Ca khúc phái sinh – sáng tạo hay phá nát?

09:13 AM, Thứ hai, 22/04/2024
72

Tác giả: Thuỳ Trang

 

Việc biến tấu ca khúc đôi khi được xem là cách sáng tạo của giới trẻ đối với tác phẩm vốn có giá trị nhất định trong lòng công chúng. Tuy nhiên, biến tấu, làm mới thế nào cũng cần phải tôn trọng quyền tác giả, tôn trọng sự sáng tạo, chất xám của chủ thể.

 

Ồn ào phiên bản “Chú voi con ở Bản Đôn”

 

Mới đây, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên – nhà báo Phạm Hồng Tuyến – bức xúc lên tiếng về việc ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” của cha bà bị biến tấu theo chiều hướng sai so với bản gốc.

 

Theo nhà báo Phạm Hồng Tuyến, trên mạng xã hội đang lan truyền bài hát phái sinh “Chú voi con ở Bản Đôn” với những biến thể âm nhạc lẫn phần lời ca khúc khác với bản gốc. Điều đáng nói là những biến thể này lại được nhiều người lựa chọn.

 

Ca khúc thiếu nhi “Chú voi con ở Bản Đôn” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác, đang trở nên ồn ào vì xuất hiện nhiều bản phái sinh. Ảnh: TƯ LIỆU
Ca khúc thiếu nhi “Chú voi con ở Bản Đôn” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác, đang trở nên ồn ào vì xuất hiện nhiều bản phái sinh. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Không thấy ai xin phép

 

Phiên bản phái sinh “Chú voi con ở Bản Đôn” hiện được không ít người hiểu nhầm là bản chính. Nhạc sĩ Phạm Tuyên khi nghe bản phái sinh đã khẳng định: “Đó không phải là ca khúc của tôi”.

 

Trong số những ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” phái sinh đang lan truyền, nhiều người nghe nhạc đặc biệt chú ý đến phiên bản do Ahu thể hiện. Phiên bản này xuất hiện cách đây 3 tháng, hiện có khoảng 23.000 lượt nghe/xem với ý kiến có khen lẫn chê. Trước đó, phiên bản do Hoài Long thể hiện cách đây 3 năm có đến hơn 300.000 lượt xem.

 

Ngoài ra, những phiên bản do Vũ Nguyên Thảo, Duyên Lê, Lê Anh thể hiện cách đây 1 năm hay Bách Nguyễn trình bày cách đây 3 tháng… đều có khoảng vài chục ngàn lượt xem. So với “Chú voi con ở Bản Đôn” bản gốc do các bé thiếu nhi thể hiện (bản mới nhất được đăng tải trên YouTube cách đây 9 tháng) có gần 30 triệu lượt xem/nghe, những bản phái sinh hoàn toàn bị lép vế về mặt phổ biến.

 

Ca khúc thiếu nhi “Chú voi con ở Bản Đôn” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác, đang trở nên ồn ào vì xuất hiện nhiều bản phái sinh. Ảnh: TƯ LIỆU
Ca khúc thiếu nhi “Chú voi con ở Bản Đôn” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác, đang trở nên ồn ào vì xuất hiện nhiều bản phái sinh. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Điều khiến gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm tư là việc không thấy ai xin phép ông để phái sinh ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn”. Như vậy, họ đã “vi phạm bản quyền” sáng tác. Trong khi đó, theo gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên, năm 2009, những người thực hiện chương trình “Táo quân” từng đến xin phép ông để được cải biên ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” thành “Lụt từ ngã tư đường phố”.

 

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến khẳng định nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ủng hộ sự tìm tòi, sáng tạo, làm mới tác phẩm của ông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi ca khúc mà không hề xin phép tác giả hoặc làm mất đi tinh thần tác phẩm gốc. “Rất mong những ai là người phái sinh ca khúc này thì liên hệ với gia đình chúng tôi để mọi việc được sáng tỏ” – bà Tuyến bày tỏ.

 

Tìm được đường đi mới

 

Vừa qua, việc làm mới một số ca khúc, cụ thể là nhạc Trịnh Công Sơn của ca sĩ Hà Lê với album “Ở trọ” thuộc dự án “Trịnh Contemporary”, đã gây chú ý. Hà Lê đã vẽ lên một diện mạo hoàn toàn mới đến không tưởng của nhạc Trịnh. Những ca khúc quen thuộc trở nên khác hẳn. Cách làm mới này đã được giới chuyên môn thừa nhận và công chúng ưa thích.

 

Thú vị hơn, dự án của Hà Lê còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong các buổi diễn ra mắt tại nhiều nơi, thậm chí trong buổi tiệc tri ân dành cho khách hàng và truyền thông của ca sĩ Hà Lê ở giai đoạn giới thiệu dự án “Trịnh Contemporary”, người của gia đình cố nhạc sĩ luôn hiện diện, cụ thể là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh.

 

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nhìn nhận: “Tôi ngạc nhiên về những gì Hà Lê đã làm. Lạ nhưng sang trọng và vẫn giữ được tinh thần Trịnh Công Sơn. Tiếng hát của Khánh Ly, Hồng Nhung… rất hay nhưng đôi khi không dễ dàng chạm đến trái tim thế hệ trẻ. Để tìm ra đường đi mới nhưng vẫn giữ được tinh thần của nhạc sĩ trong tác phẩm, điều đó rất khó. Tôi tin anh Sơn cũng sẽ rất thích âm nhạc của Hà Lê. Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm này của cậu ấy”.

 

Lối đi của ca sĩ Hà Lê nhận được sự ủng hộ từ giới chuyên môn lẫn khán giả. Bởi lẽ, trong lúc hình thức cover (hát lại) được nhiều ca sĩ sử dụng thì việc làm mới, sáng tạo trên nền tảng cũ đáng được khích lệ. Hà Lê cho thấy anh có cách tiếp cận nhạc Trịnh để mang hơi thở đương đại nhưng không làm mất đi tinh thần của ca khúc.

 

“Trịnh Contemporary” không chỉ là những âm thanh mới, những phá cách mang tính thời đại mà còn mang đến cái nhìn mới mẻ với hình thức cover thường thấy ở đời sống âm nhạc Việt. Hà Lê khá khôn ngoan khi sử dụng những chất liệu “vàng ròng” của nhạc Trịnh để tạo nên điều mới mẻ, mang dấu ấn cá nhân.

 

Trở lại trường hợp “Chú voi con ở Bản Đôn” phiên bản phái sinh, theo giới chuyên môn, trừ những tác phẩm “dân gian” (không rõ tác giả), các ca khúc “sáng tạo” với mục đích nào chăng nữa vẫn phải xin phép tác giả, đó là sự tôn trọng cần thiết. Dù bản phái sinh không mang lợi ích về kinh doanh, thương mại thì vẫn có sự lan tỏa về hình ảnh, lời hát.

 

“Xin phép tác giả là việc không khó. Động thái này biểu hiện sự tôn trọng cần thiết và nên có” – nhạc sĩ Tiến Luân đánh giá.

 

Theo luật định, quyền tác giả gồm quyền nhân thân, quyền sở hữu tác phẩm và quyền phái sinh. Quyền nhân thân là quyền của người tạo lập tác phẩm (quyền này là bất khả xâm phạm). Quyền sở hữu tác phẩm là quyền định đoạt tác phẩm. Có khi quyền nhân thân và quyền sở hữu tác phẩm không thuộc về một người mà là nhiều người (chẳng hạn, với tác phẩm viết theo đơn đặt hàng, quyền sở hữu tác phẩm thuộc về cá nhân, tổ chức đặt hàng theo thỏa thuận). Trong khi đó, quyền phái sinh là quyền sử dụng tác phẩm ấy để tạo ra tác phẩm khác mà không vi phạm quyền nhân thân và quyền sở hữu tác phẩm quy định trong quyền tác giả.

 

Theo những quy định trên, việc đặt lời mới cho ca khúc hay hát cover đều được pháp luật cho phép. Nó thuộc quyền phái sinh, với điều kiện được tác giả tác phẩm gốc đồng ý.

 

Nhiều bài hát nổi tiếng được đặt lại lời để làm MV quảng cáo phát trên các kênh truyền hình và mạng xã hội là thuộc loại này. Chương trình “Gặp nhau cuối năm” (Táo quân) trên VTV thường dùng những ca khúc nổi tiềng để chế lại lời nhằm phục vụ nội dung vở kịch. Còn hát cover (làm mới cách hát cũ) là cách để ca sĩ sáng tạo một lần nữa tác phẩm âm nhạc gốc. Ca sĩ được quyền tạo ra bản phối mới, cách hát mới mà không vi phạm quyền toàn vẹn của ca khúc thể hiện bằng văn bản.

 

Một bản nhạc bằng văn bản có thể có hàng ngàn bản phối khí và cách hát khác nhau. Người nghe có thể không thích ca sĩ sau vì hát tệ hơn những ca sĩ trước đó nhưng không thể quy kết ca sĩ ấy vi phạm tác quyền. Thực tế, có rất nhiều bản cover hay hơn bản đã phổ biến trước đó. Nhạc sĩ Huy Phương từng kiện một nhà sản xuất băng đĩa vì sử dụng ca khúc của ông để sáng tác bài vọng cổ mà không xin phép tác giả, chứ không phải vì việc chuyển thể này làm giảm giá trị tác phẩm của ông.

 

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Chia sẻ:
facebook share
instagram share instagram share

Xem nhiều