Nhạc giao hưởng đến với sinh viên: Nuôi dưỡng tâm hồn, vun trồng tri thức

07:00 AM, Thứ hai, 20/01/2025
175

Tác giả: Lê Nam

 

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh đồng hành cùng sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM trong chuỗi chương trình hòa nhạc kéo dài suốt 7 tháng.

 

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh và dàn nhạc giao hưởng tham gia biểu diễn. Ảnh: K.H
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh và dàn nhạc giao hưởng tham gia biểu diễn. Ảnh: K.H

 

Với sứ mệnh kết nối cảm xúc và nuôi dưỡng tâm hồn, âm nhạc từ những nghệ sĩ tài hoa sẽ trở thành món quà ý nghĩa, chạm đến trái tim của những bạn trẻ còn trên ghế giảng đường.

Kết nối âm nhạc và giáo dục

Buổi hòa nhạc đầu tiên với chủ đề “Sắc màu giao hưởng” được diễn ra tại Hội trường Trần Chí Đáo (Đại học Quốc gia TPHCM) chiều 10/1. Buổi biểu diễn chào đón hơn 100 nghệ sĩ biểu diễn, gồm 55 nhạc công, 32 ca sĩ hợp xướng và các nghệ sĩ khác.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, phát biểu khai mạc chương trình bằng lời cảm ơn đến Nhạc trưởng Trần Nhật Minh và các nghệ sĩ từ Saigon Festival Orchestra, Saigon Winds, Impact Theatre Saigon vì đã đồng hành trong chuỗi sự kiện mang ý nghĩa văn hóa này. Ông nhấn mạnh: “Âm nhạc không chỉ vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thời gian mà còn tạo sự đồng cảm, gắn kết giữa các cá nhân, cộng đồng và thế hệ”.

Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nói về vai trò của âm nhạc trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ. Ông kể lại câu chuyện cảm hứng từ người thầy của mình là GS Đặng Đình Áng, nhà toán học xuất sắc, biết chơi nhiều loại nhạc cụ, trong đó có sáo. Với góc nhìn khoa học, ông cho rằng âm nhạc giúp con người mở rộng hiểu biết về tự nhiên và chính bản thân mình.

“Âm nhạc vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa và thời gian, tạo ra sự đồng cảm và gắn kết giữa các cá nhân, cộng đồng và thế hệ. Âm nhạc truyền tải cảm xúc, từ niềm vui, nỗi buồn đến sự thăng hoa của tình yêu và khát vọng, giúp con người hiểu rõ hơn về chính mình và thế giới xung quanh.

Theo ông Quân, kết nối cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn, đó chính là món quà lớn nhất mà âm nhạc mang lại cho nhân loại và cũng là món quà của Nhạc trưởng Trần Nhật Minh và các nghệ sĩ mang đến với sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM.

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ về ý tưởng tổ chức chuỗi chương trình giao hưởng đó là đưa âm nhạc cổ điển vào giảng đường đại học là cách để tạo sự gần gũi và gắn kết giữa nghệ thuật và cộng đồng sinh viên.

Ông cho rằng điều này tạo nên điểm khác biệt nổi bật của Đại học Quốc gia TPHCM so với các chương trình hòa nhạc dành cho học sinh, sinh viên khác. Nhạc trưởng Trần Nhật Minh cũng hy vọng việc tổ chức chuỗi chương trình này sẽ là tiền đề, tạo cơ hội để sinh viên khắp cả nước được tiếp cận với âm nhạc cổ điển.

Qua đó, nhạc trưởng bày tỏ mong muốn mang âm nhạc đến gần giảng đường đại học hơn, tạo điều kiện cho sinh viên được thưởng thức những câu chuyện đẹp đẽ nhất về âm nhạc.

nhac-giao-huong-den-voi-sinh-vien-1.jpg
Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM thưởng thức buổi hoà nhạc đầu tiên chủ đề “Sắc màu giao hưởng”. Ảnh: K.H

 

Kết nối nhạc cổ điển với khán giả trẻ

Mở đầu chương trình “Sắc màu giao hưởng” là hợp xướng trích đoạn “O Fortuna - Carmina Burana” của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff (1895-1982). Đây là một tác phẩm âm nhạc kinh điển, từng xuất hiện trong các bộ phim lớn và là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ biểu diễn trên thế giới.

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh đã tạo không khí thân thiện khi mời gọi khán giả là sinh viên bày tỏ cảm xúc. Ông chia sẻ: “Buổi hòa nhạc diễn ra ở hội trường không phải ở nhà hát, nếu các bạn thấy hay thì cứ mạnh dạn vỗ tay, biểu lộ cảm xúc”.

Một điểm nhấn khác của chương trình là tác phẩm phong cách hài hước “Bài ca người đánh máy” (Typewriter Song) của Leroy Anderson. Tiếng lách cách của máy đánh chữ hòa quyện hoàn hảo với âm thanh của dàn dây, tạo nên sự độc đáo. Tiếng chuông báo mỗi khi chuyển dòng còn làm nổi bật sự tinh tế, biến chiếc máy đánh chữ trở thành một nhạc cụ thực thụ. Tác phẩm này nhận được nhiều tràng pháo tay hào hứng từ khán giả.

Trong khuôn khổ chương trình, các sinh viên đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ, diễn giải từ phía nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Nhạc trưởng đã giới thiệu chi tiết về các thể loại nhạc và văn hóa nhạc giao hưởng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Qua đó, nhạc trưởng kỳ vọng sẽ giúp các bạn học sinh, sinh viên tiếp cận với nhạc giao hưởng, giúp thể loại nhạc này trở nên phổ biến hơn đến với mọi người.

Quỳnh Thư, sinh viên Trường Đại học An Giang, bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em được thưởng thức một buổi hòa nhạc sống động như vậy. Qua phần giới thiệu của Nhạc trưởng Minh, em đã hiểu thêm về nhiều thể loại nhạc và nhạc cụ. Điều này giúp em không chỉ tận hưởng âm nhạc mà còn học được nhiều kiến thức mới”.

Sinh viên Phạm Ngô Hòa Bình (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Em từng nghe nhạc cổ điển nhưng chưa bao giờ được nghe trực tiếp như hôm nay. Những lời giải thích của nhạc trưởng về các phương thức biểu diễn khiến em thêm yêu thích loại hình âm nhạc này”.

Sau buổi biểu diễn tại Hội trường Trần Chí Đáo, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục tổ chức chuỗi chương trình hòa nhạc kéo dài từ tháng 1 đến tháng 7/2025 tại các trường thành viên. Trong các buổi hòa nhạc sắp tới, sinh viên sẽ có cơ hội khám phá nhiều thể loại như opera, nhạc kịch Broadway, jazz và giao hưởng. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng sẽ chia sẻ thêm về cái hay, cái đẹp của từng tác phẩm, giúp khán giả cảm thụ âm nhạc một cách sâu sắc hơn.

Trước đó, tại lễ khai khóa năm 2024, tiết mục giao hưởng do Nhạc trưởng Trần Nhật Minh chỉ huy đã tạo nên dấu ấn, nhận được nhiều sự hưởng ứng từ sinh viên. Nhạc trưởng bày tỏ niềm vui khi đồng hành cùng sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM trong chuỗi hòa nhạc nhằm vun đắp tình yêu âm nhạc và nâng cao nhận thức thẩm mỹ.

Ông nhận định đây là môi trường lý tưởng để cung cấp tri thức và định hình tính cách người học. Với vai trò giám đốc âm nhạc, ông hy vọng nỗ lực của mình sẽ tạo nên những kỷ niệm đẹp cho các bạn trẻ.

Theo nhạc trưởng, chương trình không chỉ mang đến phút giây thư giãn mà còn giúp sinh viên cảm thụ nghệ thuật qua giao lưu và chia sẻ từ các nghệ sĩ. Âm nhạc cổ điển, với giá trị bền vững, sẽ trở nên gần gũi hơn khi sinh viên được trang bị kiến thức. Qua đó, đời sống tinh thần của họ sẽ phong phú hơn, tạo nền tảng cho những trải nghiệm ý nghĩa.

 

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều