Sáng tạo trong dân ca người Việt

06:57 PM, Thứ năm, 11/04/2024
117

Tác giả: PGS, TS. Nguyễn Đỗ Hiệp

 

Sáng tạo trong và ngoài quá trình thực hành diễn xướng đã tạo nên những yếu tố mới, góp phần tạo thêm sự phong phú, đa dạng cho bài bản, làn điệu và tạo ra nét đặc trưng cho từng loại hình dân ca. Kho tàng dân ca người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ rất phong phú và đa dạng. Từ những loại hình còn đơn sơ, mộc mạc như hát ví, hát đúm, cò lả, trống quân tới những loại hình đã phát triển cao trên phương diện nghệ thuật âm nhạc như hát xẩm, chầu văn, quan họ… ở những giai đoạn phát triển khác nhau, loại hình nào cũng có những yếu tố sáng tạo riêng, xuất phát từ khả năng, thẩm mỹ nghệ thuật của những chủ thể diễn xướng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của cộng đồng.

 

Phát huy nghệ thuật dân gian truyền thống qua Liên hoan Dân ca, dân vũ – Hà Nội năm 2022 – Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn 

 

1. Cơ sở của sáng tạo trong dân ca

 

Theo Từ điển tiếng Việt, “sáng tạo là tạo ra những giá trị mới về vật chất và tinh thần” (1). Hay, “sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần, mới về chất. Các loại hình sáng tạo được xác định bởi đặc trưng nghề nghiệp như khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật, tổ chức, quân sự” (2).

 

Như vậy, sáng tạo là một yếu tố hiện hữu trong nhiều lĩnh vực, nghề nghiệp khác nhau. Có thể hiểu một cách đơn giản về bản chất của sáng tạo, đó là tạo ra cái mới. Trong lĩnh vực nghệ thuật diễn xướng dân gian và dân ca nói riêng, sáng tạo được hiểu là tạo ra những yếu tố mới dựa trên cơ sở của những yếu tố đã có sẵn. Theo Vladimir Propp, “khái niệm sáng tạo hoàn toàn không có nghĩa là tạo nên cái mới tuyệt đối. Cái mới hình thành nên một cách có quy luật từ cái cũ” (3). Chúng ta đã biết, bản thân dân ca đã là một sản phẩm sáng tạo văn hóa tinh thần rất đặc biệt của những cư dân sinh sống ở các địa phương, vùng, miền khác nhau. Thông qua những bài bản, làn điệu cùng với hình thức, phương thức diễn xướng đặc sắc, độc đáo, họ đã thể hiện tài năng phát triển, sáng tạo nghệ thuật rất đáng khâm phục. Trong lao động sản xuất, hội hè đình đám, ban đầu, một người hoặc một vài người hát lên, hò lên một làn điệu nào đó rồi tập thể phát triển, thêm thắt, sửa chữa, bổ sung, rồi làn điệu đó trở thành một sản phẩm nghệ thuật mang “bản sắc” và đặc trưng riêng của một cộng đồng. Một làn điệu dân ca khi đã khẳng định được bản sắc riêng, trở thành sản phẩm sáng tạo chung của một cộng đồng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, bản thân nó đã chứa đựng những yếu tố truyền thống thể hiện qua những nét đặc trưng trong lối tiến hành âm điệu, cách luyến láy, lối phổ nhạc vào lời thơ… để trong quá trình thực hành, lưu truyền, người thưởng thức có thể nhận ra làn điệu đó thuộc loại hình dân ca nào. Xét trên phương diện nghệ thuật, trong một làn điệu dân ca, nếu chúng ta coi những yếu tố có sẵn là yếu tố truyền thống thì những yếu tố mới được coi là yếu tố sáng tạo tiếp nối. Truyền thống và sáng tạo luôn có mối quan hệ hữu cơ, qua lại với nhau. Sáng tạo luôn dựa trên cơ sở truyền thống, nó không nằm ngoài những gì mà truyền thống đã tạo nên. Theo Petr Bogatyrev, dù có vô thức hay có ý thức thì “người sáng tạo vẫn phải đứng nghiêm ngặt trong các ranh giới của cổ truyền” (4). Trong mọi loại hình dân ca, dù có diễn xướng ở môi trường, không gian nào, vào bất kỳ thời điểm nào thì những chủ thể diễn xướng, khi tạo những yếu tố mới cho một làn điệu vẫn phải dựa vào lòng bản (5) để có thể tiếp nối những sáng tạo. Yếu tố sáng tạo trong dân ca có sự tương đồng với hình thức ngẫu hứng trong thể loại nhạc jazz của cộng đồng người Mỹ gốc phi ở New Orleans. Trong trình diễn nhạc jazz, các nghệ sĩ, nhạc công thường dựa vào giai điệu chủ đề, nền hòa âm đặc trưng của một bài nào đó rồi ngẫu hứng, phát triển, biến hóa, sáng tạo. Ở đây, giai điệu chủ đề có thể coi là “lòng bản” và ở những lần phát triển tiếp nối, “bóng dáng’’ của giai điệu chủ đề vẫn còn “phảng phất” để người thưởng thức nhận ra các nghệ sĩ jazz đang trình diễn bài gì. Như vậy, cơ sở của sự sáng tạo trong dân ca luôn thể hiện ở hai yếu tố: “tĩnh” và “động”. “Tĩnh” là yếu tố đã được hình thành, sáng tạo trước đó đã được cộng động chấp nhận và “động” là những yếu tố được sáng tạo tiếp nối. Trong thực hành diễn xướng dân ca người Việt, sáng tạo luôn có vai trò “làm mới”, tăng thêm sự phong phú, đa dạng, sức hấp dẫn và biểu cảm cho làn điệu nhưng vẫn giữ những yếu tố truyền thống để duy trì và tiếp tục phát triển.

