Nghệ sĩ nhân dân Tuyết Thanh: Vang mãi “Bài ca Hà Nội”

07:00 AM, Thứ sáu, 22/11/2024
363

Tác giả: Hà Vân

 

Hàng triệu khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam một thời ấn tượng với giọng hát cao vút, đầy nội lực của cô gái Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tuyết Thanh.

 

Cả đời gắn bó với âm nhạc, người nghệ sĩ ấy đã khẳng định dấu ấn qua các ca khúc “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh), “Nổi trống lên, rừng núi ơi” (Hoàng Vân), “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền), “Bến cảng quê hương tôi” (Hồ Bắc)...

 

tuyet-thanh.jpg
NSND Tuyết Thanh.

 

1. Nghệ sĩ Tuyết Thanh năm nay bước sang tuổi 82. Bà sống một mình trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể trên phố Thái Thịnh tấp nập người qua. Nghệ sĩ chia sẻ: “Tôi sống một mình lâu rồi. Trước tôi sống ở khu tập thể Trung Tự nhưng giờ cao tuổi nên chuyển về đây cho gần họ hàng, bệnh viện”. Đã vào tuổi bát thập, mang đủ chứng bệnh tuổi già, nhưng nghệ sĩ Tuyết Thanh vẫn minh mẫn, cách trò chuyện thông minh, dí dỏm. Bà thường xuyên cập nhật thông tin để không tụt hậu, và cũng để rèn luyện trí não. Giờ đây, khi bà cất tiếng, chất giọng khỏe khoắn là minh chứng cho thấy giọng hát không tuổi của bà.

 

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và nghệ sĩ Tuyết Thanh bắt đầu bằng danh hiệu NSND mà bà nhận được vào đầu năm nay. Trước câu hỏi, rằng bà có băn khoăn hay không khi là một trong những nghệ sĩ được nhận danh hiệu NSƯT ngay từ đợt đầu tiên mà mãi đến nay mới được trao tặng danh hiệu NSND, nghệ sĩ Tuyết Thanh chân thành nói: “Cả cuộc đời làm nghệ thuật, hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là được phục vụ chiến sĩ, đồng bào, được khán thính giả cả nước nhớ đến. Nên danh hiệu đến với tôi lúc nào cũng vui cả”.

 

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, mỗi bài hát với nghệ sĩ Tuyết Thanh là một kỷ niệm đẹp. Bà kể, ngày ấy, mỗi khi được giao bài hát là các ca sĩ luyện tập, nghiền ngẫm “ăn ngủ” cùng tác phẩm, "đóng đinh" tên tuổi với ca khúc ấy. Ví dụ như NSƯT Kim Oanh gắn với ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”, NSƯT Lê Hằng với “Trước ngày hội bắn”. Còn NSND Tuyết Thanh thì gắn liền với “Bài ca Hà Nội”.

 

Giờ đây, sau gần 60 năm, nghệ sĩ Tuyết Thanh vẫn nhớ như in kỷ niệm với ca khúc ấy. Năm 1967, những ngày giặc Mỹ bắn phá ác liệt, các nghệ sĩ thường xuyên phải túc trực ở phòng thu của Đài để đảm bảo sóng phát thanh không bị gián đoạn.

 

Một buổi trưa, khi Tuyết Thanh và các đồng nghiệp đang ở trong hầm trú ẩn thì nghe thấy tiếng hò reo của nhân dân. Bật nắp hầm nhảy lên, họ chứng kiến cảnh tượng vô cùng hào hùng. Đó là hình ảnh chiếc máy bay Mỹ đang bốc cháy như một quả cầu lửa. Mọi người vui sướng ôm nhau, trào nước mắt vì xúc động.

 

Nhạc sĩ Vũ Thanh khi ấy cũng có mặt, lập tức đặt bút viết những dòng ca hân hoan đầu tiên: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công/ Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm - Đồng Xuân/ Nghe náo nức trong lòng Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ...”.

 

Ca khúc hoàn thành, được đưa ngay vào phòng thu. Tuyết Thanh vinh dự là người hát đầu tiên. Chỉ sau hai tiếng, bản thu âm hoàn thành, được phát sóng ngay mà chưa kịp duyệt. Hôm sau, Đài nhận được nhiều lời khen của quân dân miền Bắc.

 

Sau này, mỗi lần hát ca khúc “Bài ca Hà Nội”, nghệ sĩ Tuyết Thanh không khỏi rưng rưng nhớ lại cảm giác của mình khi ấy. Giọng hát cao trong vắt cùng niềm hạnh phúc trào dâng của thời khắc ấy làm nên một “Bài ca Hà Nội” của Tuyết Thanh sống mãi trong lòng công chúng.

 

Cùng với "Bài ca Hà Nội", nghệ sĩ Tuyết Thanh còn vinh dự là người thể hiện đầu tiên trên sóng phát thanh những ca khúc như “Nổi trống lên, rừng núi ơi”, “Tiếng hò trên đất Nghệ An”, “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, “Bến cảng quê hương tôi”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” (song ca cùng Đặng Hùng)... V

 

ới ca khúc “Nổi trống lên, rừng núi ơi”, đó là vào năm 1965, Tuyết Thanh cùng các ca sĩ trong đoàn là Mộng Dung, Tuấn Kỳ... và các nhạc sĩ Hồ Bắc, Văn Dung, Hoàng Vân, Trần Trung... đi thực tế sáng tác, biểu diễn tại vùng Lào Cai - Hà Giang - Yên Bái. Đường bộ bị địch bắn phá ác liệt, cả đoàn phải đeo ba lô đi bộ theo đường sắt một tuần liền, có khi phải ăn dứa trừ bữa...

 

Đói khổ là thế nhưng các nghệ sĩ vẫn sáng tác và cất cao tiếng hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Trong gian khổ, sự sống và cái chết cận kề, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác ca khúc “Nổi trống lên, rừng núi ơi” với giai điệu rộn ràng, tươi vui, đầy lạc quan. Và, Tuyết Thanh vinh dự là người đầu tiên thể hiện ca khúc này trên đường hành quân.

 

Có thể nói, NSND Tuyết Thanh có một cuộc đời làm nghệ thuật trọn vẹn và đầy kỷ niệm. Với chất giọng khỏe, truyền cảm, bà hát được nhiều thể loại. Với bà, hạnh phúc là được sống trong tình yêu của khán giả và ký ức đẹp đẽ về những lần hát phục vụ Bác Hồ trong những năm cuối đời của Người, hát bên mâm pháo, trong hầm thương binh phục vụ bộ đội tại chiến trường... Bà cũng là một trong các nghệ sĩ sở hữu nhiều bản thu âm nhất tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện nay, nhiều bản thu vẫn được phát sóng và chia sẻ trên các trang nhạc cách mạng.

 

2. Với nghệ sĩ Tuyết Thanh, cô gái Hà Nội sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Đường rồi trở thành nghệ sĩ với giọng hát làm rung động trái tim khán thính giả cả nước, cuộc đời là một cuộc dấn thân vì nghệ thuật đúng nghĩa. S

 

inh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng từ nhỏ, Tuyết Thanh đã bộc lộ năng khiếu ca hát. Mười một tuổi, có mặt trong đội Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó tham gia đội hợp xướng của các ông Đặng Hùng, Mạc Hy nổi tiếng thời bấy giờ, được ví là “Sơn ca” của Trường Trưng Vương...

 

Lớn lên, bất chấp sự phản đối của gia đình, Tuyết Thanh từ bỏ công việc mà gia đình mong muốn, lén thi vào Đài Tiếng nói Việt Nam. Đủ mọi hệ lụy từ quyết định táo bạo ấy, nhưng niềm đam mê với ca hát khiến Tuyết Thanh nhủ lòng phải thật cố gắng để gia đình và bản thân không phải hối hận.

 

Nghệ sĩ Tuyết Thanh tâm niệm rằng, để thành công trong nghệ thuật, ngoài năng khiếu, đam mê thì còn phải khổ luyện. Cả một thời gian dài, ngoài giờ hành chính tập bài mới, thu âm theo lịch của Đài, Tuyết Thanh tranh thủ học xướng âm, hòa âm, luyện giọng... Tối về vẫn mang bài ra luyện, học kỹ thuật hát dân ca, những kỹ năng khó không phải ai cũng luyện được. Luyện được rồi, nhiều người mang tâm lý “giữ nghề”, nhưng nghệ sĩ Tuyết Thanh sẵn sàng chia sẻ khi học trò nhờ hướng dẫn.

 

NSND Tuyết Thanh dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật, như sự sắp đặt của số phận. Cuộc hôn nhân tan vỡ khi cô con gái duy nhất mới tròn 4 tuổi. Tuyết Thanh trở thành mẹ đơn thân khi mới 31 tuổi và ở vậy cho đến nay. Chăm con và dốc sức cho nghệ thuật, đó là cách bà đi qua những vất vả, tủi hờn.

 

Bà tâm sự rằng, thời điểm sau ly hôn, bà từng suy sụp mất 2 năm, người chỉ còn 36kg, nhưng chính sự bận rộn và âm nhạc đã vực bà trở lại. Ngày ấy, Tuyết Thanh là tên tuổi được khán giả hâm mộ nên có ngày có tới 5 - 6 suất diễn, có khi 1 - 2h đêm mới về nhà. Sáng hôm sau lại đi sớm nên ít có thời gian để buồn. Niềm an ủi lớn của bà là cô con gái thông minh, tự lập, giờ đây định cư tại Pháp. Bà chỉ thực sự cảm thấy quạnh hiu sau ngày con lấy chồng. Hơn 30 năm qua, bà tự chăm sóc, an ủi mình.

 

Bà kể, con gái nhiều lần mong muốn đón mẹ sang ở cùng nhưng bà không muốn xa Việt Nam, xa âm nhạc, và cũng đã quen sống một mình. Bà thường nhủ lòng ông trời chẳng cho ai tất cả. Trời phú cho bà giọng hát, cho sự nghiệp thì có thiệt thòi trong hạnh phúc riêng tư cũng là điều dễ hiểu.

 

Sau khi nghỉ hưu ở Đài Tiếng nói Việt Nam, bà cộng tác với Nhà hát Nhạc vũ kịch gần chục năm... Giờ đây, ở tuổi ngoài 80, bà vẫn duy trì dạy thanh nhạc cho học trò 3 buổi/tuần. Trong bà vẫn ăm ắp một tình yêu âm nhạc.

 

(Nguồn: https://hanoimoi.vn/nghe)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều