Maurizio Pollini – Một thiên tài piano

07:02 AM, Thứ năm, 18/07/2024
524

Tác giả: Ngọc Tú

 

Với một sự nghiệp đồ sộ kéo dài hơn 50 năm, Maurizio Pollini được coi là một tài năng vĩ đại, dù đã gây ra rất nhiều tranh cãi về cách diễn giải các tác phẩm của mình.

 

“Khi sự gắn bó với âm nhạc trở nên bền chặt hơn, bạn sẽ có động cơ thúc đẩy tìm ra những âm thanh khác nhau. Nếu có thể tìm ra màu sắc âm thanh phù hợp hơn với nhà soạn nhạc này hay nhà soạn nhạc khác, dẫu nó không thật thành công, thì cũng tạo được ra niềm vui vô cùng” – Maurizio Pollini.

 

Trong cái nôi nghệ thuật

 

Năm 1926, bảy kiến trúc sư trẻ người Ý đã thành lập Nhóm bảy (Gruppo 7), với mục đích cải cách kiến trúc bằng áp dụng Chủ nghĩa duy lý, coi kiến trúc là một khoa học cần được hiểu và nhận thức một cách duy lý. Một thành viên trong Nhóm bảy là Gino Pollini, chính là cha của Maurizio, cũng là một nghệ sĩ violin nghiệp dư. Điều này cũng góp phần giải thích tại sao Maurizio sau này trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng với cách diễn giải đầy lý trí, gạt bỏ đi những cảm xúc ủy mị và luôn khiến người nghe phải suy nghĩ về những ý tưởng trí tuệ phía sau các nốt nhạc. 

 

Mẹ của Maurizio là bà Renata Melotti, một nghệ sĩ piano nghiệp dư, em gái của nhà điêu khắc Fausto Melotti, nổi tiếng với những tác phẩm bằng gốm sứ và đất nung theo phong cách trừu tượng. Sau này, ông nhớ lại: “Tôi lớn lên trong ngôi nhà của nghệ thuật và các nghệ sĩ. Các tác phẩm xưa cũ và hiện đại cùng tồn tại như một phần của cuộc sống. Chúng hiện diện một cách tự nhiên mà không cần phải nói lên bất cứ điều gì”. 

 

Làm quen với piano khi lên 5 tuổi, hai năm sau, Maurizio bắt đầu những bài học âm nhạc đầu tiên với Carlo Lonati, một thầy giáo địa phương. Pollini nhớ lại, Lonati luôn để ông chơi những gì mà mình yêu thích. Trước sinh nhật lần thứ 10, Maurizio có những buổi biểu diễn trước công chúng và năm 14 tuổi, cậu đã có thể thành thạo chơi toàn bộ các Etude của Chopin, những tác phẩm hết sức khắt khe về kỹ thuật. Sau khi Lonati qua đời, cậu bé tiếp tục theo học với Carlo Vidusso, người cũng từng là học trò của Lonati, từ năm 1955 tại nhạc viện Giuseppe Verdi, Milan. Ngoài piano, Maurizio còn nghiên cứu cả sáng tác và chỉ huy dàn nhạc. Pollini cho biết những ấn tượng âm nhạc lớn nhất đối với ông không chỉ từ Arturo Benedetti Michelangeli hay Arthur Rubinstein mà còn từ việc nghe Arturo Toscanini chỉ huy Richard Wagner hay Dimitri Mitropoulos quảng bá Arnold Schoenberg.

 

Maurizio Pollini biểu diễn bản Nocturne no. 8 op. 27 no. 2 của Chopin.

 

Năm 1957, Pollini tham gia cuộc thi âm nhạc đầu tiên của mình Geneva International Music Competition, được tổ chức tại Nhạc viện Musique de Genève, Thụy Sĩ. Pollini đã giành giải nhì, xếp sau Martha Argerich, sau này cũng trở thành một nghệ sĩ piano vĩ đại. Năm 1959, cậu giành giải nhất tại Cuộc thi piano quốc tế Ettore Pozzoli, Seregno, Ý. Một năm sau, chưa đầy 18 tuổi, Pollini tốt nghiệp nhạc viện và tham gia Cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin lần thứ 6, được tổ chức tại Warsaw, Ba Lan. Là thí sinh nước ngoài trẻ tuổi nhất, Pollini đã xuất sắc vượt qua 89 thí sinh của 30 quốc gia giành giải nhất, trở thành nghệ sĩ đầu tiên không phải quốc tịch Ba Lan hay Liên Xô thực hiện được điều này. Huyền thoại Rubinstein, người đảm nhiệm cương vị giám khảo danh dự đã tuyên bố: “Về mặt kỹ thuật, Pollini đã chơi tốt hơn bất kỳ ai trong số ban giám khảo chúng tôi”. Nhà phê bình âm nhạc Piero Rattalino, chứng kiến màn trình diễn đáng kinh ngạc của Pollini, trong đó có những Etude đáng gờm nhất về độ khó và phức tạp như Op. 10/1, Op. 10/10, Op. 25/10 và Op. 25/11 đã phải thốt lên: “Chàng trai trẻ này hoặc trở thành nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thế giới hoặc là vào nhà thương điên”.

 

Peter Andry, Giám đốc điều hành của EMI đã ngay lập tức theo đuổi chàng trai vừa giành được chiến thắng danh giá: “Chúng tôi nhanh chóng ký hợp đồng với chàng trai trẻ người Ý, một thanh niên mảnh khảnh, đeo kính, có vầng trán rộng và phong thái rất dễ chịu”. Ngay cuối tháng 4/1960, Pollini đã thu âm bản piano concerto số 1 của Chopin cùng nhạc trưởng Paul Kletzki và Philharmonia Orchestra. Sau đó là trọn bộ hai tập Etude của Chopin. Tuy nhiên, anh đã từ chối cho phát hành đĩa nhạc này (nó chỉ được xuất bản vào năm 2011 trên thương hiệu Testament) vì bất chợt cảm thấy sợ hãi khi bị coi là một chuyên gia về Chopin, điều mà vào năm 2014, Pollini đã cảm thấy tự hào: “Một vinh dự lớn lao, điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra với một nghệ sĩ piano”. 

 

Vinh quang đến với Pollini quá nhanh khiến anh cảm thấy “khủng hoảng niềm tin”. Anh kể lại “Sau chiến thắng, tôi nhận được rất nhiều yêu cầu, như thể tôi đang trong tình thế bắt đầu một sự nghiệp. Tôi thực sự không chuẩn bị cho việc này”. Pollini cho biết: “Tôi cần thời gian để suy nghĩ, quyết định hướng đi của cuộc đời mình”. Gần như rút khỏi các phòng hòa nhạc, chỉ biểu diễn nhỏ giọt, Pollini tiếp tục theo học với bậc thầy Michelangeli trong sáu tháng. Mặc dù bản thân Michelangeli thừa nhận mình không có nhiều điều để dạy Pollini nhưng ông vẫn lên một lịch trình luyện tập nghiêm ngặt. Michelangeli vốn nổi tiếng về việc hầu như chưa bao giờ chơi sai một nốt nhạc nào, giờ đây càng khiến cho cậu học trò của mình có được kỹ thuật chính xác và sự kiềm chế cảm xúc. Nhiều nhà phê bình khẳng định rằng phong cách có phần khô khan và lạnh lùng của Pollini chịu nhiều ảnh hưởng từ Michelangeli.

 

Chưa đầy 18 tuổi, Maurizio Pollini đã trở thành nghệ sĩ đầu tiên không phải người Ba Lan hay Liên Xô giành giải Chopin.

 

Khởi đầu một sự nghiệp lớn

 

Pollini chính thức trở lại với biểu diễn vào cuối thập niên 1960. Tuy nhiên, nếu như những đồng nghiệp của ông thường có khoảng 100 buổi hòa nhạc mỗi năm thì Pollini chỉ duy trì một phần ba trong số đó. Ông cũng ký hợp đồng thu âm mới với Deutsche Grammophon và từ đó cho đến cuối đời, lưu giữ toàn bộ di sản quý giá của mình tại đây. 

 

Phong cách biểu diễn của ông đã gây ra rất nhiều tranh cãi dù tất cả đều thừa nhận Pollini sở hữu một nền tảng kỹ thuật thượng thặng. Ông thường xuyên bị chỉ trích vì tính điềm tĩnh và sự tiếp cận âm nhạc quá lý trí khiến bị coi là làm mất sự lãng mạn và sâu lắng. Sviatoslav Richter rất nhiều lần chê bai Pollini, ví dụ trong một lần nghe Pollini chơi hai Nocturne của Chopin qua radio, Richter nhận xét: “Trong bài đầu tiên, mọi thứ đều được chơi ở sắc thái forte (mạnh), còn bài thứ hai thì không có chất thơ hay sự tinh tế nào (ngay cả khi mọi thứ đều chính xác một cách hoàn hảo) và hoàn toàn thiếu vắng sự ứng tấu”. Hay trong một chương trình tại liên hoan âm nhạc Grange de Meslay, Pollini biểu diễn các tác phẩm của Schubert, gồm Wanderer Fantasie và hai Piano sonata, Richter cho biết rằng ông tưởng như đang nghe âm nhạc của Prokofiev hoặc một nhạc sĩ nào đó của thế kỷ 20. Năm 1968, sau khi nghe Pollini biểu diễn trong lần đầu tiên xuất hiện của mình tại Carnegie Hall, nhà phê bình âm nhạc Harold Schonberg đã đánh giá trên New York Times “Đó không phải là một buổi biểu diễn giàu trí tưởng tượng, với tất cả các kỹ năng của mình, ông Pollini thất bại trong việc thể hiện rằng mình có hứng thú sâu sắc với âm nhạc”. 

 

 

Tuy nhiên, cũng không hề hiếm những lời khen ngợi. Nhà phê bình âm nhạc David Fanning sau khi thưởng thức những bản thu âm các tác phẩm âm nhạc thế kỷ 20 của Pollini đã viết trên Gramophone: “Đó là một tượng đài về việc hai tay có thể đạt được trên một nhạc cụ”. Còn nhà phê bình văn hóa Edward Said thì nhấn mạnh hơn vào sự điều khiển nhạc cụ hoàn hảo của ông: “Đó không phải là sự lạm dụng kỹ thuật hay phô diễn sức mạnh, đây là một kỹ thuật cho phép bạn hoàn toàn quên đi kỹ thuật”. 

 

Chắc chắn, nghệ thuật trình tấu của Pollini không quyến rũ được mọi khán giả. Nhưng bản thân ông là một con người nghiêm khắc với bản thân, tự tin và cống hiến nghiêm túc cho lý tưởng của mình, một thái độ được Daniel Barenboim miêu tả là “sự coi trọng đạo đức rất cao đối với âm nhạc”. Nhận xét về bản thân, Pollini cho biết: “Đúng là tôi đang tìm kiếm và cố gắng khám phá những gì đối với tôi là bản chất của một tác phẩm, sự thật của nó. Và tôi cho rằng theo nghĩa đó, tôi là một nghệ sĩ piano của thời đại mình”. 

 

Bất chấp việc sở hữu một nền tảng kỹ thuật siêu việt, trên thực tế, Pollini không hề luyện tập nhiều, ngay cả khi còn trẻ. Nhưng ông không hề dựa dẫm vào đó, với Pollini, sự khéo léo của đôi bàn tay chỉ là phương tiện để nói lên những ý tưởng thực sự của mình. Ông luôn bước lên sân khấu một cách dứt khoát, đi thẳng đến bên piano, hiếm khi chú ý đến khán giả, tất cả chỉ hướng tới công việc của mình. Ông không cần khán giả ổn định chỗ ngồi. Pollini cũng không cần tập trung hay bộc lộ cảm xúc của mình, chỉ đơn thuần là dẫn đường cho nhà soạn nhạc. 

 

Pollini hướng đến việc thể hiện âm nhạc dưới hình thái của một kết cấu rõ ràng, vững chắc, phủ nhận những biểu cảm hoa mĩ, chôn giấu đi những cảm xúc ủy mị quá mức, thể hiện một trí tuệ uyên bác, hướng người nghe phải đào sâu suy nghĩ đến những gì nhà soạn nhạc muốn bộc lộ đằng sau mỗi nốt nhạc.

 

Là một người theo chủ nghĩa duy lý, con trai của một kiến trúc sư nổi tiếng, Pollini hướng đến việc thể hiện âm nhạc dưới hình thái của một kết cấu rõ ràng, vững chắc, phủ nhận những biểu cảm hoa mĩ, chôn giấu đi những cảm xúc ủy mị quá mức, thể hiện một trí tuệ uyên bác, hướng người nghe phải đào sâu suy nghĩ đến những gì nhà soạn nhạc muốn bộc lộ đằng sau mỗi nốt nhạc. Nhà phê bình âm nhạc Harris Goldsmith đánh giá phong cách biểu diễn của Pollini “gần như là hình học” và cho rằng ông là một bản sao của Mondrian1. Trên thực tế thì Pollini cũng được coi là một kiến trúc sư âm thanh khi có thể tạo ra những chất liệu âm nhạc đầy mới mẻ từ những bản nhạc tưởng chừng như đã vô cùng quen thuộc. Nhiều nghệ sĩ piano đã mang tổng phổ các tác phẩm ông biểu diễn tới phòng hòa nhạc để lắng nghe Pollini khám phá sự mới lạ trong đó. 

 

Mặc dù biết sự khen chê của người đời nhưng Pollini chỉ chơi những gì mình thích, ở nơi mình muốn và với những bạn diễn mình yêu quý. Ông cũng luôn từ chối giải thích và bình luận về phong cách đặc trưng của mình, kể cả việc tiết lộ về những mục tiêu diễn giải để xử lý những vấn đề cụ thể mà các nhà soạn nhạc đặt ra. Ông chi nói đơn giản: “Tôi có một ý tưởng hoàn toàn khác về việc tôi là ai và tôi làm gì. Chắc chắn tôi không thích một cách tiếp cận âm nhạc lạnh lùng. Điều này sẽ hạn chế sức mạnh của một sáng tạo âm nhạc”. Chính sự kiên định về nghệ thuật biểu diễn đã biến Pollini thành một trong những nghệ sĩ piano nổi tiếng nhất của nửa sau thế kỷ 20.

 

Ngoài các tác phẩm của Chopin, danh mục biểu diễn của Pollini có thể chia thành hai mảng rõ rệt. Đầu tiên là truyền thống Đức-Áo của Beethoven, Schubert, Schumann, một số concerto của Wolfgang Amadeus Mozart và hai concerto của Johannes Brahms. Và phần còn lại là âm nhạc của thế kỷ 20. Giải thích về sự lựa chọn của mình, Pollini nói: “Quyết định đưa một tác phẩm vào tiết mục của tôi dựa trên sự chắc chắn tuyệt đối rằng tôi sẽ không bao giờ chán những tác phẩm mà mình đã chọn”. Ông lập luận rằng âm nhạc đương đại cũng phải quen thuộc với khán giả như những tác phẩm kinh điển của thế kỷ 19 và coi “trách nhiệm tuyệt đối” của người biểu diễn là đưa âm nhạc mới này vào chương trình để phá bỏ định kiến ​​của khán giả. Ông cho biết: “Tôi thấy những tác phẩm thú vị duy nhất là những bản nhạc được sáng tác bằng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại không khoan nhượng – giống như Beethoven vào thời của ông”. 

 

Maurizio Pollini ký hợp đồng thu âm với Deutsche Grammophon tới cuối đời.

 

Bản piano sonata số hai của Boulez, tác phẩm mà độ khó kinh khủng của nó đã hoàn toàn được đôi bàn tay của Pollini “thuần hóa”, khiến tác giả của nó không thể không khen ngợi: “Cậu ấy không nói nhiều nhưng suy nghĩ khá nhiều. Cậu ấy đi sâu vào âm nhạc và không hề hời hợt, thái độ của cậu ấy với tư cách một nghệ sĩ chính xác là thái độ của một người đàn ông. Cậu ấy thú vị hơn tất cả”. Một tác phẩm hiện đại khác cũng gắn liền với tên tuổi Pollini là Klavierstück X của Stockhausen mà khi biểu diễn, ông phải đeo găng tay cụt ngón để bảo vệ chúng khỏi bị rách trước những chùm âm và các nét lướt glissando man rợ. 

 

Là một người duy lý, trong suốt một quãng thời gian dài, Pollini từ chối biểu diễn âm nhạc của Johann Sebastian Bach vì theo ông, đó là các tác phẩm được dành cho harpsichord thay vì piano. Phải đến những năm 1980, Pollini mới thay đổi quan điểm của mình, điều hiếm thấy ở ông. Pollini bắt đầu thêm âm nhạc của Bach vào chương trình của mình cũng như thu âm tập đầu tiên của bộ Well-Tempered Clavier (Bình quân luật). Pollini giải thích: “Điều quan trọng với ông ấy là cấu trúc, ý tưởng chứ không phải âm thanh hay nhạc cụ. Và bản thân Bach đã thực hiện rất nhiều việc chuyển soạn các tác phẩm của mình, lấy nó từ nhạc cụ này và đưa nó cho nhạc cụ khác. Và vì thế cuối cùng tôi quyết định rằng sẽ chơi trên piano”.

 

Những quan tâm ngoài âm nhạc

 

Trái với suy nghĩ của nhiều người, Pollini cũng rất quan tâm đến chính trị. Là một người cánh tả, Pollini tham gia vào nhiều phong trào cấp tiến, ông cho biết: “Con người có nguy cơ bị nhốt ở trong một căn phòng kín với tư cách một nghệ sĩ piano. Tôi nghĩ một nghệ sĩ nên để mắt đến những gì đang diễn ra xung quanh mình”. Chính điều này góp phần khiến ông càng gắn bó thân thiết với Claudio Abbado, người có cùng quan điểm về chính trị cũng như âm nhạc. 

 

Pollini phản đối cuộc Chiến tranh Việt Nam gay gắt. Tại buổi hòa nhạc vào tháng 1/1973 ở Teatro Comunale, Bologna, ông đã đứng lên tố cáo sự khủng khiếp của chiến tranh. Sau đó vài ngày, tại Società del Quartetto, Milan, Pollini không biểu diễn mà đọc một tài liệu phản đối Mỹ ném bom tại Việt Nam và bị kéo ra khỏi khán phòng trước sự ủng hộ của những người bạn âm nhạc thân thiết như Abbado, Nono, Gianandrea Gavazzeni và Luciano Berio. Trước đó, vào ngày 28/6/1972, tại Teatro alla Scala, Pollini đã biểu diễn ra mắt tác phẩm Como una ola de fuerza y ​​luz (Giống như một làn sóng sức mạnh và ánh sáng) của Nono cùng soprano Slavka Taskova dưới sự chỉ huy của Abbado. Đây là tác phẩm được nhà soạn nhạc sáng tác để tưởng nhớ Luciano Cruz, một trong những thủ lĩnh trẻ của Phong trào Cánh tả Cách mạng tại Chile. 

 

Pollini chơi bản concerto piano số 5 (Emperor) Beethoven cùng với Abbado và dàn nhạc Sinfonica di Roma.

 

Vào những năm 1970, Pollini cùng Abbado thường xuyên mang âm nhạc cổ điển tới biểu diễn miễn phí tại các nhà máy, xí nghiệp trên khắp nước Ý. Pollini tin rằng âm nhạc thuộc về tất cả các tầng lớp: “Ý tưởng của chúng tôi là nghệ thuật nên được mọi người thưởng thức: chúng tôi muốn tìm kiếm công chúng mới”. Cùng với đó là những buổi hòa nhạc tại La Scala dành cho sinh viên và những người lao động. Quan điểm cấp tiến của Pollini vẫn theo ông trong suốt sự nghiệp, cũng như cách tiếp cận đầy lý trí của ông đối với nghệ thuật và cuộc sống.

 

Bất chấp sự mạnh mẽ và kiên định trong âm nhạc cũng như quan điểm chính trị, ngoài đời Pollini là một con người lịch sự, tao nhã, khiêm tốn và nhút nhát. Hiếm khi ông được nhìn thấy mà lại không mặc áo khoác, thắt cà vạt và điếu thuốc lá ở trên tay. Ông lẩn tránh sự chú ý khi ở bên ngoài sân khấu, hạn chế trả lời phỏng vấn và nếu có thì không được phép hỏi chuyện riêng tư. Pollini nghiện cà phê và thuốc lá, ông nổi tiếng trong việc từ chối tuân theo lệnh cấm hút thuốc tại những không gian công cộng kín tại Anh, kể cả trong những khách sạn sang trọng nhất ở London. 

 

Từng theo học chỉ huy dàn nhạc khi còn là sinh viên nhưng phải đến cuối những năm 1970, Pollini mới thử sức mình trên cương vị mới. Ngoài việc tự chỉ huy và biểu diễn các bản piano concerto của Mozart, ông cũng từng là nhạc trưởng trong các giao hưởng và tác phẩm khí nhạc khác. Ngày 17/9/1981, tại Liên hoan opera Rossini được tổ chức tại Pesaro, ông đã chỉ huy vở opera La donna del lago với dàn ca sĩ Katia Ricciarelli, Lucia Valentini Terrani và Samuel Ramey. Màn trình diễn này cũng đã được thu âm và phát hành. Tuy nhiên, đó là chỉ những trải nghiệm thoáng qua đối với ông, piano vẫn là mối quan tâm đầu tiên.

 

 

Rất hiếm khi Pollini hủy bỏ các buổi hòa nhạc, tuy nhiên, điều này đã xảy ra vào những năm 2010. Nhưng bất chấp sự suy giảm về thể chất do mắc bệnh tim, Pollini vẫn luôn khiến những người hâm mộ ngưỡng mộ vì ông sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới như việc thu âm trọn bộ các piano sonata của Beethoven vào năm 2014. Mặc dù vậy, căn bệnh tim đã khiến chất lượng trong những màn trình diễn của Pollini suy giảm đáng kể. Các kết cấu âm thanh không còn vững chắc, đôi bàn tay không còn giữ được tính chính xác, đã có lần ông thậm chí còn không thể hoàn thành chương trình mà phải bỏ dở giữa chừng. Tần suất hủy bỏ biểu diễn ngày càng tăng lên. Lần cuối cùng Pollini xuất hiện trên sân khấu vào ngày 13/2/2023 tại La Scala với các tác phẩm của Schoenberg, Nono và Chopin. 

 

La Scala thông báo ông qua đời vào sáng ngày 23/3/2024 tại nhà riêng ở Milan ở tuổi 82. Nghệ sĩ piano Víkingur Ólafsson tiếc thương: “Cách tiếp cận mang tính cấu trúc của Pollini tiết lộ những sự mới lạ ngay ở những bản nhạc quen thuộc nhất. Từ góc nhìn của Pollini, mọi thứ không bao giờ đơn giản – Chopin trở thành kiến ​​trúc sư âm nhạc, Stockhausen trở thành nhà thơ, Beethoven là triết gia”.

 

Bỏ qua mọi lời tranh cãi, Pollini đã thành công trên con đường mà ông đã lựa chọn. Ông luôn đặt âm nhạc lên hàng đầu, dành cả cuộc đời mình để đào sâu hơn về Beethoven, Bach, Schubert, Schumann, Chopin, Brahms, Claude Debussy, Schoenberg và những người tiên phong của thế kỷ 20. Pollini đã khám phá ra sự phân đôi giữa trí tuệ và cảm xúc trong việc tạo ra âm nhạc, cố gắng không ngừng nghỉ để tạo ra sự cân bằng. Với ông, piano là nguồn cảm hứng bất tận, là công cụ để chia sẻ với tất cả mọi người “Không có giới hạn nào cho những gì bạn có thể làm trên cây đàn piano”.□

—————————

1. Piet Mondrian, hoạ sĩ đầu thế kỷ 20 người Hà Lan đã phát triển trường phái mới Tân tạo hình, trường phái nhấn mạnh vào việc phải thể hiện vật thể qua những đường nét cơ bản nhất cùng với linh hồn làm nên nó.

 

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều