Bét Tô VUI: Đơn giản và thuần khiết

09:13 AM, Thứ năm, 30/05/2024
243

Mai Đức Hạnh (trả lời phỏng vấn)

 

Mai Đức Hạnh (MĐH) đã dành 6 năm qua để theo đuổi ước mơ đưa âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng rộng lớn hơn với chuỗi sự kiện Bét Tô VUI tại Vui Studio.

 

Dưới đây là bài phỏng vấn MĐH của phóng viên Việt Nam News Nguyễn Bình về Bét Tô VUI.

 

1. Dự án Bét Tô VUI đã được vinh danh là dự án nghệ thuật ý nghĩa của năm do Hanoi Grapevine và cộng đồng khán giả lựa chọn. Bạn vui vì tin này chứ? 

 

MĐH: Tôi phải nói là: Vâng, dĩ nhiên rồi! Và thêm một từ nữa: kinh ngạc!

 

Tôi không phải kiểu người luôn đặt ra mục tiêu gì cả. Không hề. Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm một cái gì đó to lớn, vĩ đại, hay là để trở thành một con người như thế nào đó trưởng thành hơn hay tốt đẹp hơn. Đó không phải con người tôi, và Bét Tô VUI cũng mang tinh thần như thế, không cố quá để trở thành cái gì mang tính thành tích.

 

Tôi bắt đầu Bét Tô VUI một cách rất tình cờ, mà theo người phương Đông vẫn gọi đó là “duyên”.

Vì thế, khi dự án của tôi được người khác ghi nhận dù ở mức độ đơn giản nhất, riêng tư nhất trong các bức thư tay, hay những dòng tin nhắn vụn, và giờ đây là được Hanoi Grapevine ghi nhận, tôi tận hưởng được niềm hạnh phúc và ấm áp từ tất cả sự ghi nhận ấy.

 

2. Bạn có thể kể thêm về Bét Tô VUI được không?

 

MĐH: Đầu tiên tôi muốn nói về môi trường thưởng thức âm nhạc cổ điển ở Việt Nam và ý tưởng của tôi, sau đó tôi giải thích thêm về Bet To VUI.

 

Ở Việt Nam, người ta thường nghĩ nhạc cổ điển là một thứ gì đó xa vời, đẳng cấp, uyên bác, hàn lâm và thậm chí là quá nghiêm túc. Tôi không nghĩ vậy. Âm nhạc cổ điển mà chúng ta nói đến thực ra phải gọi là âm nhạc nghệ thuật phương Tây, vì vậy đặc điểm nổi bật nhất của âm nhạc đó là theo đuổi vẻ đẹp duy mỹ, chạm đến cảm xúc con người.

 

Tôi nghĩ cần phải lan tỏa âm nhạc cổ điển một cách đơn giản nhất, để mọi người có thể thấy đó đơn thuần là âm nhạc, để nghe, để thưởng thức. Đơn giản và thuần khiết. Có rất nhiều nhạc sĩ, tác phẩm, phong cách khác nhau… phù hợp với từng tâm trạng, trạng thái cảm xúc hay những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, mọi người có thể mở rộng tầm hiểu biết và biết cách có nhiều lựa chọn âm nhạc hơn thay vì quanh quẩn với những bài hát có lời đầy ắp khắp mọi nơi, những ca khúc chạy theo xu hướng và sau đó lỗi thời nhanh chóng.

 

Bét Tô VUI ra đời nhằm giúp mọi người hiểu được góc nhìn về âm nhạc cổ điển mà tôi vừa đề cập, đồng thời giúp mọi người biết thêm thông tin xung quanh dòng nhạc đó.

 

Cách tôi dẫn dắt khán giả tại Bét Tô VUI cũng rất đơn giản, giống như việc bạn bè chia sẻ với mọi người những điều mình chưa biết, và Bét Tô VUI cũng cho phép mọi người thoải mái bày tỏ ý kiến, trao đổi cảm xúc.

 

Dĩ nhiên, phần cốt lõi nhất về mặt nội dung vẫn cần đi theo một hệ thống khoa học chắc chắn, với nguồn thông tin chắt lọc từ các sách, vở được giới chuyên môn quốc tế và trong nước công nhận; đồng thời bản thân tôi cũng là một người theo ngành âm nhạc học, tôi cũng rất thận trọng với những gì mình đưa ra để đảm bảo tính khách quan nhất có thể.

Bét Tô VUI là như vậy.

 

3. Qua chuỗi sự kiện với 25 buổi được tổ chức tại Bét Tô VUI vào năm ngoái, bạn có thể nói gì về phản ứng của khán giả?

 

MĐH: Tôi thấy phản ứng tích cực. Vì diện tích địa điểm tổ chức không lớn, độ nổi tiếng chưa cao, nên nếu đo bằng con số để xem xét Bét Tô VUI đã lan toả rộng đến đâu, thì tôi thấy chưa thể nói được gì, thậm chí còn khá khiêm tốn. Mục đích của chúng tôi chưa bao giờ là vì tiền, vì thế tôi cũng không dồn hết sức cho việc PR, quảng cáo. Số lượng không nhiều, nhưng tôi thấy chất lượng khán giả rất tuyệt vời.

 

Tôi thực sự cảm thấy ấm áp vì những gì tôi cảm nhận được từ phía khán giả, những người luôn trung thành đến với Bét Tô VUI tất cả các buổi. Bất cứ hôm nào tôi đến, cũng thấy đủ đầy những khuôn mặt quen thuộc, cứ như thể một lớp học mà mọi người mong được điểm danh vậy (cười). Có ai bỏ lỡ, họ nhờ tôi gửi lại bài chia sẻ trên slide. Khán giả đến với Bét Tô VUI đều là những người rất lịch sự và cầu tiến, họ lắng nghe tôi nói và mạnh dạn nói với tôi những điều họ nghĩ, hoặc nhắn riêng cho tôi để chia sẻ về cảm xúc của họ khi được nghe một đoạn nhạc xúc động.

 

Nhiều khi, vì mở ra Bét Tô VUI này mà tôi có thêm không gian để quen biết khán giả nhiều hơn, được họ cho tôi biết cả những điều về âm nhạc mà trường lớp không dạy tôi. Sự trao đổi này không dễ mà có được.

 

4. Bạn có nghĩ Bét Tô VUI đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả và truyền cảm hứng để họ tiếp cận dễ dàng hơn với dòng âm nhạc này không?

 

MĐH: Đúng vậy. Có rất nhiều người đã theo dõi Bét Tô VUI tại các sự kiện và từ xa, từ thành phố khác hay thậm chí từ nước ngoài qua những gì tôi đăng lên mạng xã hội.

 

Mỗi người đã nói với tôi điều gì đó khác nhau. Có người coi Chopin là tri kỷ, có người thấy Tchaikovsky là niềm an ủi, có người lại kết bạn với Bach, có người lại nói rằng họ không thích những kẻ chiều lòng đám đông như Mozart… Tất cả những phản ứng đó cho thấy Bét Tô VUI đã làm rung động tất cả mọi người.

 

Nhìn xuống khán giả, thấy ánh mắt lấp lánh của mọi người, những cái gật đầu tán thành, những khuôn mặt đầy biểu cảm ngạc nhiên, sợ hãi, ấm áp và buồn bã, đó là những khoảng thời gian hạnh phúc nhất của tôi.

 

5. Và kế hoạch phát triển Bét Tô VUI của bạn là gì?

 

MĐH: Kế hoạch phát triển cho Bét Tô VUI đã và đang được triển khai. Năm 2024 tôi nâng cấp chương trình lên phiên bản mới, là Bét Tô VUI CONCERT. Khán giả sẽ được nghe các nghệ sĩ trình diễn trực tiếp, và đồng hành với sự diễn giải, phân tích tác phẩm từ chính tôi – người tổ chức chương trình và cả từ các nghệ sĩ là những người trực tiếp chơi tác phẩm.

 

Có thể nói, đây là một bước tiến lớn cho chương trình và cho cả cá nhân tôi, cho khán giả nữa. Chúng tôi tổ chức phiên bản Bét Tô VUI CONCERT hàng tháng, song song với chuỗi 25 buổi Bét Tô VUI diễn thuyết.

 

6. Điều gì khiến bạn khởi xướng và thực hiện dự án? 

 

MĐH: Tiền thân của Bét Tô VUI là chương trình A Touch of Classical do anh Khuất Tuấn Anh – chủ của Vui Studio Coffee, một người yêu nhạc thuần khiết khởi xướng. Khi Hạnh tới nghe nhạc và làm bạn, anh Tuấn Anh đã bàn giao cho tôi vì biết tôi học đúng chuyên ngành âm nhạc học.

 

Tôi nhớ rằng, buổi tôi giới thiệu về Beethoven có rất đông khán giả, và lúc đó mọi người nhắn cho tôi rất nhiều để hỏi về nhạc cổ điển. Tôi đã thành lập một nhóm trên mạng xã hội facebook, ghép tên Beethoven với tên địa điểm tổ chức, thành cái tên mới là Bét Tô VUI. (Người Việt gọi Beethoven là “Bet – To – Ven”, không giống cách phát âm chuẩn của người Đức; và trong tiếng Việt, VUI có nghĩa là vui vẻ).

 

Cũng thật hài hước, vì ta đều biết cuộc đời của Beethoven không thực sự vui vẻ mấy, nhưng nếu Beethoven đến với chúng ta ở đây, có lẽ ông ấy sẽ vui khi âm nhạc của ông và các tác giả khác được khán giả đón nhận nhiệt thành.

 

Cứ như vậy, tôi đã tiếp tục tổ chức các buổi giới thiệu về nhạc cổ điển, từ 2018 đến 2021 theo các chủ đề được lựa chọn ngẫu hứng, và từ 2023 có sự sắp xếp thành chuỗi 25 buổi theo một hệ thống cố định.

 

7. Bạn cảm thấy thế nào khi thực hiện dự án?

 

MĐH: Tôi thấy rất thoải mái khi thực hiện tất cả những việc cần làm cho chương trình này. Có thời điểm vì đã lỡ đặt hẹn với khán giả cho nội dung mới hàng tuần, mà tôi phải dành mọi thời gian mình có để soạn chương trình. cùng với nhiều công việc chính ở cơ quan (VNSO), việc dạy piano, tất cả tạo nên cường độ làm việc khá căng, và tôi có lúc thấy mình đuối sức. Nhưng thật may là khi âm nhạc vang lên, tôi luôn thấy mình dịu lại.

 

Link bài báo:https://vietnamnews.vn/life-style/1655998/musicologist-popularises-classical-music-in-a-simple-and-pure-way.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR0LJnNx7Augz4uXJfNAXNWajdIXkqf0gClmUqq_bA6n81dhRE0UA_f5gOs_aem_Ac2ZLSQfjUUv1m2WFQGUd156OinIpqAY1qshczZv68ihuPLPwOr18D21QhGd_EK6NBDGVDdUepbLG6SxdFkawRTk

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều