ĐẠI GIA ĐÌNH KÈN SONA

07:00 AM, Thứ sáu, 28/03/2025
237

Tác giả: Lê Hải Đăng

 

Bộ sưu tập kèn sona

 

Sona là loại kèn khá đặc biệt, có số phận “ba chìm bảy nổi” theo dòng chảy lịch sử, đồng thời chiếm vị trí trọng yếu trong âm nhạc truyền thống. Kèn này mang nhiều tên gọi khác nhau, như kèn bóp, kèn già lam, kèn loa, kèn bát, kèn đám ma, kèn tò te… “Bà con” gần xa của nó di trú khắp nơi trên thế giới, từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Iran, Israel cho đến châu Âu, Mỹ, Phi xa xôi. Tiếng Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Srya, Israel… gọi kèn sona là zurna, ngôn ngữ Ba Tư cổ là surnay, hiện tại lấy tên sron; tiếng Ấn Độ gọi là shanai, gần với saranai của người Chăm, châu Âu gọi là kèn shawn, Trung Quốc sona, Hàn Quốc có tên Taepyeongso hay tiêu Thái bình, Đài Loan gọi là Ái tử, Charumera (xuất xứ từ tiếng Bồ Đào Nha), Nhật Bản, Myanmar có Hne’… Qua đó cho thấy, kèn sona có mạng lưới quan hệ rất rộng, phủ khắp châu Á, Âu, Mỹ, Phi.   

Kèn sona vốn bắt nguồn từ vùng Tây Á, rồi lan truyền khắp thế giới. Tây Á từng phát tích ba tôn giáo lớn: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo. Nằm giữa ba châu Á, Âu, Phi, Tây Á tập trung nhiều nền văn minh rực rỡ, như Ả Rập, Ai Cập, La Mã cổ, Ba Tư, Babilon, kể cả Hy Lạp. Trước khi ký các hiệp định thương mại đánh dấu thời kỳ Toàn cầu hóa, “Con đường tơ lụa” đã đi qua đây mở ra cơ hội giao lưu, tiếp biến văn hóa. Men theo “Con đường tơ lụa”, âm nhạc Tây Á lan truyền, ảnh hưởng tới nhiều khu vực, phía đông tới châu Á - các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí lan tới Đông Nam Á. Châu Á có nhiều nhạc cụ tiếp thu từ Tây Á, như đàn tỳ bà, harp, đồng bạt, Tam thập lục, kèn sona. Phía tây sang châu Âu có đàn lute, kèn shawn, tiền thân của kèn oboe. Từ thế kỷ VIII, văn hóa Ả Rập du nhập Tây Ban Nha, nhờ vậy mà nghệ thuật, khoa học nước này phát triển nhanh chóng, gián tiếp ảnh hưởng tới phong trào văn nghệ Phục hưng. Bằng hình thức quá cảnh Tây Ban Nha, đàn barbat họ lute phổ biến ở châu Âu rồi chuyển biến thành đàn oud. Khoảng thế kỷ XI-XIII dàn quân nhạc Thổ Nhĩ Kỳ tung hoành khắp châu Âu, trong đó có sự tham gia đắc lực của kèn zurna. Âm hưởng dàn quân nhạc Thổ ảnh hưởng kéo dài tới thời hoàng kim của trường phái âm nhạc Cổ điển Viên. Bằng chứng là nhà soạn nhạc thiên tài người Áo V.A Mozart, người Đức L.V. Beethoven... vẫn bị ám ảnh để di thanh của nó đi vào tác phẩm. Chương Rondo sonate K331 viết cho đàn piano của Volfgang Amazeus Mozart có biệt danh: “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”; Lutvich Van Beethoven cũng không quên hoài niệm âm sắc kèn đồng Thổ Nhĩ Kỳ qua tác phẩm “Marcia alla Turca”. Sau khi quân nhạc Thổ Nhĩ Kỳ thoái lui khỏi châu Âu, âm hưởng kèn zurna để lại trong kèn shawn, loại nhạc cụ dăm kép, rồi kèn oboe, một thành viên chính thức trong dàn nhạc giao hưởng.

 Kèn zurna có dạng hình ống, làm bằng chất liệu gỗ, đầu kèn loe rộng như chiếc nón, sử dụng dăm kép. Nhạc công ngậm miệng vào ống thổi, kích âm bằng hơi. Âm sắc kèn này khá nổi, vang rền, âm khu cao nghe hơi chói. Trên thực tế, từ kèn zurna Tây Á du nhập vùng Cossack, rồi Caucasus với loại kèn shawn, sau khi “tuốt” lại âm sắc nghe mảnh mai hơn. Cả một vùng rộng lớn gồm Amernia, Daghestan, Azerbaijian, Georgia đều dùng loại kèn ống nhỏ, mở rộng hoặc loe về phía đầu với âm sắc đã xích lại gần kèn oboe. Trong dàn nhạc giao hưởng, oboe mệnh danh là công chúa. Với âm sắc mảnh mai như sợi chỉ, nó có khả năng xuyên thấu dàn nhạc, trở thành căn cứ âm thanh (thanh mẫu) để chỉnh âm cho nhạc cụ khác.

Ở Việt Nam, Phạm Đình Hổ trong sách “Vũ trung tùy bút” có nhắc tới tiếng kèn của ta gồm các âm: “Tí um bo tịch tót tò te”. Xét về từ tượng thanh, “Tí um bo tịch tót tò te” chính là âm thanh kèn sona. Ngoài ra, giới nghệ nhân còn sử dụng loạt chữ có phụ âm đầu là “H” nhằm biểu thị cao độ của kèn, như: hò, họi, hô, hu, ha, hy… Loại từ tượng thanh này dường như pha trộn tiếng Việt, tiếng Quảng (Đông), Mân (Phước Kiến)…, một dấu hiệu cho thấy tính chất đa dạng trong thực thể cây kèn.

Trở lại vấn đề đọc âm, cao độ kèn sona phản ánh nhiều cung bậc tình cảm con người mà đa phần liên quan đến tiếng khóc. Hiện tượng ấy có lẽ đến muộn hơn so với tuổi đời nhạc cụ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thời kỳ trung cổ, kèn zurna đóng vai trò trung tâm trong dàn quân nhạc. Sau đó, nó đã di chuyển sang châu Âu. Ở Trung Quốc sớm từ thời kỳ nhà Đường (thế kỷ VII-IX), kèn sona thuộc biên chế Viêm bộ nhạc, một tổ chức âm nhạc quân đội, rồi nhạc Cổ xuy tập hợp nhạc khí gõ và hơi. Ngoài chốn dân gian, kèn sona dùng cho lễ rước dâu. Ở Việt Nam kèn bầu thuộc nhiều loại biên chế, trong đó có Nhã nhạc.

Như vậy, sau khi rớt khỏi “lầu đài gác tía” lưu lạc ngoài chốn dân gian, kèn sona đã thay đổi thân phận, từ một nhạc cụ có giọng điệu khẳng khái, vang dội trở thành âm thanh thống thiết, bi ai trong đám tang. Ảnh hưởng này đã làm thay đổi căn bản sự nhìn nhận của người đời mà hệ chữ nhạc sử dụng từ tượng thanh phản ánh tiếng khóc là một bằng chứng. Nhà nghiên cứu Hoàng Kiều từng nhận xét, hiện tượng sử dụng phụ âm “h” chỉ các âm ở kèn liên quan đến môi trường diễn tấu. Đặc biệt, sau khi gia nhập môi trường nghi lễ tang ma, kèn sona đã hóa thân thành “kèn đám ma”. Mặc dù, kèn này không hề giới hạn phạm vi không gian diễn tấu. Quá trình chuyển hóa bối cảnh đã dẫn tới sự thay đổi về mặt thân phận mà sau khi trải qua cảnh “thương hải tang điền”, kèn sona đã bị “trượt giá”. Điều này diễn ra trên nhiều phạm vi, từ Nhã nhạc đến lễ nhạc, từ âm nhạc Trung Đông, Trung Quốc đến Việt Nam.  

Khi tiến sĩ Lý Tịnh Huệ, nguyên chủ nhiệm khoa Âm nhạc Truyền thống  Đại học Quốc lập Đài Bắc thành lập khoa Âm nhạc học Truyền thống năm 1998, cô đã sưu tầm các chủng loại kèn sona trên khắp thế giới trưng bày tại trường nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên. Sau đó, nhà trường tiến thêm bước nữa, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức mà còn yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải biết thổi kèn sona, đặc biệt là kỹ thuật truyền âm, một kỹ xảo đặc trưng của nhạc cụ. Từ đó, kèn sona chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong cơ sở giáo dục, gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường văn hóa.

Ở nước ta, về nguyên tắc, các cơ sở âm nhạc chuyên nghiệp đều tuyển sinh chuyên ngành kèn sona, nhưng, hầu như không có thí sinh dự tuyển. Nếu không có thay đổi mang tầm chiến lược, rất khó cải thiện thực trạng. Hiện tại kèn sona vẫn tồn tại lay lắt ngoài chốn dân gian, cùng lắm ổn định trong biên chế Đại nhạc thuộc di sản Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn. Bởi vậy, âm thanh của nó lúc nào cũng nghe thống thiết. Nỗi buồn này không biết đến bao giờ!?

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều