János Starker – Luôn kiếm tìm sự hoàn hảo

08:43 AM, Thứ sáu, 07/06/2024
121

Tác giả: Ngọc Tú

 

János Starker, một trong những nghệ sĩ cello vĩ đại nhất thế kỷ 20, được các nhà phê bình đánh giá là đã thiết lập một chuẩn mực mới cho bản thu âm sáu tổ khúc dành cho cello độc tấu của Johann Sebastian Bach.

 

Thần đồng cello

 

János Starker sinh ngày 5/7/1924 tại Budapest trong một gia đình Do Thái. Cha cậu, ông Sandor là một thợ may có nguồn gốc Ba Lan còn mẹ, bà Margit đến từ Ukraine. János là con út, trên cậu là hai anh trai Tibor và Ede. Margit luôn muốn những đứa con của mình được học âm nhạc một cách bài bản. Hai anh trai cậu đều theo học violin còn János tỏ ra yêu thích cây đàn cello một cách kỳ lạ khi nhận được nhạc cụ này nhân dịp sinh nhật lần thứ sáu. Cậu bé gắn bó với cây đàn và có những buổi biểu diễn trước công chúng chỉ ít lâu sau đó. Ngay lập tức, cậu được coi là thần đồng. Không chỉ có vậy, János còn bộc lộ xu hướng trở thành giáo viên của mình từ khi còn rất trẻ. Tám tuổi, cậu đã có học sinh đầu tiên và con số tăng lên năm khi János 12 tuổi. Sự tận tâm của Starker trong việc giúp đỡ người khác chơi đàn là một đặc điểm mà ông sẽ mang theo trong suốt cuộc đời của mình.

 

János theo học tại Học viện Âm nhạc Franz Liszt, nhạc viện danh giá nhất Hungary, với Adolf Schiffer, người từng là học trò của David Popper. Chính Schiffer đã giới thiệu János với Pablo Casals vào năm 1931. Thầy giáo dạy môn hòa tấu thính phòng Leo Weiner được Starker coi là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của ông. János cũng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như Bartók, Zoltán Kodály và Ernő Dohnányi.

 

Trong tự truyện của mình, Starker cho biết khi 13 tuổi, ông từng biểu diễn Konzertstuck của Dohnányi với nhà soạn nhạc đệm piano. 14 tuổi, János có buổi ra mắt chính thức đầu tiên với khán giả Budapest khi cậu chỉ có ít giờ chuẩn bị để thay thế cho nghệ sĩ độc tấu chính trong cello concerto của Antonín Dvořák. 15 tuổi, János trở thành tâm điểm của sự chú ý tại Budapest khi biểu diễn bản sonata dành cho cello độc tấu của Kodály, một tác phẩm bị bỏ quên trong nhiều năm vì những khó khăn về mặt kỹ thuật đến mức “không thể chơi được”.

 

Kết thúc việc học tập tại Học viện Âm nhạc Franz Liszt vào năm 1939, Starker khởi đầu sự nghiệp bằng cách trở thành nhạc công cello của Budapest Opera và Budapest Philharmonic Orchestra. Cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai lan rộng, cả gia đình Starker bị bắt giam vào trại tập trung nằm ở một hòn đảo trên sông Danube, ngay bên ngoài Budapest. Starker cho biết trong giai đoạn này, mình vẫn luyện tập đàn cello trong đầu. Thật may mắn là cha mẹ và Starker vẫn còn sống khi kết thúc chiến tranh nhưng hai người anh trai thì mất tích. Starker tin rằng Đức Quốc xã đã xử tử họ. Starker trở lại với công việc chơi cello tại các dàn nhạc ở Budapest cho đến năm 1946. Anh quyết định đến Paris để tìm kiếm những cơ hội mới. Tại đây, anh trở thành nghệ sĩ độc tấu và phân bổ thời gian giữa các chương trình hòa nhạc và thu âm. Tháng 10/1946. Anh tham gia cuộc thi cello được tổ chức tại Geneva nhưng chỉ giành được giải ba. Đây là thời điểm Starker phải nhìn nhận lại bản thân: “Tôi đã chơi như một người mù. Điều gì xảy ra với con chim bay và không biết mình bay như thế nào? Đó là điều xảy ra với những đứa trẻ thần đồng”.

 

“Các khía cạnh kỹ thuật trong cách chơi của Starker được kết hợp hoàn hảo trong sự diễn giải và phong thái đến nỗi người nghe có xu hướng quên đi mức độ thành thạo mà nghệ sĩ đã đạt được. Cao độ chính xác không sai lầm, giai điệu êm dịu không ủy mị, những quãng nhảy và chạy nốt khó được điều khiển dễ dàng, không phô trương dưới bàn tay của một ảo thuật gia”.

                                                                                     (nhà phê bình âm nhạc Raymond Ericson)

 

Dành một năm để nghiên cứu lại toàn bộ kỹ năng chơi đàn của mình, năm 1948, với việc thu âm sonata dành cho cello độc tấu của Kodály, Starker đã được trao tặng giải Grand Prix du Disque danh giá. Cũng trong năm này, dưới sự gợi ý của nhạc trưởng đồng hương Antal Doráti, Starker di cư đến Mỹ. Ban đầu, anh trở thành thành bè trưởng bè cello trong Dallas Symphony Orchestra, dàn nhạc mà Doráti làm Giám đốc âm nhạc.

 

Fritz Reiner, một nhạc trưởng Hungary khác đã thuyết phục Starker đến New York để làm bè trưởng bè cello trong Metropolitan Opera Orchestra. Năm 1953, khi Reiner trở thành Giám đốc âm nhạc của Chicago Symphony Orchestra, Starker cũng đi theo Reiner và rất kính trọng Reiner “Biểu diễn với Reiner, bạn học được điều gì đó mới mẻ ở mỗi buổi tập”. Giám đốc âm nhạc của New York Philharmonic, Dmitri Mitropoulos mời Starker thử việc cho vị trí trưởng bè cello của dàn nhạc nhưng ông đã từ chối. Starker cho biết lí do: “Tôi là nghệ sĩ cello chính của Metropolitan Opera. Nếu Mitropoulos muốn nghe tôi chơi, lẽ ra ông ấy phải đích thân gọi cho tôi thay vì bắt tôi chơi cho một ủy ban nào đó”. Cũng trong năm 1953, Starker nhập quốc tịch Mĩ. Đất nước Hungary mang lại cho ông sự đau buồn và xa lạ: “Khi nhớ lại 22 năm ở Hungary, tôi chỉ cảm thấy niềm vui và cảm giác thân thuộc khi là một người Mỹ”. Năm 1958, Starker quyết định rời khỏi các dàn nhạc, theo đuổi sự nghiệp của một nghệ sĩ biểu diễn độc tấu và định cư ở Bloomington, Indiana. Ông cũng bắt đầu giảng dạy tại Indiana University Jacobs School of Music và trở thành giảng viên cello nổi tiếng nhất nước Mỹ.

 

 

Tái tạo nhiều âm thanh trên cây đàn cello

 

Starker nhanh chóng khẳng định mình là một trong những nghệ sĩ cello xuất sắc nhất trên thế giới. Các lời mời biểu diễn từ khắp nơi trên thế giới, hợp đồng thu âm đến với ông tới tấp. Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, Starker chơi trong khoảng 100 chương trình hòa nhạc mỗi năm. Bach là nhà soạn nhạc có nhiều ý nghĩa với ông, gần như một thứ tôn giáo: “Ngoại trừ thời gian và khả năng có hạn của một người, người ta hy vọng nó (âm nhạc của Bach) sẽ không bao giờ kết thúc. Những sáng tạo của Bach sẽ tồn tại miễn là khát vọng của con người còn tập trung vào nghệ thuật và âm nhạc”. Starker cũng là người giữ kỷ lục trong việc thu âm các tổ khúc dành cho cello độc tấu của Bach, được coi là đỉnh Everest của danh mục tác phẩm dành cho cello, với năm lần (lần đầu tiên không đầy đủ, chỉ có các tổ khúc số 1, 3, 4 và 6). Ông cho biết cứ mỗi khi mình ký hợp đồng với một hãng thu âm khác là đều nhận được đề nghị biểu diễn các tổ khúc này. Đánh giá về các màn trình diễn này của Starker, nhà phê bình âm nhạc James R. Oestreich nhận xét “dường như ông đang giao tiếp với nhà soạn nhạc hơn là biểu diễn trước công chúng”. Starker cũng thường biểu diễn các tác phẩm thính phòng với các nghệ sĩ Josef Suk và Julius Katchen.

 

Janos Starker chơi tổ khúc cho cello No.1 in G, BWV 1007 của Bach

 

Cello là một nhạc cụ có âm sắc mãnh liệt và biểu cảm rất gần với giọng người nhưng Starker luôn chơi nhạc với gương mặt không bộc lộ cảm xúc, một phong thái thường được so sánh với Jascha Heifetz, người mà Starker rất ngưỡng mộ. Thông thường, Starker xuất hiện trên sân khấu với một vẻ ngoài lịch lãm quý tộc và để chính bản thân âm nhạc tạo nên cảm xúc. Starker yêu thích câu nói của nghệ sĩ piano György Sebők, người từng nhiều lần đệm đàn cho ông: “Hãy tạo ra sự phấn khích. Đừng phấn khích”. Starker sở hữu một kỹ thuật chơi đàn hoàn hảo, các giai điệu có độ tinh khiết cao, các câu nhạc được diễn giải bóng bẩy, trong trẻo, gắn bó chặt chẽ với ý đồ của nhà soạn nhạc, những ưu điểm gới nhớ lại Feuermann. Raymond Ericson nhận xét về ông trên New York Times: “Các khía cạnh kỹ thuật trong cách chơi của Starker được kết hợp hoàn hảo trong sự diễn giải và phong thái đến nỗi người nghe có xu hướng quên đi mức độ thành thạo mà nghệ sĩ đã đạt được. Cao độ chính xác không sai lầm, giai điệu êm dịu không ủy mị, những quãng nhảy và chạy nốt khó được điều khiển dễ dàng, không phô trương dưới bàn tay của một ảo thuật gia”.

 

“Cách tiếp cận âm nhạc của tôi không phải lúc nào cũng giống như tiếng cello. Tôi tạo ra nhiều loại âm thanh: soprano, mezzo, tenor, bass, baritone, flute, oboe, clarinet…”

                                                                                                                                             (Janos Starker)

 

Từng là thành viên của Metropolitan Opera Orchestra và nhiều dàn nhạc khác, điều này có lẽ đã góp phần hình thành nên nhân sinh quan của ông: “Đối với tôi, một âm thanh đẹp là thứ có liên quan đến giọng hát hoặc nhạc cụ khác, điều mà tôi tin rằng thực tế sẽ phân biệt tôi với bất kỳ nghệ sĩ cello nào khác, còn sống hay đã chết. Tôi coi mình là nghệ sĩ cello có giọng hát và nhạc cụ hay nhất từng sống, điều này khiến âm thanh của tôi trở nên khác biệt và dễ nhận biết. Điều tôi muốn nói ở đây là cách tiếp cận âm nhạc của tôi không phải lúc nào cũng giống như tiếng cello. Tôi tạo ra nhiều loại âm thanh: soprano, mezzo, tenor, bass, baritone, flute, oboe, clarinet… Mười một năm chơi trong dàn nhạc và thời gian ở Metropolitan Opera Orchestra đã giúp tôi tiếp xúc với nhiều âm thanh khác nhau. Ngoài các đồng nghiệp trong dàn nhạc của tôi, tôi đã nghe những nghệ sĩ độc tấu và ca sĩ vĩ đại nhất và làm việc với những nhạc trưởng vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Kinh nghiệm của tôi đã thôi thúc tôi tìm cách tái tạo trên cello những âm thanh mà tôi nghe được”.

 

Janos Starker biểu diễn Rumanian Folk Dances của Bartok.

 

Với tài năng nổi bật của Starker, nhiều nhà soạn nhạc như Bernhard Heiden, Jean Martinon, Miklós Rózsa, Chou Wen-Chung hay Robert Starer đã dành tặng các sáng tác cho ông. Trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20, Starker được coi là một trong những nghệ sĩ cello vĩ đại nhất, thường được so sánh với Mstislav Rostropovich. Giữa hai thiên tài này có một phong cách trái ngược. Nếu Rostropovich cởi mở, sôi nổi và lãng mạn thì Starker tỏ ra điềm tĩnh và tỉnh táo và cổ điển hơn. Starker cũng không ngần ngại nêu quan điểm của mình: “Những gì tôi muốn thấy là một chút khiêm tốn và phẩm giá được thể hiện đối với nghệ thuật của chúng ta và bớt tự đề cao bản thân hơn. Slava nổi tiếng hơn, nhưng tôi là nghệ sĩ cello vĩ đại hơn”.

 

Starker còn luôn được biết đến với những phát ngôn thẳng thừng, không nể nang nhằm vào những đồng nghiệp. Khi còn là nhạc công của Metropolitan Opera Orchestra, ông từng chê trách nhạc trưởng Eugene Ormandy không biết gì về tác phẩm Die Fledermaus (Johann Strauss) đang được luyện tập. Điều này khiến Starker nhiều năm không được mời biểu diễn cùng Philadelphia Orchestra, nơi Ormandy làm giám đốc âm nhạc.

 

Cũng vì từ chối thử việc tại New York Philharmonic mà mãi đến gần 20 năm sau, ngày 19/10/1972, Starker mới có lần đầu tiên biểu diễn cùng dàn nhạc, với nhạc trưởng là Stanislaw Skrowaczewski trong Cello concerto số 1 của Joseph Haydn. Ông cũng từng nói: “Nhạc trưởng là những người được đánh giá quá cao trong âm nhạc”. Với đồng nghiệp trẻ tuổi Jacqueline du Pré, Starker nhận xét: “Cô ấy là một nghệ sĩ cello tài năng phi thường và xinh đẹp, nhưng tôi tin rằng cô ấy đã đẩy nhanh sự hủy hoại của chính mình vì đã tiêu tốn quá nhiều sức lực trong các buổi biểu diễn của mình”. Starker còn nổi tiếng với việc yêu thích whisky và nghiện thuốc lá. Có những giai đoạn ông hút tới 60 điếu thuốc mỗi ngày, chỉ giảm xuống 25 điếu khi về già và từng từ chối biểu diễn cùng South Carolina Philharmonic khi bị ngăn cấm hút thuốc tại hậu trường.

Một album các tổ khúc cello của Bach mà János Starker thu âm với hãng RCA. Nguồn: The Strad

 

Người thầy nghiêm khắc

 

Ở cương vị nghệ sĩ cello, Starker tỏ ra là một người lạnh lùng, cao ngạo nhưng khi là một thầy giáo, ông lại thể hiện sự khiêm nhường đáng mến. Ông từ chối dùng thuật ngữ master class để chỉ các buổi dạy của mình mà thích một từ đơn giản hơn “hội thảo”. Starker coi dạy học là một phần không thể thiếu trong cuộc đời nghệ thuật của mình “Cá nhân tôi không thể biểu diễn được nếu không giảng dạy và tôi không thể dạy mà không biểu diễn. Khi bạn phải giải thích những gì bạn đang làm, bạn sẽ khám phá ra những gì bạn đang thực sự làm”.

 

Starker cũng coi mình là một giáo viên bẩm sinh, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2006, ông cho biết: “Trong 48 năm qua tôi đã ở đây và 37 năm trong đó tôi đã biểu diễn 100 buổi hòa nhạc mỗi năm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với tôi là giảng dạy. Về cơ bản, tôi được sinh ra để làm giáo viên. Đó là tính cách của tôi. Cho dù sau mỗi buổi hòa nhạc, mọi người có hoan nghênh nhiệt liệt đến đâu, cuối cùng họ cũng ngồi xuống và ngừng vỗ tay. Nhưng nếu bạn dạy học, bạn có thể ảnh hưởng đến các thế hệ. Tôi có một món nợ với lịch sử… Tôi quan tâm đến tương lai nhiều hơn là tất cả những giải thưởng mà tôi nhận được khi biểu diễn. Tôi vẫn sống khi nhiều người khác, kể cả các anh của tôi, đã thiệt mạng trong chiến tranh. Thực tế là tôi còn sống có nghĩa nhiệm vụ của tôi là phải làm càng nhiều điều tốt càng tốt”.

 

Với những sinh viên của mình, Starker tỏ ra đặc biệt nghiêm khắc. Từng có một giai thoại về việc dạy học của ông: Một tai nạn xảy ra và ba nghệ sĩ cello qua đời. Họ đều muốn lên thiên đường. Tại cổng thiên đường, họ gặp thánh Peter và nhận được cùng một câu hỏi: Anh học đàn với ai? Người thứ nhất trả lời: Rostropovich. Ồ, vậy anh phải xuống địa ngục. Người thứ hai: Leonard Rose. Anh cũng xuống địa ngục đi. Người thứ ba: Starker. Thánh Peter: Anh có thể vào thiên đường. Anh đã trải qua địa ngục rồi.

 

Janos Starker, A Lesson in Music

 

Nhưng trở thành học trò của Starker không chỉ là điều không phải ai cũng có thể đạt được mà còn là một niềm kiêu hãnh. Maria Kliegel, người từng theo học ông trong những năm 1970, kể lại: “Tôi chơi chương chậm trong bản cello concerto giọng Rê trưởng của Haydn. Khi kết thúc, ông im lặng. Ông đốt một điếu thuốc và nói rất chậm với âm điệu trầm: Nếu bạn còn chơi như vậy nữa tôi sẽ phủ nhận việc đã từng là thầy giáo của bạn. Ông ấy biết tôi tự hào thế nào khi được là học trò của ông, vì vậy nhận xét của ông đã ảnh hưởng đến tôi rất mạnh mẽ. Tôi thu dọn chiếc đàn cello của mình và rời khỏi phòng. Tôi không thể nói gì. Điều đó thật kinh khủng, nhưng ông ấy biết tôi có thể chịu đựng được… Và tôi đã hiểu. Ý của ông là bạn không sở hữu ngữ điệu tốt. Bạn luôn phải nỗ lực để đạt được nó”. Henri Demarquette, một sinh viên khác của Starker cho biết ông có “kiến thức về giải phẫu, gần như để phẫu thuật cơ thể con người”. Starker cho biết có tới 70 cơ bắp trên cơ thể phải phối hợp với nhau để tạo ra âm thanh tối ưu của cello. Ông cũng cho xuất bản một loạt các bài giảng âm nhạc, được gọi là Phương pháp có tổ chức để chơi đàn dây, chia thành hai tập cho cello và double bass.

 

Từ năm 1950 đến 1965, Starker biểu diễn trên cây đàn Lord Aylesford Stradivarius. Từ năm 1965, ông sử hữu nhạc cụ được Matteo Goffriller chế tác từ năm 1705 với cái tên trước đó là Ivor James Goffriller. Starker đã đổi tên nó thành Ngôi sao. Starker, với sự tận tâm tuyệt vời dành cho âm nhạc, đã thiết kế cây cầu Starker dành cho cello. Cây cầu được phân biệt với cây cầu tiêu chuẩn nhờ hình dạng xoáy của đường cắt, giúp cải thiện âm sắc qua các lỗ hình nón ở chân cầu. Cây cầu Starker, theo người phát minh ra nó, giúp dễ dàng đạt được âm sắc tốt hơn. Năm 1999, một chương trình hòa nhạc được trường Âm nhạc Jacobs, ĐH Indiana tổ chức nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của ông, đánh dấu lần đầu tiên Starker và Rostropovich cùng xuất hiện trên sân khấu. Starker cùng con rể của mình, William Preucil, concertmaster của Cleveland Orchestra trình diễn Double concerto của Johannes Brahms, Rostropovich là nhạc trưởng.

 

Janos Starker và Menahem Pressler chơi cello sonata La trưởng Op.69 của Beethoven.

 

Kể từ năm 2001, Starker giảm dần khối lượng công việc của mình, kể cả biểu diễn và giảng dạy. Từ năm 2005, ông ngừng xuất hiện trên sân khấu vì sức khỏe suy giảm. Starker tiếp tục giảng dạy cho đến mùa đông năm 2012. Ông qua đời vào ngày 28/4/2013 tại Bloomington, Indiana ở tuổi 88. Nguyên nhân của cái chết không được tiết lộ. Nhận được tin Starker qua đời, nghệ sĩ piano Menahem Pressler, thành viên của Beaux Arts Trio và là đồng nghiệp của ông tại trường Âm nhạc Jacobs, ĐH Indiana, chia sẻ: “Ông ấy là một người cầu toàn, vì vậy trong khi biểu diễn, Starker rất quan tâm đến sự hoàn hảo – và ông ấy rất hoàn hảo”.

 

Starker từng nói về mục đích âm nhạc của mình: “Mong muốn của tôi là truyền đạt một tác phẩm bậc thầy thực sự trong bất cứ thứ gì tôi chơi. Tôi không quan tâm đến việc giới thiệu bản thân. Tôi giới thiệu tác phẩm và hy vọng rằng cảm xúc có sẵn trong đó”. Với ông, trải qua những tháng ngày kinh khủng trong trại tập trung của Đức quốc xã và sống sót là một kỳ tích: “Tôi có rất ít cơ hội tồn tại sau Thế chiến Thứ hai. Và khi tôi sống sót sau đó, tôi đã nói rằng tôi nên chứng minh lý do tại sao tôi vẫn còn sống”. Mang trong mình tín niệm đó, Starker đã có một sự nghiệp âm nhạc trọn vẹn, cống hiến tất cả những gì tinh túy nhất cho cả việc biểu diễn và giảng dạy. Để đánh giá di sản của ông, ngoài những đĩa nhạc ông đã thực hiện, chúng ta còn cần phải nhìn vào hàng trăm sinh viên, nghệ sĩ tài năng đã được Starker truyền cảm hứng.□

 

Nguồn:

https://www.washingtonpost.com/entertainment/music/janos-starker-celebrated-cellist-dies-at-88/2013/04/30/307a0650-b1a0-11e2-baf7-5bc2a9dc6f44_story.html

https://www.nytimes.com/2013/04/30/arts/music/janos-starker-master-cellist-dies-at-88.html

https://www.theguardian.com/music/2013/may/01/janos-starker

https://www.npr.org/sections/thetwo-way/2013/04/28/179666890/janos-starker-a-master-of-the-cello-dies-at-88

 

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều