Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu
Xuân là mùa tình yêu. Tết là mùa đoàn tụ. Xuân sang Tết đến, người người háo hức trở về sum vầy với gia đình thân thương. Song có những cuộc trở về sao mà ngậm ngùi, sao chẳng được trọn vẹn niềm vui sum vầy. Đó là câu chuyện không hiếm gặp trên mảnh đất đầy thương tích sau ba thập niên liên tiếp chiến tranh.
Bài hát Người lính mùa xuân về ra đời năm 2015, tròn 40 năm sau chiến tranh. Từng ấy năm trôi qua, đất nước đổi thay rất nhiều, nhưng những mất mát, những vết thương lòng không dễ gì xóa được. Đây là đứa con tinh thần của hai người lính - nhà thơ Thụy Kha và nhạc sĩ Doãn Nho. Những người lính hiểu thấu hơn ai hết những nỗi niềm của đồng đội, để từ đó có thể chuyển tải câu chuyện một cách chân thực và giản dị như chính bản chất người lính. Không cần đến những ngôn từ hoa mỹ và giai điệu hoành tráng, không cần đến những lời ngợi ca và âm thanh khải hoàn, bài thơ âm nhạc đầy chất điện ảnh này mở ra một khung cảnh Tết khác thường, một mùa xuân xót xa đến gai người, đến rớt nước mắt thắt con tim.
Một kịch bản văn học không lời thoại. Không nhân vật nào lên tiếng: người lính đã báo tử từ lâu bỗng trở về, ngơ ngác giữa làng quê, rồi ngây người trước bàn thờ của chính mình, mẹ anh đứng sững sờ, con anh nép mình lạ lẫm, vợ anh đã đi bước nữa, bạn cũ vẫn nửa tin nửa ngờ… tất cả đều lặng im. Chỉ có âm nhạc nói hộ tiếng lòng của những người trong cuộc.
Gần như toàn bộ những câu thơ 5 từ đều được hát trên cùng một âm hình tiết tấu “chấm - giật” và đảo phách. Không có sự rộn ràng hân hoan của ngày Tết, không có vẻ tươi vui phơi phới sắc xuân. Câu chuyện lắng sâu, ngâm ngợi trong chất tự sự.
Khổ thơ đầu được nhắc lại với một chút thay đổi: “Người lính mùa xuân về” và “Mẹ sững sờ trước ngõ” được nâng lên âm bậc cao hơn, tựa như những con sóng cảm xúc không thể kìm nén cứ dâng dần lên, mạnh hơn, mạnh hơn nữa.
Từ những lời thầm thì của phần đầu trong âm lượng nhỏ (piano), cảm xúc được phần đệm piano đẩy lên âm lượng lớn (forte): “Anh đứng ngây như quên/ Mình vẫn đang lặng đứng”. Khổ thơ này cũng được nhắc lại lần nữa với chút thay đổi ở phần piano tưởng như dẫn tới đỉnh điểm nỗi đau, nhưng nỗi đau không gây ra xung đột giằng xé, mà lại được hóa giải ngay tại cao trào của nó: “Anh đứng như chợt hiện/ Giữa mơ màng chiêm bao”… Trạng thái chiêm bao chợt nhẹ bỗng trong đoạn hát không lời (vocalise). Với tiết tấu đung đưa vỗ về, giai điệu “hơ… hà hơ” dịu dàng bay bổng như câu hát ru của mẹ đã xóa nhòa ranh giới giữa thực với mơ.
Tính kịch tăng thêm còn nhờ sự tương phản màu sắc giữa hai điệu tính thứ - trưởng cùng tên (a-moll và A-dur). Anh đi biền biệt mang theo cả mùa xuân, Tết chỉ còn là những ngày sương giá với niềm thương nhớ trong khói hương bàn thờ. Rồi anh bất ngờ trở về trả lại sắc tươi hoa đào, trả lại sắc nắng hương thơm...
Với mong muốn đưa tính nghệ thuật và học thuật vào thể loại đơn giản nhất là ca khúc, nhạc sĩ Doãn Nho đã chọn cho Người lính mùa xuân về một hình thức biểu hiện chuyên nghiệp: ca khúc nghệ thuật có phần đệm piano (romance). Vai trò của piano không đơn thuần là chỉ đệm cho hát. Bên cạnh nhiệm vụ nâng đỡ giọng hát, piano còn là một thành phần hữu cơ của tác phẩm, có lúc nhắc lại giai điệu như tiếng vọng của câu hát “Sau bao năm báo tử”, “Vợ đã đành bước nữa”, “Bạn cũ đến còn ngờ”; có lúc bất an trong tiết tấu chùm ba (triolet) đối thoại với giọng hát, hoặc xao động trên những chuỗi sóng đồng hành cùng giọng hát; lại có lúc tạo phông nền bằng chồng âm màu sắc ngũ cung, hoặc chồng âm “rỗng” nhấn mạnh các quãng 4 và 5 đặc trưng của nhạc Á Đông ở đoạn vocal “hơ hà hơ”.
Trong đêm nhạc Doãn Nho Dưới lá quân kỳ được tổ chức trước thềm năm mới 2020, các ca khúc - đủ cả hành khúc, tình khúc, hài khúc (Tiến bước dưới quân kỳ, Người con gái sông La, Chiếc khăn piêu, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Quả bom câm…) đều được đệm bằng dàn nhạc giao hưởng, riêng Người lính mùa xuân về vẫn giữ đúng bản gốc viết cho giọng baryton và piano. Một khoảng lắng sâu xa để suy ngẫm. Đời lính không hẳn chỉ có hào hùng khí thế. Mùa xuân không hẳn chỉ thấy rạo rực tưng bừng.
Song, mùa xuân cũng là mùa tái sinh. Tác phẩm kết thúc bằng sự tái hiện mấy nhịp vocal không lời ở giọng trưởng, gieo niềm hi vọng về một mùa xuân trở lại, về một cái kết đầy nhân ái nhất định sẽ tìm thấy trong nghịch cảnh thời hậu chiến.
27-01-2020 (mùng 3 Tết Canh Tý)