Phan Huỳnh Điểu nhạc sĩ - Bậc thầy phổ thơ thành ca khúc hay

07:00 AM, Thứ ba, 19/11/2024
230

Tác giả: Thế Bảo

 

 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu yêu phong trào Thơ Mới từ hồi còn học Trung học. Các nhà thơ Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,... đã giúp chàng nhạc sĩ tuổi đôi mươi có bài hát đầu tay “Trầu cau” lời hay, chải chuốt.

 

Năm 1945, Phan Huỳnh Điểu thử phổ bài thơ “Những người đã chết” của Tế Hanh nhưng không thành công.

 

Năm 1949, tản cư vào sông Vệ Quảng Ngãi, ông phổ bài thơ “Điệu buồn” của Huy Cận nhưng không ưng ý.

 

Tập kết ra Bắc ông không ngừng tìm thơ để phổ như 1959 ông phổ “Bóng cây Kơ-nia” của Ngọc Anh nhưng cảm thấy chưa hài lòng.

 

Sau 1964, ông đi B vào chiến trường khu V, ở Tây Nguyên cảm nhận được âm điệu tâm hồn, cảnh sắc miền Trung, Tây Nguyên và tháng 8 năm 1971, ông ra Bắc chữa bệnh chỉ trong thời gian ngắn đã phổ “Bóng cây Kơ-nia”, Măng Thị Hội hát thành công rực rỡ.

 

Cũng năm 1971, ông phổ “Bài thơ tình yêu” Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) thành ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” và sau đó là “Ngày và đêm” của Bùi Công Minh, một hành khúc rất trữ tình.

 

Năm 1973, ông phổ “Nhớ” của Nông Quốc Chấn, đặc biệt “Sợi nhớ sợi thương” của Thúy Bắc.

 

Năm 1978, Phan Huỳnh Điểu phổ thành công bài thơ “Anh ở đầu sông em cuối sông” của Hoài Vũ

 

Năm 1980 là “Tình yêu thì thầm” Diệp Minh Tuyền

 

Năm 1983, “Ở hai đầu nỗi nhớ” Trần Hoài Thu.

 

Không thể nào không nhắc đến “Thuyền và biển” và “Thư tình mùa thu” của Xuân Quỳnh mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tâm sự: ông ở số nhà 96 phố Huế - Hà Nội cùng nhiều văn nghệ sĩ trong đó có Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, ông rất mừng là Xuân Quỳnh đã được nghe hai bài hát đó.

 

Phan Huỳnh Điểu đã dành thời gian phổ thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,... như những thử nghiệm.

 

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ tài hoa, bậc thầy phổ thơ thành các ca khúc hay mà chúng ta từng được thưởng thức. Tôi muốn nói đôi chút “Tại sao Phan Huỳnh Điểu lại phổ thơ hay đến thế?”

 

1. Trước hết là ý thơ cho ý nhạc:

 

Chúng ta đều biết Phan Huỳnh Điểu từng có lời hát rất hay, ca khúc “Những ánh sao đêm”. Nhưng ông luôn hiểu rằng đọc thơ của những nhà thơ sẽ cho ông từ tứ thơ ra tứ nhạc.

 

Rõ ràng ai cũng biết “Kết đoàn là sức mạnh” nhưng tứ nhạc “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn là có tính thiên tài. Cứ nối vòng tay lớn chúng ta có thể nối cả vòng trái đất, có thể nối cõi âm với cõi dương và sức mạnh vô biên. Các nhạc sĩ rất biết ơn nhà thơ đã cho tứ nhạc mới.

 

2. Chọn thơ:

 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chỉ chọn những bài thơ có tính ca từ. Thi Đường khi các nhà thơ quá chú trọng nghệ thuật chữ nghĩa vần điệu. Thế là đời Tống khi các kinh thành đô thị đầy những kỹ viện, các kỹ nữ cần lời bài hát đã khiến các nhà thơ đời Tống ra đời thể Từ (ca từ). Các nhà thơ Việt Nam muốn thưởng thức ca trù phải biết làn điệu ca trù và làm ca từ.

 

Phan Huỳnh Điểu chỉ chọn những bài thơ lời dễ hiểu, gợi cảm, những bài thơ bí hiểm, triết lý sâu xa nhiều tầng ngữ nghĩa ông bỏ qua. Thúy Bắc với “Sợi nhớ sợi thương” là minh chứng của ca từ.

 

3. Tìm âm hưởng dân ca:

 

Phan Huỳnh Điểu luôn vận dụng dân ca, “Bóng cây Kơ-nia” là Tây Nguyên, “Sợi nhớ sợi thương” âm hưởng Nghệ Tĩnh, “Thuyền và biển”, “Thư tình cuối mùa thu” mang ít nhiều điệu bồng mạc và dân ca Bắc, và một số bài ông dùng dân ca Nam Trung bộ.

 

4. Bắt thơ phải theo nhạc:

 

Phan Huỳnh Điểu luôn mô phỏng (imitation) và nhắc lại (repeat) trong phổ thơ. Âm nhạc nhắc lại để nhớ và đổi mới để quên rồi lại nhắc lại. Mozart từng nói “Ba lần nhắc lại bốn lần thay đổi”. Là luôn nói đến đặc tính nhắc lại  và đổi mới.

 

Khi thơ không nhắc lại thì Phan Huỳnh Điểu sẽ tự nhắc lại, như bài “Sợi nhớ sợi thương”: “Mà anh nghiêng hết ấy mấy về bên em” (2 lần), còn bài “Thơ tình cuối mùa thu”: “Chỉ còn em và anh cùng tình yêu ở lại” (3 lần).

 

Gần đây, nhiều nhạc sĩ phổ hàng trăm bài thơ mà mà không ai nhớ vì chẳng có âm hình ch đáo, chẳng nhắc lại. Như nhạc sĩ Văn Dung chế nhạo: “Thơ đi đâu nhạc bâu theo đó!”.

 

Hôm nay chúng ta học tập nghệ thuật phổ thơ của Phan Huỳnh Điểu, từ đó hiểu được giá trị của những ca khúc phổ thơ đi cùng năm tháng và tiến bước chân ông.,.

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều