sáng tác

 

Cho đến khi họ chia tay nhau vào năm 1847, Chopin và George Sand đã dành phần lớn thời gian mùa hè của họ tại Nohant, điền trang nông thôn của bà. Tại đây, Chopin đã sáng tác ra rất nhiều kiệt tác của mình. Năm 1844 đang là khoảng thời gian hạnh phúc của Chopin. Ông đã hoàn thành bản Sonata piano số 3 và đề tặng người bạn và học trò của mình, nữ bá tước Émilie de Perthuis.

 

Cũng giống như bản số 2, tác phẩm này sau khi ra đời đã bị các nhà phê bình chê bai trong một khoảng thời gian dài và chỉ trở nên nổi tiếng trong thế kỷ 20 khi các nghệ sĩ piano thường xuyên đưa nó vào danh mục biểu diễn của mình. Ngược lại với truyền thống của các bản sonata trước đó, phần tái hiện của chương I trong bản sonata piano của Chopin bắt đầu không phải với chủ đề 1 mà với chủ đề 2. Điều này cho phép ông tự do xử lý chủ đề đầu tiên với sự đối âm phức tạp trong phần phát triển mà không sợ bị chói sáng quá mức. Về mặt cấu trúc, bản Sonata piano số 3 có 4 chương, tương tự như bản số 2 nhưng ở chương III, thay vì Hành khúc tang lễ là một khúc nhạc trữ tình chậm rãi. Riêng việc chọn giọng cho tác phẩm đã là một dấu ấn mang tính cá nhân nổi bật của Chopin. Giọng Si thứ cũng hầu như chưa bao giờ xuất hiện trong kho tàng những bản sonata piano.

 

Phân tích

Chương I

Chương I bắt đầu với một chủ đề mạnh mẽ và kiên quyết với những quãng tám trong âm lượng forte. Tuy nhiên, ngay sau đó, sắc thái đã thay đổi thành piano. Và rồi sau đó, chủ đề hai xuất hiện, du dương hơn, giống như một bản nocturne ở giọng có liên quan Rê trưởng. Phần trình bày khá dài đẫn đến việc đôi khi có nghệ sĩ piano bỏ qua phần lặp lại. Giống như ở Sonata piano số 2 và Sonata cello sau đó, trong phần tái hiện, Chopin đã bỏ qua chủ đề một và tới thẳng chủ đề hai trong phần tái hiện. Đây rõ ràng là bằng chứng cho thấy nhà soạn nhạc đã chủ đích có ý tưởng cách tân thể loại sonata vốn đã được định hình vững chắc trong âm nhạc cổ điển hơn một thế kỷ trước đó.

 

Chương II

Chương II là một scherzo ở giọng Mi giáng trưởng có dạng ba đoạn, đặc trưng với những nốt móc đơn sôi nổi được chơi bằng tay phải. Nếu ở tốc độ chậm hơn, ta thấy chúng có những nét tương đồng với chủ đề thứ hai trong bản Ballade số 1 của ông, đều ở giọng Mi giáng trưởng. Chopin đã chuyển phần kết thúc của scherzo sang giọng trùng âm Rê thăng trưởng. Phần trio (dù Chopin không gọi như vậy) cung cấp một loạt đối âm chuyển động chậm rãi trong những nốt nhạc được ngân dài, tạo nên một khung cảnh mơ mộng. Không giống như chương scherzo ở bản số 2, chương nhạc này rất ngắn nhưng vẫn có sự độc đáo nổi bật của riêng mình.

 

Chương III

Chương III thường được so sánh với những nocturne tuyệt vời nhất của Chopin về giai điệu và tâm trạng. Mặc dù có phần giới thiệu đầy bão tố trong nhịp điệu chấm dôi nhưng toàn chương nhạc mang một tâm trạng thanh thản với những nét nhạc đẹp dịu dàng dẫn đến một phần giữa êm dịu, tinh tế ở giọng Mi trưởng, mang nhiều tính cantabile, một bằng chứng nữa cho thấy tình yêu của Chopin với các vở opera bel canto. Đây là chương sâu sắc nhất về mặt âm nhạc.

 

Chương IV

Như chính Chopin từng lưu ý, chương IV của tác phẩm này cũng là chương thứ 12 trong toàn bộ các sonata piano của ông. Ông lựa chọn hình thức sonata-allegro cho chương nhạc này, như Mozart và Beethoven đã thường xuyên sử dụng trước đó. Mặc dù không có sự độc đáo về mặt hoà thanh nhưng nó cho thấy sự cam kết về mặt hình thức và thể loại của bản sonata. Chương nhạc có sự hấp dẫn mãnh liệt với sự rực rỡ được duy trì liền mạch. Được mở đầu bằng những quãng tám hùng vĩ tăng dần nửa cung trong bè trầm, chủ đề chính của chương nhạc truyền tải tâm trạng hối hả của một rondo trong nhịp 6/8. Chủ đề vui vẻ hơn ở giọng Si trưởng, được lặp lại 2 lần trong chương nhạc, tạo nên một cấu trúc A-B-A-B-A. Một coda đòi hỏi kỹ thuật khủng khiếp nhấn mạnh sự phấn khích khép lại tác phẩm trong một cái kết chói lọi ở giọng Si trưởng, khiến tác phẩm trở thành bản sonata piano duy nhất kết thúc ở giọng trưởng.

 

Bản sonata piano này là một trong những thách thức khó khăn của Chopin về cả mặt kỹ thuật lẫn âm nhạc. Tác phẩm được xuất bản vào mùa hè năm 1845. Đương thời nó không nhận được sự tán thưởng, chủ yếu nhằm vào cấu trúc của tác phẩm, cho rằng thiếu đi sự nhất quán. Nhưng ngày nay, Sonata piano số 3 đã được công nhận là “Bốn chương của nó chứa đựng những nét nhạc hay nhất từng được viết cho piano” như nhà âm nhạc học người Anh Arthur Hedley đã nhận xét.

 

Nguồn:
en.chopin.nifc.pl
booklets.idagio.com
parlancechamberconcerts.org

 

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều