Phía sau đô thành những ngày “thu thay áo mới” Tình tự lãng mạn của một cuộc cách mạng

08:13 AM, Thứ sáu, 08/11/2024
318

Tác giả: Nguyễn Trương Quý 

 

Trong những ngày tháng của chính quyền non trẻ, các ca khúc tân nhạc lãng mạn và hành khúc vẫn ra đời và đồng hành không phân biệt. Cuộc đấu tranh giải phóng năm 1945 và toàn quốc kháng chiến năm 1946 lôi cuốn hàng triệu người là vì những tình tự gần gũi mà các tác phẩm tân nhạc góp phần cổ vũ.

 

Khi nói đến âm nhạc trong cao trào giải phóng dân tộc trước và sau năm 1945, người ta dễ nghĩ đến những bài hành khúc sôi sục thúc giục quần chúng “tiến mau ra sa trường”. Song ngay bên trong dòng thác cuồn cuộn khí thế lên đường của âm hưởng cách mạng, âm nhạc giai đoạn trước và sau năm 1945, vẫn có một mạch ngầm những tiếng nói trữ tình trong trẻo đầy chất thơ.

 

Cách mạng cũng cần lãng mạn

 

Những nghiên cứu ngành truyền thông đã chỉ ra rằng, ý niệm quốc gia - dân tộc mới chỉ hình thành từ sau Cách mạng Pháp 1789 và thực sự trở thành tư tưởng bao trùm thế giới hiện đại từ cuối thế kỷ XIX. Tư tưởng này thực tế nằm trong một phức hợp rộng lớn của chủ nghĩa lãng mạn Tây phương.

 

Những nhà tư tưởng ái quốc nhìn thấy ở chủ nghĩa lãng mạn một nền tảng thuận lợi để gieo cấy những hạt mầm “tự do - bình đẳng - bác ái” mà Cách mạng Pháp đã sinh ra. Nhà lãng mạn nhân văn lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX Victor Hugo là một điển hình của người sáng tạo, khi ông viết ra những trang hừng hực khí thế cách mạng trong Những người khốn khổ lẫn bi kịch lãng mạn như Nhà thờ Đức Bà Paris. Thế kỷ sau đó, đến lượt tuổi trẻ của một vùng đất thuộc địa của Pháp đã tìm thấy nguồn cảm hứng này trong sự sáng tạo âm nhạc của họ. 

 

Ngay từ khi tân nhạc chín muồi, các nhạc sĩ đã mau chóng nhận ra chúng là vũ khí cách mạng. Cái tên “nhạc cải cách” đã nói lên ít nhiều về đặc tính này. Thực tế cho thấy, các nhạc sĩ tân nhạc mang trong mình đồng thời cảm xúc bồng bột của tình cảm ái quốc, để cho ra đời các hành khúc nhưng cũng viết những bài tình ca lãng mạn. Thế hệ các nhạc sĩ đầu tiên của tân nhạc vào thời điểm giữa thập niên 1940 cũng mới ở độ tuổi thanh niên, vì vậy mạch trữ tình là tất yếu trong thế giới quan sáng tác của họ.

 

Hoàng Quý, người anh cả của nhóm Đồng vọng - nơi tập hợp những thanh niên Hải Phòng viết những bài hát chủ đề “thanh niên - lịch sử” - bên cạnh những bài hát tráng ca dùng trong sinh hoạt hướng đạo lại rất nổi tiếng với ca khúc Cô láng giềng hay Chùa Hương. Sự song song trong thế giới tinh thần này diễn ra ở các nhạc sĩ trong nhóm, đặc biệt là Văn Cao, người xuất sắc nhất trong khả năng tìm một ngôn ngữ nhất quán giữa cảm thức trữ tình và sử thi. 

 

Hai bìa bản nhạc Bến xuân (Nhà xuất bản Tinh Hoa - 1952) và Đàn chim Việt (Nhà xuất bản Nhà Nhạc Vàng - 1946) của Văn Cao
Hai bìa bản nhạc Bến xuân (Nhà xuất bản Tinh Hoa - 1952) và Đàn chim Việt (Nhà xuất bản Nhà Nhạc Vàng - 1946) của Văn Cao

 

Các sáng tác của Văn Cao có thể làm người nghiên cứu bối rối khi không phân định rạch ròi niên đại của chúng, khi Thiên thai, Suối mơ, Trương Chi được sáng tác cùng thời gian với Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca hay một ca khúc lãng mạn là Bến xuân có thể khoác một cái áo mới của ngôn từ cách mạng là Đàn chim Việt.

 

Người ta có thể thấy một công thức về sự chồng lấn cảm thức của hai dòng nhạc ở đây. Tính chất u huyền, thần tiên trong Thiên thai hay Trương Chi được láy lại trong lời ca về những địa danh lịch sử hay chiến tích cổ xưa. Ngược lại, những nét rắn rỏi chấm phá xuất hiện giữa những cảnh tượng lãng mạn: “Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta. Đàn đêm thâu, trách ai khinh nghèo quên nhau”, hay hình ảnh một nước Việt mới trong trẻo trong hình tượng “chim đang bay qua Bắc sang Trung, người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa. Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca, cánh nhạn vào mây thiết tha, lưu luyến tình vừa qua”.

 

Vẻ đẹp quyến rũ của tình tự dân tộc

 

Lần ngược lại thời gian sáng tác của các bài hát lãng mạn, rất nhiều bài hát đã tìm được đường ra với công chúng, chính là nhờ cao trào giải phóng giành độc lập. Lúc này các cơ sở xuất bản rầm rộ ấn hành các tờ nhạc mới, các bài hát hùng ca lẫn lãng mạn đều bán chạy.

 

Tạ Tỵ đã kể sự ảnh hưởng của Tiến quân ca đối với tên tuổi Văn Cao: “Những nhạc phẩm của Văn Cao được xưng tụng rầm rộ sau ngày cách mạng ôm trọn nước Việt Nam - một phần cũng vì tác giả đã làm ra bài Tiến quân ca, bài ca chính thức của cách mạng”. Nhà xuất bản Tinh Hoa, cơ sở xuất bản tờ nhạc lớn nhất giai đoạn 1945-1956 đã cho thấy một hiện tượng khi những bản nhạc mang chủ đề ái quốc được tái bản rất nhiều lần, đồng thời các tác giả trẻ được khẳng định tên tuổi khi vị thế chính trị của người làm âm nhạc đã được đánh giá cao như người làm công tác vũ trang. 

 

Khi bắt đầu phổ biến những bài hát của mình sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp vào năm 1945, Đỗ Nhuận đã tin cậy gửi gắm một người chơi đàn ghi-ta Hawaii là Đoàn Chuẩn thử nhạc cho bài hát Nhớ chiến khu và nhạc sĩ lãng mạn tương lai đã có một sự góp ý cho giai điệu và lời ca hợp lý hơn, sau đó bài hát chính thức giới thiệu tên tuổi Đỗ Nhuận với công chúng. Những điều này giúp chúng ta hình dung một sự đan quyện giữa tinh thần lãng mạn và khí thế cách mạng của một giai đoạn muôn người như một vì nền độc lập mới.

 

Những bài hát lãng mạn không những không được phân biệt ranh giới với hùng ca, chúng còn được đối xử bình đẳng như là đại diện cho một nền văn hóa mới. Trong những ngày đầu của nền dân chủ cộng hòa, các chương trình biểu diễn âm nhạc có cả bài hát lãng mạn lẫn anh hùng ca. “Một buổi hòa nhạc tưng bừng” là tên một bài báo trên tờ Cứu Quốc ra ngày 5/9/1945, mô tả một chương trình biểu diễn ca nhạc tiếp đón ngoại giao với quan khách gồm “lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa và hơn 500 võ quan và binh sĩ Pháp” ngay sau ngày Quốc khánh tại Nhà hát Lớn.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Thế Phong
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong

 

Bên cạnh các bản nhạc Tây phương được trình diễn thì phần ca nhạc mới gồm những bài nhạc lãng mạn như Con thuyền không bến, Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Thiên thai (Văn Cao) do ca sĩ Bùi Thị Thái hát. Bà chính là nghệ sĩ nhân dân Tuyết Mai của Đài Tiếng nói Việt Nam sau này. Báo Cứu Quốc đã kết luận: “Ba bản nhạc mới: Con thuyền không bến, Giọt mưa thu, Thiên thai do cô Bùi Thị Thái hát đã làm cho mọi người say sưa và đặt nhiều tin tưởng vào tương lai âm nhạc Việt Nam”. Trong những ngày tháng của chính quyền non trẻ, các ca khúc tân nhạc lãng mạn và hành khúc vẫn ra đời và đồng hành không phân biệt.

 

Những bài hát lãng mạn còn có một khía cạnh quan trọng để chúng kết nối với dòng chảy hùng ca, đó là những tình tự quê hương. Các nhạc sĩ tìm thấy vẻ đẹp của chất liệu dân gian và hình ảnh bình dị của thôn ổ để đưa vào bài hát. Cuộc đấu tranh giải phóng năm 1945 và toàn quốc kháng chiến năm 1946 lôi cuốn hàng triệu người là vì những tình tự gần gũi mà các tác phẩm tân nhạc góp phần cổ vũ.

 

Trong khói lửa chinh chiến, những bài hát như Quê hương, Hương lúa đồng quê (Hoàng Giác), Tình nước (Minh Quốc, thơ Chính Hữu) hay Tình quê hương (Việt Lang) gợi ra một sự chia sẻ làm vơi bớt nỗi nhớ nhung về những vùng quê đã ly tán và những mối tình dang dở giữa người ra đi và người ở lại.

 

Trong nhiều trường hợp, tình yêu là sợi dây liên kết chính giữa cặp nhân vật biểu tượng của cao trào đấu tranh giải phóng, mà nhiều nhạc sĩ đã ước lệ thành hình ảnh “chinh phu” và “chinh phụ”. Người “chiến sĩ Việt Nam” (tên bài hát của Văn Cao) và người thiếu phụ đan áo trong Buồn tàn thu chẳng hạn, là những tiền đề cho những người chinh phu ra trận và người vợ bồng con đứng đợi trong bộ ba Hòn vọng phu (Lê Thương) hay những bài dân ca kháng chiến của Phạm Duy.

 

Tình yêu lãng mạn nảy nở ở giữa những đoàn quân, ở chiến khu và nơi thôn dã. Những cô sơn nữ hay em gái quay tơ miền quê được mô tả đầy kiều diễm là những sự lãng mạn hóa khung cảnh của tuổi trẻ.

 

 

Tình yêu giữa anh lữ khách “biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm” cũng là tình yêu của “giếng nước gốc đa nhớ chàng trai làng ra lính”. Nếu so sánh với những bài tân nhạc cuối những năm 1930 thì những bài hát lãng mạn giờ đây đã cho thấy hình tượng con người mới đầy tự tin và bày tỏ tình cảm trực tiếp, cho thấy sự tác động của một ý thức mới của một xã hội trong tiến trình “giải” thực dân.

 

Những nét lãng mạn chính là sự quyến rũ khởi đầu mà cách mạng đã có. Con người trong thời đại của những diễn ngôn đại tự sự, những khẩu hiệu vĩ đại vẫn dành chỗ cho những tâm tình riêng tư, trong trẻo và trữ tình. Nhiều nhạc sĩ đã làm nên tên tuổi ở lần bước ra công chúng vào giai đoạn giữa thập niên 1940, thời mà cả người viết lẫn người nghe ý thức được mình đã mang một tư cách mới - con người của một đất nước thay áo mới. 

 

(Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share