ẤN TƯỢNG VỀ ÂM NHẠC ĐƯƠNG ĐẠI THỂ NGHIỆM VIỆT NAM (phần 2)

07:00 AM, Thứ sáu, 04/07/2025
156

Tác giả: Kiều Trung Sơn

 

 

(Tiếp theo)

Âm nhạc thể nghiệm nhìn từ văn hóa âm nhạc

Từ bình diện văn hóa, cách nhìn nhận của tôi chủ yếu/tập trung vào sự thể hiện và tính chủ thể của âm nhạc thể nghiệm.

Tất cả những gì tôi quan sát được cho thấy những chất liệu nghệ thuật trong âm nhạc thể nghiệm mang ý nghĩa biểu tượng, có thể tác động trực tiếp đến cảm quan của con người. Các chất liệu không chỉ âm thanh mà còn có cả hình ảnh trực quan của nguồn tạo ra âm thanh đó, được nhạc sĩ cấu trúc thành một thực thể âm nhạc, trình diễn trong một khoảng thời gian nhất định (dù là rất dài như Vexations). Âm nhạc thể nghiệm khơi gợi ý tưởng mới mẻ, ý thức sáng tạo của con người; tác động vào tư duy, dẫn d người ta suy ngẫm, tự nhìn về bản thân, nhưng cũng khiến người ta suy ngẫm về thế giới, về sự tồn tại và trạng thái của bản thân trong bối cảnh, liên quan đến thế giới đó. Trải nghiệm cùng âm nhạc thể nghiệm có lẽ đòi hỏi một sự suy ngẫm nghiêm túc, tìm về triêt lý sống của mỗi người, không phải là thứ triết lý đã thành khuôn mẫu chung, thành con đường có sẵn dành cho những người muốn yên phận, tuyệt đối tin vào đó. Bởi thế, theo tôi, âm nhạc thể nghiệm là loại âm nhạc có tính biểu tượng, khơi gợi trí tưởng tượng và bản năng sáng tạo của con người. Sự sáng tạo nên tác phẩm âm nhạc thể nghiệm biểu hiện tinh thần dũng cảm khám phá những điều mới lạ trong thế giới nội tâm cũng như mối liên hệ với môi trường sống của con người.

Không chỉ chất liệu nghệ thuật, những phương tiện thể hiện của âm nhạc thể nghiệm cũng đậm tính biểu tượng. Các tác phẩm trình diễn tại Xưởng Nghiên cứu âm nhạc thể nghiệm cho thấy phương tiện diễn tả cơ bản của âm nhạc phổ biến hầu như không xuất hiện trong sự thể hiện của âm nhạc thể nghiệm. Loại âm nhạc này không cần một hệ thống âm thanh nhất quán; tức là không cần đến điệu thức. Nếu như điệu thức là một công cụ quan trọng của tư duy cấu trúc hình thức âm nhạc phổ biến thì với âm nhạc thể nghiệm, nó chẳng có ý nghĩa gì. Phương pháp cấu trúc và thể hiện tác phẩm âm nhạc thể nghiệm rất khác với các phương tiện diễn tả cơ bản của âm nhạc phổ biến.

Âm nhạc thể nghiệm không điệu thức, nên tất nhiên cũng chẳng cần giai điệu cũng như hòa âm trên nền tảng hệ thống âm thanh qui ước nào đó. Điều này có thể khiến cho nhiều người (như tôi), khi mới tiếp xúc với âm nhạc thể nghiệm sẽ có phản ứng thiếu thiện cảm, phủ nhận, không chấp nhận nó thuộc về âm nhạc. Đó là một loại phản ứng văn hóa trước sự khác lạ mà các nhà sáng tạo, biểu diễn âm nhạc thể nghiệm mang lại. Bởi vậy, có thể hiểu được cái lắc đầu hoặc im lặng của giới chức quản lý nghệ thuật trước những đề nghị được cấp phép tổ chức một sự kiện, công diễn chương trình của người hoạt động âm nhạc thể nghiệm. Có vẻ sự kỳ lạ, khác biệt về cách biểu hiện của âm nhạc thể nghiệm đối với các nhà quản lý văn hóa và với số đông công chúng yêu nhạc, khiến nó chưa được tiếp nhận chính thức như là một trong các loại hình âm nhạc Việt Nam, chưa được bất cứ một tổ chức nhà nước nào ở Việt Nam bảo trợ, nâng đỡ.

Ở Việt Nam, không có nhiều nhạc sĩ lựa chọn con đường âm nhạc thể nghiệm. Chọn con đường này họ sẽ phải chấp nhận những phản ứng/ định kiến, phải phớt lờ sự kỳ thị để tiếp tục sáng tạo, tiếp tục thể hiện ý tưởng nghệ thuật mới mẻ của mình. Vấn đề đối với họ là làm sao để các tác phẩm mới có cơ hội trình diễn, xuất hiện thường xuyên hơn trong đời sống xã hội. Dần dần, những điều lạ lẫm mà âm nhạc thể nghiệm biểu hiện sẽ trở nên quen thuộc với đông đảo công chúng; sẽ xuất hiện đội ngũ khán giả quan tâm, những người cảm nhận được tư tưởng thẩm mỹ và sẽ trở nên gần gũi với loại hình âm nhạc này.

Cách sắp đặt, thể hiện các chất liệu nghệ thuật của âm nhạc thể nghiệm trong trình diễn tác phẩm Hai nàng Nguyệt Cô của SonX khiến tôi liên tưởng đến thuật ngữ “giải cấu trúc”/deconstruction. Theo Chris Barker, giải cấu trúc là “tách rời ra, làm lại, để tìm kiếm và trưng bày những giả định, các chiến lược hoa mỹ và những điểm mù của văn bản” (Chris Barker, 2011). Theo đó, tôi hiểu “giải cấu trúc” trong nghệ thuật nghĩa là dbỏ tổng thể của một hình thức nghệ thuật, tách nó ra, chọn từ đó những gì mình cần, để sắp xếp lại, đưa thêm vào những yếu tố mới tạo nên một hình thức nghệ thuật mới. Tác giả SonX đã sử dụng hai nhân vật Súy Vân giả dại (Chèo) và Nguyệt Cô hóa cáo (Tuồng) để sắp đặt một cuộc đối thoại thú vị giữa hai kẻ điên (hai con cáo thành tinh đội lốt người). Một kẻ thấy đau khổ vì buộc phải trở về lốt cáo, một kẻ lại thấy hạnh phúc, sung sướng vì được trở lại lốt cáo, tức là trở về chính mình, về với bản thể tự nhiên của mình. Hai tác phẩm Chèo và Tuồng kể trên đều là những cấu trúc nghệ thuật cổ điển đã được coi như di sản nghệ thuật ca kịch truyền thống của Việt Nam. Việc tách nhân vật chính, điểm hình trong hai tác phẩm nghệ thuật đó để kết hợp, sắp đặt theo một cách thể hiện mới trong một tác phẩm mới, phản ánh những vấn đề  của xã hội đương đại, theo tôi, có thể coi như một ví dụ về “giải cấu trúc” trong âm nhạc thể nghiệm.

Cách “giải cấu trúc” của SonX gợi ý cho khả năng bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua hình thức âm nhạc thể nghiệm. Như thế, nghệ thuật truyền thống không chỉ sống nhờ những cuộc biểu diễn, những cách thể hiện truyền thống; các nhân vật cổ điển không chỉ xuất hiện trong tác phẩm cổ điển, âm nhạc thể nghiệm có thể giúp nghệ thuật truyền thống hiện hữu trong bối cảnh và với hình thức hoàn toàn mới. Cũng nhân vật cổ điển đó thôi nhưng ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật đã biến đổi nhờ được sắp đặt trong cấu trúc nghệ thuật thoát ly hẳn với tích truyện, với bối cảnh tác phẩm truyền thống. Có nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng cách làm này chẳng khác gì phá hoại di sản, làm hỏng nghệ thuật truyền thống; nhưng cũng có ý kiến ủng hộ, coi đó là sự sáng tạo đáng ghi nhận. Sự sáng tạo này cho phép tính truyền thống, chất liệu truyền thống (cũng có thể coi là di sản văn hóa phi vật thể) tồn tại dưới những hình thức mới, phương pháp sáng tác mới.

Bên cạnh đó, xét từ cách thể hiện ngẫu hứng trong âm nhạc thể nghiệm có thể nhận ra sự tương đồng giữa loại âm nhạc này với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Rất nhiều thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam thể hiện khá rõ tính ngẫu hứng. Chẳng hạn như Chèo, Xẩm, hát đối đáp, Đờn ca tài tử… khi biểu diễn có thể tùy ý kéo dài hay rút ngắn cho phù hợp bối cảnh, có thể diễn một nhân vật với nhiều phong cách khác nhau tùy theo cảm xúc và mục đích buổi diễn, có thể tùy ý chọn lời, thay lời cho phù hợp với đối tượng bạn diễn hoặc với đối tượng khán giả…

Từ âm nhạc thể nghiệm nhìn lại

Thắc mắc của tôi về cái tên Khí hậu của âm thanh (Climate Of Sound) đã được Barley Norton giải đáp, đó chính là mục tiêu của dự án, “để phát triển những cách sáng tạo quảng bá, nâng cao tác phẩm nghệ thuật đương đại và di sản văn hóa, tập trung vào các vấn đề liên quan đến môi trường sống và biến đổi khí hậu” (Trích bài giảng của GS. Barley Norton ngày 19/4/2023 tại Hà Nội).

Còn cái tên “Xưởng nghiên cứu”! Sao không gọi là “Lớp nghiên cứu” hay “Dự án nghiên cứu” cho dễ hiểu nhỉ? Người Việt Nam nghe từ “xưởng” là nghĩ tới nơi sản xuất công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, một cái gì đó thuộc về máy móc cơ khí. Xưa nay người ta thường dùng từ “xưởng phim”, “xưởng sản xuất xe bò”, “xưởng đóng tàu”, “xưởng vẽ”… tôi chưa từng nghe “xưởng nghiên cứu”! Đó là lý do tôi thắc mắc. Nghe bài thuyết trình của James Bulley, xem tác phẩm 4’33 của John Cage được trình diễn như thế nào, vì không hiểu gì, tôi tìm trên Google xem Wikipedia giới thiệu thế nào về John Cage và xem các tác phẩm khác của ông, hy vọng sẽ hiểu ra điều gì đó. Tôi tìm xem và nghe được tác phẩm Water walk (YouTube. Nave for Eva, 03/10/2014), thời gian biểu diễn gần 4 phút; vẫn không hiểu gì cả, nhưng nhờ những vật dụng và hoạt động sử dụng đồ vật của người trình diễn Water walk tôi có thể liên tưởng đến một cái “xưởng” sản xuất loại sản phẩm nào đó. Để tìm thêm lý do cho từ “xưởng”, tôi nhớ đến bài thuyết trình của Kim Ngọc về âm nhạc thể nghiệm Việt Nam có đề cập đến “Nhà sàn Studio” (thành lập năm 1998) và hoạt động của các nhà sáng tạo âm nhạc và nghệ thuật đương đại. Tôi cũng ấn tượng với chương trình có cái tên kỳ quặc Dân ca miền không biết. Bấy nhiêu cũng đủ để tôi tự giải thích được tại sao những người tổ chức dự án đặt tên “Xưởng nghiên cứu âm nhạc thể nghiệm” cho dự án Climate of Sound. Những tác phẩm âm nhạc mà tôi đã tìm xem kể trên gắn với những thứ tưởng như linh tinh, lộn xộn các đồ vật hoặc nhạc cụ mà người ta tạo âm thanh từ đó, trong một không gian chẳng giống sân khấu hay nơi trang trọng để biểu diễn âm nhạc thường thấy. Dường như đó là cách “sản xuất” âm nhạc ngẫu hứng tại chỗ, với bối cảnh bất kỳ, không định trước, khám phá sự bất ngờ mà kết quả sáng tạo mang lại. Điều đó khác hẳn với phương pháp sáng tác âm nhạc truyền thống… gọi là “xưởng” vừa đúng với không gian chứa đồ vt tạo âm vừa đúng với cách mà các nhạc sĩ sáng tạo âm nhạc.

Qua phần thuyết trình của James Bulley về lịch sử âm nhạc thể nghiệm Anh dành cho Xưởng Nghiên cứu âm nhạc thể nghiệm ngày 24/4/2023, tôi còn nhận thấy âm nhạc thể nghiệm không phải chỉ là một thể loại mà còn là một thế giới âm nhạc riêng, đa dạng phong cách, thể loại, nhờ những chất liệu âm thanh và phương pháp sáng tạo độc đáo.

Lang thang lướt qua thế giới kỳ l của âm nhạc thể nghiệm, giờ nhìn lại âm nhạc phổ biến, bỗng thấy thế giới âm nhạc này nhỏ bé đi nhiều, tuy nhiên có vẻ đáng yêu hơn. Tất cả các tác phẩm âm nhạc phổ biến đều có màu sắc, hình thức rõ ràng xinh đẹp. Trong thế giới âm nhạc này, tác phẩm nhỏ tựa những bông hoa, những tác phẩm lớn tựa những lâu đài nguy nga lộng lẫy. Âm nhạc phổ biến khơi gợi cảm xúc, đánh thức cảm xúc ở nhiều tầng bậc trong tâm hồn con người, đặc biệt với các tầng yêu - ghét; đau khổ - hạnh phúc; bi thảm - tranh đấu; thất bại - chiến thắng; vui - buồn… Tưởng như thế giới chỉ có vậy là quá đủ, con người đạt tới đó, tự khám phá bản thân đến đó là cùng. Tuy nhiên, âm nhạc thể nghiệm xuất hiện cho thấy không phải như vậy. Trên đời chẳng có gì thực sự rõ ràng giống như tác phẩm âm nhạc phổ biến; thế giới rộng lớn hơn thế rất nhiều; con người còn nhiều việc phải làm ở thế giới mà ở đó có rất nhiều thứ cần được khám phá, kể cả bản thân con người.

Từ âm nhạc thể nghiệm nhìn lại, cũng thấy âm nhạc phổ biến giống như những quả bóng bay đa sắc, giới hạn trong những nguyên tắc, chứa đựng những ước mơ hoài bão, lý tưởng của con người, bay lên trời; dường như con người có thói quen tự huyễn hoặc mình; dường như những cảm xúc mà âm nhạc phổ biến đem lại là giả tạo. Phải chăng đó là những kết quả giả tạo nhưng hữu ích, giúp con người cảm thấy mạnh mẽ hơn, vượt qua mọi vấn đề trong cuộc sống.

Kết luận

Nhìn từ âm nhạc thể nghiệm, khái niệm âm nhạc mở rộng đến mức không còn là “phổ biến” mà đến vô cùng; bất cứ âm thanh nào, từ vật nào, cái gì phát ra mà được một ý tưởng, mục đích, lối tư duy bất kỳ của một người hay nhiều người, sử dụng làm công cụ biểu hiện đều có thể trở thành âm nhạc. Trong tầm lựa chọn của cảm quan tự do, bất cứ vật nào hoặc người nào, cũng có thể trở thành nhạc cụ, thực hiện chức năng nhạc cụ phục vụ cho sự sáng tạo vượt ra ngoài những quy định nghệ thuật hàn lâm, tức là vượt ra ngoài kho tàng tri thức, kinh nghiệm của loài người.

Giờ đây, sau đợt tham gia dự án Climate of Sound, trong tôi bỗng có chút phân vân, chẳng biết âm nhạc phổ biến khai phóng hay trói buộc/hạn chế tư duy của con người. Rõ ràng, âm nhạc phổ biến khiến tôi thấy yêu cuộc sống, yêu con người, thấy rất hay, rất quyến rũ, nhưng cũng khiến tôi dễ kỳ thị, khó chấp nhận sự khác biệt. Bằng chứng là tôi yêu và thần tượng âm nhạc cổ điển, xem thường loại âm nhạc tình ca bi lụy mà người Việt từng gọi “nhạc vàng”. Bởi thế âm nhạc thể nghiệm bỗng khiến tôi có đôi chút hoang mang.

Dù đã có những ấn tượng mạnh từ Xưởng nghiên cứu âm nhạc đương đại thể nghiệm Climate of Sound, nhưng vốn bảo thủ (như một “tín đồ” của âm nhạc phổ biến), thực trong lòng tôi chưa thể yêu thích được âm nhạc thể nghiệm. Tuy nhiên, điều này không quan trọng, âm nhạc thể nghiệm Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển, vẫn có những nhạc sĩ lựa chọn con đường âm nhạc thể nghiệm, tiếp tục sứ mệnh phát triển, đổi mới, mở mang đầu óc, vượt qua những quy tắc, định kiến, khuyến khích tính sáng tạo cho các thế hệ người Việt Nam. Mỗi kết quả sáng tạo lại trở thành nguyên liệu, là cơ sở cho những sáng tạo tiếp theo; không có gì là không thể sáng tạo, nhận thức và tiềm năng sáng tạo của con người là vô hạn.

Âm nhạc thể nghiệm dạy cho tôi biết rằng còn rất nhiều thứ tôi chưa biết trên thế giới này, kể cả bên trong bản thân mình. Nhưng nhờ âm nhạc thể nghiệm, tôi tự nhận ra những định kiến vô lý của bản thân, hướng tôi đến sự tự khai phóng, vượt khỏi những kỳ thị, biết chấp nhận và tôn trọng mọi khác biệt văn hóa.

Tháng 12 năm 2023

 

Tài liệu tham khảo

1. Chris Barker (2011), Nghiên cứu văn hóa lý thuyết và thực hành, Đặng Tuyết Anh dịch theo bản tái bản lần thứ 3, năm 2008, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. James Bulley, Art practice talk, presentation - video dành cho Xưởng Nghiên cứu âm nhạc đương đại thể nghiệm, ngày 24 tháng 4 năm 2023.

3. Barley Norton, Các bài giảng cho học viên Xưởng Nghiên cứu âm nhạc đương đại thể nghiệm, tháng 4 năm 2023, Hà Nội.

4. Trần Kim Ngọc, Âm nhạc thể nghiệm Việt Nam, bài giảng cho lớp học viên Xưởng Nghiên cứu âm nhạc đương đại thể nghiệm, tháng 4 năm 2023, Hà Nội.

5. SonX, Giới thiệu tác phẩm “Hai nàng Nguyệt Cô”, lớp học viên Xưởng Nghiên cứu âm nhạc đương đại thể nghiệm, tháng 4 năm 2023, Hà Nội.

 

Nguồn: tập san Nghiên cứu âm nhạc (Viện Âm nhạc)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều