Concert hậu gameshow - hướng đi mới cho công nghiệp biểu diễn

07:00 AM, Thứ năm, 24/10/2024
312

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà

 

Sân khấu concert Việt ngày nay được coi không thua kém gì những nền công nghiệp giải trí tiên tiến trong khu vực (Ảnh: BTC)

 

Chỉ cần nhận lời tham gia những gameshow kiểu Anh tài, Chị đẹp… là người chơi cầm chắc một vé tham gia biểu diễn trên sân khấu concert quy tụ hàng vạn khán giả. Đây là điều mà ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong gameshow đó cũng chưa từng có được cho riêng mình. Vì nếu đã có thì gần như chắc chắn họ không tham gia gameshow.

 

Có thể nói những buổi hòa nhạc quy mô sân vận động chính là mục tiêu mà mọi nghệ sĩ giải trí, mọi nền công nghiệp giải trí đều muốn vươn tới. Mặc dù chúng ta chưa và còn lâu mới có những thương hiệu cỡ Taylor Swift hay BlackPink để có thể lưu diễn khắp thế giới nhưng đã có những… gameshow phần nào giúp thay đổi tình thế. Những chương trình truyền hình thực tế này không chỉ cung cấp một đội ngũ nghệ sĩ đủ khả năng trình diễn concert mà còn làm nảy sinh một lượng khán giả cuồng nhiệt sẵn sàng mua vé. Ngoài ra còn phóng tay chi trả cho đủ mọi hoạt động “đu thần tượng” theo chuẩn quốc tế.

 

“Tác dụng phụ” của gameshow

 

Một buổi hòa nhạc tại sân vận động quy tụ toàn bộ các nghệ sĩ tham gia sau khi gameshow kết thúc đã và đang trở thành một “tục lệ” trong showbiz Việt. Kể từ sự thành công của Ca sĩ mặt nạ mùa đầu. Được biết Chị đẹp đạp gió rẽ sóng cũng dư sức để làm concert sau đó nhưng vì cận Tết nên nhà tổ chức không kịp trở tay. Và họ sẽ rút kinh nghiệm cho mùa 2.

 


Khán giả mặc áo mưa sẵn sàng tham dự concert Anh trai vượt ngàn chông gai tối 19/10 tại TP.HCM (Ảnh: BTC)

 

Gameshow kiểu Anh trai vượt ngàn chông gai chứng tỏ: Nghệ sĩ đủ trình độ để bước lên sân khấu concert không thiếu. Miễn là họ được chọn lựa và huấn luyện đúng cách. Lúc này gameshow như kiểu bù vào chỗ thiếu hụt trong nền công nghiệp âm nhạc.

 

Ca sĩ Việt nhất là thế hệ trước thường mắc phải những hạn chế bao gồm không được đào tạo bài bản, đầy đủ về âm nhạc cùng kỹ năng trình diễn. Khi làm nghề, đa số tự bơi mà không có công ty đỡ đầu, định hướng. Kết quả là cho dù có thành công và ngay ở thời kỳ đỉnh cao họ cũng chỉ thực hiện được những liveshow tầm vài nghìn khán giả, và nói chung không có khái niệm lưu diễn. Những công ty giải trí cỡ Yeah1 hay Vieon trước mắt có thể đảm nhiệm cả công tác huấn luyện, quảng bá lẫn tổ chức biểu diễn cho các nghệ sĩ mà họ nhắm tới.

 

Một điều kiện tiên quyết để có những concert chính là tiềm lực tài chính. Lượng khán giả của Đen Vâu chẳng hạn hoàn toàn có thể lấp đầy vài buổi biểu diễn nhưng có khi anh lại không thể mạnh tay đầu tư cho bản thân được như doanh nhân Hà Anh Tuấn. Hay như Vũ nếu không có bệ đỡ là một tập đoàn giải trí quốc tế chắc cũng chưa thể có cho mình những buổi diễn xôm tụ như vừa qua. Mỹ Tâm cũng phải mất vài chục năm mới xây dựng được một đế chế kiểu “muốn làm concert lúc nào cũng được” như bây giờ. Việc những tập đoàn giải trí đầu tư vào lĩnh vực này lúc này sẽ giúp nhiều nghệ sĩ rút ngắn được thời gian phấn đấu. Để có thể có những chương trình biểu diễn phù hợp nhất với năng lực trước khi họ quá tuổi.

 


Niềm vui của các nghệ sĩ có cơ hội xuất hiện trong concert hậu gameshow
(Ảnh: Yeah1)

 

Làm concert sau gameshow cũng là dịp để nhà tổ chức thể hiện tiềm năng tài chính cùng năng lực tổ chức. Để các ngôi sao cảm thấy đủ đẳng cấp làm concert- không loại trừ cả sao quốc tế muốn đến Việt Nam biết địa chỉ mà gõ cửa. Trước mắt trong số các anh tài có thể thấy Soobin hoặc Binz có khả năng đứng riêng trong những concert hay thậm chí tour diễn. Việc tham gia gameshow với họ cũng giống như một lần đo độ nóng, độ hút của bản thân để đi tới quyết định thực hiện những dự án cá nhân hoành tráng.

 

Người Việt xem concert Việt

 

Có thể hình dung sự nóng lòng của khán giả khi tới tận lúc này mới có thể áp dụng những “kiến thức” đu idol quốc tế cho những nghệ sĩ trong nước. Nhân các concert của Anh trai vượt ngàn chông gai hay Anh trai say hi, các nhóm hâm mô triển khai không thiếu một đầu mục gì từ quà lưu niệm miễn phí, cờ phướn, standee, xe tải đồ ăn tiếp ứng (food truck), dựng bối cảnh chụp ảnh (photobooth), chạy màn hình LED, xe buýt quảng bá thần tượng.... Được biết người hâm mộ Soobin còn chạy clip quảng cáo cho anh tại hẳn quảng trường Thời Đại ở New York (Mỹ). Còn việc đăng tải hành trình “vượt chông gai” của thần tượng trên màn hình quảng cáo SkyLED Thủ Thiêm lớn nhất Đông Nam Á chỉ là chuyện nhỏ.

 

Hoạt động tự giác của người hâm mộ không chỉ kịp thời tiếp ứng nghệ sĩ mà còn đồng hành với nhà tổ chức. Nó cũng giống như một kiểu tưởng thưởng khi nhà tổ chức đã đầu tư sản xuất chương trình, tạo điều kiện cho khán giả thể hiện tình cảm với nghệ sĩ. Trong trường hợp này cảm xúc chính là một tài nguyên. Khi nghệ sĩ hay nhà tổ chức biết cách khai thác nó từ khán giả, họ sẽ có vốn để làm nhiều thứ bao gồm concert.

 

Khán giả xem concert Anh trai vượt ngàn chông gai không chỉ tự hào vì độ hoành tráng trong công nghệ tổ chức. Họ còn bày tỏ sự xúc động vì văn hóa nước nhà được lồng vào nội dung trình diễn một cách nhuần nhuyễn, qua một chuỗi các tiết mục Trống cơm, Dạ cổ hoài lang, Áo mùa Đông, Mưa trên phố Huế, Đào liễu, Chiếc khăn piêu. Một khán giả miêu tả: “Hãy tưởng tượng 20 nghìn con người cùng hát cải lương, cùng hò Huế, cùng hát chèo, hát nhạc cách mạng trong một cái concert? Kiểu phải ở trong không khí ấy mới thấy lòng yêu dân tộc và yêu nước nó sục sôi dữ dội lắm”.

 

Việc xây dựng những buổi biểu diễn nhạc Việt quy mô như concert chính là một cách hữu hiệu để khẳng định và phát huy bản sắc văn hóa. Không ai khác chỉ những nghệ sĩ Việt mới đem lại thứ âm nhạc thuần Việt hơn cả. Và chắc chắn cảm xúc mà những bài hát tiếng Việt tạo ra cho người nghe Việt ngay trên đất Việt sẽ rất khác những bản hit tiếng Anh, tiếng Hàn...

 

Box:

 

Không khí tại các concert của các nghệ sĩ Việt được mô tả “ngày càng giống với những sự kiện âm nhạc quốc tế”, “đi đu idol Việt mà tưởng lạc vào concert idol Kpop”, “cảm giác lâng lâng khi lần đầu đi concert của idol nước nhà” … Tại đây, khán giả không chỉ thích thú vì được trao đổi các vật dụng lưu niệm mà còn “được giao dịch bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh, Hàn như trước kia”. Điều này góp phần khơi gợi niềm tự hào dân tộc trong người trẻ, bắt đầu từ một hành động tưởng chừng đơn giản: Từ fan Kpop “quay đầu” về với Vpop.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều