Trên thế giới, các vở nhạc kịch nổi tiếng được cảm tác và chuyển soạn từ các tác phẩm văn học kinh điển đều được đón nhận và có ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng khán giả. Có thể kể đến Những người khốn khổ (Les Misérables) của văn hào Victor Hugo, Nữ bá tước Mariza (Grafin Mariza) do nhà soạn nhạc người Hungary Emmerich Kálmán sáng tác…
Ở Việt Nam, chất liệu văn học Việt Nam đã đi vào các tác phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh, hội họa. Việc kể chuyện văn học Việt bằng ngôn ngữ sân khấu phương Tây ở Việt Nam cũng không còn là hy hữu. Tuy nhiên, có thể nói với Giấc mơ Chí Phèo, lần đầu tiên có vở nhạc kịch cảm tác từ văn học Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí về lý do thực hiện vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo, nhà sản xuất Dương Cầm cho hay, giữa rất nhiều “món ăn” nghệ thuật và giải trí, nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả. Nỗ lực thực hiện nhạc kịch của người Việt nhằm mang văn hóa, nghệ thuật, bản sắc của Việt Nam lên sân khấu nhạc kịch theo chuẩn quốc tế.
Trong 90 phút, vở nhạc kịch kể về cuộc đấu tranh của Chí Phèo với tấn bi kịch số phận. Chí Phèo với xuất thân và diện mạo bám sát nguyên tác văn học của nhà văn Nam Cao. Tuy nhiên, Giấc mơ Chí Phèo không nặng về tâm lý và đi sâu vào mô tả hiện thực đời sống của tầng lớp con người trong xã hội phong kiến, mà hướng tới yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở. Qua đó, tái hiện tinh thần văn học qua góc nhìn nhân văn, thông qua âm nhạc để thể hiện một Chí Phèo "bình thường và thiện lương", tôn vinh giá trị của tình yêu chân thành cứu rỗi con người trong mọi hoàn cảnh.
Theo Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, đơn vị chỉ đạo sản xuất của vở nhạc kịch, hầu hết nghệ sĩ biểu diễn trong vở diễn đều là các giọng hát trẻ trung, tươi mới, giàu tài năng. Vai Chí Phèo do nghệ sĩ Đông Hùng thủ vai, mang đến giọng ca nội lực, tình cảm. Vai Thị Nở do giọng ca Hoàng Thái Phương đảm nhiệm, với chất giọng ngọt ngào, sâu lắng.
(Nguồn: https://daibieunhandan.vn/)