 

2. Biểu hiện và ý nghĩa của sáng tạo trong dân ca người Việt

 

Sáng tạo trong quá trình diễn xướng

 

Ứng tác là một yếu tố sáng tạo nổi bật và rất phổ biến trong quá trình thực hành diễn xướng dân ca người Việt. Ứng tác là hình thức thức sáng tác và biểu diễn ngay tại chỗ, không cần có chuẩn bị trước (6). Ứng tác luôn xuất hiện trong quá trình diễn xướng dân ca, là yếu tố mới được các chủ thể diễn xướng đưa vào dựa trên những yếu tố đã có sẵn. Theo Tô Ngọc Thanh, “người hát sử dụng những làn điệu, những bài bản có sẵn rồi đặt lời mới hoặc thêm thắt, sửa chữa” (7). Thêm thắt, sửa chữa, bổ sung những yếu tố mới vào làn điệu là một hình thức rất phổ biến của nghệ thuật ứng tác trong dân ca người Việt, ngoài ra, nó cũng xuất hiện trong dân ca của nhiều tộc thiểu số khác ở Việt Nam. Chẳng hạn, trong dân ca đối đáp giao duyên của người Khơ mú, Frank Proschan có đề cập: “Những yếu tố thêm thắt và đưa đẩy đã làm cho bài hát phức tạp và thú vị hơn sườn bài hay văn bản mẫu” (8). Những yếu tố “thêm thắt và đưa đẩy” ở đây chính là yếu tố sáng tạo rất linh hoạt trong quá trình diễn xướng dân ca đối đáp giao duyên của người Khơ mú.

 

Ứng tác trong quá trình thực hành diễn xướng dân ca người Việt có biểu hiện rất đa dạng, hầu như ở loại hình nào cũng có, mặc dù không có một quy ước cụ thể. Trong những loại hình dân ca đối đáp nam nữ, ứng tác thường xuất hiện tại môi trường, không gian diễn xướng khi những cuộc hát đã đến giai đoạn “cao trào”. Lúc này, xuất phát từ nhu cầu phát triển cả cảm xúc lẫn yêu cầu về nghệ thuật ca hát của các chủ thể diễn xướng và cộng đồng tham dự đã nảy sinh, thúc đẩy ứng tác. Ứng tác là một hình thức ngẫu hứng, tự phát nhưng nó làm cho các cuộc hát đối đáp nam nữ trở nên hấp dẫn, cuốn hút hơn, và từ đó, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật sử dụng ngôn từ cũng được nâng cao hơn.

 

Trong những loại hình dân ca đối đáp nam nữ một làn điệu (9) ở đồng bằng Bắc Bộ như hát ví, hát, đúm, trống quân, cò lả…, ứng tác thường tập trung vào hình thức sáng tác lời ca mới. Ý nghĩa của ứng tác ở đây được xác định: “những lời ca được sáng tác ngay tức thì là nguồn bổ sung, đáp ứng nhu cầu mở rộng đề tài, nội dung của các cuộc hát. Đặc biệt, ứng tác là một cơ hội để trai gái thử tài nhau về vốn liếng thơ, văn, khả năng vận dụng các tích truyện cổ, những câu thơ thuộc dòng văn học viết để sáng tạo lời ca” (10).

 

Trong dân ca đối đáp nam nữ nhiều làn điệu (11), ứng tác là yếu tố sáng tạo thường xảy ra trong tình huống bắt buộc, nó mang ý nghĩa quyết định sự “thành công” hoặc “thất bại” của những chủ thể diễn xướng khi so tài ca hát với nhau. Mã Giang Lân, trong một công trình nghiên cứu về dân ca quan họ Bắc Ninh có nêu: “Sáng tác kịp thời đa số ở cuối cuộc khi cần phải đối lại ngay những bài hát mới của đối phương để gỡ thế bí. Có khi đang hát những bài hát sẵn có bị quên đôi chỗ thì mới phải sáng tác thêm đôi chút cho bài hát hoàn chỉnh cả về âm nhạc và lời ca” (12). Như vậy, tùy thuộc vào những tình huống khác nhau mà trong quá trình diễn xướng, những chủ thể diễn xướng dân ca quan họ đã sáng tạo. Tình huống này cũng thường gặp trong hát văn – một loại hình dân ca tín ngưỡng đặc sắc của người Việt. Trong quá trình diễn xướng hầu đồng, những yếu tố sáng tạo thường xuất hiện với hình thức ứng tác, ứng diễn. Ở loại hình diễn xướng này, có thể thấy vai trò “đa năng” của người cung văn trong việc ứng tác bài bản, làn điệu và ứng diễn tinh tế, nhanh nhạy, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nghệ thuật diễn xướng hầu đồng. Theo Bùi Trọng Hiền, “vừa là nhạc sĩ sáng tác nhạc và lời, vừa là ca sĩ, nhạc công trong một vai tổng hợp, hòa quyện. Không những thế, trong quá trình các ông đồng, bà đồng bắc ghế hầu thánh, người cung văn còn phải kiểm soát mọi cử chỉ, động tác của chân đồng hành lễ, để nhanh chóng thích ứng với tình huống diễn biến, sao cho âm nhạc và các hành động trên chiếu hầu được ăn khớp, đồng điệu” (13). Bằng tài nghệ ứng tác, ứng diễn nhanh nhạy, khả năng ca hát, biến hóa điệu luyện của mình, các cung văn luôn tạo ra những yếu tố sáng tạo mới mẻ, mang lại ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong từng cuộc diễn xướng hầu đồng, góp phần tạo nên một tổng thể nghệ thuật đầy sức hấp dẫn và lôi cuốn.

 

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu có 36 giá đồng, mỗi giá tương ứng với một vị thần, thánh được hóa thân vào các ông đồng, bà đồng. Trong từng giá đồng, cung văn phải hát những bài bản, làn điệu hát văn ca ngợi, kể về sự tích của các vị thần, thánh… Tuy nhiên, trên thực tế của các cuộc hầu đồng, không phải lúc nào cũng “hầu” đủ cả 36 giá mà tùy theo điều kiện cụ thể, khả năng tài chính và căn mạng chính của những thanh đồng mà có thể có những thay đổi nhất định (14). Với thực tế này, trong quá trình diễn xướng hát văn hầu đồng, các cung văn phải rất linh hoạt và nhanh nhạy trong việc sử dụng các bài bản, làn điệu và thêm, bớt, “vào”, “ra” sao cho khớp với từng giá hầu. Chẳng hạn, có những giá hầu dài thì cung văn phải đàn và hát đủ bài bản, làn điệu tương ứng, ngược lại có những giá hầu vừa mới bắt đầu đã kết, bởi vì vị thánh, thần của giá đó “nhập” rồi “thăng” luôn không ở lại, lúc này, yêu cầu người cung văn phải ngẫu hứng, ứng diễn sáng tạo. Thông thường, khi các thánh, các quan nhập rồi “thăng” luôn thì cung văn phải hát câu: “Xe loan thánh giá hồi cung”… để đưa tiễn các thánh, các quan. Hoặc, trong quá trình hát hầu đồng, người cung văn phải hát hoặc thỉnh thoảng lại có những câu “đế” vào cùng với những con nhang đệ tử tham dự lễ hầu đồng nhằm tán thưởng, khen ngợi các thanh đồng, làm hài lòng thanh đồng thì mới được họ ban cho nhiều lộc. Như vậy, có thể thấy, quá trình diễn xướng chầu văn là một tổng thể nghệ thuật nguyên hợp có tính mở và mang tính ngẫu hứng sáng tạo rất cao.

 

Sáng tạo ngoài diễn xướng

 

Sáng tác bài bản, làn điệu ngoài diễn xướng là một yếu tố sáng tạo có chủ đích, mang một tầm cao mới về nghệ thuật so với hình thức ứng tác tại chỗ trong thực hành diễn xướng dân ca người Việt. Sáng tác ngoài diễn xướng thường được thực hiện trước hoặc sau một cuộc hát. Đây là yếu tố sáng tạo có chuẩn bị trước. Với hình thức này, bao giờ người sáng tạo cũng có nhiều thời gian và điều kiện để tạo ra những bài bản, làn điệu trau truốt và có tính nghệ thuật cao hơn hẳn. Trong dân ca quan họ Bắc Ninh, hình thức sáng tác bài bản, làn điệu được hình thành và phát triển từ những cuộc thi hát của các liền anh, liền chị. Theo Lê Hồng Dương, “Các cuộc thi hát quan họ đã có công lao rất lớn trong việc thúc đẩy mọi người học hát thật nhiều, hát thật hay và sáng tác thật giỏi các làn điệu của quan họ (những bài hát hay nhất, mới nhất thường có tác dụng quyết định thắng bại trong các cuộc thi. Những bài hát này hoặc do nghệ nhân sáng tác hoàn toàn, hoặc cải biên, nâng cao, phát triển từ một làn điệu dân ca khác)” (15). Xuất phát từ mục đích luôn phải có “bài độc” để so tài cao thấp trong ca hát mà giữa các liền anh, liền chị và giữa những bọn quan họ khác nhau đã hình thành và phát triển hình thức sáng tác ngoài diễn xướng. Những bài bản, làn điệu được sáng tác mới đạt chất lượng cao về nghệ thuật âm nhạc, mang dấu ấn riêng với nhiều thủ pháp phát triển giai điệu phong phú, đa dạng (16).

 

Khác với các loại hình dân ca chưa phát triển trên phương diện nghệ thuật âm nhạc, sáng tác bài bản, làn điệu được thực hiện trước hoặc sau quá trình diễn xướng dân ca quan họ là một biểu hiện mang lại ý nghĩa to lớn, thúc đẩy sự phát triển không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng bài bản, làn điệu. Bởi vậy mà, “không phải tự nhiên một sớm một chiều đã sẵn có hàng trăm làn điệu với đủ câu ra, câu đối mà trong lịch sử hình thành và phát triển của dân ca quan họ luôn có sự vận động không ngừng với những sáng tạo mới” (17).

 

Trong hình thức sáng tạo ngoài diễn xướng, có một biểu hiện nữa cần lưu ý, đó là sự thu nạp, sử dụng những làn điệu dân ca khác và biến chúng trở thành những làn điệu mang màu sắc, phục vụ cho mục đích nghệ thuật của riêng mình. Biểu hiện này thấy rất rõ trong dân ca quan họ và hát văn. Nếu như ở các loại hình dân ca chưa phát triển về mặt làn điệu, khi hát, người hát chỉ sử dụng một giai điệu để chuyển tải rất nhiều lời ca khác nhau thì trong quan họ và hát văn, trước hoặc sau những cuộc diễn xướng, các nghệ nhân đã sáng tạo ra nhiều làn điệu mới bằng cách đưa âm điệu, tiết tấu, nhịp điệu của những loại hình dân ca thuộc các vùng, miền khác vào hệ thống bài bản, làn điệu của mình. Bởi vậy, trong dân ca quan họ và hát văn, chúng ta thấy dân ca của khắp ba miền đã cùng “hội tụ” vào hệ thống làn điệu của hai loại hình dân ca này nhưng đã được “quan họ hóa” hoặc “chầu văn hóa”. Chẳng hạn, trong dân ca quan họ, chúng ta thấy có cả những điệu lý miền Trung, chèo, tuồng, xẩm…, trong hát văn có các làn điệu dân ca xứ Huế, dân ca Nam Bộ. Có thể nói, những nghệ nhân quan họ và hát văn đã thể hiện tài năng sáng tạo đặc biệt điêu luyện của mình thông qua những thủ pháp sáng tác ngoài diễn xướng.

 

Kết luận

 

Sáng tạo với hình thức ứng tác trong quá trình diễn xướng và sáng tác ngoài diễn xướng đã mang lại cho các loại hình dân ca người Việt những nét tươi mới, hấp dẫn và lôi cuốn. Sáng tạo là yếu tố rất cần thiết đối với sự tồn tại, phát triển của các loại hình dân ca người Việt.

 

Chủ thể sáng tạo chính là những nghệ nhân lâu năm, dày dặn kinh nghiệm trong ca hát và những người am hiểu sâu sắc về nghệ thuật sáng tác dân gian. Họ luôn “làm mới” những câu hát, những làn điệu có sẵn và sáng tác những bài bản, làn điệu mới nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ nghệ thuật của chính mình và cống hiến cho cộng đồng những sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn nhất. Tuy vậy, cũng cần phải nói ngay rằng, sáng tạo cần có cảm hứng và năng lực nghệ thuật nhất định. Nếu có cảm hứng mà thiếu năng lực nghệ thuật thì sáng tạo sẽ kém ý nghĩa. Sáng tạo trong quá trình diễn xướng và ngoài diễn xướng là hai yếu tố bổ sung, thúc đẩy lẫn nhau cùng nhằm mục đích tạo nên sư phong phú, đa dạng, hấp dẫn cho các loại hình, làn điệu dân ca người Việt.

 

Như đã nêu, sáng tạo đôi khi chỉ là một chi tiết rất nhỏ như thêm thắt các từ đệm, một vài âm hình luyến, láy cho “mềm” làn điệu hoặc uốn nắn, sửa chữa, thêm, bớt một vài chi tiết trong giai điệu hay cao hơn nữa là sáng tác một bài bản, làn điệu mới hoàn toàn dựa trên những yếu tố truyền thống. Dù ở hình thái nào, cấp độ nào, sáng tạo cũng là yếu tố hết sức quý giá, nó khẳng định bản sắc và giá trị của từng loại hình dân ca người Việt trong dòng chảy bất tận của các loại hình diễn xướng dân gian Việt Nam.

 

____________________

1, 6. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 2009, tr.1.089.

2. BTV: ACC, Sáng tạo là gì? accgroup.vn, 2023.

3. Vladimir Propp, Đặc trưng của folklore, trong Folklore thế giới một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, 2005, tr.62.

4. Petr Bogatyrev, Truyền thống và ứng tác trong nghệ thuật dân gian, trong Folklore thế giới một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, 2005, tr.498.

5. Khung giai điệu cơ bản của một bài dân ca, nhạc cổ truyền.

7. Tô Ngọc Thanh, Sơ lược về âm nhạc dân gian, trong Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Nxb Khoa học xã hội, 2007, tr.640.

8. Frank Proschan, Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên và hát giao duyên của người Khơ mú, trong Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2010, tr.607.

9. Loại hình dân ca chỉ có một giai điệu dùng để chuyển tải nhiều nội dung lời ca khác nhau.

10. Nguyễn Đỗ Hiệp, Hát đúm của người Việt ở Bắc Bộ, Nxb Khoa học xã hội, 2020, tr.131.

11. Loại hình dân ca có nhiều giai điệu khác nhau, mỗi bài là một giai điệu riêng.

12. Mã Giang Lân, Từ những lề lối của hát quan họ, trong Một số vấn đề về dân ca quan họ, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1972, tr.140.

13. Bùi Trọng Hiền, Âm nhạc chầu văn trong tín ngưỡng Tứ phủ, hoiamnhachanoi.org, 24-5-2020.

14. Sách: Hát văn 36 giá đồng (do các nghệ nhân đền Vua Cha Bát Hải biên soạn), tusachxua.com.

15. Lê Hồng Dương, Về tình hình của phong trào ca hát quan họ trong những năm qua và phương hướng nhiệm vụ sắp tới, trong Một số vấn đề về dân ca quan họ, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1972, tr.12,13.

16. Nguyễn Đỗ Hiệp, Những yếu tố thúc đẩy phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 518, 2022, tr.58.

17. Thanh Lâm, Những “tấm áo mới” của dân ca quan họ, baobacninh.com.vn, 28-5-2020.

 

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (đồng chủ biên), Foklore thế giới một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.

2. Tô Ngọc Thanh, Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

3. Nhiều tác giả, Một số vấn đề về dân ca quan họ, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1972.

 

(Nguồn: http://vanhoanghethuat.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều