EM LÀ MÙA XUÂN ĐẤT NƯỚC

05:41 AM, Thứ năm, 16/01/2025
83

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

 

 

Trời cao trong xanh
Sương sớm long lanh
Mặt nước xanh xanh
Cành lá rung rinh…

Thật trong trẻo tươi tắn qua con mắt trẻ thơ: lung linh bầu trời soi mặt nước, lấp lánh giọt sương trên lá cây, rộn ràng bầy chim cùng đàn bướm.

Thật dễ nhớ dễ hát như những câu đồng dao mộc mạc với các tính từ cuối câu đều cùng âm vần “anh”: trong xanh, long lanh, xanh xanh.

Thật đơn giản tự nhiên mà rất chuẩn xác trong mối quan hệ giữa lời và nhạc qua chuỗi từ láy “long lanh, xanh xanh, rung rinh” ứng với các cặp âm cùng cao độ.

Con đường đến trường, đến với kiến thức của chúng ta - bọn trẻ con ngày ấy sao mà nhẹ nhàng, hân hoan đến thế! Đâu phải căng thẳng vì áp lực, mệt mỏi vì kẹt xe, còng lưng cõng chiếc ba lô nhồi các kiểu sách vở như con cháu chúng ta hôm nay.

Sau vẻ vô tư nhún nhảy chân sáo tới lớp, câu nhạc dàn trải hơn, mở rộng dần cả về trường độ và cao độ. Cũng không dừng ở tả thực cảnh sắc nữa, lời ca mang ý nghĩa khái quát hơn liên quan đến đất nước và niềm tin. Với cấu trúc rành mạch cân đối và giai điệu trầm bổng trong âm sắc ngũ cung, khổ thứ hai lấy đà từ nốt thấp nhất nâng dần lên nốt cao nhất “mang cho chúng em bao hi vọng”.

Vẫn giữ kết cấu vuông vắn, khổ thứ ba chuyển tải lời nhắn nhủ uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn thế hệ cha ông. Lồng bài học đạo lý vào giai điệu du dương là một cách dạy trẻ con “vừa chơi vừa học” hiệu quả, dễ ngấm nhớ lâu.

Có mấy phiên bản khác nhau vài chi tiết lời ca và nhan đề, phổ biến hơn cả là Ca ngợi Tổ quốc. Theo bản chép tay của nhạc sĩ Hoàng Vân, bài hát mang tên Đất nước mùa xuân có khổ cuối tổng hợp tiết tấu dồn dập của khổ đầu và nét ngân nga của các khổ giữa, để hỏi đi hỏi lại “mùa xuân đang gọi ai” và chốt bài bằng lời đáp “mùa xuân đang gọi em”.

Các khổ nhạc luôn đổi mới giai điệu nhưng đều thống nhất nguyên tắc phát triển dựa trên âm hình tiết tấu của mỗi khổ. Bài hát bình dị hồn nhiên dành cho trẻ nhỏ còn cho thấy sự kết hợp tính linh hoạt của cấu trúc nhiều “trổ” đặc trưng nhạc cổ truyền dân tộc và tính khúc triết cân phương của phương Tây, cũng như sự hài hòa giữa tính nghệ thuật và tính học thuật.

Bàn về học thuật trong bài hát thiếu nhi có vẻ không mấy phù hợp, ấy vậy mà vẫn rất “liên quan” vì khúc hát này được sinh ra từ bản đại hợp xướng Hồi tưởng (1960) soạn cho dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng phức hợp (gồm hợp xướng thiếu nhi và hợp xướng bốn bè). Trong tác phẩm được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật này, giai điệu của dàn hợp xướng thiếu nhi giữ vai trò hết sức quan trọng, không những độc tôn ở phần trình bày, mà còn được tái hiện huy hoàng trong phần kết đa tầng đa nghĩa. Giai điệu mùa xuân thêm rộn ràng bay bổng nhờ được nâng cánh bởi các thủ pháp phối khí tinh tế, có thể nhận thấy âm sắc thánh thót của dàn nhạc láy lại hai âm trùng cuối câu “cành lá rung rinh”, như tiếng chim lảnh lót vừa đối đáp giọng hát trẻ thơ, vừa chuẩn bị “tình huống” dẫn dắt sang câu sau “bày chim non hát ca vang”. Đặc biệt ấn tượng về tính học thuật là phần kết với thủ pháp phức điệu song hành hai chủ đề âm nhạc: “Trời cao trong xanh” của hợp xướng thiếu nhi được lồng vào hợp xướng người lớn “Ta đi tới”. Cảm xúc được đẩy lên cao trào trong sự hòa hợp các thế hệ: tuổi măng non được nâng đỡ bằng cả một bề dày truyền thống lịch sử đất nước.

Trích đoạn Đất nước mùa xuân đã sống như một tác phẩm độc lập và luôn có mặt trong danh sách những bài hát thiếu nhi được yêu thích nhất. Khúc ca xinh xắn cùng bản đại hợp xướng Hồi tưởng đã khẳng định tên tuổi Hoàng Vân như một nhạc sĩ của tuổi thơ, cũng như một nhà soạn nhạc với đúng nghĩa của từ này. Tác phẩm góp phần đáng kể trong một sự nghiệp thành công ở nhiều thể loại lớn nhỏ - từ ca khúc thiếu nhi đến hợp xướng giao hưởng, một sự nghiệp âm nhạc được ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

Xuân là mùa chuyển giao năm cũ sang năm mới. Tuổi xuân đất nước không ngừng luân chuyển từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Khúc ca xuân của trẻ thơ cũng được chuyển tiếp qua nhiều thế hệ, từ ông bà sang cha mẹ rồi tới con cháu. Nghe lại Đất nước mùa xuân, có bao giờ bỗng dưng ta tự hỏi: thế hệ mùa xuân của đất nước năm nào đã thực sự biết trân trọng vẻ đẹp tự nhiên của đất trời, biết gìn giữ môi trường thiên nhiên trong lành mà tuổi thơ mình từng được hưởng để trao lại cho những thế hệ sau? Sống lại cảm giác phơi phới nhẹ tênh “theo bước chân em đi đến trường” của một thời đã xa, có khi nào bỗng dưng ta thấy thương thấy áy náy vì sự thiệt thòi trong nhịp sống nhiều áp lực không đáng có của tuổi thơ thời @?

 “Mùa xuân đang đến, nhìn đất nước đổi mới muôn màu”... 

Khát khao, hy vọng, hồi sinh, khởi đầu, đổi mới là những điều diệu kỳ mùa xuân mang lại. Đổi mới không có nghĩa là xóa hết những gì đã có, và để hồi sinh vẻ đẹp đã mất cần có những đổi mới trong nhận thức. Cảm xúc xuân, âm điệu của bài ca đón xuân biết đâu lại lần nữa nhắc ta thúc ta hướng tới sự đổi mới thực sự cho đất nước, cho con trẻ, cho nhiều thế hệ mùa xuân của đất nước mai sau.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều