Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030

07:00 AM, Thứ hai, 17/03/2025
450

Tác giả: Thanh Nhã

Ảnh: Quốc Anh

 

 

Ngày 12/3/2025, tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Đại hội Nhiệm kỳ lần thứ I, nhằm tổng kết hoạt động giai đoạn (2019 - 2024), đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ lần thứ I (2025 - 2030).

 

 

Dự Hội nghị có nhạc sĩ Lê Chí Quốc Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam; nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam; ông Phan Chín - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quảng Nam; đại biểu các ban ngành, các chi hội trong Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng và các nhạc sĩ, nghệ sĩ của tỉnh Quảng Nam…

 

 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, nhạc sĩ Lê Chí Quốc Anh đã nêu một số tình hình chung về cơ cấu tổ chức hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong tình hình hiện nay và phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Mong muốn Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Nam phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, tiếp tục sáng tác những tác phẩm âm nhạc có giá trị, chú trọng công tác bồi dưỡng kết nạp hội viên mới và trẻ hóa đội ngũ hội viên…

 

 

Nhạc sĩ Lê Chí Quốc Anh tặng hoa chào mừng Đại hội

 

 

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc Đại hội

 

Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Quảng Nam trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, đã vượt mọi khó khăn, thách thức, có nhiều hoạt động tích cực, sáng tác các tác phẩm âm nhạc có chất lượng tốt, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho quần chúng nhân dân. Hiện nay, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Nam có 6 hội viên, trong đó chuyên ngành sáng tác 5 hội viên, chuyên ngành đào tạo 1 hội viên. Tất cả đều đang sinh hoạt tại Chi hội Âm nhạc Quảng Nam – trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam. Hầu hết hội viên được đào tạo bài bản, có bề dày hoạt động âm nhạc, sáng tác nhiều ca khúc đi vào lòng quần chúng yêu âm nhạc, có sức lan toả mạnh mẽ trên khắp mọi miền đất nước.

Về kết quả hoạt động chuyên môn, Chi hội đã cụ thể hoá chương trình hành động của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khuyến khích động viên các nhạc sĩ phát huy sáng tạo, tìm tòi, thể nghiệm các đề tài, khuynh hướng sáng tác mới, cho ra đời những tác phẩm, những bài viết có giá trị. Các hội viên đã có ý thức trách nhiệm đối với phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng. Dù gặp trở ngại lớn do tình hình Đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng Chi hội đã có những hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực.

Về hoạt động sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình âm nhạc: Thế mạnh trong sáng tác của Chi hội vẫn là ca khúc. Trong 5 năm qua, các hội viên đã cho ra đời khoảng 1.000 ca khúc, phần lớn hướng về chủ đề quê hương đất nước, mảnh đất con người Quảng Nam; xây dựng nông thôn mới; chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… được các nhạc sĩ quan tâm đầu tư, có giá trị về tư tưởng và học thuật. Trong sáng tác, xu hướng khai thác chất liệu dân gian, dân ca Cơ Tu, Xê Đăng, Bù Noong… được các nhạc sĩ chú trọng. Đợt vận động sáng tác tuyên truyền phòng chống Đại dịch Covid-19 nhiều tác giả hưởng ứng kịp thời, đã có 10 tác phẩm trình làng, góp phần tuyên truyền có hiệu quả. Thể loại hợp xướng, romance, khí nhạc… các nhạc sĩ cũng đầu tư sáng tác, cho ra đời nhiều ca khúc thiếu nhi, làm giàu thêm tài sản âm nhạc cho thiếu nhi đất Quảng. Về mảng nghiên cứu, lý luận phê bình chỉ đạt được kết quả khiêm tốn, trên  báo địa phương cũng có những bài viết giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhà báo nhưng về tính lý luận còn yếu.

Về hoạt động phong trào, công tác đào tạo, hầu hết các lễ hội lớn của địa phương, các liên hoan âm nhạc khu vực, toàn quốc, như “Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn”, “Diễn xướng dân gian các dân tộc Trường Sơn,Tây Nguyên”, “Lễ hội Hoa Sưa Tam Kỳ”… đều có sự góp mặt của các nhạc sĩ Chi hội với tư cách là nhạc sĩ sáng tác, đạo diễn, biên kịch, hội đồng giám khảo... như nhạc sĩ Hoàng Bích, Huy Hùng viết kịch bản, đạo diễn chương trình “Lễ hội Văn hoá miền núi Quảng Nam”; nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải viết kịch bản, tổng đạo diễn chương trình “Lễ hội 420 năm Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”; nhạc sĩ Lê Xuân Trúc với tư cách là giảng viên âm nhạc trường Đại học Quảng Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong công tác đào tạo âm nhạc.

Về tổ chức đi thực tế, tham gia trại sáng tác và các hoạt động giao lưu âm nhạc, tổ chức thành công chuyến đi thực tế “Biển đảo quê hương” tại Lý Sơn - Quảng Ngãi; tham gia giao lưu với Chi hội Âm nhạc Quảng Ngãi, viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng danh nhân Quảng Nam; các chuyến đi về các huyện miền núi Quảng Nam, dự trại sáng tác ở Đà Lạt - Lâm Đồng; tham dự liên hoan âm nhạc toàn quốc tại Buôn Ma Thuột; dự Liên hoan âm nhạc khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh; dự lớp tập huấn chuyên môn âm nhạc tại Đà Lạt; dự toạ đàm “Vấn đề sáng tác ca khúc cho thiếu nhi” tại Đài Truyền hình Đà Nẵng; dự lớp tập huấn chuyên môn âm nhạc tại Phú Yên; tham gia trại sáng tác Nha Trang - Khánh hoà. Các nhạc sĩ có tác phẩm đăng ở “Tuyển tập ca khúc về Duy Xuyên”, tuyển tập ca khúc về “Binh chủng Hải quân”, tuyển tập ca khúc “Nghệ An yêu thương”. Nhạc sĩ Phan Văn Minh in ấn phát hành tuyển tập ca khúc “Cả nhà thương nhau”, nhạc sĩ Huy Hùng in tuyển tập ca khúc “Tiếng hát bên dòng sông”. Tất cả thành viên Chi hội đều có tác phẩm in ở 2 tuyển tập ca khúc in chung “Quê hương xứ rượu Hồng đào”, “Quê mình Xứ Quảng”.

* Các nhạc sĩ của Chi hội thời gian qua tích cực hoạt động và đạt được nhiều thành tích:

- Nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng: Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam 2024; Giải C Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần III; Giải C ca khúc thiếu nhi, Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2020); Giải Khuyến khích Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2020).

- Nhạc sĩ Hoàng Bích: Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam 2021, 2023; 1 giải A và 1 giải B - Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần III; Giải B Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ IV.

- Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Vinh: Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam 2023; Giải Khuyến khích Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần III;  Giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác ca khúc Công an nhân dân (Bộ Công an, 2024); Giai C sáng tác ca  khúc “Hát về Công An chấp pháp” (Bộ Công an, 2022)

- Nhạc sĩ Phan Văn Minh: Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam 2019, 2021, 2022; Giải B Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần III; Giải C Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ IV; Giải C Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Giải Ba viết về thành phố Đà Nẵng.

- Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải: Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam 2021, 2022; 1 giải A, 1giải B Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần III; Giải C Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ IV; Giải C hợp xướng Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2022; Giải B Liên hoan âm nhạc khu vực; Giải Khuyến khích sáng tác ca khúc Biên giới, Hải Đảo và Bộ đội Biên phòng (2019); Giải C sáng tác ca khúc “Miền đất võ Tây Sơn - Bình Định” 2022; Giải Ba “Biển Xanh và môi trường” Bộ Tài nguyên Môi trường; Giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác ca khúc “Quảng Trị niềm tin và khát vọng” 2023.

- Nhạc sĩ Lê Xuân Trúc: Giải Khuyến khích Giải thưởng 5 năm Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ IV.

- Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích và Phan Văn Minh vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022.

 

 

Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ I (2025 - 2030), gồm 3 nhạc sĩ: nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải là Chi hội trưởng; nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng là Chi hội phó; nhạc sĩ Lê Xuân Trúc là Ủy viên.

Đại hội cũng nhất trí bầu 2 nhạc sĩ đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2025 - 2030) tại Hà Nội: nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải và nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng.

* Phát huy những thành tích đạt được, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2025 -2030:

Hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ I (2025 - 2030) của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Nam bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực; phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, từng bước chuyên nghiệp hóa trong sáng tác; tạo điều kiện thuận lợi để hội viên sáng tác các thể loại hợp xướng, khí nhạc, romance, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân; đầu tư nhiều cho sáng tác ca khúc thiếu nhi; xây dựng chi hội lớn mạnh về đội ngũ, hội viên có tâm, có nghề và đoàn kết cùng nhau tiến bộ.

Cụ thể, trên cơ sở phương hướng chung, trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, cần thực hiện những nhiệm vụ cơ bản:

- Tiếp tục cho ra đời những tác phẩm âm nhạc có giá trị.

- Tham gia tích cực hoạt động phong trào, góp phần định hướng hoạt động âm nhạc đi vào chiều sâu, tránh những khuynh hướng lệch lạc trong thưởng thức nghệ thuật.

- Quan tâm đến công tác quảng bá tác phẩm, phấn đấu tổ chức 5 chương trình biểu diễn sân khấu giới thiệu tác giả, tác phẩm trong nhiệm kỳ mới. In ấn, phát hành 2 tập ca khúc in chung; các tác giả có kế hoạch in riêng tác phẩm của mình.

- Chi hội giới thiệu các tác giả, nghệ sĩ tích cực, có thành tích, để Hội Nhạc sĩ Việt Nam xem xét kết nạp thêm hội viên mới.

- Tham gia tích cực vào các cuộc vận động sáng tác tại địa phương, ngoài tỉnh và trung ương.

- Tổ chức ít nhất các chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên của Chi hội.

- Hằng năm tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 bài bản hơn, hiệu quả hơn, quảng bá hình ảnh hoạt động âm nhạc sâu rộng trong đời sống xã hội, kịp thời động viên những nhạc sĩ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều